Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

35. KINH A-TU-LA

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại Bệ-lan-nhã, trong vườn Hoàng Lô.

Bấy giờ, vua a-tu-la là Bà-la-la và thái tử là Mâu-lê-già đều có sắc tướng uy nghi, ánh sáng chói lọi, vào lúc đêm gần sáng, đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân Thế Tôn, rồi đứng sang một bên.

Đức Thế Tôn hỏi:

  • Này Bà-la-la, phải chăng trong biển lớn, a-tu-la không bị các sự suy thoái như tuổi thọ của a-tu-la, sắc tướng của a-tu-la, sự hoan lạc của a-tu-la, sức mạnh của a-tu-la; cho nên, các a-tu-la thích sống trong các biển lớn chăng?

Vua a-tu-la là Bà-la-la và thái tử a-tu-la là Mâu-lê-già trả lời:

  • Bạch Thế Tôn, các a-tu-la của con trong biển lớn, không có sự suy thoái như là tuổi thọ của a-tu-la, sắc tướng của a-tu-la, sự hoan lạc của a-tu-la và sức mạnh của a-tu-la; cho nên, các a-tu-la thích sống ở trong biển lớn.

Đức Thế Tôn hỏi:

  • Này Bà-la-la, trong biển lớn có mấy pháp vị tằng hữu, khiến cho a-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy?

Bà-la-la trả lời:

  • Trong biển lớn của con có tám pháp vị tằng hữu, khiến cho a-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy. Những gì là tám? Bạch Thế Tôn, biển lớn của con từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch lên dần mãi cho tới bờ biển, nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài. Bạch Thế Tôn, nếu biển lớn của con từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch dần lên mãi cho tới bờ biển, nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài thì đó là pháp vị tằng hữu thứ nhất trong biển lớn của con. Các a-tu-la thấy vậy nên thích sống ở trong đó.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, thủy triều trong biển lớn của con chưa từng sai thời. Bạch Thế Tôn, nếu thủy triều trong biển lớn của con chưa từng sai thời thì đó là pháp vị tằng hữu thứ hai trong biển lớn của con. Các a-tu-la thấy vậy nên thích sống trong đó.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, nước trong biển lớn của con rất sâu, không có đáy, rất rộng, không thấy bờ. Bạch Thế Tôn, nếu nước trong biển lớn của con rất sâu, không có đáy, rất rộng, không thấy bờ thì đó là pháp vị tằng hữu thứ ba trong biển lớn của con. Các a-tu-la thấy vậy nên thích sống trong đó.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, nước trong biển lớn của con đều cùng một vị mặn. Bạch Thế Tôn, nếu nước trong biển lớn của con cùng một vị mặn thì đó là pháp vị tằng hữu thứ tư trong biển lớn của con. Các a-tu-la thấy vậy nên thích sống trong đó.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, trong biển lớn của con có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quý báu lạ mắt, tất cả đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó; tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma-ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, độc mạo, xích thạch, triều châu. Bạch Thế Tôn, nếu trong biển lớn của con có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quý báu lạ mắt, tất cả đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó; tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma-ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, độc mạo, xích thạch, triều châu thì đó là pháp vị tằng hữu thứ năm trong biển lớn của con. Các a-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, có những vị thần cư trú trong biển lớn của con; tên của các vị đại thần đó là A-tu-la, Kiền-thấp-hòa, La-sát, Ngư-ma-kiệt, Quy-đà, Bà-lưu-nê, Đế-nghê-già-la-đề, Đế-nghê-già-la; lại nữa, trong biển lớn rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-diên, hai trăm do-diên, ba trăm do-diên cho đến bảy trăm do-diên mà thân vẫn ở trong biển lớn. Bạch Thế Tôn, nếu có những vị đại thần cư trú trong biển lớn; tên của các vị thần đó là A-tu-la, Kiền-thấp-hòa, La-sát, Ngư-ma-kiệt, Quy-đà, Bà-lưu-nê, Đế-nghê, Đế-nghê-già-la-đề, Đế-nghê-già-la; lại nữa, trong biển lớn rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-diên, hai trăm do-diên, ba trăm dodiên cho đến bảy trăm do-diên mà thân thể vẫn ở trong biển lớn thì đó là pháp vị tằng hữu thứ sáu trong biển lớn của con. Các a-tu-la thấy vậy nên thích sống ở trong ấy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn của con thanh tịnh, không dung chứa tử thi; nếu có người nào mạng chung thì không hơn một đêm, gió liền thổi tấp vào bờ. Bạch Thế Tôn, nếu biển lớn của con thanh tịnh, không dung chứa tử thi; có người nào mạng chung thì không hơn một đêm, gió liền thổi tấp vào bờ thì đó là pháp vị tằng hữu thứ bảy trong biển lớn của con. Các a-tu-la thấy vậy nên thích sống trong ấy.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, trong biển lớn của con, thuộc về châu Diêm-phù-đề có năm sông lớn: Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xá-lao-phù, A-di-la-bà-đề, Ma-xí; tất cả đều chảy vào biển lớn, chảy vào đó rồi đều bỏ tên cũ mà gọi chung là biển lớn. Bạch Thế Tôn, nếu trong biển lớn của con thuộc về châu Diêm-phù-đề có năm sông lớn: Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xá-lao-phù, A-di-la-bà-đề, Ma-xí; tất cả đều chảy vào biển lớn, chảy vào đó rồi đều bỏ tên cũ mà gọi chung là biển lớn thì đó là pháp vị tằng hữu thứ tám trong biển lớn của con. Các a-tu-la thấy vậy nên thích sống ở trong ấy.

