Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm-câu-lâu.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Có một con đường tịnh hóa chúng sanh, vượt qua lo sợ, diệt trừ khổ não, chấm dứt kêu khóc, chứng đắc Chánh pháp; đó là bốn niệm xứ. Các Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ở quá khứ đều đoạn trừ năm triền cái, là thứ làm tâm ô uế, làm tuệ yếu kém, an lập tâm, vững trụ nơi bốn niệm xứ, tu bảy giác chi mà chứng quả giác ngộ Vô thượng Chánh tận. Các Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ở vị lai cũng đều do đoạn trừ năm triền cái, là thứ làm tâm ô uế, làm tuệ yếu kém, an lập tâm, vững trụ nơi bốn niệm xứ, tu bảy giác chi mà chứng quả giác ngộ. Ta nay trong hiện tại, là Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Ta cũng đều do đoạn trừ năm triền cái, là thứ làm tâm ô uế, làm tuệ yếu kém, an lập tâm, vững trụ nơi bốn niệm xứ, tu bảy giác chi mà chứng quả giác ngộ Vô thượng Chánh tận.
Bốn niệm xứ là những gì?
Đó là niệm xứ quán thân như thân, quán giác như giác, quán tâm như tâm và quán pháp như pháp.
Thế nào gọi là niệm xứ quán thân như thân?
Là Tỳ-kheo hễ đi thì biết mình đi; đứng thì biết mình đứng; ngồi thì biết mình ngồi; nằm thì biết mình nằm; ngủ thì biết mình ngủ; thức thì biết mình thức; ngủ, thức thì biết mình ngủ, thức. Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo biết rõ lúc ra, lúc vào, khéo quán sát và phân biệt, khi co, lúc duỗi, khi cúi, lúc ngẩng, nghi dung chững chạc, khoác y ngay ngắn, cầm bát chỉnh tề; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, im lặng đều biết rõ ràng. Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì biết đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì biết đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳkheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo khi sanh niệm ác, bất thiện liền dùng niệm thiện để đối trị, đoạn trừ chấm dứt. Như thầy trò thợ mộc kéo thẳng dây mực, búng lên thân cây rồi dùng búa bén mà đẽo cho thẳng; Tỳ-kheo khi sanh niệm ác, bất thiện liền dùng niệm thiện để đối trị, đoạn trừ cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ. Như hai lực sĩ bắt một người yếu, mang đi khắp nơi, tự do đánh đập; cũng vậy, Tỳ-kheo răng ngậm khít lại, lưỡi ấn lên khẩu cái, dùng tâm trị tâm, đối trị, đoạn trừ. Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo niệm hơi thở vào thì biết niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra thì biết niệm hơi thở ra, thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra dài thì biết thở ra dài, thở vào ngắn thì biết thở vào ngắn, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn, tập thở vào bằng cả toàn thân, tập thở ra bằng cả toàn thân, tập thở vào bằng thân hành tĩnh chỉ, tập thở ra bằng khẩu hành tĩnh chỉ. Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục sanh thấm nhuần vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể hỷ lạc do ly dục sanh không đâu không có. Như người hầu tắm bỏ chùm kết đầy chậu, nước hòa thành bọt, nước thấm vào thân, phổ biến sung mãn, không đâu không có; cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do ly dục sanh thấm nhuần vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể hỷ lạc do ly dục sanh không đâu không có. Như vậy, Tỳ-kheo thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế thì nào quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh thấm nhuần vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Cũng như suối trên núi, trong sạch không nhơ, tràn đầy sung mãn, nước từ bốn phương chảy đến, đổ vào một cách tự nhiên, tức thì nước từ đáy suối tự vọt lên, chảy tràn ra ngoài, thấm ướt cả núi, phổ biến sung mãn, không đâu không có; cũng vậy, Tỳ-kheo có hỷ lạc do định sanh thấm nhuần vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể hỷ lạc do định sanh không đâu không có. Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ sanh thấm nhuần vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể lạc không do ly hỷ sanh không đâu không có. Như các thứ sen xanh, hồng, đỏ, trắng sanh ra từ nước, lớn lên trong nước, ở dưới đáy nước, gốc rễ, hoa, lá, cọng thảy đều thấm nhuần, phổ biến sung mãn, không đâu không có; cũng vậy, Tỳ-kheo có lạc do ly hỷ sanh thấm nhuần vào thân, phổ biến sung mãn, khắp trong thân thể lạc không do ly hỷ sanh không đâu không có. Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo ở trong thân này với tâm thanh tịnh, ý giải biến mãn, thành tựu an trú, ở trong thân này với tâm thanh tịnh không đâu không biến mãn. Như có một người trùm một cái áo rộng bảy hoặc tám khuỷu tay, từ đầu đến chân, khắp cả thân đều được phủ kín; cũng vậy, Tỳ-kheo ở trong thân này với tâm thanh tịnh không đâu không có. Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo niệm quang minh tưởng, khéo thọ trì, nhớ rõ điều niệm, như trước, sau cũng vậy, ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày, dưới cũng như trên, trên cũng như dưới. Như vậy, trong điên đảo, tâm không bị ràng buộc, tu tâm quang minh, tâm không khi nào còn bị bóng đen che lấp. Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo khéo thọ quán tưởng, khéo nhớ điều niệm. Như người ngồi quán sát kẻ nằm, người nằm quán sát kẻ ngồi; Tỳ-kheo khéo thọ quán tưởng, khéo nhớ điều niệm cũng giống như vậy. Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo tùy theo chỗ trong thân, tùy theo tính chất tốt xấu từ đầu đến chân, quán thấy thảy đều đầy dẫy bất tịnh: “Trong thân này của ta có tóc, lông, móng, răng, làn da thô mịn, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não bộ, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm dãi, nước tiểu. Như một cái bồn chứa đủ hạt giống, ai có mắt sáng thì thấy rõ ràng:
