Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
– Có ba độ xứ khác tánh, khác danh, khác tông, khác thuyết; nghĩa là người có trí tuệ, khéo nhận lãnh, khéo ghi nhớ để nói cho người khác, nhưng không thu được lợi ích.
Những gì là ba? Hoặc có Sa-môn, Phạm chí thấy như vầy, nói như vầy: “Tất cả hành vi của con người đều do túc mạng định sẵn.” Lại có Sa-môn, Phạm chí thấy như vầy, nói như vầy: “Tất cả hành vi con người đều do đấng chủ tể định đoạt sẵn.” Lại có Sa-môn, Phạm chí thấy như vầy, nói như vầy: “Tất cả hành vi của con người đều vô nhân, vô duyên.”
Ở đây, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào thấy như vầy, nói như vầy: “Tất cả hành vi của con người đều do túc mạng định đoạt”, Ta liền đến nơi người kia, đến rồi liền hỏi:
– Này chư Hiền, quả thật các người thấy như vầy, nói như vầy: “Tất cả hành vi của con người đều do túc mạng định đoạt sẵn” chăng?
Người kia trả lời rằng:
– Thật vậy!
Ta lại nói với người kia rằng:
– Nếu quả thật như vậy, các người là những kẻ sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi tất cả đều do túc mạng định đoạt sẵn. Cũng vậy, này chư Hiền, các người đều là những người trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều do túc mạng định đoạt sẵn. Này chư Hiền, nếu đối với kiến chấp rằng tất cả đều do túc mạng định đoạt sẵn mà cho là như thật thì ở trong nội nhân, những điều nên hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này chư Hiền, nếu đối với điều nên làm và không nên làm, mà không biết như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí, không có cách nào giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn được.
Nói như vậy mới có thể dùng lý để khuất phục các Sa-môn, Phạm chí kia.
Ở đây, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào thấy như vầy, nói như vầy: “Tất cả hành vi đều do đấng chủ tể định đoạt”, Ta liền đi đến chỗ người kia, đến rồi liền hỏi:
– Này chư Hiền, có quả thật rằng các người thấy như vầy, nói như vầy: “Tất cả hành vi của con người đều do đấng chủ tể định đoạt sẵn” chăng?
Người kia trả lời:
– Thật vậy!
Ta lại nói với người kia:
– Nếu đúng vậy thì các người đều là những người sát sanh cả. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều do đấng chủ tể định đoạt sẵn. Cũng vậy, này chư Hiền, các người đều là những người trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều do đấng chủ tể định đoạt sẵn. Này chư Hiền, nếu đối với những người chấp rằng: “Tất cả đều do đấng chủ tể định đoạt sẵn” mà cho là như thật thì ở trong nội nhân, những điều nên làm hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này chư Hiền, nếu đối với những điều nên hay không nên làm mà không biết như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí, không có cách nào có thể giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn.
Nói như vậy mới có thể dùng lý khuất phục được các Sa-môn, Phạm chí kia.
Ở đây, nếu có Sa-môn, Phạm chí nào thấy như vầy, nói như vầy: “Tất cả hành vi của con người đều vô nhân, vô duyên”, Ta liền đi đến chỗ người kia, đến rồi liền hỏi:
– Này chư Hiền, có quả thật rằng các người thấy như vầy, nói như vầy: “Tất cả hành vi của con người đều vô nhân, vô duyên” chăng?
Người kia trả lời:
– Thật vậy!
Ta lại nói với người kia:
– Nếu quả thật như vậy, các người đều là những kẻ sát sanh. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều vô nhân, vô duyên. Cũng vậy, này chư Hiền, các người đều là những kẻ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến. Vì sao thế? Bởi vì tất cả đều vô nhân, vô duyên. Này chư Hiền, nếu đối với người có kiến chấp rằng: “Tất cả đều vô nhân, vô duyên” mà cho là như thật thì ở trong nội nhân, điều nên làm hay không nên làm, hoàn toàn không có ý dục, không có phương tiện. Này chư Hiền, nếu đối với điều nên làm hay không nên làm mà không biết như thật thì sẽ mất chánh niệm, không có chánh trí, không có cách nào khả dĩ giáo hóa đúng theo pháp của Sa-môn.
Nói như vậy mới có thể dùng lý khuất phục được các Sa-môn, Phạm chí kia.
Những gì Ta tự tri, tự giác và Ta nói cho các thầy biết, dù là Sa-môn, Phạm chí, Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác đều không thể khuất phục được, không thể làm cho nhơ uế được, không thể chế phục được. Thế nào là những gì Ta tự tri, tự giác và nói cho các thầy biết mà không thể bị Sa-môn, Phạm chí hay Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác có thể khuất phục được, có thể làm cho nhơ uế được và có thể chế phục pháp được? Đó là pháp sáu xứ mà Ta đã tự tri, tự giác và nói cho các thầy biết mà không thể bị Sa-môn, Phạm chí hay Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác có thể khuất phục được.
Lại có pháp sáu giới mà Ta đã tự tri, tự giác và nói cho các thầy biết mà không thể bị Sa-môn, Phạm chí hay Thiên, Ma, Phạm và các loài thế gian khác có thể khuất phục được, có thể làm cho nhơ uế được và có thể chế phục được.
Thế nào là pháp sáu xứ mà Ta đã tự tri, tự giác và nói cho các thầy biết? Đó là nhãn xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý xứ. Đó là pháp sáu xứ Ta đã tự tri, tự giác và nói cho các thầy biết.
Thế nào là pháp sáu giới mà Ta đã tự tri, tự giác và nói cho các thầy biết? Đó là địa giới, thủy, hỏa, phong, không và thức giới. Đó là pháp sáu giới mà Ta đã tự tri, tự giác và nói cho các thầy biết.
Do sáu giới hòa hiệp nên sanh thai nhi; nhân sáu giới mà có sáu xứ; nhân sáu xứ mà có xúc; nhân xúc mà có thọ.
Này các Tỳ-kheo, nếu ai giác ngộ, liền biết như thật về khổ, biết như thật về khổ tập, biết như thật về khổ diệt, biết như thật về khổ diệt đạo. Thế nào là biết như thật về khổ? Là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thù nghịch mà gặp nhau là khổ, yêu thương mà chia ly là khổ, cầu mong mà không được là khổ; tóm lại, năm ấm xí thạnh khổ. Đó là như thật về khổ.
Thế nào là biết như thật về khổ tập? Tức là do ái này mà thọ hữu trong tương lai, cùng với lạc dục, mong cầu hữu ở nơi này hay nơi kia. Đó là biết như thật về khổ tập.
Thế nào là biết như thật về khổ diệt? Do ái này mà thọ hữu trong tương lai, cùng với lạc dục, mong cầu hữu ở nơi này hay nơi kia; tất cả như vậy đã đoạn trừ, đã xả ly, diệt tận, vô dục, tịch tĩnh, tịch diệt. Đó là biết như thật về khổ diệt.
Thế nào là biết như thật về khổ diệt đạo? Đó là tám chi Thánh đạo: Chánh kiến… chánh định là tám. Đó là biết như thật về khổ diệt đạo. Tỳ-kheo nên biết như thật về khổ, nên đoạn khổ tập, nên tác chứng khổ diệt, nên tu khổ diệt đạo. Nếu Tỳ-kheo nào biết như thật về khổ, đoạn khổ tập, tác chứng khổ diệt, tu khổ diệt đạo thì đó là vị Tỳ-kheo đã tận trừ tất cả lậu, giải trừ các kiết, có thể bằng chánh trí chứng đắc khổ tế.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe xong, hoan hỷ phụng hành
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.