Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

72. KINH TRƯỜNG THỌ VƯƠNG BỔN KHỞI

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại Câu-xá-di, trong vườn Cù-sư-la.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo ở Câu-xá-di đã nhiều lần cãi vã nhau. Do đó, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo ở Câu-xá-di rằng:

- Này các Tỳ-kheo, các thầy chớ cãi vã nhau. Vì sao?

Hận thù diệt hận thù,          Không bao giờ chấm dứt, 

Nhẫn nhục diệt hận thù,     Là pháp cao quý nhất.

Vì sao? Thuở xưa, có vua nước Câu-sa-la tên là Trường Thọ; lại có vua nước Da-xá tên là Phạm-ma-đạt-đa. Hai vị quốc vương này đã nhiều lần gây chiến với nhau. Bấy giờ, quốc vương Phạm-ma-đạt-đa dấy bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi dấy bốn loại quân, vua nước Da-xá Phạm-ma-đạt-đa đích thân kéo quân đi, muốn gây chiến với Trường Thọ vua nước Câu-sa-la.

Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe tin Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Daxá vừa dấy bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân; sau khi dấy bốn loại quân, nhà vua lại muốn đến giao chiến với mình. Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe vậy, cũng dấy bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi dấy bốn loại quân, Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la đích thân xuất quân, dẫn đến tận biên giới, dàn trận giao chiến, tức thời đánh tan quân đối phương. Bấy giờ, Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la bắt hết bốn loại quân của Phạm-ma-đạt-đa là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân; lại bắt sống Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá, bắt xong, liền phóng thích và nói với Phạm-ma-đạt-đa:

“Ông là kẻ bị nguy khốn, nay ta tha cho, sau này chớ gây chiến nữa.”

Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá lại ba lần dấy bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau mỗi lần dấy bốn loại quân, nhà vua lại đích thân dẫn quân đến gây chiến với Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la.

Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe tin Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá lại dấy bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân; sau khi dấy bốn loại quân nhà vua lại kéo đến gây chiến với mình. Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe vậy, liền nghĩ: “Ta đã đánh bại nó, cần gì đánh bại nữa? Ta đã hàng phục nó, nó đâu đủ sức hàng phục ta? Ta đã hại nó, cần gì hại nữa? Ta chỉ cần một cây cung cũng đủ sức hàng phục nó.” Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghĩ thế nên an nhiên, không cần dấy bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân, cũng không tự mình ra mặt trận. Bấy giờ, Vua Phạm-ma-đạtđa nước Da-xá tiến quân đánh phá, bắt hết bốn loại quân của Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la nghe tin Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá đã tiến quân bắt hết bốn loại quân của mình là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Nhà vua lại nghĩ rằng: “Chiến tranh là kỳ quái, chiến tranh là tàn bạo. Vì sao? Vì chiến thắng sẽ bị chiến thắng, chế phục sẽ bị chế phục, tàn hại sẽ bị tàn hại. Vậy nay ta hãy đơn thân dẫn một người vợ cùng đi một cỗ xe, chạy đến Ba-la-nại.” Rồi Trường Thọ vua nước Câu-sa-la đơn thân dẫn một người vợ, cùng đi một cỗ xe, chạy đến Ba-la-nại. Trường Thọ vua nước Câu-sa-la lại nghĩ: “Ta nay có lẽ nên từ thôn này qua thôn kia, từ ấp này qua ấp nọ để cầu học rộng nghe nhiều.” Nghĩ như vậy, Vua Trường Thọ liền từ thôn này qua thôn khác, từ ấp này qua ấp nọ để cầu học rộng nghe nhiều, vì học rộng nghe nhiều nên vua đổi tên khác là Trường Thọ Bác Sĩ.

Trường Thọ Bác Sĩ lại nghĩ: “Những gì đáng học, ta đã học rồi. Ta nên vào đô ấp Ba-la-nại, đến ở đường này hẻm kia, vẻ mặt tươi cười tấu lên âm thanh vi diệu. Như vậy, các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được sẽ vô cùng hoan hỷ và thấy vui thích!” Nghĩ xong, Trường Thọ Bác Sĩ vào đô ấp Ba-la-nại, đứng ở đường này hẻm nọ, với vẻ mặt tươi cười tấu lên âm thanh vi diệu nên các nhà hào quý Ba-la-nại nghe được đều hết sức hoan hỷ và lấy làm thỏa thích. Lúc ấy, các quyến thuộc của Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá, từ những người quyến thuộc xa đến những người quyến thuộc gần, rồi đến những người quyến thuộc gần hơn nữa và đến Phạm chí quốc sư, tất cả đều nghe. Khi nghe được, Phạm chí quốc sư cho gọi Trường Thọ Bác Sĩ đến diện kiến.

Bấy giờ, Trường Thọ Bác Sĩ đi đến chỗ Phạm chí quốc sư với vẻ mặt vui tươi, tấu lên âm thanh vi diệu. Sau khi nghe, Phạm chí quốc sư rất hoan hỷ và lấy làm thỏa thích. Phạm chí quốc sư nói với Trường Thọ Bác Sĩ:

- Từ nay ông có thể nương tựa vào ta, ta sẽ cung cấp cho đầy đủ.

Trường Thọ Bác Sĩ thưa:

- Thưa Tôn giả, tôi còn có một người vợ, phải làm thế nào?

Phạm chí quốc sư nói với Bác Sĩ:

- Ông có thể đem đến ở nhà ta, ta sẽ cung cấp cho đầy đủ.

Thế rồi, Trường Thọ Bác Sĩ dẫn vợ mình đến trú tại nhà Phạm chí quốc sư. Phạm chí quốc sư liền chu cấp đầy đủ. Một thời gian sau, vợ của Trường Thọ Bác Sĩ trong lòng rầu rĩ, nghĩ rằng: “Ước gì bốn loại quân trận với đầy đủ nghi vệ tuốt gươm sáng loáng, từ từ đi qua, ta muốn xem cùng khắp và cũng muốn được uống nước mài dao. Vợ của Trường Thọ Bác Sĩ nghĩ vậy, liền nói với Trường Thọ Bác Sĩ:

- Thiếp cảm thấy trong lòng rầu rĩ, đang nghĩ thế này: “Ước gì bốn loại quân trận với đầy đủ nghi vệ tuốt gươm sáng loáng, từ từ đi qua, ta muốn xem cùng khắp, lại muốn được uống nước mài dao.” Trường Thọ Bác Sĩ nói với vợ rằng:

- Khanh chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Chúng ta đã bị Vua Phạm-ma-đạt-đa đánh bại. Khanh sẽ nhờ đâu mà được thấy bốn loại quân trận với đầy đủ nghi vệ tuốt gươm sáng loáng, từ từ đi qua để khanh xem cùng khắp và khanh lại được uống nước mài dao?

Bà vợ lại nói:

- Thưa Tôn quân, nếu được như thế thì thiếp còn hy vọng sống; nếu không được như thế chắc chắn thiếp sẽ chết, không có gì nghi ngờ nữa.

