Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

133. KINH ƯU-BÀ-LY

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa tại Na-lan-đà, trong vườn xoài Ba-bà-ly.

Lúc bấy giờ, Trường khổ hạnh Ni-kiền, sau giờ ăn trưa, ung dung đi đến chỗ Phật, và sau khi chào hỏi, ngồi xuống một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn bèn hỏi:

- Nhà khổ hạnh Ni-kiền Thân Tử chủ trương có bao nhiêu hành vi để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

- Thưa Cù-đàm, Tôn sư của tôi, Ni-kiền Thân Tử, không giảng dạy cho chúng tôi về những hành vi để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Nhưng người giảng dạy chúng tôi về sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp.

Thế Tôn lại hỏi:

- Nhà khổ hạnh Ni-kiền Thân Tử chủ trương có bao nhiêu sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

- Thưa Cù-đàm, Tôn sư của tôi, Ni-kiền Thân Tử, giảng dạy cho chúng tôi về ba sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Những gì là ba? Đó là sự trừng phạt bằng thân, sự trừng phạt bằng miệng và sự trừng phạt bằng ý.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

- Thân phạt, khẩu phạt, ý phạt có khác nhau chăng?

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

- Thưa Cù-đàm, đối với chúng tôi, thân phạt khác, khẩu phạt khác, ý phạt khác.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

- Này khổ hạnh, các sự trừng phạt này đều giống nhau như vậy, Ni-kiền Thân Tử chủ trương trừng phạt nào nặng hơn hết để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? Sự trừng phạt của thân chăng? Của khẩu chăng? Của ý chăng?

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

- Thưa Cù-đàm, ba sự trừng phạt này đều giống nhau như vậy, Tôn sư tôi, Ni-kiền Thân Tử, chủ trương thân phạt là nặng hơn hết, để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp; khẩu phạt thì không phải vậy; ý phạt thì nhẹ nhất, không bằng thân phạt rất lớn lao, rất nặng nề.

Thế Tôn lại hỏi:

- Này khổ hạnh, ông nói thân phạt nặng nhất chăng?

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

- Thưa Cù-đàm, thân phạt nặng nhất.

Đức Thế Tôn lại hỏi lần thứ ba:

- Này khổ hạnh, ông nói thân phạt nặng nhất chăng?

Trường khổ hạnh Ni-kiền cũng ba lần đáp lại:

- Thưa Cù-đàm, thân phạt nặng nhất.

Đức Thế Tôn thẩm định ba lần Trường khổ hạnh Ni-kiền việc như vậy xong, bèn ngồi im lặng.

Trường khổ hạnh Ni-kiền hỏi:

- Sa-môn Cù-đàm chủ trương có bao nhiêu sự trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?

Bấy giờ, đức Thế Tôn đáp:

- Này khổ hạnh, Ta không giảng thuyết về những trừng phạt để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Ta chỉ giảng thuyết về nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp.

Trường khổ hạnh Ni-kiền-tử hỏi:

- Cù-đàm chủ trương có bao nhiêu nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp?

Thế Tôn đáp lại:

- Này khổ hạnh, Ta giảng thuyết về ba nghiệp để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Thế nào là ba? Là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp.

Khổ hạnh Ni-kiền lại hỏi:

- Cù-đàm, thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác chăng?

Thế Tôn đáp:

- Ta nói thân nghiệp khác, khẩu nghiệp khác, ý nghiệp khác vậy.

Trường khổ hạnh Ni-kiền hỏi:

- Thưa Cù-đàm, ba nghiệp này đều giống nhau như vậy, Ngài chủ trương nghiệp nào nặng nhất để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp? Là thân nghiệp chăng? Khẩu nghiệp chăng? Ý nghiệp chăng?

Thế Tôn lại đáp:

Này khổ hạnh, ba nghiệp này đều giống nhau như vậy, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp; thân nghiệp và khẩu nghiệp thì không phải vậy.

Trường khổ hạnh Ni-kiền hỏi:

- Cù-đàm chủ trương ý nghiệp là nặng nhất chăng?

Thế Tôn đáp:

- Này khổ hạnh, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất.

Trường khổ hạnh Ni-kiền lại hỏi đến ba lần:

- Cù-đàm chủ trương ý nghiệp là nặng nhất chăng?

Thế Tôn cũng trả lời đến ba lần:

- Này khổ hạnh, Ta giảng thuyết ý nghiệp là nặng nhất vậy.

Trường khổ hạnh Ni-kiền ba lần thẩm định Thế Tôn sự việc đó như vậy xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu ba vòng quanh Thế Tôn rồi lui về, đi đến chỗ Ni-kiền Thân Tử. Ni-kiền Thân Tử từ xa thấy Trường khổ hạnh đi đến, liền hỏi:

- Này khổ hạnh, ông từ đâu đến vậy?

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

- Tôi từ Na-lan-đà, vườn xoài Ba-bà-ly, tại chỗ của Sa-môn Cù-đàm đến đây.

Ni-kiền Thân Tử hỏi:

- Này khổ hạnh, ông có cùng Sa-môn Cù-đàm bàn luận không?

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

- Có bàn luận với nhau.

Ni-kiền Thân Tử nói rằng:

- Này khổ hạnh, nếu đã cùng với Sa-môn Cù-đàm bàn luận thì hãy nói hết cho ta nghe, để hoặc giả ta biết được luận thuyết của vị ấy.

