Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có dị đạo đến hỏi các thầy: “Tất cả các pháp lấy gì làm gốc?”
Các thầy nên trả lời với họ như thế này:
“Tất cả các pháp lấy dục làm gốc.”
Nếu họ lại hỏi:
“Lấy gì làm hòa hiệp?”
Nên đáp như vầy:
“Lấy xúc làm hòa hiệp.”
Nếu họ lại hỏi:
“Lấy gì làm dẫn khởi?”
Nên đáp như vầy:
“Lấy thọ làm dẫn khởi.”
Nếu họ lại hỏi:
“Lấy gì làm hữu?”
Nên đáp như vầy:
“Lấy tư tưởng làm hữu.”
Nếu họ lại hỏi:
“Lấy gì làm thượng chủ?”
Nên đáp như vầy:
“Lấy niệm làm thượng chủ.”
Nếu họ lại hỏi:
“Lấy gì làm tiền đạo?”
Nên đáp như vầy:
“Lấy định làm tiền đạo.”
Nếu họ lại hỏi:
“Lấy gì làm tối thượng?”
Nên đáp như vầy:
“Lấy tuệ làm tối thượng.”
Nếu họ lại hỏi:
“Lấy gì làm chắc thật?”
Nên đáp như vầy:
“Lấy giải thoát làm chắc thật.”
Nếu họ lại hỏi:
“Lấy gì làm cứu cánh?”
Nên đáp như vầy:
“ Lấy Niết-bàn làm cứu cánh.”
Này các Tỳ-kheo, dục là gốc của các pháp, xúc là hòa hiệp của các pháp, thọ là dẫn khởi của các pháp, tư tưởng là hữu của các pháp, niệm là thượng chủ của các pháp, định là tiền đạo của các pháp, tuệ là tối thượng của các pháp, giải thoát là chắc thật của các pháp và Niết-bàn là cứu cánh của các pháp. Tỳ-kheo hãy nên học tập như vậy.
Xuất gia học đạo, tâm nên tập suy tưởng về sự vô thường, tập suy tưởng về vô thường nên khổ, tập suy tưởng về khổ nên vô ngã, tập suy tưởng về sự bất tịnh, tập suy tưởng về thực phẩm xấu xa, tập suy tưởng tất cả thế gian không có gì hoan lạc, tập suy tưởng về sự chết để biết thế gian tốt xấu. Tập tâm tưởng như vậy, để biết sự hữu tập thế gian; tập tâm tưởng như vậy để biết đúng như thật về sự tập khởi, diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất yếu của thế gian. Tu tập tâm tưởng như vậy rồi, nếu Tỳ-kheo thành tựu tập tâm xuất gia học đạo, thành tựu tập suy tưởng về sự vô thường, thành tựu tập suy tưởng về vô thường nên khổ, thành tựu tập suy tưởng về khổ nên vô ngã, thành tựu tập suy tưởng về sự bất tịnh, thành tựu tập suy tưởng thực phẩm xấu xa, thành tựu tập suy tưởng tất cả thế gian không có gì hoan lạc, thành tựu tập suy tưởng về sự chết để biết thế gian tốt xấu. Thành tựu tập tâm tưởng như vậy, nên biết sự hữu tập của thế gian; thành tựu tập tâm tưởng như vậy, nên biết đúng như thật về sự tập khởi, diệt tận, vị ngọt, tai họa và sự xuất yếu của thế gian. Thành tựu tập tâm tưởng như vậy, nên được gọi là Tỳ-kheo đoạn ái, trừ kiết sử. Đã biết đúng, quán đúng các pháp rồi, liền đạt được sự dứt tận khổ.
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.