Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

8. KINH THẤT NHẬT
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa tại nước Bệ-xá-ly, trong vườn cây Nại-thị. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:

– Tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, là pháp chóng đổi thay, là pháp không thể nương tựa; các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhàm chán, ghê sợ nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát. Vì sao thế? Ví như lúc không mưa, ngay khi không mưa ấy, tất cả cây cối, trăm thứ lúa má cây thuốc đều phải khô héo, gãy nát, chết cả, không thể thường trụ. Vì thế, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, là pháp chóng đổi thay, là pháp không thể nương tựa; các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhàm chán, ghê sợ nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

 Lại nữa, có lúc hai mặt trời cùng xuất hiện. Khi hai mặt trời xuất hiện thì các rãnh, ngòi, sông, lạch đều phải khô cạn, không thể thường trụ. Do đó, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, là pháp chóng thay đổi, là pháp không thể nương tựa; các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhàm chán, ghê sợ, phải tìm sự xả ly, phải tìm sự giải thoát.

 Lại nữa, có lúc ba mặt trời cùng xuất hiện. Khi ba mặt trời xuất hiện thì tất cả các dòng sông lớn đều khô cạn, không thể thường trụ. Do đó, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, là pháp chóng đổi thay, là pháp không thể nương tựa; các hành như vậy không nên tham đắm mà phải nhàm chán, ghê sợ nên tìm sự xả ly, nên tìm sự giải thoát.

Lại nữa, có lúc bốn mặt trời xuất hiện. Khi bốn mặt trời cùng xuất hiện thì các dòng suối lớn chảy ra năm con sông lớn trên châu Diêm-phù-đề: Một là Hằng-già, hai là Diêu-vưu-na, ba là Xá-lao-phù, bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí, các dòng suối nguồn lớn ấy đều khô cạn cả, không thể thường trụ. Do đó, các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, là pháp chóng đổi thay, là pháp không thể nương tựa; các hành như vậy không nên tham trước mà phải nhàm chán, ghê sợ nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

Lại nữa, có lúc năm mặt trời xuất hiện. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện thì nước trong biển lớn sụt xuống một trăm do-diên, sụt dần đến bảy trăm dodiên. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện như vậy thì biển có mức nước bảy trăm do-diên sụt dần cho đến một trăm do-diên. Khi năm mặt trời xuất hiện thì nước trong biển lớn sụt một cây đa-la, sụt dần đến bảy cây đa-la. Khi năm mặt trời cùng xuất hiện thì những biển có mức nước bảy cây đa-la sụt dần cho đến một cây đa-la. Khi năm mặt trời xuất hiện thì nước biển giảm sụt một người, sụt dần cho đến bảy người. Khi năm mặt trời xuất hiện thì những biển có mức nước bảy người, giảm dần cho đến một người. Khi năm mặt trời xuất hiện thì nước biển giảm cho đến cổ, đến vai, đến lưng, đến háng, đến đầu gối, đến mắt cá cho đến lúc nước biển ráo hết, không đủ chìm một ngón chân. Do đó, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, là pháp chóng thay đổi, là pháp chẳng thể nương tựa; các hành như vậy không nên tham trước mà phải nhàm chán, ghê sợ nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

Lại nữa, có lúc sáu mặt trời xuất hiện. Khi sáu mặt trời cùng xuất hiện thì tất cả đại địa và núi chúa Tu-di thảy đều bốc khói, tạo thành một đám khói. Ví như thợ gốm lúc mới nhen bếp, cả thảy đều bốc khói, tạo thành một đám khói. Như vậy, khi sáu mặt trời xuất hiện thì tất cả đại địa thảy đều bốc khói, tạo thành một đám khói. Do đó, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, là pháp chóng đổi thay, là pháp không thể nương tựa; các hành như vậy không nên tham trước mà phải nhàm chán, ghê sợ nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

Lại nữa, có lúc bảy mặt trời xuất hiện. Khi bảy mặt trời cùng xuất hiện thì tất cả đại địa và núi chúa Tu-di bỗng phựt cháy bừng bừng, tạo thành ngọn lửa rực rỡ. Như vậy, khi bảy mặt trời cùng xuất hiện thì tất cả đại địa và núi chúa Tu-di bỗng phựt cháy bừng bừng, tạo thành một ngọn lửa, gió thổi ngọn lửa ấy vươn cao đến trời Phạm thiên. Lúc đó, các vị trời Hoảng Dục mới sanh lên cõi này, những vị trời mới sanh lên cõi này không rõ sự thành bại của thế gian, không thấy sự thành bại của thế gian, không biết sự thành bại của thế gian, khi thấy ngọn lửa vĩ đại đến liền sợ hãi, dựng lông, suy nghĩ như thế này: “Lửa không đến đây được chăng? Lửa không đến đây được chăng?” Các vị trời sanh trước đã rõ sự thành bại của thế gian, đã thấy việc thành bại của thế gian, biết sự thành bại của thế gian, khi thấy ngọn lửa vĩ đại, liền an ủi các vị trời kia rằng: “Chớ nên sợ hãi, lửa cháy chỉ chừng đó, không thể lên đến đây được.”