Rồi Trường khổ hạnh Ni-kiền mới đem sự việc thảo luận với Thế Tôn nói lại hết cho ông nghe.

Ni-kiền Thân Tử nghe xong, khen rằng:

- Hay thay, khổ hạnh! Ông đối với Tôn sư đã làm đúng pháp của đệ tử. Ông là người mà việc phải làm được thành biện bằng trí tuệ, với quyết định thông minh, với sự trầm tĩnh, không sợ hãi, hoàn toàn tự tin tưởng, đã đạt đến tài hùng biện, đã bắt được ngọn cờ cam lộ, ở trong cảnh giới cam lộ, tự thân chứng ngộ, thành tựu an trú. Vì sao vậy? Ông vừa rồi đối với Sa-môn Cù-đàm mà giảng thuyết thân phạt nặng nhất để không hành ác nghiệp, không gây ác nghiệp. Khẩu phạt không như vậy, ý phạt càng kém hơn, không bằng thân phạt rất lớn lao, rất trầm trọng.

Khi ấy, cư sĩ Ưu-bà-ly cùng năm trăm cư sĩ tập trung trong chúng, chắp tay hướng về Ni-kiền Thân Tử. Rồi cư sĩ Ưu-bà-ly nói với Trường khổ hạnh Ni-kiền rằng:

- Ngài đã ba lần thẩm định Sa-môn Cù-đàm việc như vậy?

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

- Cư sĩ, ta đã ba lần thẩm định Sa-môn Cù-đàm việc như vậy.

Cư sĩ Ưu-bà-ly nói với Trường khổ hạnh Ni-kiền:

- Tôi cũng có thể đến thẩm định ba lần Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Cũng như người lực sĩ nắm cái bờm dài của con dê, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý; tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định ba lần Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Cũng như người lực sĩ cầm áo bông giũ bụi; tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định ba lần Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi lôi kéo đi đâu tùy ý. Cũng như con voi chúa đã sáu mươi tuổi, là một đại long tượng kiêu ngạo, đủ ngà, đủ vóc, gân sức mạnh mẽ; một lực sĩ dẫn đi, lấy nước rửa bắp vế, rửa xương sống, rửa sườn, rửa bụng, rửa ngà, rửa đầu và giỡn chơi trong nước; tôi cũng như vậy, có thể đến thẩm định ba lần Sa-môn Cù-đàm việc như vậy, rồi tùy theo chỗ mà tẩy. Tôi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm cùng ông ta bàn luận, hàng phục xong rồi trở về.

Ni-kiền Thân Tử nói với cư sĩ Ưu-bà-ly:

- Ta cũng có thể hàng phục Sa-môn Cù-đàm, ông cũng có thể, Trường khổ hạnh Ni-kiền cũng có thể vậy.

Khi ấy, Trường khổ hạnh thưa với Ni-kiền Thân Tử:

- Tôi không muốn để cho cư sĩ Ưu-bà-ly đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn thuật, có thể dùng chú huyễn thuật biến hóa làm đệ tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Tôi sợ cư sĩ Ưu-bà-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử.

Ni-kiền Thân Tử nói:

- Khổ hạnh, cư sĩ Ưu-bà-ly mà bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử, việc đó hoàn toàn không có. Sa-môn Cù-đàm bị cư sĩ Ưu-bà-ly biến hóa làm đệ tử, chắc chắn có việc ấy.

Cư sĩ Ưu-bà-ly bạch lại lần thứ ba với Ni-kiền Thân Tử:

- Hôm nay tôi đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm cùng ông ấy đàm luận, hàng phục xong rồi trở về.

Ni-kiền Thân Tử cũng đáp lại lần thứ ba:

- Ông nên đi nhanh đi. Ta cũng có thể hàng phục Sa-môn Cù-đàm, ông cũng có thể, Trường khổ hạnh Ni-kiền cũng có thể vậy.

Trường khổ hạnh Ni-kiền bạch lại lần thứ ba:

- Tôi không muốn để cho cư sĩ Ưu-bà-ly đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn thuật, có thể dùng chú thuật biến hóa làm đệ tử, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Tôi sợ cư sĩ Ưu-bà-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử.

Ni-kiền Thân Tử nói:

- Khổ hạnh, cư sĩ Ưu-bà-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử, việc đó hoàn toàn không có. Sa-môn Cù-đàm bị cư sĩ Ưu-bà-ly biến hóa làm đệ tử, chắc chắn có việc ấy. Cư sĩ Ưu-bà-ly, ngươi hãy đi tùy ý.

Lúc ấy, cư sĩ Ưu-bà-ly cúi đầu sát chân Ni-kiền Thân Tử ba lần rồi đi đến chỗ Phật, chào hỏi Phật rồi ngồi sang một bên và hỏi:

- Thưa Cù-đàm, ngày nay có Trường khổ hạnh Ni-kiền đến đây không?

Đức Thế Tôn đáp:

- Cư sĩ, có đến!

Cư sĩ Ưu-bà-ly hỏi:

- Ngài có cùng với Trường khổ hạnh đàm luận chăng?

Đức Thế Tôn đáp:

- Có cùng đàm luận!

