Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Tùy theo nghiệp sở tác của mỗi người mà thọ lấy quả báo của mình. Như vậy, nếu không thực hành Phạm hạnh thì không dứt hết khổ được. Nếu nói như vậy: “Tùy theo nghiệp sở tác của mỗi người mà thọ lấy quả báo của mình.” Như vậy, nếu tu hành Phạm hạnh thì tận diệt được khổ. Vì sao như vậy? Giả sử có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả báo khổ sở ở địa ngục. Thế nào là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở địa ngục? Nghĩa là, nếu có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu huệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở địa ngục. Ví như có người đem một lạng muối bỏ vào một chút nước, muốn làm cho nước mặn, không thể uống được. Các thầy nghĩ sao? Một lạng muối đó có thể làm cho một ít nước mặn, không thể uống được chăng?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Vì sao thế? Vì muối nhiều, nước ít nên có thể làm cho mặn, không thể uống được.
– Cũng vậy, nếu có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu huệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở địa ngục.
Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, thọ mạng rất dài. Có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở trong đời hiện tại. Cũng như có người đem một lạng muối bỏ vào sông Hằng, muốn làm cho nước mặn, không thể uống được. Các thầy nghĩ sao? Một lạng muối đó lại có thể làm cho nước sông Hằng mặn, không thể uống được chăng?
– Không thể được, bạch Thế Tôn! Vì sao vậy? Vì nước sông Hằng rất nhiều mà một lạng muối thì quá ít; do đó, không thể làm mặn đến nỗi không uống được.
Đức Phật dạy:
– Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, thọ mạng rất dài. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở trong đời hiện tại.
Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu huệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong địa ngục. Ví như, có người đoạt lấy con dê của người khác. Thế nào là có người đoạt lấy con dê của người khác? Nghĩa là, người đoạt dê ấy, hoặc là vua hay quan, có nhiều uy thế; người chủ dê kia thì nghèo hèn, yếu đuối. Kẻ ấy bất lực nên van lơn đủ cách, chắp tay cầu xin, nói như thế này: “Thưa Tôn giả, mong ngài trả dê lại hoặc trả tiền dê cho tôi!” Đó là có người đoạt lấy dê của kẻ khác. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu huệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong địa ngục.
Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở trong hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ngay trong hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu tâm, tu giới, tu huệ, thọ mạng rất dài. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở ở trong hiện tại. Cũng như có người tuy trộm dê của kẻ khác nhưng chủ dê đến đoạt lấy lại. Thế nào là có người tuy lấy trộm dê của kẻ khác nhưng chủ dê tới đoạt lấy lại? Nghĩa là, người trộm dê nghèo hèn, cô thế; còn người chủ dê kia hoặc vua hay quan có rất nhiều uy lực, vì có uy lực nên bắt trói người lấy trộm và đoạt dê lại. Đó là có người tuy trộm dê của kẻ khác nhưng chủ đoạt bắt trở lại. Cũng như vậy, có người tạo nghiệp bất thiện chắc chắn sẽ thọ quả báo khổ sở ở trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, thọ mạng rất dài. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong đời hiện tại.
Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu huệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong địa ngục. Cũng như có người nợ kẻ khác năm tiền bị chủ bắt trói, cho đến chỉ nợ một tiền cũng bị chủ bắt trói. Thế nào là người nợ kẻ khác năm tiền bị chủ nợ bắt trói, cho đến chỉ nợ một tiền cũng bị chủ nợ bắt trói? Nghĩa là, người mắc nợ kia nghèo và không có thế lực; người kia vì nghèo và cô thế nên nợ kẻ khác năm tiền liền bị chủ nợ bắt trói, cho đến chỉ nợ một tiền cũng bị chủ nợ bắt trói. Đó là người nợ kẻ khác năm tiền bị chủ nợ bắt trói, cho đến chỉ nợ một tiền cũng bị chủ nợ bắt trói. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong địa ngục. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong địa ngục? Nghĩa là, có một người không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu huệ, thọ mạng rất ngắn. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả báo khổ sở trong địa ngục.
Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, thọ mạng rất dài. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong đời hiện tại. Cũng như có người tuy mắc nợ một trăm tiền nhưng không bị chủ nợ bắt trói, cho đến ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói. Thế nào là có người tuy mắc nợ một trăm tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói, cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói? Nghĩa là, người mắc nợ có vô lượng tài sản và thế lực rất lớn, người ấy nhờ vậy nên tuy mắc nợ trăm tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói, cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói. Đó là người tuy mắc nợ trăm tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói, cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả báo khổ sở trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu huệ, thọ mạng rất dài. Đó là có người tạo nghiệp bất thiện chắc chắn phải thọ quả báo khổ sở trong đời hiện tại. Người ấy ở trong đời hiện tại cho dù thọ nghiệp báo thiện hay ác, vẫn thơ thới như vậy.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.