Trường Thọ Bác Sĩ liền đến chỗ Phạm chí quốc sư, đứng quay về phía quốc sư với vẻ mặt sầu thảm, bằng tiếng ai oán mà tấu lên các khúc nhạc. Phạm chí quốc sư nghe, lòng không được hoan hỷ. Bấy giờ, Phạm chí quốc sư mới hỏi:

- Này Bác Sĩ, trước ông đứng quay về phía ta với vẻ mặt vui tươi mà tấu lên âm thanh vi diệu. Nghe xong ta rất hoan hỷ, lấy làm vui thích. Nay vì sao ông lại đứng quay về phía ta với vẻ mặt sầu thảm, bằng âm thanh ai oán mà tấu lên khúc nhạc. Ta nghe không được hoan hỷ. Này Trường Thọ Bác Sĩ, thân ông không bệnh hoạn, ý ông không sầu não chứ?

Trường Thọ Bác Sĩ thưa:

- Thưa Tôn giả, thân tôi không bệnh hoạn nhưng ý tôi thì sầu não. Tôn giả, vợ tôi trong lòng rầu rĩ, đã nghĩ thế này: “Ta muốn bốn loại quân trận với đầy đủ nghi vệ tuốt gươm sáng loáng, từ từ đi qua, ta muốn xem cùng khắp, lại cũng muốn được uống nước mài dao.” Tôi liền bảo: “Khanh chớ nghĩ như thế. Vì sao? Nay ta như thế này, khanh nhờ đâu mà được thấy bốn loại quân trận với đầy đủ nghi vệ tuốt gươm sáng loáng, từ từ đi qua, để khanh xem cùng khắp và lại được uống nước mài dao?” Vợ tôi lại nói: “Thưa Tôn quân, nếu được như thế thì thiếp còn hy vọng sống; nếu không được như thế thì chắc chắn thiếp sẽ chết, không còn nghi ngờ gì nữa.” Thưa Tôn giả, nếu vợ tôi mà không toàn mạng thì tôi sao nỡ?

Phạm chí quốc sư hỏi rằng:

- Này Bác Sĩ, ta có thể gặp được vợ ông chăng?

- Thưa Tôn giả, có thể được!

Thế rồi, Phạm chí quốc sư cùng với Trường Thọ Bác Sĩ đến chỗ bà vợ của Bác Sĩ. Bấy giờ, vợ của Trường Thọ Bác Sĩ mang thai đứa con có đức. Phạm chí quốc sư thấy vợ của Trường Thọ Bác Sĩ mang thai đứa con có đức nên quỳ gối bên phải xuống đất, chắp tay hướng về vợ của Bác Sĩ khen ba lần rằng: “Sẽ sanh vua nước Câu-sa-la! Sẽ sanh vua nước Câu-sa-la! Sẽ sanh vua nước Câusa-la!”

Ông lại ra lệnh cho tả hữu: “Chớ cho ai biết.” Phạm chí quốc sư nói tiếp:

- Này Bác Sĩ, ông chớ ưu sầu. Ta sẽ cho vợ ông thấy được bốn loại quân với đầy đủ nghi vệ tuốt gươm sáng loáng, từ từ đi qua và cũng được uống nước mài dao.

Rồi Phạm chí quốc sư đi đến chỗ Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá, đến xong thưa rằng:

- Tâu Thiên vương, nên biết cho rằng, có vì sao hữu đức xuất hiện. Mong Thiên vương cho dàn bốn loại quân trận, với đầy đủ nghi vệ tuốt gươm sáng loáng, từ từ diễu hành và biểu dương quân uy bằng nước mài dao, mong Thiên vương đích thân thị sát! Tâu Thiên vương, nếu làm được như vậy thì chắc chắn có báo ứng tốt.

Vua nước Da-xá Phạm-ma-đạt-đa liền ra lệnh cho tướng quân:

- Nay khanh nên biết, có vì sao hữu đức xuất hiện. Khanh hãy tức khắc dàn bốn quân trận với đầy đủ nghi vệ tuốt gươm sáng loáng, từ từ diễu hành, biểu dương quân uy với nước mài dao. Ta sẽ đích thân quan sát, nếu làm được như vậy thì chắc chắn có báo ứng tốt.

Bấy giờ, tướng quân tuân lệnh vua, dàn bốn loại quân trận với đầy đủ nghi vệ tuốt gươm sáng loáng, từ từ diễn hành, biểu dương quân uy với nước mài dao. Phạm-ma-đạt-đa liền đích thân thị sát. Nhờ đó, vợ của Trường Thọ Bác Sĩ thấy được bốn loại quân trận với đầy đủ nghi vệ tuốt gươm sáng loáng, từ từ diễu hành, biểu dương quân uy và cũng được uống nước mài dao. Sau khi uống nước mài dao, sầu não liền tiêu, tiếp đến hạ sanh người con có đức, bèn đặt tên tự là Trường Sanh Đồng Tử, gởi gắm người khác bí mật nuôi nấng, lần hồi lớn khôn. Nếu các vị Vua Sát-lợi Đảnh Sanh chỉnh trị thiên hạ với một quốc độ lớn, có đủ các tài nghệ như cưỡi voi, cưỡi ngựa, điều khiển phi nhanh, chơi bắn cung, đánh bằng tay, ném móc, ném câu, giong xe, ngồi kiệu; các thứ tài nghệ tuyệt diệu như thế, Trường Sanh Đồng Tử đều biết thành thạo. Dù bất cứ loại xảo diệu nào, nếu Trường Thọ đụng đến, là vượt hẳn mọi người, dũng mãnh và cương nghị hơn đời, thông minh xuất chúng, bao nhiêu điều bí ẩn sâu xa, không có điều gì là không thông suốt.

Lúc ấy, Phạm-ma-đạt-đa nghe tin Trường Thọ vua nước Câu-sa-la đổi tên là Bác Sĩ và đang ở thành Ba-la-nại, liền ra lệnh cho tả hữu:

- Các khanh hãy cấp tốc đến bắt Trường Thọ vua nước Câu-sa-la, trói thúc ké hai tay, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết, rồi dẫn ra khỏi cửa thành phía Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao mà cật vấn.

Cận thần tả hữu vâng lệnh, liền đến bắt Trường Thọ vua nước Câu-sa-la, trói hai tay ra đằng sau, bỏ lên lừa chở đi, đánh trống lớn tiếng như lừa kêu, tuyên bố cho khắp nơi biết, rồi dẫn ra cửa thành phía Nam, bắt ngồi dưới cây nêu cao rồi cật vấn. Lúc ấy, Trường Sanh Đồng Tử đi theo cha lúc bên trái, lúc bên phải và thưa với cha:

- Thiên vương chớ sợ, Thiên vương chớ sợ! Có con ở đây, chắc chắn cứu được, chắc chắn cứu được!

Trường Thọ vua nước Câu-sa-la bảo con:

- Đồng Tử nên nhẫn, Đồng Tử nên nhẫn! Chớ khởi oán kết mà phải nên thực hành nhân từ!

Mọi người nghe Vua Trường Thọ nói như vậy liền hỏi:

- Như vậy, vua muốn nói những gì?

Nhà vua trả lời:

- Đồng Tử này thông minh, chắc chắn hiểu lời ta nói.

Lúc bấy giờ, Trường Sanh Đồng Tử khuyến khích những gia đình hào quý trong thành Ba-la-nại rằng:

- Chư vị, hãy bố thí, tu phước mà chú nguyện cho Trường Thọ vua nước Câu-sa-la; hãy đem phước thí ấy mà cầu cho Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la được an ổn, giải thoát!