Cư sĩ Ưu-bà-ly nói:

- Thưa Sa-môn Cù-đàm, nếu Ngài có cùng với Trường khổ hạnh Ni-kiền đàm luận thì xin Ngài thuật lại cho tôi nghe; hoặc giả sau khi nghe xong, tôi biết được việc đó.

Rồi Thế Tôn thuật hết lại những điều mà Ngài cùng với Trường khổ hạnh đàm luận cho Ưu-bà-ly nghe.

Lúc đó, cư sĩ Ưu-bà-ly nghe rồi, liền khen:

- Hay thay, khổ hạnh. Như vậy mới gọi là đối với Tôn sư thực hành đúng pháp của một đệ tử, điều phải làm được thành biện bằng trí tuệ, với quyết định thông minh, với sự trầm tĩnh, không sợ hãi, với sự hoàn toàn tự tin tưởng, đạt đến đại biện tài, bắt được ngọn cờ cam lộ, ở trong cảnh giới cam lộ mà tự tác chứng, thành tựu an trú. Vì sao? Vì đã đối với Sa-môn Cù-đàm mà trình bày thân phạt là tối trọng để không hành ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp. Khẩu phạt không như vậy, ý phạt càng kém hơn, không bằng thân phạt, vốn rất cao lớn, rất nặng nề.

Khi đó, đức Thế Tôn bảo:

- Cư sĩ, Ta muốn cùng ông bàn luận về việc này. Nếu như an trú trong sự thật thì bằng sự thật mà đáp.

Cư sĩ Ưu-bà-ly đáp:

- Thưa Cù-đàm, tôi an trú trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này.

Đức Thế Tôn hỏi:

- Cư sĩ, ông nghĩ sao? Ở đây, nếu Ni-kiền ưa bố thí, thích làm việc bố thí, không hý luận, không ưa hý luận, rất thanh tịnh, chuyên hành chú; nếu khi người đó đi đến đây, đạp chết nhiều côn trùng lớn, nhỏ thì thế nào cư sĩ? Nikiền Thân Tử đối với việc sát sanh này chủ trương có quả báo ra sao?

Cư sĩ Ưu-bà-ly đáp:

- Thưa Cù-đàm, nếu người ấy cố ý thì có tội lớn, nếu không cố ý thì không có tội lớn.

Đức Thế Tôn hỏi:

- Cư sĩ, ông nói cố ý là thế nào?

Cư sĩ Ưu-bà-ly đáp:

- Thưa Cù-đàm, đó là ý nghiệp vậy.

Đức Thế Tôn bảo:

- Cư sĩ, ông nên suy nghĩ rồi trả lời. Những điều ông nói trước trái với sau, sau trái với trước, không phù hợp nhau. Cư sĩ, ông ở trong chúng này tự nói: “Cù-đàm, tôi an trú trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này.” Cư sĩ, ông nghĩ sao? Nếu có Ni-kiền chỉ uống nước nóng, dứt hẳn nước lạnh, nhưng khi không có nước nóng, bèn muốn uống nước lạnh, không có nước lạnh, người ấy liền chết; thì này cư sĩ, Ni-kiền Thân Tử có thể nói thế nào là chỗ thác sanh của Ni-kiền ấy?

Cư sĩ Ưu-bà-ly đáp:

- Thưa Cù-đàm, có loại trời gọi là Ý Trước. Vị Ni-kiền đó mạng chung do ý có chấp trước tất sanh vào chỗ ấy.

Đức Thế Tôn bảo:

Cư sĩ, ông nên suy nghĩ rồi trả lời. Những điều ông nói trước trái với sau, sau trái với trước, không phù hợp nhau. Ông ở trong chúng này tự nói: “Cù đàm, tôi an trú trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này.” Cư sĩ nghĩ sao? Giả sử có người cầm dao bén tới đây, người ấy nói rằng: “Trong một ngày, tôi chém đầu, lột da, xẻ thịt tất cả chúng sanh ở trong xứ Na-lan-đà này, chất thành đống thịt, làm thành khối thịt.” Cư sĩ, ông nghĩ sao? Người ấy có thể trong một ngày mà chém đầu, lột da, xẻ thịt tất cả chúng sanh ở xứ Na-lan-đà này, chất thành đống thịt, làm thành một khối thịt không?

Cư sĩ Ưu-bà-ly đáp:

- Không thể! Vì sao như vậy? Xứ Na-lan-đà này quá giàu có, an vui, nhân dân đông đúc; cho nên, người ấy chắc chắn không thể chém đầu, lột da, xẻ thịt tất cả chúng sanh chất thành đống thịt, làm thành khối thịt được. Thưa Cù-đàm, người ấy chỉ gây phiền nhọc vô ích.

Đức Thế Tôn bảo:

- Cư sĩ, ông nghĩ sao? Nếu có Sa-môn, Phạm chí đến, có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm được tự tại, người ấy nói như vầy: “Ta chỉ khởi một niệm sân làm cho cả xứ Na-lan-đà này thiêu rụi thành tro.” Này cư sĩ, ông nghĩ sao? Sa-môn, Phạm chí ấy có thể làm cho cả Na-lanđà này thiêu rụi thành tro không?

