Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

10. KINH LẬU TẬN
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa ở Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàmcâu-lâu.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Do tri, do kiến mà các lậu tận diệt chứ không phải do không tri, không kiến. Sao gọi là do tri, do kiến mà các lậu tận diệt? Do có chánh tư duy và không chánh tư duy. Nếu không chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh thì không phát sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Nhưng người phàm phu ngu si, không nghe Chánh pháp, không được gặp bậc chơn tri thức, không biết Thánh pháp, không điều ngự Thánh pháp, không biết pháp như thật. Nếu không có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh thì không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt. Vì không biết pháp như thật, do đó pháp không nên niệm lại niệm, pháp nên niệm lại không niệm. Vì pháp không nên niệm lại niệm và pháp nên niệm lại không niệm nên dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng. Thánh đệ tử đa văn được nghe Chánh pháp, gặp bậc chơn tri thức, biết Thánh pháp, điều ngự Thánh pháp, biết pháp như thật. Nếu không có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã phát sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt. Khi đã biết như thật về các pháp, pháp không nên niệm sẽ không niệm, pháp nên niệm liền niệm Vì pháp không nên niệm thì không niệm và pháp nên niệm liền niệm nên dục lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh thì không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt.

Có bảy pháp đoạn trừ lậu, phiền não, buồn rầu. Những gì là bảy? Hữu lậu được đoạn bởi kiến, hữu lậu được đoạn bởi hộ, hữu lậu được đoạn bởi ly, hữu lậu được đoạn bởi dụng, hữu lậu được đoạn bởi nhẫn, hữu lậu được đoạn bởi trừ, hữu lậu được đoạn bởi tư duy.

Thế nào là hữu lậu được đoạn trừ bởi kiến? Kẻ phàm phu ngu si không nghe Chánh pháp, không được gặp bậc chơn tri thức, không biết Thánh pháp, không điều ngự Thánh pháp, không biết như thật về pháp. Vì không có chánh tư duy nên suy nghĩ thế này: “Ta có đời quá khứ hay ta không có đời quá khứ? Do nhân gì ta có đời quá khứ và ta có đời quá khứ như thế nào? Ta có đời vị lai hay ta không có đời vị lai? Do nhân gì ta có đời vị lai và ta có đời vị lai như thế nào? Tự nghi thân ta là gì? Nó là thế nào? Nay chúng sanh này từ đâu mà đến và sẽ đi về đâu? Trước kia do nhân gì mà có và sẽ do nhân gì mà có?” Người kia khởi tư duy không chánh như vậy rồi, trong sáu tà kiến, tùy theo đó, một tà kiến khởi lên cho rằng: “Quả thật có ngã.” Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng: “Quả thật không có ngã.” Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng: “Ngã thấy là ngã.” Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng: “Ngã thấy là phi ngã.” Hoặc một tà kiến khởi lên cho rằng: “Không phải ngã thấy là ngã.” Một tà kiến khởi lên cho rằng: “Chính ngã ấy có thể nói, có thể biết, có thể hành động, có thể sai hành động, có thể đứng dậy, có thể sai đứng dậy, sanh vào nơi này, nơi kia, thọ lãnh thiện báo, ác báo, quyết không từ đâu đến, quyết không phải đã có, quyết không phải sẽ có.” Đó là tệ tập của tà kiến.

Bị tà kiến lay động, bị kiết sử tà kiến buộc chặt, kẻ phàm ngu si vì thế mà phải bị sanh, già, bệnh, chết. Đa văn Thánh đệ tử được nghe Chánh pháp, gặp bậc chơn tri thức, biết Thánh pháp, điều ngự Thánh pháp, biết như thật về pháp, biết như chơn về khổ, biết khổ tập, biết khổ diệt và biết như chơn về khổ diệt đạo. Biết như thật như thế rồi, ba kiết sử tận trừ. Khi ba kiết sử, thân kiến, giới thủ, nghi đã trừ hết, chứng quả Tu-đà-hoàn, không còn đọa lạc ác pháp, chắc chắn thẳng tiến đến chánh giác, thọ sanh tối đa bảy đời trong nhân gian hay thiên thượng. Sau bảy lần qua lại, liền chứng đắc khổ tế. Nếu không có tri kiến thì phát sanh phiền não, buồn rầu; có tri kiến thì không phát sanh phiền não, buồn rầu. Đó là hữu lậu được đoạn bởi kiến.

Hữu lậu được đoạn trừ bởi hộ là gì? Này Tỳ-kheo, khi mắt thấy sắc, nếu có phòng hộ nhãn căn thì sẽ do chánh tư duy mà quán bất tịnh vậy; nếu không phòng hộ nhãn căn thì sẽ do không chánh tư duy mà quán tịnh; nếu không phòng hộ thì sanh phiền não, ưu buồn; nếu có phòng hộ thì không sanh phiền não, ưu buồn. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân hay ý biết pháp mà có phòng hộ ý căn thì sẽ do chánh tư duy mà quán bất tịnh; nếu không phòng hộ ý căn thì sẽ do không chánh tư duy mà quán tịnh; nếu không phòng hộ thì sanh phiền não, ưu buồn; nếu có phòng hộ thì không sanh phiền não, ưu buồn. Đó là hữu lậu được đoạn trừ bởi hộ.