Bấy giờ, các nhà hào quý trong thành Ba-la-nại theo lời khuyến khích của Trường Sanh Đồng Tử, bố thí, tu phước, chú nguyện cho Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, đem phước thí ấy cầu cho Vua Trường Thọ được an ổn, giải thoát.

Vua nước Da-xá Phạm-ma-đạt-đa nghe các nhà hào quý trong thành Ba-lanại này bố thí, tu phước, chú nguyện cho Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, đem phước thí ấy cầu cho Vua Trường Thọ được an ổn, giải thoát thì vô cùng sợ hãi, tóc lông dựng đứng, nghĩ rằng: “Những nhà hào quý trong thành Ba-la-nại này phản lại ta chăng? Nhưng hãy gác lại việc kia, nay trước tiên ta phải cấp tốc tiêu diệt người này.”

Rồi Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá, hạ lệnh cho tả hữu:

- Các khanh hãy cấp tốc đi giết Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, chặt ra làm bảy đoạn.

Cận thần tả hữu tuân lệnh, liền đi giết Vua Trường Thọ, chặt làm bảy đoạn. Bấy giờ, Trường Sanh Đồng Tử nói với các nhà hào quý trong thành Ba-la-nại:

- Các vị xem đấy, vua nước Da-xá Phạm-ma-đạt-đa tàn ác vô đạo. Nó bắt cha ta, Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là người vô tội; nó lại cướp đoạt kho tàng tài sản của nước ta, vì thù hận cay độc mà giết người, chặt làm bảy đoạn một cách oan uổng. Các vị nên đến dùng lụa mới, quấn nhiều lớp bọc kín thi hài bảy đoạn, liệm cho cha ta, dùng tất cả các cây hương thơm, chất đống để hỏa táng và lập miếu đường mà thờ. Các vị nên vì cha ta mà gởi thư cho Phạmma-đạt-đa và nói rằng: “Trường Sanh Đồng Tử vua nước Câu-sa-la bảo cho vua biết, vua không sợ sau này con cháu gieo họa cho chăng?”

Rồi thì, những nhà hào quý ở thành Ba-la-nại theo lời khuyên của Trường Sanh Đồng Tử, dùng lụa mới xếp nhiều lớp để liệm thi hài bảy đoạn ấy, dùng các loại cây hương thơm chất đống, hỏa táng rồi lập miếu mà thờ, và cũng làm thư gởi cho Phạm-ma-đạt-đa, nói rằng: “Trường Sanh Đồng Tử vua nước Câusa-la bảo rằng: ‘Vua không sợ sau này bị con cháu gieo họa cho chăng?’” Bấy giờ, vợ của vua Trường Thọ nói với Trường Sanh Đồng Tử:

- Con nên biết, vua nước Da-xá Phạm-ma-đạt-đa này là kẻ bạo tàn, vô đạo, bắt cha con là Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la là người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng, tài sản của nước con, lại vì thù hận cay độc giết người, chặt ra bảy đoạn một cách oan uổng. Này Đồng Tử, con hãy đến đây cùng ta cưỡi một chiếc xe chạy ra khỏi Ba-la-nại; nếu không đi thì tai họa sẽ đến với con.

Thế rồi vợ của Trường Thọ cùng với Trường Sanh Đồng Tử cưỡi một chiếc xe chạy ra khỏi Ba-la-nại. Bấy giờ, Trường Sanh Đồng Tử nghĩ rằng: “Ta nên đến thôn này, qua thôn kia để cầu học rộng nghe nhiều.” Nghĩ xong, Trường Sanh Đồng Tử liền đi từ thôn này, qua thôn kia để cầu học rộng nghe nhiều. Sau khi đã học rộng nghe nhiều, liền đổi tên khác là Trường Sanh Bác Sĩ. Trường Sanh Bác Sĩ lại nghĩ: “Điều cần học ta đã học xong, có lẽ ta nên vào đô ấp Bala-nại, đứng ở đường này hẻm nọ, với vẻ mặt tươi cười tấu lên âm thanh vi diệu. Như vậy, các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được, sẽ hoan hỷ và cảm thấy vui thích.” Nghĩ vậy, Trường Sanh Bác Sĩ liền vào đô ấp Ba-la-nại, đứng ở đường này hẻm nọ, với vẻ mặt vui cười tấu lên âm thanh vi diệu. Các nhà hào quý ở Ba-la-nại nghe được, hoan hỷ vô cùng và cảm thấy vui thích.

Bấy giờ, các quyến thuộc của Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá, từ quyến thuộc xa đến quyến thuộc gần, và đến quyến thuộc gần hơn nữa, cho đến Phạm chí quốc sư, lần hồi thấu đến Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá nghe xong, liền gọi vào diện kiến. Thế rồi, Trường Sanh Bác Sĩ đi đến chỗ Phạm-ma-đạt-đa, đứng quay về phía nhà vua, với vẻ mặt tươi cười tấu lên bằng âm thanh vi diệu. Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá nghe như thế, hoan hỷ vô cùng, lấy làm vui thích. Rồi vua nước Da-xá Phạm-ma-đạt-đa nói với Bác Sĩ rằng:

- Từ nay khanh có thể nương tựa vào ta, ta sẽ cung cấp cho đầy đủ!

Khi ấy, Trường Sanh Bác Sĩ nương tựa vào nhà vua. Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá cung cấp đầy đủ; về sau, lại hết lòng tín nhiệm, giao phó công việc, đem kiếm hộ thân trao cho Trường Sanh Bác Sĩ. Bấy giờ, Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá bảo người đánh xe:

- Ngươi hãy sửa soạn xa giá, ta muốn đi săn bắn!

Người đánh xe vâng lời, sửa soạn xa giá xong, trở lại tâu rằng:

- Con đã sửa soạn xa giá xong, xin theo ý Thiên vương!

Thế rồi, vua nước Da-xá Phạm-ma-đạt-đa và Trường Sanh Bác Sĩ cùng ngồi cỗ xe ra đi. Trường Sanh Bác Sĩ nghĩ rằng: “Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá tàn bạo, vô đạo. Nó bắt cha ta, Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, là người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng, tài sản của ta, và vì thù hận cay độc mà giết người, chặt ra bảy đoạn một cách oan uổng. Nay ta nên đánh xe tách khỏi bốn loại quân, đi đến một nơi khác.” Nghĩ vậy, Trường Sanh Bác Sĩ liền đánh xe tách ra bốn loại quân, đi đến một nơi khác.

Bấy giờ, Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá vất vả, trải qua con đường lầy lội, gió nóng bức bách, lo âu, khát nước, mệt nhọc quá đỗi nên muốn nằm, liền xuống xe, gối vào đầu gối của Trường Sanh Bác Sĩ mà ngủ.