Cư sĩ Ưu-bà-ly đáp:

- Thưa Cù-đàm, đâu phải chỉ một Na-lan-đà, đâu phải chỉ hai, ba, bốn. Thưa Cù-đàm, Sa-môn, Phạm chí kia có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tâm được tự tại; nếu khởi lên một niệm sân thì có thể làm cho cả nước, cả nhân dân thiêu rụi thành tro, huống gì một Na-lan-đà?

Đức Thế Tôn bảo:

- Cư sĩ, ông nên suy nghĩ rồi sẽ trả lời. Những điều nói trước trái với sau, sau trái với trước, không phù hợp nhau. Ông ở tại chúng này, tự nói: “Sa-môn Cù-đàm, tôi an trú trong sự thật và bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này.” Đức Thế Tôn hỏi:

- Cư sĩ, ông có từng nghe rừng Đại Trạch, rừng Kỳ Lân, rừng Mê Lộc, rừng Tịch Tịnh, rừng Không Dã, tại sao những khu rừng ấy là những khu rừng?

Cư sĩ Ưu-bà-ly đáp:

- Thưa Cù-đàm, tôi có nghe.

- Cư sĩ, ông nghĩ sao? Vì ai mà rừng Đại Trạch, rừng Kỳ Lân, rừng Mê Lộc, rừng Tịch Tịnh, rừng Không Dã, tại sao những khu rừng này là những khu rừng?

Cư sĩ Ưu-bà-ly im lặng không đáp:

Đức Thế Tôn bảo:

- Cư sĩ, hãy trả lời nhanh đi! Hãy trả lời nhanh đi! Bây giờ không phải là lúc im lặng. Cư sĩ, ở tại chúng này, ông tự nói: “Thưa Cù-đàm, tôi an trú trong sự thật, bằng sự thật mà đáp. Sa-môn Cù-đàm, hãy nên cùng tôi bàn luận việc này.”

Lúc ấy, cư sĩ Ưu-bà-ly chỉ im lặng trong chốc lát, rồi nói:

- Thưa Cù-đàm, tôi không im lặng. Tôi chỉ suy nghĩ về ý nghĩa này vậy. Thưa Cù-đàm, những Ni-kiền ngu si không hiểu rõ ràng, không thể giải biết, không biết khoảnh ruộng tốt, mà không tự xem xét, cứ mãi lừa dối tôi. Tôi mê lầm vì họ, nghĩa là họ giảng thuyết với Sa-môn Cù-đàm thân phạt là nặng nhất, để không làm ác nghiệp, không tạo tác ác nghiệp, khẩu phạt và ý phạt không bằng. Do lời dạy của Sa-môn Cù-đàm mà tôi hiểu nghĩa. Bởi vì tiền nhân khởi một niệm sân mà có thể làm cho rừng Đại Trạch, rừng Kỳ Lân, rừng Mê Lộc, rừng Tịch Tịnh, rừng Không Dã, những khu rừng này trở thành những khu rừng. Bạch Thế Tôn, con đã hiểu! Bạch Thiện Thệ, con đã rõ! Bạch Thế Tôn, con nay xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo! Cúi mong Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời nguyện đem mình quy y cho đến khi mạng chung!

Đức Thế Tôn bảo:

- Cư sĩ, ông hãy im lặng mà làm, không nên tuyên bố, sự im lặng của người thù thắng như vậy là tốt đẹp!

Cư sĩ Ưu-bà-ly bạch:

- Bạch Thế Tôn, với sự kiện này, đối với Thế Tôn, con lại bội phần hoan hỷ. Vì sao như vậy? Vì Thế Tôn đã nói như thế nầy: “Cư sĩ, ông hãy im lặng mà làm, không nên tuyên bố, sự im lặng của người thù thắng như vậy là tốt đẹp.” Bạch Thế Tôn, như con mà làm đệ tử của các Sa-môn, Phạm chí khác thì họ đã cầm tràng phan, dù, lọng, đi tuyên bố khắp Na-lan-đà nói như thế này: “Cư sĩ Ưu-bà-ly đã làm đệ tử ta! Cư sĩ Ưu-bà-ly đã làm đệ tử ta!” Nhưng Thế Tôn lại nói như thế này: “Cư sĩ, ông hãy im lặng mà làm, không nên tuyên bố, sự im lặng của người thù thắng là tốt đẹp.” Cư sĩ Ưu-bà-ly lại bạch:

- Bạch Thế Tôn, từ nay về sau, con không cho các Ni-kiền đi vào nhà con, chỉ có Thế Tôn và bốn chúng đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di vào mà thôi.

Đức Thế Tôn bảo:

- Cư sĩ, các Ni-kiền-tử kia cùng với gia đình ông trong một thời gian dài đã tôn kính nhau, nếu họ có đến thì ông nên tùy theo khả năng của mình mà cúng dường họ.