Hữu lậu được đoạn trừ bởi ly là gì? Này Tỳ-kheo, khi thấy voi dữ thì nên xa lánh; ngựa dữ, trâu dữ, chó dữ, rắn độc, đường hiểm, hầm hố, nhà tiêu, sông ngòi, suối sâu, núi dốc, ác tri thức, ác bằng hữu, ác ngoại đạo, làng mạc hung ác, nơi cư trú hung dữ; hoặc ở chung một chỗ với các người Phạm hạnh, người không nghi ngờ mà khiến nghi ngờ thì nên xa lánh. Là Tỳ-kheo, phải nên xa lánh ác tri thức, ác bằng hữu, ác ngoại đạo, làng mạc hung ác, nơi cư trú hung dữ, hoặc ở chung một chỗ với các người Phạm hạnh, người không nghi ngờ mà khiến nghi ngờ, hãy nên xa lánh tất cả, nếu không xa lánh thì sẽ sanh khởi phiền não, ưu sầu, nếu xa lánh thì không phát sanh phiền não, ưu sầu. Đó là hữu lậu được đoạn trừ bởi ly.

Hữu lậu được đoạn trừ bởi dụng là gì? Này Tỳ-kheo, khi thọ dụng y phục, chẳng phải để mưu lợi, chẳng phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức mà vì muỗi mòng, gió mưa, lạnh nóng và vì hổ thẹn. Khi thọ dụng đồ ăn uống, chẳng phải vì mưu lợi, chẳng phải để kiêu hãnh, chẳng phải để mập béo mà vì để làm cho thân thể ở đời lâu dài mà diệt trừ phiền não, ưu buồn, vì để thực hành Phạm hạnh, vì muốn cho bệnh cũ tiêu trừ đừng sanh bệnh mới và vì để sống lâu an ổn, không bệnh hoạn. Khi thọ dụng nhà cửa, phòng xá, giường nệm, ngọa cụ, không phải để mưu lợi, chẳng phải để kiêu hãnh, chẳng phải để trang sức mà chỉ để lúc mệt mỏi có nơi an nghỉ, để có nơi tĩnh tọa. Khi thọ dụng thuốc thang, không phải để mưu lợi, chẳng phải để kiêu hãnh, không phải để mập béo mà chỉ để trừ bệnh hoạn, để điều hòa mạng căn, để an ổn không bệnh. Nếu không thọ dụng những thứ ấy thì sẽ sanh phiền não, ưu sầu, còn thọ dụng thì không sanh phiền não, ưu sầu. Đó là hữu lậu được đoạn trừ bởi dụng.

Hữu lậu được đoạn trừ bởi nhẫn là gì? Này Tỳ-kheo, hãy tinh tấn đoạn ác và bất thiện, tu tập thiện pháp. Thường khởi tưởng, chuyên tâm tinh cần. Thân thể, da, thịt, gân, xương, máu, tủy thà để khô kiệt tất cả chứ không bỏ tinh tấn, phải đạt được mục đích mong muốn mới xả sự tinh tấn. Này Tỳ-kheo, lại nên chịu đựng sự đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, ruồi, bọ chét, chấy; dù mưa gió hay mặt trời bức bách, bị lời dữ, bị đánh đập cũng đều có thể nhẫn chịu được; dù thân mang bệnh tật rất là đau đớn đến nỗi gần muốn tuyệt mạng và những điều không thể ưa vui được; tất cả đều chịu đựng được. Nếu không nhẫn chịu thì sanh khởi phiền não, ưu buồn; nếu nhẫn chịu được thì không sanh khởi phiền não, ưu buồn. Đó là hữu lậu được đoạn trừ bởi nhẫn. 

Hữu lậu được đoạn trừ bởi trừ là gì? Này Tỳ-kheo, nếu sanh khởi dục niệm mà không trừ đoạn hay xả ly; sanh nhuế niệm, hại niệm mà không đoạn trừ, xả ly thì sanh khởi phiền não, ưu buồn; nếu trừ diệt thì không sanh khởi phiền não, ưu buồn. Đó là hữu lậu được đoạn trừ bởi trừ.

Hữu lậu được đoạn trừ bởi tư duy là gì? Này Tỳ-kheo, hãy tư duy về giác chi thứ nhất là niệm, y ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu; trạch pháp, tinh tấn, hỷ, tức, định cho đến tư duy về giác chi thứ bảy là xả, y ly, y vô dục, y diệt tận, thẳng đến xuất yếu. Nếu không tư duy thì sanh khởi phiền não, ưu sầu; còn có tư duy thì không sanh khởi phiền não, ưu buồn. Đó là hữu lậu được đoạn trừ bởi tư duy. 

Nếu có thầy Tỳ-kheo nào phải đoạn hữu lậu bởi kiến thì vị ấy dùng kiến để đoạn; phải đoạn hữu lậu bởi hộ thì dùng hộ để đoạn; phải đoạn hữu lậu bởi ly thì dùng ly để đoạn; phải đoạn hữu lậu bởi dụng thì đem dụng để đoạn; phải đoạn hữu lậu bởi nhẫn thì dùng nhẫn để đoạn; phải đoạn hữu lậu bởi trừ thì dùng trừ để đoạn; phải đoạn hữu lậu bởi tư duy thì dùng tư duy để đoạn. Đó là vị Tỳ-kheo đã đoạn trừ tất cả lậu, đã giải trừ các kiết sử, có thể bằng chánh trí mà chứng đắc khổ tế.

Đức Phật dạy như thế, các vị Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.