Trường Sanh Bác Sĩ nghĩ rằng: “Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá, tàn bạo, vô đạo. Nó bắt cha ta, Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, là người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng tài sản của nước ta, và vì thù hận cay độc mà giết người, chặt ra làm bảy đoạn một cách oan uổng. Thế mà ngày nay nó đã nằm trong tay ta, ta phải báo oán.” Trường Sanh Bác Sĩ nghĩ như vậy liền tuốt gươm bén, dí vào cổ Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá mà nói rằng: “Nay ta sẽ giết ngươi, nay ta sẽ giết ngươi.” Trường Sanh Bác Sĩ lại nghĩ: “Ta làm không đúng. Vì sao? Nhớ lại ngày trước ngồi dưới cây nêu cao, vào phút sắp lâm chung cha ta đã bảo ta rằng: ‘Đồng Tử hãy nhẫn, Đồng Tử hãy nhẫn, chớ khởi oán kiết mà phải thực hành nhân từ.’” Nhớ lại như vậy, Bác Sĩ bèn thu gươm tra vào vỏ. Trong lúc đó, Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá mộng thấy Trường Sanh Đồng Tử, con Vua Trường Thọ vua nước Câu-sa-la, tay cầm gươm bén, dí vào cổ mình mà nói rằng: “Nay ta sẽ giết ngươi, nay ta sẽ giết ngươi.” Thấy vậy, nhà vua sợ hãi, tóc lông dựng đứng, kinh hoàng chợt tỉnh, nói với Trường Sanh Bác Sĩ:

- Ngươi nên biết, ta ở trong mộng, thấy Trường Sanh Đồng Tử, con Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la, tay cầm kiếm bén, dí vào cổ ta và nói rằng: “Nay ta giết ngươi, nay ta giết ngươi.”

Nghe xong, Trường Sanh Đồng Tử thưa rằng:

- Thiên vương chớ sợ, Thiên vương chớ sợ. Vì sao? Trường Sanh Đồng Tử, con Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la chính là thần đây. Tâu Thiên vương, thần nghĩ rằng: “Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá, bạo tàn, vô đạo, bắt cha ta, một người vô tội, lại cướp đoạt kho tàng, tài sản nước ta, và vì thù hận cay độc mà giết cha ta, chặt người ra làm bảy đoạn một cách oan uổng. Nay chính nó đã nằm trong tay ta, ta nghĩ phải báo oán.” Tâu Thiên vương, thần liền rút gươm dí vào cổ Thiên vương và nói rằng: “Nay ta giết ngươi, nay ta giết ngươi.” Tâu Thiên vương, thần lại nghĩ rằng: “Ta làm không đúng. Vì sao? Nhớ ngày trước ngồi dưới cây nêu cao, vào phút sắp lâm chung cha ta đã bảo ta rằng: ‘Đồng Tử hãy nhẫn, Đồng Tử hãy nhẫn, chớ khởi oán kiết mà phải thực hành nhân từ.’ Nhớ lại như vậy nên thần cất gươm vào vỏ.”

Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá nói:

- Này Đồng Tử, khanh nói rằng: “Đồng Tử hãy nhẫn, Đồng Tử hãy nhẫn”, ta đã rõ nghĩa ấy. Nhưng Đồng Tử lại nói: “Chớ khởi oán kiết mà phải thực hành nhân từ” là nghĩa thế nào?

Trường Sanh Đồng Tử đáp:

- Tâu Thiên vương, “Chớ khởi oán kiết mà phải thực hành nhân từ” chính là như vậy.

Nghe xong, Vua Phạm-ma-đạt-da nước Da-xá nói:

- Này Đồng Tử, từ ngày hôm nay, ta đem đất nước mà ta đang thống lãnh trao hết cho khanh, bổn quốc của thân phụ khanh giao hoàn lại cho khanh. Vì sao? Vì khanh đã làm một việc quá khó là ban ân huệ cho mạng sống của ta.

Trường Sanh Đồng Tử nghe vậy, liền thưa:

- Bổn quốc của Thiên vương thì thuộc về Thiên vương. Bổn quốc của thân phụ hạ thần thì mới có thể giao hoàn.

Bấy giờ, Phạm-ma-đạt-đa vua nước Da-xá cùng với Trường Sanh Đồng Tử lên xe trở về. Vào thành Ba-la-nại, ngồi trên chánh điện, vua bảo các cận thần:

- Này các khanh, nếu bắt gặp Trường Sanh Đồng Tử, con Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la thì các khanh sẽ xử sự như thế nào?

Cận thần nghe vậy, có người tâu rằng:

- Tâu Thiên vương, nếu bắt gặp nó, tôi sẽ chặt tay nó!

Có người lại tâu:

- Tâu Thiên vương, nếu bắt gặp nó thì tôi chặt chân nó!

- Tâu Thiên vương, nếu bắt gặp nó thì giết nó!

Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá nói rằng:

- Các khanh muốn gặp Trường Sanh Đồng Tử, con Vua Trường Thọ nước Câu-sa-la thì ở đây này. Các khanh chớ khởi ác ý với Đồng Tử này. Vì sao? Vì Đồng Tử đã làm một việc hết sức khó là đã tha mạng cho ta.

Thế rồi, Vua Phạm-ma-đạt-đa nước Da-xá dùng nước tắm của vua, tắm gội cho Trường Sanh Đồng Tử, cho thoa bằng bột hương của vua, cho mặc bằng y phục của vua, mời ngồi ngự sàng bằng vàng, cho vợ con trở về bổn quốc.

Này các Tỳ-kheo, quốc vương Sát-lợi Đảnh Sanh ấy làm chủ đại quốc, chỉnh trị thiên hạ; tự thực hành hạnh nhẫn nhục, lại xưng tán hạnh nhẫn nhục; tự thực hành từ tâm, lại xưng tán từ tâm; tự ban ân huệ, lại xưng tán ân huệ. Này các Tỳ-kheo, các thầy cũng nên như vậy, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; nên thực hành hạnh nhẫn nhục, lại xưng tán hạnh nhẫn nhục; tự thực hành từ tâm, lại xưng tán từ tâm; tự ban ân huệ, lại xưng tán ân huệ.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật thuyết, có vị bạch rằng:

- Thế Tôn là Pháp Chủ, nay mong Thế Tôn cứ ở yên vậy! Vị ấy nói xấu con, con làm sao không nói xấu vị ấy được?

Lúc ấy, đức Thế Tôn không vui về việc làm của các Tỳ-kheo ở Câu-xá-di, với những oai nghi, lễ tiết mà họ đã học tập. Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, nói bài tụng:

           Với bao nhiêu lời nói,

Phá hoại chúng Tối tôn;

           Khi phá hoại Thánh Tăng, 

Không ai khiển trách nỗi.

           Nát thân và mất mạng, 

Cướp đoạt voi, ngựa, trâu,

           Tải sản và quốc gia, 

Họ còn hay hòa thuận.

           Huống thầy, vài tiếng cãi, 

Sao không chịu thuận hòa?

           Không suy chân nghĩa xa, 

Oán kiết làm sao giải?

           Mạ lỵ, trách nhau mãi, 

Nhưng hay biết thuận hòa,

           Nếu suy chân nghĩa xa, 

Oán kiết tất giải được.

           Thù hận dứt thù hận, 

Đời nào dứt cho xong?

           Nhẫn nhục dứt thù hận,

Đó là pháp tối thượng.

           Sân với bậc thượng trí, 

Miệng toàn lời si mê,

           Phỉ báng Thánh Mâu-ni,

Thấp hèn không chút huệ.

