Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại thành Xá-vệ, trong rừng Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Thời xưa, khi Chuyển Luân Vương muốn thử ngọc báu, liền cho tập trung bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân và bộ quân. Sau khi tập trung xong, vào lúc đêm tối, nhà vua cho dựng cây tràng phan cao và đặt ngọc báu ở trên đó. Ánh sáng của ngọc báu chiếu sáng cả bốn loại quân tỏa ra tận ngoài viên quán. Ánh sáng ấy chiếu xa nửa do-diên.
Bấy giờ, có Phạm chí nghĩ rằng: “Ta nên đến xem Chuyển Luân Vương và bốn loại quân đang quan sát ngọc lưu ly.” Phạm chí lại nghĩ: “Vả lại, nếu muốn thấy Chuyển Luân Vương và bốn loại quân quan sát ngọc lưu ly thì ta nên đến khoảng rừng kia.” Nghĩ xong, Phạm chí liền đến khu rừng ấy. Đến nơi, Phạm chí đi vào ngồi dưới một gốc cây. Ngồi chưa bao lâu, có một con rái cá đi đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:
“Lành thay, rái cá! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, trước kia hồ này vốn tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa, cá và rùa. Trước đây tôi ở đó nhưng nay khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi vào sông lớn kia. Tôi muốn ra đi, chỉ sợ loài người.” Con rái cá kia chuyện trò với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.
Phạm chí vẫn ngồi, lại có chim cứu mộ đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:
“Lành thay, chim cứu mộ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, trước kia hồ này tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa, cá và rùa. Trước đây tôi ở đó nhưng nay khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn rời bỏ đây để đến trú ngụ ở chỗ có nhiều xác trâu chết, hoặc ở chỗ có nhiều xác lừa chết, hoặc ở chỗ có nhiều xác người chết. Hôm nay tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.”
Chim cứu mộ nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.
Phạm chí vẫn ngồi, lại có chim thứu đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:
“Lành thay, chim thứu! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, tôi đi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác để giết hại, rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết.
Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.”
Chim thứu kia nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.
Phạm chí vẫn ngồi, lại có chim thực thổ đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:
“Lành thay, chim thực thổ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, ông có thấy chim thứu vừa đi đến không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Nay tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.”
Chim thực thổ nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.
Phạm chí vẫn ngồi, lại có con sài đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:
“Lành thay, con sài! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, tôi đi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậm này đến bụi rậm khác, từ nơi hoang vắng này đến nơi hoang vắng khác. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.”
Con sài nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.
Phạm chí vẫn ngồi, lại có con quạ đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:
“Lành thay, chim quạ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, ông cương ngạnh, cuồng si, vì sao hỏi tôi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
Chim quạ mắng vào mặt Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.
Phạm chí vẫn ngồi, lại có con đười ươi đến, Phạm chí trông thấy liền hỏi:
“Lành thay, đười ươi! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ quán này đến quán khác, từ rừng này đến rừng khác, uống nước suối trong, ăn trái cây tốt rồi đến đây. Nay tôi muốn đi, không sợ loài người.”
Đười ươi nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Ta nói các thí dụ ấy là muốn các thầy hiểu rõ ý nghĩa. Các thầy nên biết, nói các thí dụ như thế, đều có ý nghĩa cả.
Lúc con rái cá nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ này có ý nghĩa như thế nào? Giả sử có vị Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y, ôm bát vào thôn khất thực mà không thủ hộ thân, không giữ gìn các căn, không vững chánh niệm. Nhưng vị ấy lại thuyết pháp, những pháp hoặc do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó vị ấy được lợi như được áo, mền, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước thêm, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải Phạm hạnh mà tự xưng là Phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn.
Cũng giống như Phạm chí thấy loài rái cá rồi hỏi:
“Lành thay, rái cá! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, trước kia hồ ấy tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, nhiều hoa, cá và rùa. Trước tôi ở đó nhưng nay khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn bỏ đi vào sông lớn kia. Giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.”
