Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

118. KINH LONG TƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, ở Đông Viên giảng đường Lộc Tử Mẫu.

Bấy giờ, vào lúc xế trưa, đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, bước ra khỏi tịnh thất và nói:

- Ô-đà-di, Ta và thầy hãy đi đến con sông phía Đông để tắm!

Tôn giả Ô-đà-di nói:

- Thưa vâng!

Khi ấy, đức Thế Tôn cùng với Tôn giả Ô-đà-di đi đến con sông phía Đông, cởi bỏ y phục để trên bờ sông rồi xuống nước tắm; tắm xong, lên bờ lau mình và mặc y phục vào.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc có một con voi chúa tên là Niệm, đang lội ngang qua con sông phía Đông với tất cả các loại kỹ nhạc được tấu lên. Dân chúng trông thấy nói rằng: “Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là đại long vương hay là con gì vậy?”

Tôn giả Ô-đà-di chắp tay hướng về đức Phật bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, con voi thân hình to lớn, cho nên dân chúng trông thấy, nói rằng: “Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là đại long vương hay là con gì vậy?”

Đức Thế Tôn nói:

- Đúng vậy Ô-đà-di! Đúng vậy Ô-đà-di! Con voi có thân hình to lớn nên dân chúng trông thấy, nói rằng: “Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là đại long vương hay là con gì vậy?”

Này Ô-đà-di, ngựa, lạc đà, trâu, lừa, rắn, người, cây cối nếu có thân hình to lớn, này Ô-đà-di, dân chúng trông thấy cũng nói rằng: “Đây phải chăng là rồng trong loài rồng, là đại long vương hay là con gì vậy?”

Ô-đà-di, nếu Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí (hay bất cứ ai) từ người cho đến trời ở trên đời này mà không bị tai hại vì thân, miệng, ý; Ta nói vị ấy chính là rồng. Ô-đà-di, Như Lai đối với Trời, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí (hay bất cứ ai) từ người cho đến trời ở trên đời này, đều không dùng thân, miệng, ý để làm hại; cho nên Ta được gọi là rồng.

Khi ấy, Tôn giả Ô-đà-di chắp tay hướng về đức Phật và bạch:

- Bạch Thế Tôn, mong đức Thế Tôn gia trì cho con thêm uy lực! Mong đức Thiện Thệ gia trì con thêm uy lực để con được ở trước Phật, dùng bài tụng như ca ngợi loài rồng mà tán thán đức Thế Tôn!

Đức Thế Tôn nói:

- Tùy ý thầy!

Khi ấy, Tôn giả Ô-đà-di ở trước đức Phật, dùng bài tụng như ca ngợi rồng, tán thán đức Thế Tôn rằng:

           Chánh Giác sanh nhân gian,

Tự tu, thành chánh định,

           Phạm hạnh bước vững vàng,

Bình an, tâm tĩnh ý.

           Nhân loại đều xưng tôn,

Vượt ngoài tất cả pháp,

           Quy ngưỡng cho thiên thần, 

Chí Chơn, bậc Vô Trước.

           Từ rừng bỏ rừng đi,

Vượt khỏi ngoài kiết sử,

           Lìa dục, vui vô dục,

Như đá xuất vàng ròng,

           Vang lừng danh Chánh Giác,

Như mặt trời trên không,

           Tối thượng giữa loài rồng,

Núi cao giữa các núi,

           Xưng gọi là đại long,

Tuyệt đối không não hại.

           Rồng thiên giữa loài rồng,

Chắc thật, rồng tối thượng,

           Ôn nhuần và vô hại

Hai chân rồng là đây.

           Khổ hạnh và Phạm hạnh,

Là bước của rồng qua,

           Tín là tay của rồng, 

Hai công đức là ngà,

           Tuệ đầu và niệm cổ,

Tư duy, phân biệt pháp,

           Bụng lớn muôn pháp chứa,

Độc cư: Đôi cánh tay.

           Khéo tu quán hơi thở,

Nội tĩnh, tâm tinh chuyên,

           Đi hay trụ đều định,

Nằm thiền, tọa cũng thiền.

           Định ý, hằng định ý,

Là pháp thường của rồng,

           Thọ thực mà không uế, 

Chỗ uế thì không thọ.

           Gặp đồ ăn bất tịnh,

Quay đi như sư tử,

           Sở đắc những cúng dường,

Từ tâm nên nạp thọ.

           Rồng ăn do tín thí,

Vừa đủ không đắm say;

           Đoạn trừ mọi kiết sử,

Giải thoát mọi trói buộc,

           Tâm không, không trói buộc,

Vạn nẻo bước du hành.

           Giống như loài sen trắng,

Nước sanh, nước trưởng thành,

           Bùn lầy không nhiễm trước,

Tuyệt sắc, hương ngào ngạt,

           Sanh hành trong thế gian.

Cũng vậy Tối Thượng Giác

           Không bị dục nhiễm trước,

Như hoa không nhiễm nước.

           Ví như ngọn lửa hừng,

Bớt củi, ngọn tắt dần,

           Củi hết, lửa không bén,

Như vậy lửa diệt tàn.

           Kẻ trí nói dụ này,

Nghĩa ấy mong thấu triệt,

           Là điều rồng biết rõ,

Rồng nói giữa loài rồng.

Triệt đoạn dâm dục, sân,        Trừ si, vô lậu tịnh,  Rồng xả bỏ hậu thân, Đó là rồng diệt tận.

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả Ô-đà-di sau khi nghe những lời Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.