Ưu-bà-ly bạch:

- Bạch Thế Tôn, với sự kiện này, đối với Thế Tôn con lại bội phần hoan hỷ. Vì sao? Vì Thế Tôn đã nói như thế này: “Cư sĩ, các Ni-kiền kia đối với gia đình ông trong một thời gian dài đã tôn kính nhau, nếu họ đến thì ông nên tùy theo khả năng của mình mà cúng dường họ.” Bạch Thế Tôn, ngày trước, con nghe nói Thế Tôn dạy như thế này: “Nên cho Ta, đừng cho người khác; nên cho đệ tử Ta, đừng cho đệ tử người khác. Nếu cho Ta sẽ được phước lớn, nếu cho người khác thì không được phước lớn; cho đệ tử Ta thì sẽ được phước lớn, cho đệ tử người khác thì không được phước lớn.” Đức Thế Tôn bảo:

- Cư sĩ, Ta không nói như thế. Ta không nói: “Nên cho Ta, đừng cho người khác; cho đệ tử Ta, đừng cho đệ tử người khác. Nếu cho Ta thì phước lớn, nếu cho người khác thì không được phước lớn; cho đệ tử Ta sẽ được phước lớn, nếu cho đệ tử người khác thì không được phước lớn.” Cư sĩ, Ta nói như thế này: “Cho tất cả tùy theo tâm hoan hỷ. Nhưng cho người không tinh tấn thì không được phước lớn, cho người tinh tấn sẽ được phước lớn.” Cư sĩ Ưu-bà-ly bạch:

- Bạch Thế Tôn, xin nguyện không làm gì cả. Con tự biết nên cho Ni-kiền hay không nên cho Ni-kiền. Bạch Thế Tôn, hôm nay, một lần nữa, con xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo! Cúi xin Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc, từ nay về sau trọn đời quy y!

Khi ấy, đức Thế Tôn thuyết pháp cho cư sĩ Ưu-bà-ly, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ rồi; như pháp của chư Phật, trước hết đức Phật nói pháp đoan chánh khiến người nghe hoan hỷ; ấy là nói pháp bố thí, trì giới, sanh thiên, chê bai dục là tai họa, sanh tử là nhớp nhơ, khen vô dục là đạo phẩm vi diệu, là bạch tịnh. Thế Tôn nói pháp như vậy cho ông nghe xong, Ngài biết ông có tâm hoan hỷ, tâm cụ túc, tâm nhu nhuyến, tâm kham nại, tâm tăng thượng, tâm hướng đến, tâm không nghi ngờ, tâm không triền cái, có năng lực nhận lãnh Chánh pháp. Rồi như pháp chánh yếu mà chư Phật đã nói, đức Thế Tôn liền nói khổ, tập, diệt, đạo cho ông nghe. Cư sĩ Ưu-bà-ly ngay tại chỗ ngồi, đã thấy bốn Thánh đế: Khổ, tập, diệt, đạo. Cũng như tấm vải trắng dễ nhuộm sắc màu, cũng vậy, cư sĩ Ưu-bà-ly, ngay tại chỗ ngồi, thấy bốn Thánh đế: Khổ, tập, diệt, đạo. Ngay khi đó, cư sĩ Ưu-bà-ly thấy pháp, đắc pháp, biết pháp bạch tịnh, đoạn nghi, trừ hoặc, không còn tôn quý ai hơn, không theo ai khác, không có do dự, đã trụ quả chứng. Đối với pháp của Thế Tôn, ông được Vô sở úy, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật và bạch:

- Bạch Thế Tôn, hôm nay con đã ba lần xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo! Cúi mong Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời nguyện đem mình quy y cho đến khi mạng chung!

Rồi cư sĩ Ưu-bà-ly sau khi nghe pháp được Phật giảng dạy, khéo thọ trì, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, đi quanh ba vòng, trở về nhà, bảo người đứng giữ cửa:

- Các ông nên biết, nay ta là đệ tử của đức Thế Tôn. Từ nay về sau, các Ni-kiền-tử đến, chớ cho vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của đức Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di vào mà thôi. Nếu có Ni-kiền đến thì nói với họ: “Tôn giả, cư sĩ Ưu-bà-ly nhận sự giáo hóa của Phật, đã làm đệ tử Phật, nên không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho bốn chúng của đức Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di vào mà thôi.” Nếu họ cầu xin ăn, nên bảo họ đứng đó, rồi đem cơm ra cho.

Khi đó, Trường khổ hạnh Ni-kiền nghe cư sĩ Ưu-bà-ly nhận sự giáo hóa của Sa-môn Cù-đàm, xin làm đệ tử và không cho Ni-kiền vào cửa, chỉ cho đệ tử của Sa-môn Cù-đàm là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di vào. Trường khổ hạnh Ni-kiền nghe như vậy rồi, đi đến chỗ Ni-kiền Thân Tử và bạch:

- Thưa Tôn sư, đây là điều mà tôi đã nói trước.

Ni-kiền Thân Tử hỏi:

- Khổ hạnh, điều gì gọi là điều mà ông đã nói trước?

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

- Thưa Tôn sư, tôi đã nói trước rằng: “Không muốn cho cư sĩ Ưu-bà-ly đi đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao như vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn thuật, có thể dùng chú thuật hóa làm đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di; tôi sợ rằng cư sĩ Ưu-bà-ly sẽ bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử.” Thưa Tôn sư, cư sĩ Ưu-bà-ly nay đã bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử rồi, không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho đệ tử Sa-môn Cù-đàm là Tỳ-kheo, Tỳkheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di vào.

Ni-kiền Thân Tử nói:

- Khổ hạnh, cư sĩ Ưu-bà-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử, việc ấy hoàn toàn không thể có. Sa-môn Cù-đàm bị cư sĩ Ưu-bà-ly biến hóa làm đệ tử, việc ấy chắc chắn có.

