Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

9. KINH THẤT XA 
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong tinh xá Trúc Lâm, cùng an cư mùa mưa với đại chúng Tỳ-kheo.

Tôn giả Mãn Từ Tử cũng an cư mùa mưa tại sanh quán mình. Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo địa phương, sau khi đã trải qua ba tháng an cư mùa mưa, sửa sang lại các y đã xong, xếp y cầm bát, từ sanh quán đi về phía thành Vương Xá, lần lượt đi về phía trước đến thành Vương Xá, ở trong tinh xá Trúc Lâm, tại thành Vương Xá.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo địa phương tới trước đức Thế Tôn, cúi đầu lễ bái, rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn hỏi rằng:

– Các Tỳ-kheo, các thầy từ đâu đến đây? An cư mùa mưa ở đâu?

Các Tỳ-kheo địa phương ấy thưa:

– Bạch Thế Tôn, chúng con từ sanh quán đến đây và an cư mùa mưa tại sanh quán.

Đức Thế Tôn hỏi:

– Trong các thầy Tỳ-kheo địa phương đây, có Tỳ-kheo nào được các Tỳkheo khen ngợi là tự mình thiểu dục tri túc và khen ngợi thiểu dục tri túc; tự mình nhàn cư và khen ngợi nhàn cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lậu tận và khen ngợi lậu tận; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ và khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ chăng?

Các Tỳ-kheo địa phương thưa:

– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Mãn Từ Tử ở nơi sanh quán của mình được các Tỳ-kheo cùng khen ngợi là tự mình thiểu dục tri túc và khen ngợi thiểu dục tri túc; tự mình nhàn cư và khen ngợi nhàn cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lậu tận và khen ngợi lậu tận; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ và khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lê-tử ngồi giữa đại chúng; Tôn giả Xá-lê-tử suy nghĩ như vầy: “Đức Thế Tôn đúng theo pháp mà hỏi các Tỳ-kheo địa phương. Các Tỳ-kheo địa phương vô cùng khen ngợi Hiền giả Mãn Từ Tử là tự mình thiểu dục tri túc và khen ngợi thiểu dục tri túc; tự mình nhàn cư và khen ngợi nhàn cư; tự mình tinh tấn và khen ngợi tinh tấn; tự mình chánh niệm và khen ngợi chánh niệm; tự mình nhất tâm và khen ngợi nhất tâm; tự mình có trí tuệ và khen ngợi trí tuệ; tự mình lậu tận và khen ngợi lậu tận; tự mình khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ và khen ngợi khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu hoan hỷ.”

Tôn giả Xá-lê-tử lại suy nghĩ như vầy: “Biết lúc nào ta mới được gặp gỡ Hiền giả Mãn Từ Tử để hỏi một vài nghĩa lý. Hiền giả ấy thật có thể nghe và trả lời những điều ta hỏi.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn, sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa ở thành Vương Xá, đã sửa sang lại các y. Ngài xếp y ôm bát từ thành Vương Xá đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ rồi ở trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Tôn giả Xá-lê-tử và các Tỳ-kheo địa phương cùng ở lại Vương Xá vài ngày, rồi xếp y ôm bát đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ cùng ở tại rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Mãn Từ Tử ở tại sanh quán mình, sau khi trải qua ba tháng an cư mùa mưa, đã sửa sang lại các y, xếp y ôm bát, từ sanh quán mình đi đến nước Xá-vệ, lần lượt tiến về phía trước, đến nước Xá-vệ cùng ở trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.

Tôn giả Mãn Từ Tử đến chỗ đức Thế Tôn, cúi đầu lễ bái rồi trải ni-sư-đàn mà ngồi kiết-già trước đức Như Lai.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê-tử hỏi các Tỳ-kheo khác rằng:

– Này chư Hiền, vị nào là Hiền giả Mãn Từ Tử? Các Tỳ-kheo thưa:

– Thưa Tôn giả Xá-lê-tử, vị ngồi trước đức Như Lai, trắng trẻo, mũi cao như mỏ chim oanh vũ là vị ấy.