Bạch Thế Tôn, đó là tám pháp vị tằng hữu trong biển lớn của con, các a-tula thấy vậy nên thích sống trong ấy.

Bạch Thế Tôn, trong Chánh pháp, Luật của Thế Tôn có mấy pháp vị tằng hữu, khiến cho các Tỳ-kheo thấy được liền hân hoan trong đó?

Thế Tôn trả lời:

  • Này Bà-la-la, trong Chánh pháp, Luật của Ta cũng có tám pháp vị tằng hữu, khiến cho các Tỳ-kheo thấy được liền hân hoan trong đó. Những gì là tám? Này Bà-la-la, giống như biển lớn từ đáy lên trên, chu vi dần dần rộng hơn, nghiêng chênh chếch dần lên mãi cho tới bờ, nước trong ấy luôn luôn đầy, chưa từng chảy ra ngoài. Này Bà-la-la, Chánh pháp, Luật của Ta cũng giống như vậy, có sự dần dần thực hành, dần dần học, dần dần đoạn trừ hết và dần dần giáo hóa. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp, Luật của Ta có sự dần dần thực hành, dần dần học, dần dần đoạn trừ và dần dần giáo hóa thì đó là pháp vị tằng hữu thứ nhất trong Chánh pháp, Luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích an trú ở trong đó.

Lại nữa, này Bà-la-la, giống như thủy triều trong biển lớn chưa từng sai thời. Này Bà-la-la, Chánh pháp, Luật của Ta cũng giống như vậy, giảng cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di bằng những cấm giới; các thiện nam tử ấy dù đến mạng chung cũng không phạm giới. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp, Luật của Ta có sự giảng dạy cho Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bàtắc, ưu-bà-di bằng những cấm giới và các thiện nam tử ấy dù đến mạng chung vẫn không phạm giới thì đó là pháp vị tằng hữu thứ hai trong Chánh pháp, Luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích an trú ở trong đó.

Lại nữa, này Bà-la-la, giống như nước trong biển lớn rất sâu, không đáy, rất rộng, không thấy bờ. Này Bà-la-la, Chánh pháp, Luật của Ta cũng giống như vậy, các pháp rất sâu, không có đáy, rất rộng, không thấy bờ. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp, Luật của Ta các pháp rất sâu, không có đáy, rất rộng, không thấy bờ thì đó là pháp vị tằng hữu thứ ba trong Chánh pháp, Luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích an trú ở trong đó.

Lại nữa, này Bà-la-la, giống như nước trong biển lớn đều cùng một vị mặn. Này Bà-la-la, Chánh pháp, Luật của Ta cũng giống như vậy, chỉ một vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp, Luật của Ta chỉ có một vị vô dục, vị giác, vị tịch tĩnh và vị đạo thì đó là pháp vị tằng hữu thứ tư trong Chánh pháp, Luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích an trú ở trong đó.

Lại nữa, này Bà-la-la, giống như trong biển lớn có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quý báu lạ mắt, tất cả đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó; tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma-ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, độc mạo, xích thạch, triều châu. Này Bà-la-la, Chánh pháp, Luật của Ta cũng giống như vậy, có rất nhiều trân bảo, vô lượng pháp quý báu kỳ lạ, tất cả các pháp trân kỳ chứa đầy trong đó; tên của các pháp trân bảo đó là: Bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chi Thánh đạo. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp, Luật của Ta có rất nhiều trân bảo, vô lượng pháp quý báu kỳ lạ, tất cả pháp trân kỳ chứa đầy trong đó; tên của các pháp trân bảo ấy là: Bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chi Thánh đạo thì đó là pháp vị tằng hữu thứ năm trong Chánh pháp, Luật của Ta, khiến cho các Tỳkheo thấy rồi thích an trú ở trong đó.