Trường khổ hạnh Ni-kiền lại bạch:

- Thưa Tôn giả, nếu không tin lời tôi nói thì Tôn giả có thể thân hành đến, hoặc sai người đến.

Khi ấy, Ni-kiền Thân Tử bảo:

- Khổ hạnh, ông nên thân hành đến đó xem sao, có phải cư sĩ Ưu-bà-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử rồi chăng? Hay là Sa-môn Cù-đàm đã bị cư sĩ Ưu-bà-ly biến hóa làm đệ tử rồi?

Trường khổ hạnh Ni-kiền vâng lệnh Ni-kiền Thân Tử, đi đến nhà cư sĩ Ưubà-ly. Người giữ cửa vừa trông thấy Trường khổ hạnh Ni-kiền đến, liền nói như thế này:

Tôn giả, cư sĩ Ưu-bà-ly nay đã nhận sự giáo hóa của Phật và trở thành đệ tử Phật rồi nên không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di vào thôi. Nếu muốn xin ăn thì nên đứng đó, sẽ đem cơm ra cho.

Trường khổ hạnh Ni-kiền nói:

- Người giữ cửa, ta không dùng cơm.

Trường khổ hạnh Ni-kiền biết việc như vậy rồi, lắc đầu bỏ đi, về đến chỗ Ni-kiền Thân Tử và thưa:

- Thưa Tôn giả, đây là điều mà tôi đã nói trước.

Ni-kiền Thân Tử hỏi:

- Khổ hạnh, cái gì gọi là điều mà ông đã nói trước?

Trường khổ hạnh Ni-kiền đáp:

- Thưa Tôn sư, tôi đã nói: “Tôi không muốn cho cư sĩ Ưu-bà-ly đến Sa-môn Cù-đàm. Vì sao vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm biết chú huyễn thuật, có thể dùng chú huyễn thuật biến hóa ông ấy thành đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưubà-di; tôi sợ cư sĩ Ưu-bà-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa làm đệ tử.” Thưa Tôn sư, cư sĩ Ưu-bà-ly nay đã bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa thành đệ tử rồi, không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho đệ tử Sa-môn Cù-đàm là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di vào cửa mà thôi.

Ni-kiền Thân Tử nói:

- Khổ hạnh, cư sĩ Ưu-bà-ly bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa thành đệ tử, việc ấy hoàn toàn không thể có. Sa-môn Cù-đàm bị cư sĩ Ưu-bà-ly biến hóa thành đệ tử, việc ấy chắc chắn có.

Trường khổ hạnh Ni-kiền lại bạch:

- Thưa Tôn sư, nếu không tin lời tôi nói, xin Tôn sư thân hành đến!

Lúc đó, Ni-kiền Thân Tử và đại chúng Ni-kiền gồm năm trăm người cùng đi đến nhà cư sĩ Ưu-bà-ly. Người giữ cửa vừa trông thấy Ni-kiền Thân Tử và đại chúng Ni-kiền gồm năm trăm người kéo đến, nói như sau:

- Tôn giả, cư sĩ Ưu-bà-ly nay đã nhận sự giáo hóa của Phật và trở thành đệ tử Ngài rồi nên không cho các Ni-kiền vào cửa, chỉ cho bốn chúng đệ tử của Thế Tôn là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di vào cửa mà thôi. Nếu muốn xin ăn thì nên đứng đó, sẽ đem cơm ra cho.

Ni-kiền Thân Tử nói:

- Người giữ cửa, ta không dùng cơm, chỉ muốn gặp cư sĩ Ưu-bà-ly.

Người giữ cửa nói:

- Xin ngài đứng đó, tôi vào thưa với cư sĩ Ưu-bà-ly!

Người giữ cửa kia liền vào thưa:

- Thưa cư sĩ, Ni-kiền Thân Tử cùng đại chúng Ni-kiền gồm năm trăm người đang đứng ở ngoài cửa và nói thế này: “Ta muốn được gặp cư sĩ Ưu-bà-ly.” Cư sĩ Ưu-bà-ly bảo người giữ cửa:

- Ông hãy đến phòng giữa, trải bày tòa ngồi, bày xong trở lại cho ta biết!

Người giữ cửa vâng lệnh, đi đến nhà giữa trải bày giường ngồi, xong rồi trở lại thưa:

- Thưa cư sĩ, đã trải giường xong, kính mong cư sĩ tự biết thời!

Cư sĩ Ưu-bà-ly dẫn người giữ cửa đi đến nhà giữa. Ở đó có một cái giường thật cao rộng, to lớn, rất sạch sẽ, được trải khéo léo. Đó là chỗ cư sĩ Ưu-bà-ly trước kia đã dìu Ni-kiền Thân Tử ngồi lên đó thì bây giờ cư sĩ Ưu-bà-ly lên ngồi kiết-già và bảo với người giữ cửa:

- Ông ra chỗ Ni-kiền Thân Tử và nói như thế này: “Tôn nhân, cư sĩ Ưu-bà-ly nói Tôn nhân muốn vào thì tùy ý!”

Người giữ cửa vâng lệnh đi ra, đến chỗ Ni-kiền và nói:

- Tôn nhân, cư sĩ Ưu-bà-ly nói Tôn nhân muốn vào thì tùy ý!