Ta nói Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế, rơi vào trong pháp ác, bất thiện, ô uế, tạo gốc rễ của sanh hữu đời sau, tạo nhân khổ báo, phiền nhiệt, sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như con rái cá, chớ nương vào phi pháp để bảo tồn sự sống, hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú ở nơi vô sự, khoác y phấn tảo, thường đi khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly và tu tập hạnh tinh cần, an trú chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh huệ, thường phải viễn ly, nên tu tập như vậy.
Lúc chim cứu mộ nói chuyện với Phạm chí như vậy rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ này có ý nghĩa như thế nào? Giả sử có vị Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào lúc sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y, ôm bát vào thôn khất thực mà không giữ gìn thân, không giữ gìn các căn, không vững chánh niệm. Vị ấy vào nhà người khác giáo hóa, thuyết pháp, những pháp do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhờ đó, vị ấy được lợi như được áo, mền, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy càng đắm trước thêm, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải Phạm hạnh mà tự xưng là Phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim cứu mộ rồi hỏi:
“Lành thay, cứu mộ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, trước kia hồ ấy tràn đầy mạch nước trong, có nhiều ngó sen, hoa, cá và rùa. Trước đây tôi ở đó nhưng nay khô rang. Phạm chí nên biết, tôi muốn đến ở chỗ có nhiều xác trâu chết, hoặc chỗ có nhiều xác lừa chết, nhiều xác người chết. Nay tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.”
Ta nói Tỳ-kheo cũng lại như thế, nương vào pháp bất thiện, ô uế mà tạo gốc rễ của sanh hữu đời sau, tạo nhân phiền não, khổ báo, sanh, già, bệnh, chết. Cho nên, Tỳ-kheo chớ sống như chim cứu mộ, chớ nương vào phi pháp để tự bảo tồn sự sống, hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú ở nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường đi khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly và tu tập hạnh tinh cần, an trú chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh huệ, thường phải viễn ly, nên tu tập như vậy.
Lúc chim thứu kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ ấy có ý nghĩa như thế nào? Giả sử có vị Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào lúc sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y, cầm bát vào thôn khất thực mà không giữ gìn thân, không giữ gìn các căn, không vững chánh niệm. Vị ấy vào nhà người khác để giáo hóa, thuyết pháp, những pháp do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Nhân đó, vị ấy được lợi như được áo, mền, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy lại đắm trước thêm, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Vị Tỳkheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải Phạm hạnh mà xưng là Phạm hạnh, không phải Sa-môn mà xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim thứu rồi hỏi:
“Lành thay, chim thứu! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, tôi từ mộ lớn này đến mộ lớn khác, sát hại rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.” Ta nói Tỳ-kheo ấy cũng lại như thế. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như chim thứu, chớ nương vào phi pháp để tự bảo tồn sự sống, hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường đi khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly và tu tập hạnh tinh cần, an trú chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh huệ, thường phải viễn ly, nên tu tập như vậy.
Lúc chim thực thổ kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ ấy có ý nghĩa như thế nào? Giả sử có vị Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào lúc sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y, cầm bát vào thôn khất thực mà không giữ gìn thân, không giữ gìn các căn, không vững chánh niệm. Vị ấy vào phòng Tỳkheo-ni để giáo hóa, thuyết pháp, những pháp do Phật thuyết, hoặc do Thanh văn thuyết. Tỳ-kheo-ni kia đến bao nhiêu nhà khác, nói tốt nói xấu, thọ nhận phẩm vật của tín thí, mang về cho vị Tỳ-kheo. Nhân đó, vị Tỳ-kheo ấy được lợi như được áo, mền, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy lại đắm trước thêm, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Vị Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở nên tệ mạt, hủ bại, không phải Phạm hạnh mà tự xưng là Phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim thực thổ rồi hỏi:
“Lành thay, chim thực thổ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, ông thấy con chim thứu vừa đi đó không? Tôi ăn cái mà nó nhả ra. Bây giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.”