           Người khác không rõ nghĩa,

Riêng Ta biết mà thôi;

           Nếu ai rõ nghĩa được,

Người này dứt sân nhuế.

           Ai có định làm bạn,

Kẻ trí, cùng tu thiện,

           Xả ý chấp xưa kia,

Hoan hỷ thường tùy thuận.

           Không có định làm bạn,

Kẻ trí, siêng tu thiện,

           Như vua trị nước nhà,

Như voi lẻ rừng vắng.

           Độc hành, chớ tạo ác,

Như voi lẻ rừng sâu;

           Độc hành là hay nhất,

Đừng cùng kẻ vô đức.

           Học, không gặp bạn tốt,

Không cùng ai ngang mình,

           Hãy kiên tâm cô độc,

Đừng cùng kẻ vô đức.

Lúc đức Thế Tôn thuyết bài tụng này xong, Ngài dùng như ý túc cưỡi hư không mà đi đến thôn Bà-la-lâu-la.

Ở thôn Bà-la-lâu-la có Tôn giả Bà-cửu, Thích gia tử ngày đêm không ngủ, tinh cần hành đạo, chí hành, thường định tĩnh, an trú trong đạo phẩm. Tôn giả Thích gia tử từ xa trông thấy đức Phật đi đến; khi đã trông thấy liền ra nghinh tiếp, đỡ lấy y bát của Ngài, trải giường, múc nước rửa chân. Đức Phật rửa chân xong, ngồi lên chỗ ngồi của Thích gia tử Bà-cửu. Ngồi xong, Ngài nói:

- Này Tỳ-kheo Bà-cửu, thầy thường an ổn, không hề mệt mỏi chăng?

Tôn giả Thích gia tử Bà-cửu trả lời:

- Bạch đức Thế Tôn, con thường an ổn, không có mệt mỏi.

Đức Thế Tôn lại hỏi Tỳ-kheo Bà-cửu:

- Thế nào là an ổn, không mỏi mệt?

Tôn giả Bà-cửu đáp:

- Bạch đức Thế Tôn, con ngày đêm không ngủ, tinh tấn hành đạo, chí hành, thường định tĩnh, an trú vào đạo phẩm. Bạch đức Thế Tôn, như vậy con thường an ổn, không có mệt mỏi.

Đức Thế Tôn lại nghĩ: “Thiện nam tử này sống cuộc đời an lạc, Ta nay nên thuyết pháp cho y.” Nghĩ vậy, Ngài liền thuyết pháp cho Tôn giả Bà-cửu, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ. Sau khi bằng vô lượng phương tiện thuyết pháp, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ cho vị ấy. Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến rừng Hộ Tự. Vào rừng Hộ Tự, đến dưới gốc cây, Ngài trải ni-sư-đàn ngồi kiết-già. Đức Thế Tôn lại nghĩ rằng:

“Ta đã thoát được nhóm Tỳ-kheo ở Câu-xá-di kia, một nhóm luôn luôn tranh chấp nhau, chèn ép nhau, thù nghịch nhau, giận hờn nhau, cãi vã nhau. Ta không hoan hỷ nghĩ đến phương ấy, nơi mà nhóm Tỳ-kheo Câu-xá-di đang trú.”

Ngay lúc đó, có một con voi lớn, là chúa của đàn voi, tách rời đàn đi một mình, cũng đến rừng Hộ Tự. Vào rừng Hộ Tự, nó đến dựa vào cây hiền-ta-la, đứng bên cây hiền-ta-la. Khi ấy voi lớn nghĩ rằng: “Ta đã thoát được bọn voi kia, voi cha, voi mẹ, voi con lớn nhỏ. Bọn voi ấy thường đi trước, giẫm lên cỏ, làm vấy bẩn nước. Ta bấy giờ ăn cỏ bị giẫm đạp ấy, uống nước vẩn đục kia. Nay ta ăn cỏ mới, uống nước trong.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn bằng tha tâm trí, biết được ý nghĩ trong lòng con voi lớn kia, liền nói bài tụng:

Một voi với đàn voi,          Cũng vóc, ngà, chân đủ,    

Đem tâm so các tâm,       Rừng sâu vui độc trú.

Khi đó, đức Thế Tôn từ rừng Hộ Tự, mang y bát đi đến rừng Bàn-na-mạnxà-tự. Bấy giờ, có ba thiện nam tử trú ở trong rừng Bàn-na-mạn-xà-tự là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tỳ-la. Các Tôn giả ấy sống như vầy:

Nếu ai khất thực trở về trước thì trải giường, múc nước, để sẵn chậu rửa chân, đặt sẵn đòn rửa chân và khăn lau chân, lu nước uống và ghè nước rửa tay. Nếu những gì khất thực có thể dùng hết thì dùng hết, nếu còn dư đổ vào hũ đậy kín và cất đi; ăn xong, dọn bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai, vào phòng tĩnh tọa. Ai khất thực về sau, nếu dùng hết thì dùng, nếu thiếu thì lấy đồ ăn khất thực còn lại của người trước mà dùng cho đủ, nếu dư thì đổ xuống đất sạch, hay nước không có trùng rồi đem bình bát rửa sạch, lau khô và cất vào một góc, thu dọn giường chiếu, dẹp đòn rửa chân, cất khăn lau chân, cất chậu rửa chân và lu nước uống, ghè nước rửa tay, quét dọn nhà ăn. Sau khi rửa sạch những đồ nhơ bẩn ấy, thâu xếp y bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai, vào phòng tĩnh tọa.

Đến lúc xế trưa, các Tôn giả ấy, nếu có vị nào từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy trước, thấy lu nước uống và ghè nước rửa tay trống rỗng không có nước thì mang đi lấy nước. Nếu xách về nổi thì xách đến để vào một góc, nếu xách không nổi thì lấy tay vẫy một vị Tỳ-kheo nữa, mỗi người khiêng một bên, không ai nói chuyện với nhau, cũng không được hỏi han gì nhau. Các Tôn giả ấy cứ năm ngày tụ tập một lần, cùng bàn về pháp và im lặng theo pháp bậc Thánh.

Bấy giờ, người giữ rừng trông thấy đức Thế Tôn từ xa đi đến, bèn đón và ngăn rằng:

- Sa-môn, Sa-môn, chớ vào rừng này. Vì sao? Nay trong rừng này có ba thiện nam tử. Đó là Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề và Tôn giả Kim-tỳ-la. Các vị ấy trông thấy Sa-môn, chắc họ không vừa ý.

Đức Thế Tôn bảo:

- Này người giữ rừng, các vị kia nếu thấy Ta, chắc chắn không có gì không vừa ý.

Ngay lúc đó, Tôn giả A-na-luật-đà từ xa trông thấy đức Thế Tôn đi đến, liền quở trách người kia:

- Này người giữ rừng, chớ ngăn đức Thế Tôn. Này người giữ rừng, chớ ngăn đức Thiện Thệ. Vì sao? Đó là bậc Tôn Sư của ta đi đến, đó là đấng Thiện Thệ của ta đi đến.

Tôn giả A-na-luật-đà ra nghinh đón đức Thế Tôn, đỡ y bát của Ngài, Tôn giả Nan-đề trải giường cho đức Phật, Tôn giả Kim-tỳ-la lấy nước cho Ngài.

Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi rửa tay chân, ngồi vào chỗ mà Tôn giả ấy đã trải. Ngồi xong, Ngài hỏi:

- Này A-na-luật-đà, thầy thường an ổn, không mỏi mệt chăng?

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

- Bạch đức Thế Tôn, con thường an ổn, không có mỏi mệt.

Đức Thế Tôn lại hỏi A-na-luật-đà:

- An ổn, không mỏi mệt như thế nào?

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

- Bạch đức Thế Tôn, con nghĩ rằng con có thiện lợi, có công đức lớn, nghĩa là con được cùng tu hành với các vị đồng Phạm hạnh như thế. Bạch đức Thế Tôn, con thường thực hành từ thân nghiệp đối với các vị đồng Phạm hạnh, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau, không khác; thực hành từ khẩu nghiệp, thực hành từ ý nghiệp, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau, không khác. Bạch đức Thế Tôn, con nghĩ rằng: “Nay ta có thể tự xả bỏ tâm mình, tùy thuận tâm chư Hiền.” Bạch đức Thế Tôn, con liền xả bỏ tâm mình, tùy thuận tâm chư Hiền. Bạch đức Thế Tôn, con chưa từng có một điều nào là không vừa lòng.

Bạch đức Thế Tôn, con thường an ổn, không có mỏi mệt như thế.

Đức Thế Tôn hỏi Tôn giả Nan-đề, Tôn giả cũng đáp như thế. Đức Thế Tôn lại hỏi Tôn giả Kim-tỳ-la:

- Thầy thường an ổn, không mệt mỏi chăng?

Tôn giả Kim-tỳ-la đáp:

- Bạch đức Thế Tôn, con thường an ổn, không mệt mỏi.

- Này Kim-tỳ-la, an ổn, không mệt mỏi như thế nào?

Tôn giả Kim-tỳ-la đáp:

- Bạch đức Thế Tôn, con nghĩ rằng con có thiện lợi, có công đức lớn, nghĩa là con được cùng tu hành với các vị đồng Phạm hạnh như thế. Bạch đức Thế Tôn, con thường thực hành từ nơi thân nghiệp đối với các vị đồng Phạm hạnh, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau, không khác; thực hành từ khẩu nghiệp, thực hành từ ý nghiệp, trước mặt hay vắng mặt đều như nhau, không khác. Bạch đức Thế Tôn, con nghĩ rằng: “Nay ta có thể tự xả bỏ tâm mình, tùy thuận tâm chư Hiền.” Bạch đức Thế Tôn, con liền xả bỏ tâm mình, tùy thuận tâm chư Hiền. Bạch đức Thế Tôn, con chưa từng có một điều nào là không vừa lòng. Bạch đức Thế Tôn, con thường an ổn, không có mệt mỏi như thế.

Đức Thế Tôn tán thán:

- Lành thay, lành thay! Này A-na-luật-đà, như thế các thầy thường cùng nhau hòa hợp, an lạc, không tranh cãi, cùng hiệp nhất trong một tâm, chung một thầy, như nước với sữa, và đối với pháp thượng nhân có sai sót gì trong sự chứng trú, an lạc chăng?

Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:

- Bạch đức Thế Tôn, chúng con thường cùng nhau hòa hợp, an lạc, không tranh cãi, cùng hợp nhất trong một tâm, chung một thầy, như nước với sữa, và đối với sự chứng đắc pháp thượng nhân có sai sót trong sự chứng trú, an lạc. Bạch đức Thế Tôn, chúng con được ánh sáng liền thấy sắc, nhưng ánh sáng để thấy sắc ấy liền biến mất.

Đức Thế Tôn nói rằng:

- Này A-na-luật-đà, các thầy không thấu triệt được tướng ấy là tướng được ánh sáng mà thấy sắc và ánh sáng thấy sắc ấy liền biến mất. Này A-na-luật-đà, thuở xưa, lúc Ta chưa đắc đạo giác ngộ vô thượng chánh chơn, cũng được ánh sáng mà thấy sắc, nhưng ánh sáng thấy sắc ấy cũng liền biến mất. Này A-naluật-đà, Ta nghĩ: “Trong tâm Ta có sai lầm gì khiến cho Ta mất định mà nhãn diệt? Nhãn diệt rồi thì ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, Ta tu hành tinh tấn, không biếng nhác, thân tĩnh chỉ, an trú, có chánh niệm, chánh trí, không có ngu si, được định tĩnh, nhất tâm. Này A-na-luật-đà, Ta nghĩ rằng: “Ta tu hành tinh tấn, không biếng nhác, thân tĩnh chỉ, an trú, có chánh niệm, chánh trí, không có ngu si, được định tĩnh, nhất tâm. Hay là trong đời không có gì để Ta có thể thấy, có thể biết chăng?” Trong tâm Ta sanh cái lỗi hoài nghi ấy. Nhân lỗi của hoài nghi ấy nên mất định mà nhãn diệt. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền biến mất.

Này A-na-luật-đà, rồi Ta nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên có cái lỗi hoài nghi.” Này A-na-luật-đà, Ta muốn không sanh khởi lỗi lầm này nên sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên Ta được ánh sáng mà thấy sắc, nhưng ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt. Này A-na-luậtđà, Ta lại nghĩ: “Trong tâm Ta có lỗi lầm nào khiến Ta mất định mà diệt nhãn? Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta đã chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: “Trong tâm Ta sanh cái lỗi không ghi nhớ. Nhân cái lỗi không ghi nhớ này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.”

Này A-na-luật-đà, rồi Ta nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên sanh cái lỗi lầm hoài nghi, cũng không sanh cái lỗi không ghi nhớ.” Này A-na-luật-đà, Ta muốn không sanh khởi những lỗi lầm này nên sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên được ánh sáng mà thấy sắc. Nhưng ánh sáng thấy sắc ấy cũng liền tiêu diệt. Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta có lỗi lầm gì khiến Ta mất định mà diệt nhãn? Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta sanh cái lỗi tưởng thân bệnh. Nhân cái lỗi về tưởng thân bệnh này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.”

Này A-na-luật-đà, rồi Ta nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên sanh cái lỗi nghi hoặc, không nên sanh cái lỗi không ghi nhớ, cũng không nên sanh cái lỗi về tưởng thân bệnh.” Này A-na-luật-đà, Ta muốn không sanh khởi những lỗi lầm đó nên sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên được ánh sáng mà thấy sắc. Nhưng ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt. Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: “Trong tâm Ta có lỗi lầm gì khiến Ta mất định mà diệt nhãn? Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta sanh cái lỗi lầm về ngủ nghỉ. Nhân cái lỗi lầm về ngủ nghỉ này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.”

Này A-na-luật-đà, rồi Ta nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên sanh cái lỗi nghi hoặc, không nên sanh cái lỗi không ghi nhớ, không nên sanh cái lỗi về tưởng thân bệnh, cũng không nên sanh cái lỗi về ngủ nghỉ.” Này A-na-luật-đà, Ta muốn không nên sanh khởi những lỗi lầm đó nên sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên được ánh sáng mà thấy sắc, nhưng ánh sáng để thấy sắc liền diệt. Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta có lỗi lầm gì khiến Ta mất định mà diệt nhãn? Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta sanh cái lỗi lầm về tinh tấn thái quá. Nhân cái lỗi lầm về tinh tấn thái quá này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, cũng giống như người lực sĩ bắt con ruồi quá gấp nên con ruồi phải chết. Như vậy, A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh lỗi lầm về tinh cần thái quá. Nhân tai họa về tinh cần thái quá này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.