Tôn giả Xá-lê-tử đã biết dáng mặt Mãn Từ Tử, liền ghi nhớ kỹ. Tôn giả Mãn Từ Tử, sau đêm đó đến sáng mai, khoác y cầm bát đi vào Xá-vệ để khất thực. Sau khi ăn xong, Tôn giả lại cất y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn trên vai, đến rừng An-đà, là nơi kinh hành. Tôn giả Xá-lê-tử cũng qua đêm đó, đến sáng mai, khoác y cầm bát đi vào Xá-vệ để khất thực. Sau khi ăn trưa xong, Tôn giả lại cất y bát, rửa tay chân, vắt ni-sư-đàn trên vai, đi đến rừng An-đà, là nơi kinh hành. Bấy giờ, Tôn giả Mãn Từ Tử đến rừng An-đà, trải ni-sư-đàn dưới một gốc cây ngồi kiết-già. Tôn giả Xá-lê-tử cũng đến rừng An-đà, cách Tôn giả Mãn Từ Tử không xa, trải ni-sư-đàn dưới một gốc cây ngồi kiết-già. Tôn giả Xá-lê-tử vào lúc xế chiều, từ chỗ ngồi nghỉ đứng dậy, đi đến chỗ Mãn Từ Tử, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên và hỏi Tôn giả Mãn Từ Tử:

– Này Hiền giả, ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu Phạm hạnh chăng?

– Đúng như vậy!

– Này Hiền giả, vì lý do gì? Có phải vì để giới được thanh tịnh nên ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu Phạm hạnh chăng?

– Thưa không phải vậy!

– Vì để tâm được thanh tịnh, để kiến được thanh tịnh, để nghi cái được thanh tịnh, để đạo phi đạo tri kiến được thanh tịnh, để đạo tích tri kiến được thanh tịnh, để đạo tích đoạn trí được thanh tịnh nên ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu Phạm hạnh chăng?

Tôn giả Mãn Từ Tử đáp:

– Không phải vậy!

Tôn giả Xá-lê-tử lại hỏi:

– Tôi vừa hỏi Hiền giả rằng: “Có phải ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu Phạm hạnh chăng?” Thì ngài đáp rằng: “Đúng vậy!” Rồi tôi hỏi ngài rằng: “Có phải vì để giới được thanh tịnh nên ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu Phạm hạnh chăng?” Ngài lại đáp rằng: “Không phải vậy!” Tôi lại hỏi: “Có phải vì để tâm được thanh tịnh, để kiến được thanh tịnh, để nghi cái được thanh tịnh, để đạo phi đạo tri kiến được thanh tịnh, để đạo tích tri kiến được thanh tịnh, để đạo tích đoạn trí được thanh tịnh nên ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu Phạm hạnh chăng?” Ngài cũng lại đáp rằng: “Không phải vậy!” Nhưng theo ý nghĩa nào mà ngài theo Sa-môn Cù-đàm tu Phạm hạnh?

Tôn giả Mãn Từ Tử đáp:

– Này Hiền giả, vì Vô dư Niết-bàn vậy. 

Tôn giả Xá-lê-tử hỏi:

– Này Hiền giả, có phải vì để giới được thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm giảng dạy Vô dư Niết-bàn chăng?

– Không phải vậy! – Có phải vì để tâm được thanh tịnh, để kiến được thanh tịnh, để nghi cái được thanh tịnh, để đạo phi đạo tri kiến được thanh tịnh, để đạo tích tri kiến được thanh tịnh, để đạo tích đoạn trí được thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm giảng dạy Vô dư Niết-bàn chăng?

– Không phải vậy!

Tôn giả Xá-lê-tử lại hỏi:

– Tôi vừa hỏi Hiền giả: “Này Hiền giả, có phải vì để giới được thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm giảng dạy Vô dư Niết-bàn chăng?” Hiền giả đáp rằng: “Không phải!” Tôi hỏi: “Có phải vì để tâm được thanh tịnh, để tri kiến được thanh tịnh, để nghi cái được thanh tịnh, để đạo phi đạo tri kiến được thanh tịnh, để đạo tích tri kiến được thanh tịnh, để đạo tích đoạn trí được thanh tịnh nên Sa-môn Cù-đàm giảng dạy Vô dư Niết-bàn chăng?” Hiền giả cũng đáp: “Không phải!” Vậy những điều Hiền giả nói có ý nghĩa gì? Làm thế nào để biết được?

Tôn giả Mãn Từ Tử đáp:

– Này Hiền giả, nếu vì để giới được thanh tịnh mà đức Thế Tôn giảng dạy Vô dư Niết-bàn thì tức là lấy hữu dư mà gọi vô dư. Nếu vì để tâm được thanh tịnh, để tri kiến được thanh tịnh, để nghi cái được thanh tịnh, để đạo phi đạo tri kiến được thanh tịnh, để đạo tích tri kiến được thanh tịnh, để đạo tích đoạn trí được thanh tịnh mà đức Thế Tôn giảng dạy Vô dư Niết-bàn thì tức là lấy hữu dư mà gọi vô dư.