Ta nói, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con thực thổ, chớ nương vào phi pháp để tự bảo tồn sự sống, hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú ở nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường đi khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly và tu tập hạnh tinh cần, an trú chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh huệ, thường phải viễn ly, nên tu tập như vậy.
Lúc con sài nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ ấy có ý nghĩa như thế nào? Giả sử có vị Tỳ-kheo sống tại một thôn nghèo. Nếu Tỳ-kheo biết trong thôn ấp và thành quách có nhiều bậc trí tuệ, tinh tấn, Phạm hạnh thì liền tránh đi; nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ, tinh tấn, Phạm hạnh thì đến ở, suốt chín tháng hoặc mười tháng.
Các Tỳ-kheo khác thấy liền hỏi: “Hiền giả du hành xứ nào?”
Tỳ-kheo ấy đáp: “Tôi du hành ở thôn nghèo xứ ấy.”
Các Tỳ-kheo nghe xong liền nghĩ: “Hiền giả này du hành ở nơi khó du hành. Lý do vì sao? Vì Hiền giả này có thể du hành được nơi thôn nghèo đó.”
Các Tỳ-kheo ấy liền cung kính, đảnh lễ, cúng dường. Nhân đó, vị Tỳ-kheo ấy được lợi như được áo, mền, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cho sự sống. Sau khi được lợi, vị ấy lại đắm trước thêm, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt, hủ bại, không phải Phạm hạnh mà tự xưng là Phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy con sài rồi hỏi:
“Lành thay, con sài! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, tôi từ suối sâu này đến suối sâu khác, từ bụi rậm này đến bụi rậm khác, từ chốn hoang vắng này đến chốn hoang vắng khác, rồi đến đây. Nay tôi muốn ăn thịt voi chết, thịt ngựa chết, thịt trâu chết, thịt người chết. Giờ tôi muốn đi nhưng chỉ sợ loài người.”
Ta nói, Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con sài, chớ nương theo phi pháp để tự bảo tồn sự sống, hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú ở nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường đi khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly mà tu tập tinh cần, an trú chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh huệ, thường phải viễn ly, nên tu tập như vậy.
Lúc chim quạ mắng vào mặt Phạm chí như vậy rồi bỏ đi, Ta nói thí dụ ấy có ý nghĩa thế nào? Giả sử có vị Tỳ-kheo nương vào nơi vô sự, nghèo nàn mà an cư. Nếu Tỳ-kheo ấy biết trong thôn ấp và thành quách có nhiều bậc trí tuệ, tinh tấn, Phạm hạnh thì liền tránh đi; nếu biết trong thôn ấp và thành quách không có bậc trí tuệ, tinh tấn, Phạm hạnh thì đến ở hai tháng, ba tháng. Các Tỳ-kheo khác thấy liền hỏi:
“Hiền giả an cư nơi nào?”
“Chư Hiền, hiện giờ tôi an cư ở nơi vô sự, nghèo nàn ấy. Tôi không giống như bọn ngu si kia làm sẵn giường chõng, đầy đủ ngũ sự rồi sống yên vào trong đó, buổi sáng rồi buổi chiều, buổi chiều rồi buổi sáng, miệng chạy theo vị, vị trôi theo miệng, cầu rồi lại cầu, xin rồi lại xin.”
Lúc các Tỳ-kheo nghe xong liền nghĩ rằng: “Hiền giả này làm những việc khó làm. Lý do vì sao? Hiền giả này có thể an cư ở nơi vô sự, nghèo nàn kia.” Các Tỳ-kheo ấy liền cung kính, lễ bái, cúng dường. Nhân đó, vị Tỳ-kheo ấy được lợi như được áo, mền, đồ ăn, thức uống, giường nệm, thuốc thang, đầy đủ các nhu cầu cần cho sự sống. Sau khi được lợi, vị Tỳ-kheo ấy lại đắm trước thêm, không thấy tai họa, không thể xả bỏ, mặc tình sử dụng. Tỳ-kheo ấy thực hành ác giới, thành tựu ác pháp, đứng sát bờ mé, trở thành tệ mạt, hủ bại, không phải Phạm hạnh mà tự xưng là Phạm hạnh, không phải Sa-môn mà tự xưng là Sa-môn. Giống như Phạm chí thấy chim quạ rồi hỏi:
“Lành thay chim quạ! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, ông là kẻ cường ngạnh, cuồng si, vì sao hỏi tôi rằng: ‘Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?’”