Lại nữa, này Bà-la-la, giống như có đại thần cư trú trong biển lớn; tên của các vị đại thần đó là: A-tu-la, Kiền-thấp-hòa, La-sát, Ngư-ma-kiệt, Quy-đà, Bà-lưu-nê, Đế-nghê, Đế-nghê-già-la-đề, Đế-nghê-già-la. Lại nữa, trong biển lớn rất kỳ lạ, rất đặc biệt, có chúng sanh thân thể tới một trăm do-diên, hai trăm do-diên, ba trăm do-diên cho tới bảy trăm do-diên mà thân thể vẫn ở trong biển lớn. Này Bà-la-la, Chánh pháp, Luật của Ta cũng giống như vậy, đại thần Thánh chúng đều trú trong đó; tên của các vị đại thần đó là: A-la-hán, A-la-hán hướng, A-na-hàm, A-na-hàm hướng, Tư-đà-hàm, Tư-đà-hàm hướng, Tu-đàhoàn, Tu-đà-hoàn hướng. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp, Luật của Ta, các đại thần Thánh chúng đều trú trong đó; tên của các vị đại thần đó là: A-la-hán, A-la-hán hướng, A-na-hàm, A-na-hàm hướng, Tư-đà-hàm, Tư-đà-hàm hướng, Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hoàn hướng thì đó là pháp vị tằng hữu thứ sáu trong Chánh pháp, Luật của Ta, khiến các Tỳ-kheo thấy rồi thích an trú ở trong đó.

Lại nữa, này Bà-la-la, giống như biển lớn trong sạch, không dung chứa tử thi; nếu có người mạng chung trong biển thì không hơn một đêm, gió sẽ thổi tấp vào bờ. Này Bà-la-la, Chánh pháp, Luật của Ta cũng giống như vậy, Thánh chúng thanh tịnh, không dung chứa tử thi; nếu có người nào không tinh tấn sanh ra điều ác, phi Phạm hạnh mà xưng là Phạm hạnh, phi Sa-môn mà cho là Samôn, người ấy dù ở trong Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa, Thánh chúng cũng lại cách người ấy rất xa. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp, Luật của Ta, Thánh chúng như biển lớn thanh tịnh, không dung chứa tử thi; nếu có người không tinh tấn sanh ra điều ác, phi Phạm hạnh mà cho là Phạm hạnh, phi Sa-môn mà cho là Sa-môn, người ấy dù ở trong Thánh chúng, nhưng cách Thánh chúng rất xa, Thánh chúng cũng lại cách xa người ấy thì đó là pháp vị tằng hữu thứ bảy trong Chánh pháp, Luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích an trú ở trong đó.

Lại nữa, này Bà-la-la, giống như biển lớn thuộc về châu Diêm-phù-đề, có năm sông lớn: Hằng-già, Diêu-vưu-na, Xá-lao-phù, A-di-la-bà-đề và Ma-xí; tất cả đều chảy vào biển lớn, chảy vào đó rồi liền bỏ tên cũ mà gọi chung là biển lớn. Này Bà-la-la, Chánh pháp, Luật của Ta cũng giống như thế, thiện nam tử thuộc về dòng Sát-lợi, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn; thiện nam tử thuộc dòng Phạm chí, dòng cư sĩ, dòng thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn. Này Bà-la-la, nếu trong Chánh pháp, Luật của Ta, thiện nam tử thuộc dòng Sát-lợi, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Sa-môn; thiện nam tử thuộc dòng Phạm chí, dòng cư sĩ, dòng thợ thuyền, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; người ấy bỏ tên cũ, có tên chung là Samôn thì đó là pháp vị tằng hữu  thứ tám trong Chánh pháp, Luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích an trú ở trong đó.

Này Bà-la-la, đó là tám pháp vị tằng hữu có trong Chánh pháp, Luật của Ta, khiến cho các Tỳ-kheo thấy rồi thích an trú ở trong đó.

Này Bà-la-la, ý ông nghĩ thế nào? Trong Chánh pháp, Luật của Ta có tám pháp vị tằng hữu, trong biển lớn của ông cũng có tám pháp vị tằng hữu; hai loại vị tằng hữu ấy, loại nào là tối thắng, là vi diệu, là tối thượng?

Bà-la-la thưa:

  • Bạch Thế Tôn, tám pháp vị tằng hữu có trong biển lớn của con không bằng tám pháp vị tằng hữu của Như Lai, không bằng một phần ngàn, một phần vạn, không thể so sánh, không thể ví dụ, không thể đếm, không thể kể; chỉ có tám pháp vị tằng hữu của Thế Tôn là cao hơn hết, là tối thắng, là vi diệu, là tối thượng.

Hôm nay, con xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo! Cúi mong Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời nguyện đem mình quy y cho đến khi mạng chung!

Đức Phật thuyết như vậy, vua a-tu-la là Bà-la-la và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.