Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

46. KINH TÀM QUÝ (B)

Một thời, đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, tại rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê-tử bảo các Tỳ-kheo:

Này các Hiền giả, nếu Tỳ-kheo nào không tàm, không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh; nếu không ái và kỉnh thì làm tổn hại tín; nếu không có tín thì làm tổn hại chánh tư duy; nếu không chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí; nếu không chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại việc giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hoan duyệt, hoan hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, nhàm chán, vô dục, giải thoát; nếu không giải thoát thì tổn hại Niết-bàn.

Này các Hiền giả, cũng như cây nào mà lớp vỏ ngoài bị tổn hại thì vỏ trong cũng hư. Vỏ trong hư nên thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá chắc chắn thảy đều tàn rụi. Các Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo cũng giống như thế, nếu không tàm, không quý thì làm tổn hại ái và kỉnh; nếu không ái và kỉnh thì làm tổn hại tín; nếu không tín thì làm tổn hại chánh tư duy; nếu không chánh tư duy thì làm tổn hại chánh niệm, chánh trí; nếu không chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại việc gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hoan duyệt, hoan hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, nhàm chán, vô dục, giải thoát; nếu không giải thoát thì tổn hại Niết-bàn.

Này các Hiền giả, Tỳ-kheo biết tàm, biết quý thì thường có ái và kỉnh; nếu có ái và kỉnh thì thường có tín; nếu có tín thì thường có chánh tư duy; nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm, chánh trí; nếu có chánh niệm, chánh trí thì thường gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hoan duyệt, hoan hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, nhàm chán, vô dục, giải thoát; nếu đã giải thoát liền đắc Niết-bàn.

Này các Hiền giả, giống như cây nào mà vỏ ngoài không bị hư thì vỏ trong không bị hư. Vỏ trong không hư nên thân, lõi, nhánh, cành, hoa, lá chắc chắn thảy đều thành tựu. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo cũng y như vậy, nếu biết tàm, biết quý thì thường có ái và kỉnh; nếu có ái và kỉnh thì thường có tín; nếu có tín thì thường có chánh tư duy; nếu có chánh tư duy thì thường có chánh niệm, chánh trí; nếu có chánh niệm, chánh trí thì thường giữ gìn các căn, giữ giới, không hối hận, hoan duyệt, hoan hỷ, tĩnh chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, nhàm chán, vô dục, giải thoát; nếu đã giải thoát liền đắc Niết-bàn.

Tôn giả Xá-lê-tử giảng thuyết như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe những gì Tôn giả Xá-lê-tử giảng thuyết, hoan hỷ phụng hành. 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.