Lúc đó, Ni-kiền Thân Tử và đại chúng Ni-kiền gồm năm trăm người cùng vào nhà giữa. Cư sĩ Ưu-bà-ly vừa trông thấy Ni-kiền Thân Tử và đại chúng Nikiền gồm năm trăm người cùng vào, bèn nói:

- Tôn nhân, ở đây có chỗ ngồi, muốn ngồi, xin tùy ý!

Ni-kiền Thân Tử nói:

- Cư sĩ, ông nên làm như thế chăng? Tự mình lên tòa cao ngồi kiết-già, cùng nói chuyện với người khác như người xuất gia học đạo không khác?

Cư sĩ Ưu-bà-ly nói:

- Tôn nhân, tôi có đồ vật, muốn cho thì cho, không cho thì không cho. Chỗ ngồi này tôi có, cho nên tôi nói: “Có chỗ ngồi, muốn ngồi, xin tùy ý!” Ni-kiền Thân Tử trải chỗ ngồi mà ngồi rồi nói:

- Cư sĩ, vì sao như vậy? Muốn hàng phục Sa-môn Cù-đàm, nhưng khi trở về, lại bị hàng phục. Cũng như có người vào rừng tìm con mắt, nhưng khi trở về lại bị mất con mắt. Cũng vậy, cư sĩ muốn đến hàng phục Sa-môn Cù-đàm, nhưng khi trở về lại bị hàng phục. Như người khát nước đi vào hồ nước, nhưng trở về vẫn khát nước. Cư sĩ cũng vậy, muốn hàng phục Sa-môn Cù-đàm, nhưng khi trở về lại bị hàng phục. Này cư sĩ, vì sao vậy?

Cư sĩ Ưu-bà-ly nói:

- Tôn nhân, xin nghe tôi nói ví dụ! Người trí tuệ nghe ví dụ thì hiểu được ý nghĩa. Tôn nhân, ví như một người Phạm chí có người vợ trẻ, người vợ kia đang mang thai, nói với chồng: “Tôi nay mang thai, anh hãy đến chợ mua đồ chơi đẹp về cho con.” Lúc đó, Phạm chí kia nói với vợ: “Chỉ mong nàng được bình yên sinh sản, rồi lo gì mà không có. Nếu sanh con trai thì mua đồ chơi con trai cho nó, nếu sanh con gái thì mua đồ chơi con gái cho nó.”

Người vợ ba lần nói với chồng: “Tôi nay mang thai, anh hãy đến chợ mua đồ chơi đẹp về cho con.” Phạm chí cũng ba lần nói với vợ: “Chỉ mong nàng được bình yên sinh sản, rồi lo gì mà không có. Nếu sanh con trai thì mua đồ chơi con trai cho nó, nếu sanh con gái thì mua đồ chơi con gái cho nó.”

Phạm chí kia thương vợ quá sức, liền hỏi: “Nàng muốn mua đồ chơi gì cho con?” Người vợ đáp: “Anh mua đồ chơi con khỉ con đẹp.”

Phạm chí nghe rồi, đi vào chợ mua đồ chơi đẹp bằng con khỉ con, đem về nói với vợ: “Tôi đã mua đồ chơi con khỉ con đẹp cho con về đây.” Người vợ thấy rồi, chê màu sắc không đẹp, liền nói với chồng: “Anh nên đem đồ chơi con khỉ con này đến thợ nhuộm màu vàng để được dễ thương hơn, và nhồi cho nó phát ra ánh sáng.”

Phạm chí nghe xong, liền cầm đồ chơi con khỉ đến thợ nhuộm và nói: “Hãy nhuộm đồ chơi con khỉ này thành màu vàng, làm cho nó dễ thương và nhồi cho nó phát ra ánh sáng cho tôi.” Khi ấy, người thợ nhuộm nói với Phạm chí: “Đồ chơi con khỉ nhuộm thành màu vàng làm cho dễ thương, việc này làm được. Nhưng không thể nhồi cho nó phát ra ánh sáng.”

Khi ấy người thợ nhuộm nói bài tụng này:

Khỉ nhỏ nhẫn thọ sắc,        
Không hay nhẫn thọ nhồi, 
Nhồi nói mạng chung tất,           
Chịu sao được với chày.    
Đây là đẩy xú uế,      
Khỉ con đầy bất tịnh.

Thưa Tôn nhân, những điều Ni-kiền nói cũng giống như vậy, không thể chịu đựng được những nạn vấn của người khác, cũng không thể suy nghĩ quán sát được, chỉ có nhiễm ngu si, không nhiễm trí tuệ.

Tôn nhân lại nghe đây, cũng như chiếc áo Ba-la-nại thanh tịnh, người chủ cầm đến thợ nhuộm nói: “Nhuộm giùm chiếc áo này thành cực đẹp, làm cho dễ thương, cũng đập nhồi cho phát ánh sáng.” Lúc đó, thợ nhuộm bảo với chủ áo: “Áo này có thể nhuộm thành màu rất đẹp, làm cho dễ thương, cũng có thể đập nhồi cho phát ánh sáng.”

Khi ấy, thợ nhuộm nói bài tụng này:

Như áo Ba-la-nại,   
Trắng sạch, chịu sắc màu, 
Đập xong thì mềm mại,  
Sáng chói càng thêm đẹp.