Này A-na-luật-đà, rồi Ta nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên sanh cái lỗi nghi hoặc, không nên sanh cái lỗi không ghi nhớ, không nên sanh cái lỗi về tưởng thân bệnh, không nên sanh cái lỗi về ngủ nghỉ, cũng không nên sanh cái lỗi về tinh tấn thái quá.” Này A-na-luật-đà, Ta muốn không sanh khởi những lỗi lầm đó nên sống một mình nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên được ánh sáng mà thấy sắc, nhưng ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt. Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta có lỗi lầm gì khiến Ta mất định mà diệt nhãn? Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta sanh lỗi lầm về biếng nhác thái quá. Nhân lỗi lầm về sự biếng nhác thái quá này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, cũng như người lực sĩ bắt con ruồi quá chậm nên ruồi bay mất. Này A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh cái lỗi về biếng nhác thái quá. Nhân cái lỗi về biếng nhác thái quá này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.

Này A-na-luật-đà, rồi Ta nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên sanh cái lỗi về nghi, không nên sanh cái lỗi không ghi nhớ, không nên sanh cái lỗi về tưởng thân bệnh, không nên sanh cái lỗi ngủ nghỉ, không nên sanh cái lỗi về tinh cần thái quá, cũng không nên sanh cái lỗi về biếng nhác thái quá.” Này A-na-luậtđà, Ta muốn không sanh khởi những lỗi lầm đó nên sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên được ánh sáng mà thấy sắc, nhưng ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt. Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta có lỗi lầm gì khiến Ta mất định mà diệt nhãn? Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta có cái lỗi sợ hãi. Nhân cái lỗi sợ hãi này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, cũng như người đang đi trên đường, bốn phía có giặc thù đến; người ấy trông thấy thì khiếp sợ, hãi hùng, tóc lông dựng đứng. Cũng như vậy, này A-na-luậtđà, trong tâm Ta sanh cái lỗi sợ hãi. Nhân cái lỗi sợ hãi đó nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.

Này A-na-luật-đà, rồi Ta nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên sanh cái lỗi về nghi, không nên sanh cái lỗi không ghi nhớ, không nên sanh cái lỗi về tưởng thân bệnh, không nên sanh cái lỗi về ngủ nghỉ, không nên sanh cái lỗi về tinh cần thái quá, không nên sanh cái lỗi về biếng nhác thái quá, cũng không nên sanh cái lỗi về sợ hãi.” Này A-na-luật-đà, Ta muốn không sanh khởi những lỗi lầm đó nên sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên được ánh sáng mà thấy sắc, nhưng ánh sáng thấy sắc ấy liền diệt. Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: “Trong tâm Ta có lỗi lầm gì khiến Ta mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt?” Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta sanh lỗi lầm về vui mừng. Nhân lỗi lầm về vui mừng này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, cũng như người vốn mong cầu một kho báu, bỗng được bốn kho báu, người ấy trông thấy liền sanh vui mừng. Cũng như vậy, này A-na-luật-đà, trong tâm Ta sanh cái lỗi của vui mừng. Nhân cái lỗi của vui mừng này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.

Này A-na-luật-đà, rồi Ta nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên sanh khởi cái lỗi nghi hoặc, không nên sanh cái lỗi không ghi nhớ, không nên sanh cái lỗi về tưởng thân bệnh, không nên sanh cái lỗi về ngủ nghỉ, không nên sanh cái lỗi về siêng năng thái quá, không nên sanh cái lỗi về biếng nhác thái quá, không nên sanh cái lỗi về sợ hãi, cũng không nên sanh cái lỗi về vui mừng.” Này A-naluật-đà, Ta muốn không sanh khởi những lỗi lầm đó nên sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên được ánh sáng mà thấy sắc, nhưng ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt. Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta có lỗi lầm gì khiến Ta mất định mà diệt nhãn? Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Trong tâm Ta sanh cái lỗi tự cao. Nhân cái lỗi về tâm tự cao này nên mất định mà diệt nhãn. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.”

Này A-na-luật-đà, rồi Ta nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên sanh cái lỗi về nghi ngờ, không nên sanh cái lỗi không ghi nhớ, không nên sanh cái lỗi về tưởng thân bệnh, không nên sanh cái lỗi về ngủ nghỉ, không nên sanh cái lỗi về siêng năng thái quá, không nên sanh cái lỗi về biếng nhác thái quá, không sanh cái lỗi về sợ hãi, không nên sanh cái lỗi về vui mừng, cũng không nên sanh cái lỗi về tâm tự cao.” Này A-na-luật đà, Ta không muốn sanh khởi những lỗi lầm đó nên sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Nhân sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn nên được ánh sáng mà thấy sắc, nhưng ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt. Này A-na-luật-đà, Ta lại suy nghĩ: “Trong tâm Ta có lỗi lầm gì khiến Ta mất định mà diệt nhãn? Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta đã chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.” Này A-na-luật-đà, Ta lại suy nghĩ: “Trong tâm Ta sanh ra lỗi lầm về một số tưởng nào đó mà Ta mất định, nhãn diệt. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.”

Này A-na-luật-đà, rồi Ta nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên sanh cái lỗi nghi ngờ, không nên sanh cái lỗi không ghi nhớ, không nên sanh cái lỗi về tưởng thân bệnh, không nên sanh cái lỗi về ngủ nghỉ, không nên sanh cái lỗi quá siêng năng, không nên sanh cái lỗi quá biếng nhác, không nên sanh cái lỗi sợ hãi, không nên sanh cái lỗi về vui mừng, không nên sanh cái lỗi về tâm tự cao, cũng không nên sanh cái lỗi về một số tưởng nào đó.” Này A-na-luật-đà, Ta muốn không khởi những lỗi lầm này nên sống một mình tại nơi xa vắng, tinh cần, không phóng dật. Do sống một mình tại nơi xa vắng, tinh cần, không phóng dật liền được ánh sáng mà thấy sắc, nhưng ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt. Này A-na-luật-đà, Ta lại suy nghĩ: “Trong tâm Ta có lỗi lầm gì khiến Ta mất định mà diệt nhãn? Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt?” Này A-na-luật-đà, Ta lại suy nghĩ: “Trong tâm Ta sanh cái lỗi không quán sắc. Nhân cái lỗi không quán sắc này mà mất định, nhãn diệt. Nhãn diệt rồi, ánh sáng để thấy sắc mà Ta chứng đắc trước kia, ánh sáng để thấy sắc ấy liền diệt.”

