Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

 

124. KINH BÁT NẠN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Người tu Phạm hạnh có tám nạn, tám phi thời. Những gì là tám?

Vào lúc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhơn Sư, Phật, Chúng Hựu xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo; khi Thiện Thệ đang thuyết dạy thì người ấy lúc bấy giờ sanh vào chốn địa ngục; đó là nạn thứ nhất, phi thời thứ nhất đối với người tu Phạm hạnh.

Lại nữa, vào lúc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh

Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhơn Sư, Phật, Chúng Hựu xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo; khi Thiện Thệ đang thuyết dạy thì người ấy lúc bấy giờ sanh vào loài súc sanh, vào loài ngạ quỷ, sanh vào cõi trời Trường Thọ, sanh ở xứ biên địa mọi rợ, không tín, vô ân, không biết báo đáp, không có Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di; đó là nạn thứ năm, phi thời thứ năm đối với người tu Phạm hạnh.

Lại nữa, vào lúc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh

Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhơn Sư, Phật, Chúng Hựu xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo; khi Thiện Thệ đang thuyết dạy thì người ấy lúc bấy giờ sanh nhằm chốn văn minh, bị điếc bị câm, ú ớ như dê kêu, dùng tay thay lời, có thể nói nghĩa thiện ác; đó là nạn thứ sáu, phi thời thứ sáu đối với người tu Phạm hạnh.

Lại nữa, vào lúc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh

Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhơn Sư, Phật, Chúng Hựu xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo; khi Thiện Thệ đang thuyết dạy thì người ấy lúc bấy giờ sanh nhằm chốn văn minh, không điếc không câm, không ú ớ như dê kêu, không dùng tay thay lời, có thể nói nghĩa thiện ác, nhưng lại có tà kiến và điên đảo kiến. Người ấy thấy như vầy và nói như vầy: “Không bố thí, không trai tự, không chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo của thiện ác, không có đời này, đời khác, không cha, không mẹ, ở đời không có bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trú”; đó là nạn thứ bảy, phi thời thứ bảy đối với người tu Phạm hạnh.

Lại nữa, vào lúc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh

Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhơn Sư, Phật, Chúng Hựu không xuất hiện ở thế gian, không thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo; người ấy không được nghe Thiện Thệ thuyết dạy dù cho lúc bấy giờ người ấy sanh nhằm chốn văn minh không điếc không câm, không ú ớ như dê kêu, không dùng tay thay lời, lại có thể nói nghĩa thiện ác và có chánh kiến, không có điên đảo kiến. Người ấy thấy như vầy và nói như vầy: “Có bố thí, có trai tự, cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo của thiện ác, có đời này, có đời khác, có cha, có mẹ; ở đời có bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trú”; đó là nạn thứ tám, phi thời thứ tám đối với người tu Phạm hạnh.

Người tu Phạm hạnh đã có một điều không tai nạn, một việc đúng thời. Thế nào là một điều không tai nạn, một việc đúng thời đối với người Phạm hạnh?

Vào lúc Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhơn Sư, Phật, Chúng Hựu xuất hiện ở thế gian, thuyết pháp đưa đến tịch tịnh, đưa đến tịch diệt, đưa đến giác đạo; khi Thiện Thệ đang thuyết dạy thì bấy giờ người ấy sanh nhằm chốn văn minh, không điếc không câm, không ú ớ như dê kêu, không dùng tay thay lời, lại có thể nói nghĩa thiện ác, có chánh kiến, không có kiến điên đảo. Người ấy thấy như vầy và nói như vầy: “Có bố thí, có trai tự, cũng có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo của thiện ác, có đời này, có đời khác, có cha, có mẹ; ở đời có bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trú”; đó là điều không tai nạn, việc đúng thời đối với người tu Phạm hạnh.

Khi ấy, đức Thế Tôn nói tụng:

 

           Nếu được làm thân người,

Nói pháp tối vi diệu,

           Mà không chứng đạo quả, 

Tất không phải gặp thời.

           Nói nhiều nạn Phạm hạnh,

Người ở vào đời sau,

           Nếu như gặp phải thời

Điều quá khó ở đời.

           Muốn được lại thân người,

Và nghe pháp vi diệu,

           Cần phải siêng năng học,

Mình tự thương mình thôi.

           Luận bàn, nghe pháp lành,

Chớ chần chờ lỡ dịp,

           Nếu để mất dịp này,

Tất lo đọa địa ngục.

           Nếu không sanh gặp thời,

Không được nghe pháp lành,

           Như người buôn mất của,

Chịu sanh tử không cùng.

           Nếu sanh được thân người,

Được nghe pháp chánh thiện,

           Vâng theo Thế Tôn dạy,

Chắc chắn sẽ gặp thời.

           Nếu đã gặp thời rồi,

Siêng tu chánh Phạm hạnh,

           Để thành tựu pháp nhãn,

Đấng Nhật Thân đã nói.

           Người ấy thường tự giữ,

Tiến lên, lìa các sử,

           Đoạn diệt mọi kiết sử,

Hàng ma, quyến thuộc ma,

           Người ấy vượt thế gian,

Đã diệt tận các lậu.

Đức Phật dạy như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.