Thưa Tôn nhân, những điều các đấng Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác đã dạy cũng như vậy, rất đủ khả năng chịu đựng những vấn nạn của kẻ khác, cũng có thể suy nghĩ quán sát một cách thỏa đáng, chỉ có nhiễm trí tuệ, không nhiễm ngu si.

Ni-kiền Thân Tử nói:

- Cư sĩ, ông đã bị Sa-môn Cù-đàm biến hóa bằng chú huyễn thuật.

Cư sĩ Ưu-bà-ly nói:

- Đó là loại chú huyễn thuật tốt đẹp, loại chú huyễn thuật rất tốt đẹp. Thưa Tôn nhân, loại chú huyễn thuật đó làm cho cha mẹ tôi được lợi ích, an ổn, khoái lạc lâu dài; vợ con, nô tỳ, người giúp việc, quốc vương Na-lan-đà và tất cả thế gian, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời, làm cho tất cả được lợi ích, an ổn, khoái lạc lâu dài.

Ni-kiền Thân Tử nói:

- Cư sĩ, toàn cõi Na-lan-đà đều biết cư sĩ Ưu-bà-ly là đệ tử Ni-kiền, nay đây cuối cùng là đệ tử của ai?

Khi ấy, cư sĩ Ưu-bà-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy, gối phải quỳ xuống đất, nhắm phương có Phật, chắp tay hướng về đó và nói:

- Tôn nhân, hãy nghe điều tôi nói đây:

Đại Hùng trừ si ngốc,
Đoạn uế, bắt hàng phục,
Vô địch vi diệu tư,
Học thiền, trí, giới đức,
Ẩn ẩn, không bợn nhơ,
Bà-ly đệ tử Phật.
Bậc đại Thánh đã tu,
Đạt thành tự tại thuyết,
Thiện niệm, diệu quán sát,
Không thấp, cũng không cao,
Bất động, thường tự tại,           
Bà-ly đệ tử Phật.
Không công, hằng biết đủ,
Thành mãn, trừ xan tham, 
Hiện Sa-môn chứng ngộ,
Tôn Đại sĩ hậu thân,          
Vô tỷ, không nhiễm trần,       
Bà-ly đệ tử Phật.
Bao dung, không tắng tật,  
Đấng Tịch Mặc nhiệm mầu,      
Dũng mãnh, hằng an ổn,    
Trụ pháp, vi diệu tư,          
Điều ngự, không hý luận,  
Bà-ly đệ tử Phật.
Đại long sống vượt tục,     
Giải trừ mọi sử kiết,          
Ứng thanh tịnh biện tài,       
Tuệ phát, lìa ưa thích,        
Đức Thích-ca, cõi ngoài,         
Bà-ly đệ tử Phật.
Siêu thế, thiền tư duy,       
Thanh tịnh trừ nhiễm loạn,          
Nụ cười không dấy hận,    
Đệ nhất đời viễn ly,           
Thường chuyên tinh vô úy,        
Bà-ly đệ tử Phật.
Bậc Thất Tiên vô đẳng,     
Chứng tịnh hạnh, tam minh,         
Tịnh tẩy, như đèn sáng,       
Tịch tịnh dứt oán kết,        
Dũng mãnh, cực thanh tịnh,        
Bà-ly đệ tử Phật.
Tịch tuệ vững đất bằng,        
Trí trừ tham thế gian,       
Đáng thờ Tối Thượng Nhãn,       
Bậc Vô Đẳng không trên, 
Tự điều ngự triệt sân,        
Bà-ly đệ tử Phật.
Đoạn dục, vô thượng thiện,          
Khéo điều ngự vô song,     
Vô thượng, thường hoan hỷ,        
Trừ nghi rực sắc quang,     
Đoạn mạn, vô thượng giác,   
Bà-ly đệ tử Phật.
Đoạn ái, vô tỷ giác,
Khói tan, lửa đã tắt, 
Đấng Như Khứ Thiện Thệ,
Đấng Vô Đẳng, Tối Tôn, 
Đấng Đại Danh chân chánh,
Bà-ly đệ tử Phật.
Trăm lời tán Phật này,              
Tự phát, không cần nghĩ,
Những điều Bà-ly nói,             
Chư thiên đến hội tề,
Khéo gia sức hùng biện,    
Đúng pháp, đúng nhân tài,           
Ni-kiền Thân Tử hỏi,     
Đệ tử của Như Lai.

Ni-kiền Thân Tử hỏi:

- Cư sĩ, ông ca ngợi Sa-môn Cù-đàm với ý gì?

Cư sĩ Ưu-bà-ly đáp:

- Hãy nghe tôi nói ví dụ. Người trí nghe ví dụ thì hiểu rõ ý nghĩa. Như thầy trò người làm tràng hoa, chọn các loại hoa, dùng dây dài kết làm các loại tràng hoa. Cũng như vậy, thưa Tôn nhân, Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác được vô lượng người ca tụng. Ngài là bậc mà tôi tôn kính nên tôi ca tụng.

Khi nói pháp này, cư sĩ Ưu-bà-ly xa lìa trần cấu, phát sanh pháp nhãn đối với các pháp. Ni-kiền Thân Tử liền ói máu nóng, rồi đến nước Bà-hòa, vì tai họa này mà mạng chung.

Phật nói như vậy, cư sĩ Ưu-bà-ly nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.