Ta nói Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như con quạ, chớ nương theo phi pháp để tự bảo tồn sự sống, hãy tịnh hóa thân hành, tịnh hóa khẩu hành và ý hành, an trú ở nơi vô sự, mang y phấn tảo, thường đi khất thực, thứ lớp khất thực, thiểu dục tri túc, ưa sống viễn ly và tu tập hạnh tinh cần, an trú chánh niệm, chánh trí, chánh định, chánh huệ, thường phải viễn ly, nên tu tập như vậy.
Thú đười ươi kia nói chuyện với Phạm chí rồi bỏ đi. Ta nói thí dụ ấy có ý nghĩa thế nào? Giả sử có vị Tỳ-kheo nương vào thôn ấp mà sống. Vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo ấy mang y, cầm bát vào thôn khất thực, khéo giữ gìn thân, gìn giữ các căn, vững vàng chánh niệm. Từ thôn ấp khất thực rồi ăn xong, sau đó thu xếp y bát, rửa tay chân, lấy ni-sư-đàn vắt lên vai đi đến nơi vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, hoặc vào trong nhà trống, trải ni-sư-đàn mà ngồi kiết-già, chánh thân, chánh nguyện, chuyên niệm hướng nội, đoạn trừ tham lam, tâm không não hại, thấy của cải và vật dụng sinh sống của người khác không móng khởi tâm tham lam mong sẽ thuộc về mình. Đối với tâm tham lam, vị ấy đã tịnh trừ; cũng vậy, đối với sân nhuế, thụy miên, điệu hối, đoạn nghi, trừ hoặc ở trong thiện pháp không còn do dự; đối với nghi hoặc, vị ấy cũng đã tịnh trừ tâm mình. Vị ấy đã tịnh trừ năm triền cái này, chúng làm cho tâm ô uế, trí tuệ yếu kém, ly dục, ly pháp ác, bất thiện, chứng đắc đến Thiền thứ tư, thành tựu và an trú trong đó. Vị ấy chứng đắc định tâm như vậy, thanh tịnh, không uế nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, bất động, hướng đến chứng ngộ Lậu tận trí thông. Rồi vị ấy biết như thật rằng: “Đây là khổ”, biết như thật rằng: “Đây là khổ tập”, “Đây là khổ diệt” và “Đây là khổ diệt đạo”; biết như thật rằng: “Đây là lậu”, biết như thật rằng: “Đây là lậu tập”, “Đây là lậu diệt” và “Đây là lậu diệt đạo.” Sau khi đã biết như vậy, đã thấy như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, giải thoát khỏi hữu lậu và vô minh lậu. Sau khi giải thoát, vị ấy biết là đã giải thoát: “Sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Giống như Phạm chí thấy đười ươi rồi hỏi:
“Lành thay, đười ươi! Ngươi từ đâu đến và muốn đi đâu?”
“Thưa Phạm chí, tôi từ vườn này đến vườn khác, từ quán này đến quán khác, từ rừng này đến rừng khác, uống nước suối trong, ăn trái cây tốt rồi đến đây. Nay tôi muốn đi, chẳng sợ loài người.”
Ta nói Tỳ-kheo cũng lại như vậy. Cho nên Tỳ-kheo chớ sống như loài rái cá, chớ sống như chim cứu mộ, chớ sống như chim thứu, chớ sống như chim thực thổ, chớ sống như con sài, chớ sống như chim quạ mà nên sống như đười ươi. Lý do vì sao? Bởi vì bậc Vô trước Chân nhân trong thế gian là giống như đười ươi.
Đức Phật dạy như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Ngài dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.