Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

26. KINH CÙ-NI-SƯ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Calan-đa.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Cù-ni-sư cũng trú tại thành Vương Xá, ở trong một khu vô sự, cười đùa, kiêu ngạo, tháo động, không chánh niệm, tâm như khỉ vượn. Tỳ-kheo Cù-ni-sư có chút việc nên đến thành Vương Xá.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-tử cùng với đại chúng Tỳ-kheo sau giờ ngọ thực, vì có chút việc nên vân tập tại giảng đường. Tỳ-kheo Cù-ni-sư sau khi đã làm xong việc trong thành Vương Xá, đi đến giảng đường. Tôn giả Xá-lợi-tử từ đàng xa thấy Cù-ni-sư đi đến, nhân Cù-ni-sư mà bảo các Tỳ-kheo:

– Này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, phải học sự kính trọng và phải biết tùy thuận. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, mà phần nhiều không kính trọng, không biết tùy thuận thì sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích, cật vấn: “Vị Hiền giả này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự, nhưng phần nhiều lại không biết kính trọng, không biết tùy thuận.” Nếu vị ấy đến ở trong đại chúng thì cũng bị các Tỳ-kheo chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, thầy Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học kính trọng và biết tùy thuận.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học hạnh không cười đùa, không tháo động. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, mà hay cười đùa, tháo động thì sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích, cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự sống ở nơi vô sự, nhưng hay cười đùa, tháo động.” Nếu vị ấy đến trong đại chúng thì cũng sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học hạnh không cười đùa, không tháo động.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học không nói những vấn đề súc sanh. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà nói những vấn đề súc sanh thì sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích, cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự mà hay nói những vấn đề súc sanh.” Nếu vị ấy đến trong đại chúng thì cũng sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học không nói những vấn đề súc sanh.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học không kiêu ngạo và ít nói. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, mà hay kiêu ngạo và nói năng nhiều thì sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích, cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự mà lại hay kiêu ngạo và nói năng nhiều.” Nếu vị ấy đến trong đại chúng thì cũng sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích và cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học không kiêu ngạo và ít nói.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học giữ gìn các căn. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu thủ hộ các căn thì sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích và cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự mà phần nhiều không chịu giữ gìn các căn.” Nếu vị ấy đến giữa đại chúng thì cũng bị các Tỳ-kheo chỉ trích, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học giữ gìn các căn.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học biết tiết độ trong việc ăn uống. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, mà ham ăn nhiều món, không biết đủ thì sẽ bị các Tỳ-kheo chỉ trích, cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự, mà ham ăn nhiều món, không biết đủ.” Nếu vị ấy đến giữa đại chúng thì cũng bị các Tỳ-kheo quở trách, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học biết tiết độ trong việc ăn uống.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học tinh tấn, không giải đãi. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà lại không tinh tấn, giải đãi thì bị các Tỳ-kheo quở trách, cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự, không tinh tấn, mà trái lại còn giải đãi.” Nếu vị ấy đến giữa đại chúng thì cũng bị các Tỳ-kheo quở trách, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học tinh tấn, không giải đãi.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học hạnh chánh niệm và chánh trí. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không có chánh niệm, không có chánh trí thì bị các Tỳ-kheo quở trách, cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự sống ở nơi vô sự mà không có chánh niệm, không có chánh trí.” Nếu vị ấy đến giữa đại chúng thì cũng bị các Tỳ-kheo quở trách, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳkheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học chánh niệm, chánh trí.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học biết thời và đúng thời, không đi vào thôn để khất thực quá sớm, cũng chẳng trở về quá trễ. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà vào thôn ấp để khất thực quá sớm và trở về trễ thì bị các Tỳ-kheo quở trách, cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng đi vào thôn ấp để khất thực quá sớm, lại còn trở về trễ.” Nếu vị ấy đến giữa đại chúng cũng thường bị các Tỳ-kheo quở trách, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học biết thời và đúng thời.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học biết ngồi và ngồi đúng chỗ, không chiếm chỗ ngồi của vị Trưởng lão để bị vị Tỳ-kheo nhỏ quở trách. Này chư Hiền, nếu vị Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà chiếm chỗ ngồi của bậc Trưởng lão để bị Tỳ-kheo nhỏ quở trách thì làm cho các Tỳ-kheo quở trách, cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự, nhưng lại chiếm chỗ ngồi của bậc Trưởng lão để bị Tỳ-kheo nhỏ quở trách.” Nếu vị ấy đến giữa đại chúng thì cũng bị các Tỳ-kheo thường quở trách, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo sống ở nơi vô sự nên biết ngồi và ngồi đúng chỗ.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học cùng nhau bàn luận về Luật và A-tỳ-đàm. Vì sao thế? Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự và có người đến hỏi về Luật và A-tỳ-đàm. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về Luật và A-tỳ-đàm thì bị các Tỳ-kheo thường quở trách, cật vấn: “Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự nhưng không biết trả lời về Luật và A-tỳ-đàm.” Nếu vị ấy đến giữa đại chúng thì cũng bị các Tỳ-kheo thường quở trách, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về Luật và A-tỳ-đàm.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học cùng nhau bàn luận về tịch tĩnh, giải thoát và ly sắc, cho đến vô sắc định. Vì sao thế? Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự và có người đến hỏi thăm về sự tịch tĩnh, giải thoát và ly sắc, cho đến vô sắc định. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, mà không biết trả lời về tịch tĩnh, giải thoát và ly sắc, cho đến vô sắc định thì bị các Tỳ-kheo thường quở trách, cật vấn: “Vị Hiền giả này vô sự sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vị Hiền giả vô sự sống ở nơi vô sự, nhưng không biết trả lời về tịch tĩnh, giải thoát và ly sắc, cho đến vô sắc định.” Nếu vị ấy đến giữa đại chúng cũng bị các Tỳ-kheo thường quở trách, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về tịch tĩnh, giải thoát và ly sắc, cho đến vô sắc định.

Này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về Lậu tận trí thông. Vì sao thế? Này chư Hiền, khi Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, hoặc có người đến hỏi về Lậu tận trí thông. Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về Lậu tận trí thông thì bị các Tỳ-kheo thường quở trách, cật vấn: “Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự mà làm gì? Vì sao thế? Vì Hiền giả vô sự này sống ở nơi vô sự mà không biết trả lời về Lậu tận trí thông.” Nếu vị ấy đến giữa đại chúng thì cũng bị các Tỳ-kheo thường quở trách, cật vấn. Do đó, này chư Hiền, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự nên học thảo luận về Lậu tận trí thông.

Lúc ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng hiện diện trong đại chúng. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thưa rằng:

- Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, chỉ những Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự, mới nên học những pháp như vậy, chứ không phải là những Tỳ-kheo ở giữa người đời sao?

Tôn giả Xá-lợi-tử trả lời:

- Thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tỳ-kheo vô sự sống ở nơi vô sự còn nên học những pháp như vậy, huống gì là Tỳ-kheo sống giữa nhân gian?

Như vậy, hai vị Tôn giả cùng khen ngợi, tán thán lẫn nhau: “Lành thay!” Sau khi nghe điều đã nói, họ từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.

Kính trọng, không cười cợt,       Không phiếm luận

Giữ căn, ăn biết đủ,                  Tinh tấn, chánh niệm, trí,   

Biết thời, ngồi đúng chỗ,           Thảo luận Luật, Tỳ-đàm,   

Và tịch tĩnh, giải thoát,              Lậu tận thông, cũng vậy.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.