Này A-na-luật-đà, rồi Ta suy nghĩ rằng: “Trong tâm Ta không nên sanh cái lỗi về nghi ngờ, không nên sanh cái lỗi không ghi nhớ, không nên sanh cái lỗi về tưởng thân bệnh, không nên sanh cái lỗi về ngủ nghỉ, không nên sanh cái lỗi quá tinh cần, không nên sanh cái lỗi quá biếng nhác, không nên sanh cái lỗi quá sợ hãi, không nên sanh cái lỗi quá vui mừng, không nên sanh cái lỗi về tâm tự cao, không nên sanh cái lỗi về một số tưởng nào đó, cũng không nên sanh cái lỗi không quán sắc.” Này A-na-luật-đà, Ta muốn không khởi những lỗi lầm đó nên sống một mình tại nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, liền được ánh sáng mà thấy sắc.

Này A-na-luật-đà, nếu tâm Ta sanh cái lỗi về nghi ngờ thì đối với lỗi lầm ấy, tâm được thanh tịnh. Lỗi lầm về không ghi nhớ, tưởng thân bệnh, ngủ nghỉ, tinh cần thái quá, biếng nhác thái quá, sợ hãi, vui mừng, tâm tự cao, một số tưởng nào đó và lỗi lầm về tâm không quán sắc; đối với những lỗi lầm đó, tâm đều được thanh tịnh.

Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ: “Ta phải tu học ba định là tu học về định có giác có quán, tu học về định không giác ít quán và tu học về định không giác không quán.” Này A-na-luật-đà, Ta liền tu học về ba định là tu học về định có giác có quán, tu học về định không giác ít quán và tu học về định không giác không quán.

Nếu Ta tu học về định có giác có quán thì tâm liền thuận hướng định không giác ít quán. Như vậy, Ta chắc chắn không mất tri kiến này. Như vậy, này A-na-luật-đà, khi Ta đã biết như thế rồi, suốt ngày suốt đêm, suốt đêm suốt ngày, Ta tu học về định có giác có quán. Này A-na-luật-đà, lúc bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.

Này A-na-luật-đà, nếu Ta tu học về định có giác có quán, tâm liền thuận hướng đến định không giác không quán. Như vậy, Ta chắc chắn không mất tri kiến này. Này A-na-luật-đà, như vậy, Ta đã biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm tu học về định có giác có quán. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.

Này A-na-luật-đà, nếu Ta tu học về định không giác ít quán, tâm liền thuận hướng đến định có giác có quán. Như vậy, Ta chắc chắn không mất tri kiến này. Này A-na-luật-đà, như vậy, Ta đã biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm tu học về định không giác ít quán. Này A-na-luật-đà, Ta bấy giờ thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.

Nếu Ta tu học về định không giác ít quán, tâm liền thuận hướng đến định không giác không quán. Như thế, Ta chắc chắn không mất tri kiến này. Này A-na-luật-đà, do Ta đã biết như thế rồi, suốt ngày suốt đêm, suốt đêm suốt ngày tu học về định không giác ít quán. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.

Này A-na-luật-đà, nếu Ta tu học về định không giác không quán, tâm liền thuận hướng đến định có giác có quán. Như thế, Ta chắc chắn không mất tri kiến này. Này A-na-luật-đà, do Ta đã biết như thế nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm tu học về định không giác không quán. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.

Nếu Ta tu học về định không giác không quán thì tâm liền thuận hướng đến định không giác ít quán. Như thế, Ta không mất tri kiến này. Này A-na-luật-đà, do Ta đã biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm tu học về định không giác không quán. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.

Này A-na-luật-đà, có lúc Ta biết ánh sáng mà không thấy sắc. Này A-naluật-đà, Ta nghĩ rằng: “Do nhân nào, do duyên nào, Ta biết ánh sáng mà không thấy sắc?” Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Nếu Ta niệm tướng của ánh sáng, không niệm tướng của sắc thì bấy giờ Ta biết ánh sáng mà không thấy sắc.” Như vậy, Ta biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt đêm lẫn ngày biết ánh sáng mà không thấy sắc. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.

Này A-na-luật-đà, có lúc Ta thấy sắc mà không biết ánh sáng. Này A-naluật-đà, Ta nghĩ: “Do nhân nào, do duyên nào, Ta thấy sắc mà không biết ánh sáng?” Này A-na-luật-đà, Ta lại nghĩ rằng: “Nếu Ta niệm tướng của sắc mà không niệm tướng của ánh sáng thì bấy giờ Ta biết sắc mà không biết ánh sáng.” Này A-na-luật-đà, như vậy, Ta đã biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt đêm lẫn ngày, Ta biết sắc mà không biết ánh sáng. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.

Này A-na-luật-đà, có lúc Ta biết một phần ánh sáng, cũng thấy một phần sắc. Này A-na-luật-đà, Ta liền nghĩ: “Do duyên nào, do nhân nào, Ta biết được một phần ánh sáng, cũng thấy một phần sắc?” Ta lại nghĩ: “Nếu Ta nhập định một phần, vì do nhập định một phần nên nhãn căn thanh tịnh một phần; vì nhãn căn thanh tịnh một phần nên Ta biết ánh sáng một phần, cũng thấy sắc một phần.” Này A-na-luật-đà, như vậy, Ta đã biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm biết ánh sáng một phần và thấy sắc một phần. Này A-na-luật-đà, bấy giờ Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.

Này A-na-luật-đà, có lúc Ta biết ánh sáng rộng rãi, cũng thấy sắc rộng rãi. Này A-na-luật-đà, Ta nghĩ: “Do duyên nào, do nhân nào, Ta biết ánh sáng rộng rãi, cũng thấy sắc rộng rãi?” Ta lại nghĩ: “Nếu Ta nhập định rộng rãi, nhờ nhập định rộng rãi nên nhãn căn thanh tịnh rộng rãi; nhờ nhãn căn thanh tịnh rộng rãi nên Ta biết ánh sáng rộng rãi, cũng thấy sắc rộng rãi.” Này A-na-luật-đà, như vậy, Ta đã biết như thế rồi nên suốt ngày suốt đêm, suốt ngày lẫn đêm biết ánh sáng rộng rãi, cũng thấy sắc rộng rãi. Này A-na-luật-đà, bấy giờ, Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ này.

Này A-na-luật-đà, nếu trong tâm Ta sanh lỗi lầm về nghi thì đối với lỗi lầm ấy tâm được thanh tịnh. Lỗi lầm về không ghi nhớ, bệnh tưởng của thân, ngủ nghỉ, siêng năng thái quá, biếng nhác thái quá, sợ hãi, vui mừng, tự cao, sanh một số tưởng nào đó và lỗi lầm về tâm không quán sắc; đối với những lỗi lầm ấy tâm được thanh tịnh, tu học, chăm chú tu học về định có giác có quán; tu học, chăm chú tu học về định không giác ít quán; tu học, chăm chú tu học về định không giác không quán; tu học, chăm chú tu học về định nhất hướng; tu học, chăm chú tu học về định hỗn hợp; tu học, chăm chú tu học về định một phần; tu học, chăm chú tu học về định quảng vô lượng, Ta có tri kiến thanh tịnh, sáng suốt vô cùng, hướng đến an trú vào định, siêng năng tu tập đạo phẩm, biết như thật rằng: “Sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Này A-na-luật-đà, bấy giờ, Ta thực hành hạnh an trú tĩnh chỉ ấy.

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Nan-đề, Tôn giả Kim-tỳ-la sau khi nghe những lời Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.