Này Hiền giả, nếu lìa pháp đó mà đức Thế Tôn giảng dạy Vô dư Niết-bàn thì người phàm phu cũng sẽ được Bát-niết-bàn, bởi vì phàm phu cũng xa lìa pháp đó.

Này Hiền giả, nhưng vì giới thanh tịnh nên tâm được thanh tịnh, vì tâm thanh tịnh nên tri kiến được thanh tịnh, vì tri kiến thanh tịnh nên nghi cái được thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh nên đạo phi đạo tri kiến được thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh nên đạo tích tri kiến được thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh nên đạo tích đoạn trí được thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên đức Thế Tôn giảng dạy Vô dư Niết-bàn.

Hiền giả, xin hãy nghe thêm! Xưa, vua xứ Câu-tát-la là Ba-tư-nặc ở nước Xá-vệ, có đại sự ở xứ Bà-kê-đế. Nhà vua suy nghĩ như vầy: “Dùng phương tiện gì để trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Bà-kê-đế được?” Lại nghĩ thế này: “Nay ta nên từ Xá-vệ đến Bà-kê-đế, ở giữa quãng đường đó, sắp đặt bảy cỗ xe.” Bấy giờ, từ Xá-vệ đến Bà-kê-đế, ở quãng giữa đó vua bố trí bảy cỗ xe. Bố trí bảy cỗ xe xong, từ Xá-vệ nhà vua đi đến cỗ xe thứ nhất; ngồi trên cỗ xe thứ nhất đi đến cỗ xe thứ hai, bỏ cỗ xe thứ nhất; ngồi cỗ xe thứ hai đến cỗ xe thứ ba, bỏ cỗ xe thứ hai; ngồi cỗ xe thứ ba đến cỗ xe thứ tư, bỏ cỗ xe thứ ba; ngồi cỗ xe thứ tư đến cỗ xe thứ năm, bỏ cỗ xe thứ tư; ngồi cỗ xe thứ năm đến cỗ xe thứ sáu, bỏ cỗ xe thứ năm; ngồi cỗ xe thứ sáu đến cỗ xe thứ bảy, bỏ cỗ xe thứ sáu; ngồi cỗ xe thứ bảy, trong một ngày mà đến Bà-kê-đế. Vua ở tại Bà-kê-đế, sau khi lo làm xong đại sự, ngồi trong chánh điện của nhà vua, với các đại thần vây quanh. Quần thần tâu rằng:

“Tâu Thiên vương, có phải chỉ trong một ngày mà Thiên vương đi từ Xá-vệ đến Bà-kê-đế?”

Vua nói:

“Đúng vậy!”

“Tâu Thiên vương, có phải ngài chỉ ngồi trên một cỗ xe mà trong một ngày đi từ Xá-vệ đến Bà-kê-đế?”

 Vua nói:

“Không phải vậy!”

“Có phải ngài ngồi trên cỗ xe thứ hai, cỗ xe thứ ba, cho đến cỗ xe thứ bảy từ Xá-vệ đến Bà-kê-đế chăng?” Vua nói: “Không phải vậy!” – Này Hiền giả, nếu quần thần lại hỏi nữa, Ba-tư-nặc, quốc vương xứ Câutát-la sẽ đáp thế nào? Có phải vua trả lời cho quần thần rằng: “Ta ở Xá-vệ, vì có đại sự ở Bà-kê-đế, ta nghĩ thế này: ‘Dùng phương tiện gì để trong một ngày có thể đi từ Xá-vệ đến Bà-kê-đế được?’ Ta lại nghĩ thế này: ‘Nay ta nên từ Xá-vệ đến Bà-kê-đế, ở quãng giữa đoạn đường đó, bố trí bảy cỗ xe.’ Rồi thì ta từ Xávệ đến Bà-kê-đế, giữa đoạn đường ấy, ta bố trí bảy cỗ xe. Bố trí xong, từ nước Xá-vệ ra đi đến cỗ xe thứ nhất; ngồi cỗ xe thứ nhất đến cỗ xe thứ hai, bỏ cỗ xe thứ nhất; ngồi cỗ xe thứ hai đến cỗ xe thứ ba, bỏ cỗ xe thứ hai; ngồi cỗ xe thứ ba đến cỗ xe thứ tư, bỏ cỗ xe thứ ba; ngồi cỗ xe thứ tư đến cỗ xe thứ năm, bỏ cỗ xe thứ tư; ngồi cỗ xe thứ năm đến cỗ xe thứ sáu, bỏ cỗ xe thứ năm; ngồi cỗ xe thứ sáu đến cỗ xe thứ bảy, bỏ cỗ xe thứ sáu; ngồi cỗ xe thứ bảy ấy trong vòng một ngày đến Bà-kê-đế.”

