Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại Câu-xá-di, trong vườn Cù-sư-la.
Bấy giờ, Tôn giả Châu-na nói với các Tỳ-kheo:
– Nếu có Tỳ-kheo nói như thế này: “Tôi biết các pháp, những pháp được biết nhưng không có tham lam.” Nhưng trong tâm hiền giả ấy ác tham lam đã sanh và tồn tại. Cũng như vậy, đối với tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn xẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Nhưng trong tâm hiền giả ấy ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại. Các vị đồng Phạm hạnh biết hiền giả ấy không biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì trong tâm hiền giả ấy tham lam đã sanh và tồn tại. Cũng như vậy, đối với tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn xẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì trong tâm hiền giả kia ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại.
Này chư Hiền, như người không giàu mà tự xưng là giàu, cũng không có phong ấp mà nói là có phong ấp, lại không có gia súc mà nói có gia súc; nếu muốn tiêu dùng thì không có vàng, bạc, trân châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, không có gia súc, lúa gạo, cũng không có nô tỳ. Các bằng hữu quen biết đến nhà người ấy mà nói rằng: “Anh thật sự không giàu mà tự xưng là giàu, cũng không có phong ấp mà nói là có phong ấp, lại không có gia súc mà nói có gia súc; vả lại, khi muốn tiêu dùng thì không có vàng, bạc, trân châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, không có gia súc, lúa gạo và cũng không có nô tỳ.”
Cũng giống như thế, này chư Hiền, có Tỳ-kheo nói như thế này: “Ta biết các pháp, những pháp được biết mà không có tham lam.” Nhưng trong tâm hiền giả kia tham lam đã sanh và tồn tại. Cũng như vậy, đối với tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn xẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Nhưng trong tâm hiền giả ấy ác dục, ác kiến đã sanh và tồn tại. Các vị Phạm hạnh biết hiền giả ấy không biết các pháp, những pháp được biết mà không có tham lam. Vì sao? Vì tâm của hiền giả kia không hướng đến chỗ diệt tận tham lam, đến Vô dư Niết-bàn. Cũng như vậy, đối với tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn xẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì tâm hiền giả kia không hướng đến chỗ diệt tận ác kiến, đến Vô dư Niết-bàn.
Này chư Hiền, có Tỳ-kheo không nói như thế này: “Ta biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam.” Nhưng trong tâm hiền giả kia tham lam không sanh và tồn tại. Cũng như vậy, đối với tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn xẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Nhưng trong tâm hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại.
Các vị Phạm hạnh biết hiền giả ấy thật biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì trong tâm hiền giả kia ác tham lam đã không sanh và tồn tại. Cũng như vậy, đối với tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn xẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì trong tâm hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại.
Này chư Hiền, như người giàu to mà tự nói không giàu, cũng có phong ấp mà nói là không có phong ấp, lại có gia súc mà nói không có gia súc; nếu lúc muốn tiêu dùng thì có sẵn vàng, bạc, trân châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, có gia súc, lúa gạo và có nô tỳ. Các bằng hữu quen biết đến nhà người ấy, nói rằng: “Anh thật sự giàu to mà nói là không giàu, cũng có phong ấp mà nói không có phong ấp, lại có gia súc mà nói không có gia súc; nhưng khi muốn dùng thì có sẵn vàng, bạc, trân châu, lưu ly, thủy tinh, hổ phách, có gia súc, lúa gạo và cũng có nô tỳ.”
Cũng giống như thế, này chư Hiền, có Tỳ-kheo không nói như thế này: “Ta biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam.” Nhưng trong tâm hiền giả kia ác tham lam đã không sanh và tồn tại. Cũng như vậy, đối với tranh tụng, nhuế hận, sân triền, phú kết, bỏn xẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Nhưng trong tâm hiền giả kia ác dục, ác kiến không sanh và tồn tại. Các vị Phạm hạnh biết hiền giả ấy thật biết các pháp, những pháp được biết đến mà không có tham lam. Vì sao? Vì tâm hiền giả ấy hướng đến chỗ diệt tận tham lam, sân triền, phú kết, bỏn xẻn, ganh tị, lừa dối, dua nịnh, vô tàm, vô quý, ác dục, ác kiến. Vì sao? Vì tâm hiền giả kia hướng đến chỗ diệt tận ác kiến, hướng đến Vô dư Niết-bàn.
Tôn giả Châu-na thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả nói xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.