Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Calan-đa, cùng với đại chúng Tỳ-kheo gồm năm trăm vị đồng an cư mùa mưa.
Bấy giờ, vào ngày mười lăm trong tháng là ngày đức Thế Tôn sẽ nói biệt giải thoát. Vào giờ tự tứ, Ngài đến trước chúng Tỳ-kheo trải tọa cụ ngồi xuống, rồi nói với các Tỳ-kheo:
- Ta là Phạm chí đã chứng đắc tịch diệt, là Vô Thượng Y Vương. Nay đây, Ta thọ thân này là thân tối hậu. Ta là Phạm chí đã chứng đắc tịch diệt, là Vô Thượng Y Vương. Nay đây, Ta thọ thân này là thân tối hậu. Các thầy là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp. Các thầy là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp. Các thầy hãy dạy dỗ lẫn nhau, răn dạy lẫn nhau.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đang hiện diện trong chúng. Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa y, chắp tay hướng về Thế Tôn và bạch:
- Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn vừa nói: “Ta là Phạm chí đã chứng đắc tịch diệt, là Vô Thượng Y Vương. Nay đây, Ta thọ thân này là tối hậu. Ta là Phạm chí đã chứng đắc tịch diệt, là Vô Thượng Y Vương. Nay đây, Ta thọ thân này là tối hậu. Các thầy là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp. Các thầy là con chân chánh của Ta, thọ sanh từ miệng, hóa sanh từ pháp. Các thầy hãy dạy dỗ lẫn nhau, răn dạy lẫn nhau.” Bạch Thế Tôn, đối với những ai chưa điều ngự, Thế Tôn khiến cho điều ngự; những ai chưa tịch tịnh, khiến cho tịch tịnh; những ai chưa độ thoát, khiến cho độ thoát; những ai chưa giải thoát, khiến cho giải thoát; những ai chưa tịch diệt, khiến cho tịch diệt; chưa đắc đạo, khiến cho đắc đạo; chưa thi thiết Phạm hạnh, khiến cho thi thiết Phạm hạnh. Thế Tôn là bậc Tri Đạo, Giác Đạo, Thức Đạo, Thuyết Đạo. Đệ tử của Thế Tôn sau đó được đắc pháp, lãnh thọ khuyến giáo, lãnh thọ khiển trách. Sau khi lãnh thọ khuyến giáo, khiển trách, sẽ vâng theo lời dạy của Thế Tôn mà nhất hướng tu hành, được tự tại như ý, khéo biết Chánh pháp. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì con đối với thân, khẩu, ý hành chăng?
Khi ấy, Thế Tôn dạy:
Này Xá-lợi-phất, Ta không phiền gì đối với thân, khẩu, ý hành của thầy cả. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất, thầy là bậc thông tuệ, đại tuệ, tối tuệ, tiệp tuệ, lợi tuệ, quảng tuệ, thân tuệ, xuất yếu tuệ, minh đạt tuệ. Này Xá-lợi-phất, thầy đã thành tựu thật tuệ. Này Xá-lợi-phất, ví như Vua Chuyển Luân Vương có vị thái tử không trái phạm lời khuyên dạy, bái lãnh sự truyền thừa của phụ vương và sau này cũng có thể truyền thừa lại; cũng vậy, này Xá-lợi-phất, Ta chuyển vận pháp luân, thầy cũng có thể chuyển vận pháp luân. Này Xá-lợi-phất, vì vậy nên Ta không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của thầy.
Tôn giả Xá-lợi-phất chắp tay hướng về Thế Tôn và thưa:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của con. Nhưng bạch Thế Tôn, Thế Tôn có phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm thầy Tỳ-kheo chăng?
Đức Thế Tôn dạy:
- Này Xá-lợi-phất, Ta cũng không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm thầy Tỳ-kheo này. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất, năm trăm thầy Tỳ-kheo này đều đã chứng đắc Vô trước, dứt trừ các lậu, Phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, hữu kiết đã tận và đã đạt được thiện nghĩa, chánh trí, chánh giải thoát, chỉ trừ một thầy Tỳ-kheo mà trước kia Ta đã thọ ký cho rằng ngay trong đời này sẽ chứng đắc Cứu cánh trí, biết một cách như thật rằng: “Sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Này Xá-lợi-phất, vì vậy nên Ta không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của năm trăm thầy Tỳ-kheo này.
Tôn giả Xá-lợi-phất, lần thứ ba lại chắp tay hướng về Thế Tôn và thưa:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không phiền gì về thân, khẩu, ý hành của con, và cũng không phiền gì về thân, khẩu, ý của năm trăm thầy Tỳ-kheo này. Như vậy, bạch Thế Tôn, trong số năm trăm thầy Tỳ-kheo này, bao nhiêu thầy đã chứng đắc Tam minh này, bao nhiêu thầy đã chứng đắc Câu giải thoát, bao nhiêu thầy đã chứng đắc Tuệ giải thoát?
Thế Tôn dạy:
- Này Xá-lợi-phất, trong số năm trăm thầy Tỳ-kheo này, chín mươi thầy đã chứng đắc Tam minh, chín mươi thầy Tỳ-kheo đã chứng đắc Câu giải thoát, còn các thầy Tỳ-kheo kia đều chứng đắc Tuệ giải thoát. Này Xá-lợi-phất, trong chúng này không có nhánh, không có lá cũng không có đốt, mà chỉ có lõi chắc thật, thanh tịnh, đều đã chân chánh trụ vị.
Bấy giờ, Tôn giả Bàng-kỳ-xá cũng có mặt trong chúng. Khi ấy, Tôn giả Bàng-kỳ-xá liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về Thế Tôn và thưa:
- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn gia trì cho con thêm uy lực! Mong đức Thiện Thệ gia trì cho con thêm uy lực, để con được ở trước Phật và chúng Tỳkheo với sự tương ưng như nghĩa mà làm bài tụng tán thán!
Đức Thế Tôn dạy:
- Này Bàng-kỳ-xá, thầy cứ tùy ý!
Khi ấy, Tôn giả Bàng-kỳ-xá ở trước đức Phật và chúng Tỳ-kheo với sự tương ưng như nghĩa mà làm bài tán thán như vầy:
Hôm nay ngày rằm Tự tứ, |
Hội tọa Tăng chúng năm trăm, |
Đoạn tận buộc ràng, kiết sử, |
Tiên Nhơn vô ngại, vô sanh. |
Thanh tịnh ngời quang minh, |
Giải thoát tất cả hữu, |
Dứt sanh, lão, bệnh, tử, |
Lậu diệt, việc làm xong. |
Điệu hối và nghi kiết, |
Mạng, hữu lậu đã trừ, |
Nhổ tuyệt gai ái kết, |
Thành Vô Thượng Y Sư. |
Dõng mãnh như sư tử, |
Khủng bố đã dứt trừ, |
Đã vượt sự sanh tử, |
Diệt tận lậu, vô dư. |
Ví như Chuyển Luân Vương, |
Quần thần vây chung quanh, |
Thống lãnh toàn cõi đất, |
Suốt đại dương vô cùng. |
Đấng Đại Hùng tối thắng, |
Bậc Thượng Thủ, Thượng Tôn, |
Đệ tử hằng cung kỉnh, |
Tam minh ngoài tử sanh. |
Tất cả là Phật tử, |
Cành, lá gọt tỉa xong, |
Chuyển pháp luân vô thượng, Kính lạy đấng Thế Tôn.
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.