– Thưa Hiền giả, Ba-tư-nặc, vua xứ Câu-tát-la trả lời câu hỏi của quần thần như vậy.

Cũng vậy, thưa Hiền giả, vì giới thanh tịnh nên tâm được thanh tịnh, vì tâm thanh tịnh nên tri kiến được thanh tịnh, vì tri kiến thanh tịnh nên nghi cái được thanh tịnh, vì nghi cái thanh tịnh nên đạo phi đạo tri kiến được thanh tịnh, vì đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh nên đạo tích tri kiến được thanh tịnh, vì đạo tích tri kiến thanh tịnh nên đạo tích đoạn trí được thanh tịnh, vì đạo tích đoạn trí thanh tịnh nên đức Thế Tôn giảng dạy Vô dư Niết-bàn.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lê-tử hỏi Tôn giả Mãn Từ Tử:

– Tôn hiệu của Hiền giả là gì? Các người Phạm hạnh gọi Hiền giả như thế nào?

Tôn giả Mãn Từ Tử trả lời rằng: – Thân phụ tôi tên Mãn, thân mẫu tôi tên Từ; do đó, các Phạm hạnh gọi tôi là Mãn Từ Tử.

Tôn giả Xá-lê-tử tán thán rằng:

– Lành thay, lành thay! Hiền giả Mãn Từ Tử là đệ tử của đức Như Lai, những gì phải làm, những điều trị biện, thảy đều thông minh, quyết định, an lạc, vô úy, thành tựu chế ngự, đạt đến đại biện tài, được phướn cam lồ, trong cõi cam lồ tự mình đã chứng ngộ, thành tựu và an trú; những điều này khi đem hỏi Hiền giả thảy đều được trả lời bằng những ý nghĩa vô cùng sâu xa. Cho nên, Hiền giả Mãn Từ Tử, những người Phạm hạnh sẽ được nhiều lợi ích nếu gặp được Hiền giả Mãn Từ Tử, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái.

Nay tôi cũng được lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Những người Phạm hạnh nên quấn y lên đầu mà đội Hiền giả Mãn Từ Tử để được nhiều lợi ích. Nay tôi cũng được nhiều lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái.

Tôn giả Mãn Từ Tử hỏi Tôn giả Xá-lê-tử:

– Hiền giả tôn hiệu là gì? Các Phạm hạnh gọi Hiền giả như thế nào? Tôn giả Xá-lê-tử trả lời rằng:

– Tôi tự là Ưu-ba-đề-xá, thân mẫu tôi tên Xá-lê nên những người Phạm hạnh gọi tôi là Xá-lê-tử.

Tôn giả Mãn Từ Tử tán thán rằng:

– Hôm nay tôi được bàn luận với đệ tử đức Thế Tôn mà không biết, cùng với bậc Đệ nhị tôn luận bàn mà không biết nhau, cùng với vị Pháp tướng luận bàn mà không biết, cùng với bậc đệ tử chuyển lại pháp luân đã chuyển luận bàn mà không biết. Nếu tôi biết ngài là Tôn giả Xá-lê-tử thì tôi đã không thể trả lời nổi một câu, huống gì lại bàn luận sâu xa như thế. Lành thay, lành thay! Tôn giả Xá-lê-tử, ngài là đệ tử đức Như Lai, những điều cần phải làm, những điều trị biện, thảy đều thông minh, quyết định, an ổn, vô úy, thành tựu chế ngự, đạt đến đại biện tài, được phướn cam lồ, trong cõi cam lồ tự mình đã chứng ngộ, thành tựu và an trú. Tôn giả đã hỏi những điều này rất sâu xa, rất sâu xa! Tôn giả Xá-lê-tử, các Phạm hạnh sẽ được lợi ích lớn nếu gặp Tôn giả Xá-lê-tử, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Nay tôi cũng được nhiều lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. Các người Phạm hạnh phải quấn y trên đầu mà đội Tôn giả Xá-lê-tử để được nhiều lợi ích. Nay tôi cũng được nhiều lợi ích, tùy thời mà thăm viếng, tùy thời mà lễ bái. 

Hai vị Hiền giả khen ngợi nhau như vậy, cùng khen ngợi nhau như vậy rồi hoan hỷ phụng hành và từ chỗ ngồi đứng dậy, trở về chỗ nghỉ của mình.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.