Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, trú tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm câu-lâu.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có tri kiến mới có chứng đắc lậu tận, chớ không phải là không tri, không kiến.
Thế nào là có tri kiến mới chứng đắc lậu tận?
Tri kiến như thật về sự khổ mới chứng đắc lậu tận. Tri kiến như thật về khổ tập, tri kiến như thật về khổ diệt, tri kiến như thật về khổ diệt đạo mới chứng đắc lậu tận. Tận trí có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của tận trí là gì? Giải thoát là nhân. Giải thoát cũng có nhân chớ không phải không có nhân. Nhân của giải thoát là gì? Vô dục là nhân. Vô dục cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của vô dục là gì? Nhàm chán là nhân. Nhàm chán cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của nhàm chán là gì? Tri kiến như thật là nhân. Tri kiến như thật cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của tri kiến như thật là gì? Định là nhân. Định cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của định là gì? Lạc là nhân. Lạc cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của lạc là gì? Chỉ là nhân. Chỉ cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của chỉ là gì? Hỷ là nhân. Hỷ cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của hỷ là gì? Hoan duyệt là nhân. Hoan duyệt cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của hoan duyệt là gì? Không hối hận là nhân. Không hối hận cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của không hối hận là gì? Giữ giới là nhân. Giữ giới cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của giữ giới là gì? Gìn giữ các căn là nhân. Gìn giữ các căn cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của gìn giữ các căn là gì? Chánh niệm, chánh trí là nhân. Chánh niệm, chánh trí cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của chánh niệm, chánh trí là gì? Chánh tư duy là nhân. Chánh tư duy cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của chánh tư duy là gì? Tín là nhân. Tín cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của tín là gì? Quán pháp nhẫn là nhân. Quán pháp nhẫn cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của quán pháp nhẫn là gì? Tụng đọc pháp là nhân. Tụng đọc pháp cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của tụng đọc pháp là gì? Thọ trì pháp là nhân. Thọ trì pháp cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của thọ trì pháp là gì? Quán nghĩa của pháp là nhân. Quán nghĩa của pháp cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của quán nghĩa của pháp là gì? Nhĩ giới là nhân. Nhĩ giới cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của nhĩ giới là gì? Nghe điều thiện là nhân. Nghe điều thiện cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của nghe điều thiện là gì? Gần gũi là nhân. Gần gũi cũng có nhân chớ không phải không nhân. Nhân của gần gũi là gì? Phụng sự là nhân. Nếu ai phụng sự thiện tri thức, điều chưa nghe được nghe, điều đã nghe được bổ ích. Như vậy, nếu ai không phụng sự thiện tri thức thì làm tổn hại cái nhân phụng sự. Nếu không phụng sự thì làm tổn hại cái nhân gần gũi. Nếu không gần gũi thì làm tổn hại cái nhân nghe điều thiện. Nếu không nghe điều thiện thì làm tổn hại cái nhân của nhĩ giới. Nếu không có nhĩ giới thì làm tổn hại cái nhân quán nghĩa của pháp. Nếu không quán nghĩa của pháp thì làm tổn hại cái nhân thọ trì pháp. Nếu không thọ trì pháp thì làm tổn hại cái nhân tụng đọc pháp. Nếu không tụng đọc pháp thì làm tổn hại cái nhân quán pháp nhẫn. Nếu không quán pháp nhẫn thì làm tổn hại cái nhân của tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại cái nhân của chánh tư duy. Nếu không có chánh tư duy thì làm tổn hại cái nhân chánh niệm, chánh trí. Nếu không chánh niệm, chánh trí thì làm tổn hại cái nhân gìn giữ các căn, gìn giữ giới, không hối hận, hoan duyệt, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, nhàm chán, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại cái nhân của tận trí.
Nếu ai phụng sự thiện tri thức, điều chưa nghe được nghe, điều đã nghe được bổ ích. Như vậy, đối với thiện tri thức, nếu ai phụng sự thì là nhân cho phụng sự. Nếu đã phụng sự thì là nhân cho gần gũi. Nếu đã gần gũi thì có nhân cho nghe điều thiện. Nếu đã nghe điều thiện thì có nhân cho nhĩ giới. Nếu có nhĩ giới thì có nhân cho quán nghĩa của pháp. Nếu đã quán nghĩa của pháp thì có nhân cho thọ trì pháp. Nếu đã thọ trì pháp thì có nhân cho tụng đọc pháp. Nếu đã tụng đọc pháp thì có nhân cho quán pháp nhẫn. Nếu đã quán pháp nhẫn thì có nhân cho tín. Nếu đã có tín thì có nhân cho chánh tư duy. Nếu đã chánh tư duy thì có nhân cho chánh niệm, chánh trí. Nếu đã chánh niệm, chánh trí thì có nhân cho gìn giữ các căn, giữ giới, không hối hận, hoan duyệt, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, nhàm chán, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì có nhân cho tận trí.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe xong, hoan hỷ phụng hành
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.