“Đây là hạt lúa, gạo; kia là hạt cải, cỏ, rau.” Cũng vậy, Tỳ-kheo tùy theo những chỗ trong thân, tùy theo tánh chất tốt xấu, từ đầu đến chân, quán thấy thảy đầy dẫy bất tịnh: “Trong thân này của ta có tóc, lông, móng, răng, làn da thô mịn, thịt, gân, xương, tim, thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, dạ dày, phân, não và não bộ, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, nước miếng, mủ, máu, mỡ, tủy, đờm dãi, nước tiểu.” Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo quán sát các giới trong thân rằng: “Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Như gã đồ tể mổ bò, lột hết bộ da, trải lên mặt đất, phân thành sáu đoạn”, Tỳ-kheo quán các giới trong thân: “Trong thân này của ta có địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới.” Cũng giống như vậy, Tỳ-kheo thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo quán xác chết, mới chết từ một, hai ngày đến sáu, bảy ngày, đang bị quạ diều bươi mổ, sài lang cấu xé, hoặc đã được hỏa thiêu hay đã được chôn lấp, hoặc đang bị rữa nát hư hoại. Quán rồi, vị ấy tự so sánh: “Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi.” Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, hài cốt xám xanh, mục nát gần hết, xương vung vãi khắp đất. Quán rồi, vị ấy tự so sánh: “Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi.” Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, da thịt, máu huyết tiêu hết, chỉ còn xương dính gân. Quán rồi tự so sánh: “Thân ta cũng thế, đều có trường hợp này, không sao tránh khỏi.” Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, thấy xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi. Quán rồi, vị ấy tự so sánh: “Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi.” Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán thân như thân là Tỳ-kheo như từng thấy trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim bồ câu, đỏ như màu máu, mục nát, bể vụn. Quán rồi, vị ấy tự so sánh: “Thân ta cũng thế, đều có những trường hợp này, không sao tránh khỏi.” Tỳ-kheo như vậy, thân trong thế nào thì quán đúng thế ấy, thân ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thân, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thân như thân.
Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni lần hồi quán thân như thân như vậy, đó gọi là niệm xứ quán thân như thân.
Thế nào gọi là niệm xứ quán thọ như thọ?
Là Tỳ-kheo khi thọ nhận cảm giác lạc, liền biết đang thọ nhận cảm giác lạc; khi thọ nhận cảm giác khổ, liền biết đang thọ nhận cảm giác khổ; khi thọ nhận cảm giác không lạc không khổ, liền biết đang thọ nhận cảm giác không lạc không khổ. Khi thân thọ nhận cảm giác lạc, thân thọ nhận cảm giác khổ, thân thọ nhận cảm giác không lạc không khổ; khi tâm thọ nhận cảm giác lạc, tâm thọ nhận cảm giác khổ, tâm thọ nhận cảm giác không lạc không khổ; cảm giác lạc khi ăn, cảm giác khổ khi ăn, cảm giác không lạc không khổ khi ăn; cảm giác lạc khi không ăn, cảm giác khổ khi không ăn, cảm giác không lạc không khổ khi không ăn; cảm giác lạc khi có dục, cảm giác khổ khi có dục, cảm giác không lạc không khổ khi có dục; cảm giác lạc khi không có dục, cảm giác khổ khi không có dục, cảm giác không lạc không khổ khi không có dục thì biết có cảm giác không lạc không khổ khi không có dục. Tỳ-kheo như vậy, cảm giác bên trong thế nào thì quán đúng thế ấy, cảm giác bên ngoài thế nào thì quán đúng thế ấy, an lập niệm tại thọ, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán thọ như thọ.
Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni lần hồi quán thọ như thọ như vậy, đó gọi là niệm xứ quán thọ như thọ.
Thế nào gọi là niệm xứ quán tâm như tâm?
Là Tỳ-kheo có tâm tham dục thì biết đúng như thật có tâm tham dục, có tâm vô dục thì biết đúng như thật là có tâm vô dục. Khi có sân không sân, có si không si, có ô uế không ô uế, có hợp có tan, có thấp có cao, có nhỏ có lớn, tu không tu, định không định, có tâm giải thoát thì biết đúng như thật là có tâm giải thoát, có tâm không giải thoát thì biết đúng như thật là có tâm không giải thoát. Tỳ-kheo như vậy, quán nội tâm như tâm, quán ngoại tâm như tâm, an lập niệm tại tâm, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán tâm như tâm.
Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni lần hồi quán tâm như tâm như vậy, đó gọi là niệm xứ quán tâm như tâm.
Thế nào gọi là niệm xứ quán pháp như pháp?
Là khi con mắt duyên sắc sanh nội kết, nếu Tỳ-kheo bên trong thật có kết thì biết đúng như thật là bên trong có kết, bên trong thật không có kết thì biết đúng như thật là bên trong không có kết; nội kết chưa sanh bây giờ sanh, biết đúng như thật; nội kết đã sanh và được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng như thật. Với tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng giống như vậy. Khi ý duyên pháp sanh nội kết, nếu Tỳ-kheo bên trong thật có kết thì biết đúng như thật là bên trong có kết, bên trong không có kết thì biết đúng như thật là bên trong không có kết; nội kết chưa sanh bây giờ sanh, biết đúng như thật; nội kết đã sanh và đã được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng như thật. Tỳ-kheo như vậy, quán nội pháp đúng như pháp, quán ngoại pháp đúng như pháp, an lập niệm tại pháp, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳkheo quán pháp như pháp, nghĩa là quán sáu xứ bên trong.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán pháp như pháp là Tỳ-kheo bên trong thật có ái dục thì biết đúng như thật là có ái dục, bên trong thật không có ái dục thì biết đúng như thật là không có ái dục; ái dục chưa sanh nay sanh, biết đúng như thật; ái dục đã sanh và đã được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng như thật; với sân nhuế, thụy miên, điệu hối và nghi cũng giống như vậy. Bên trong thật có nghi, biết đúng như thật là có nghi; bên trong thật không có nghi, biết đúng như thật là không có nghi; nghi chưa sanh nay đã sanh, biết đúng như thật; nghi đã sanh và đã được đoạn trừ, không sanh lại nữa, biết đúng như thật. Tỳ-kheo như vậy, quán nội pháp đúng như pháp, quán ngoại pháp đúng như pháp, an lập niệm tại pháp, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán pháp như pháp, nghĩa là quán năm triền cái.
Lại nữa, Tỳ-kheo quán pháp như pháp là Tỳ-kheo bên trong thật có niệm giác chi thì biết đúng như thật là có niệm giác chi, bên trong thật không có niệm giác chi thì biết đúng như thật là không có niệm giác chi; niệm giác chi chưa sanh nay sanh, biết đúng như thật; niệm giác chi đã sanh thì ghi nhớ không quên, không suy thoái, tu tập càng lúc càng tăng trưởng, biết đúng như thật. Với trạch pháp, tinh tấn, hỷ, tức, định và xả cũng giống như vậy. Bên trong thật có xả giác chi thì biết đúng như thật là có xả giác chi; bên trong thật không có xả giác chi thì biết đúng như thật là không có xả giác chi; xả giác chi chưa sanh nay sanh, biết đúng như thật; xả giác chi đã sanh thì ghi nhớ không quên, không suy thoái, tu tập càng lúc càng tăng trưởng, biết đúng như thật. Tỳ-kheo như vậy, quán nội pháp đúng như pháp, quán ngoại pháp đúng như pháp, an lập niệm tại pháp, luôn luôn tỉnh giác, thấy biết rõ ràng, không hề nhầm lẫn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo quán pháp như pháp, nghĩa là quán bảy giác chi.
Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni lần hồi quán pháp như pháp như vậy, đó gọi là niệm xứ quán pháp như pháp.
Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào lập tâm vững trú bốn niệm xứ trong vòng bảy năm thì người đó nhất định sẽ chứng được một trong hai quả: Hoặc chứng Cứu cánh trí ngay trong hiện tại, hoặc chứng A-na-hàm nếu còn hữu dư.
Không cần phải đến bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai hay một năm, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào lập tâm chánh trú nơi bốn niệm xứ thì trong vòng bảy tháng sẽ nhất định chứng được một trong hai quả: Hoặc chứng Cứu cánh trí ngay trong hiện tại, hoặc chứng A-na-hàm nếu còn hữu dư.
Không cần phải đến bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai hay một tháng, nếu Tỳkheo, Tỳ-kheo-ni nào lập tâm chánh trú nơi bốn niệm xứ thì trong vòng bảy ngày bảy đêm cũng sẽ nhất định chứng được một trong hai quả: Hoặc chứng Cứu cánh trí ngay trong hiện tại, hoặc chứng A-na-hàm nếu còn hữu dư.
Không cần phải đến bảy ngày đêm, sáu, năm, bốn, ba, hay hai ngày hai đêm, cũng không cần trong một ngày một đêm, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào trong từng khoảnh khắc lập tâm chánh trụ nơi bốn niệm xứ, nếu buổi sáng thực hành như vậy thì nhất định buổi tối liền được thăng tấn, nếu buổi tối thực hành như vậy thì nhất định sáng hôm sau sẽ được thăng tấn.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.