Khi bảy mặt trời cùng xuất hiện thì núi chúa Tu-di sụp lở, tán hoại, diệt tận một trăm do-diên, hai trăm do-diên, ba trăm do-diên, cho đến bảy trăm do-diên. Khi bảy mặt trời cùng xuất hiện thì núi chúa Tu-di và đại địa này cháy tan, hủy diệt, không còn tro than gì cả. Cũng như đốt dầu bơ, cháy cho tiêu hết, không còn khói đen. Cũng vậy, khi bảy mặt trời cùng xuất hiện thì núi chúa Tu-di và cõi đại địa này không còn tro than. Do đó, tất cả các hành đều vô thường, là pháp không vĩnh cửu, là pháp chóng thay đổi, là pháp không thể nương tựa; các hành như vậy không nên tham trước mà phải nhàm chán, ghê sợ nên tìm sự xả ly, nên tìm giải thoát.

Nay Ta nói cho các thầy biết, ai có thể tin được rằng núi chúa Tu-di sẽ sụp đổ? Chỉ có những người thấy được sự thật. Nay Ta nói cho các thầy biết, ai có thể tin được rằng nước trong đại hải sẽ khô cạn tất cả? Chỉ có những người đã thấy sự thật. Nay Ta nói cho các thầy biết, ai có thể tin rằng tất cả đại địa đều cháy sạch? Chỉ có những người đã thấy sự thật. Vì sao vậy? Này các Tỳ-kheo, xưa có vị đại sư tên là Thiện Nhãn, là bậc tôn sư của các tiên nhơn ngoại đạo, xả ly dục và ái, chứng như ý túc. Đại sư Thiện Nhãn có vô lượng trăm ngàn đệ tử. Đại sư Thiện Nhãn dạy pháp Phạm thế cho các đệ tử. Khi Đại sư Thiện Nhãn dạy pháp Phạm thế cho các đệ tử thì trong số đệ tử đó có người phụng hành không đầy đủ pháp ấy, người ấy sau khi mạng chung hoặc sanh lên cõi Tứ Thiên Vương, hoặc Tam Thập Tam thiên, hoặc trời Diệm-ma, hoặc sanh lên trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh lên trời Hóa Lạc, hoặc sanh lên trời Tha Hóa Lạc.

Nếu khi Đại sư Thiện Nhãn dạy pháp Phạm thế, mà trong số đệ tử đó có ai phụng hành đầy đủ pháp ấy thì người ấy phải tu bốn Phạm thất, xả ly các dục, sau khi mạng chung người ấy sanh lên trời Phạm thiên. Lúc đó, Đại sư Thiện Nhãn nghĩ thế này: “Ta không nên cùng với các đệ tử sanh chung một nơi nào vào đời sau. Nay ta hãy tu thêm tăng thượng từ, sau khi tu tăng thượng từ rồi, mạng chung sẽ được sanh lên trời Hoảng Dục.

Đại sư Thiện Nhãn liền sau đó tu thêm tăng thượng từ, sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh lên trời Hoảng Dục. Đại sư Thiện Nhãn và các đệ tử học đạo không uổng công, đạt được quả báo lớn. Này các Tỳ-kheo, các thầy nghĩ sao? Xưa kia Đại sư Thiện Nhãn được hàng tiên nhơn ngoại đạo cung kính như là bậc thầy, xả ly ái dục, chứng như ý túc, các thầy cho là người nào khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Nên biết, đó là Ta vậy. Vào thời đó Ta là Đại sư Thiện Nhãn, được tiên nhơn ngoại đạo tôn kính như bậc thầy, xả ly ái dục, chứng như ý túc; lúc đó, Ta có vô lượng trăm ngàn đệ tử, Ta dạy pháp Phạm thế cho các đệ tử. Khi Ta dạy pháp Phạm thế, nếu trong số đệ tử có người không phụng hành đầy đủ pháp ấy thì người ấy sau khi mạng chung, hoặc sanh lên trời Tứ Thiên Vương, hoặc sanh lên Tam Thập Tam thiên, hoặc sanh lên trời Diệm-ma, hoặc sanh lên trời Đâu-suất-đà, hoặc sanh lên trời Hóa Lạc, hoặc sanh lên trời Tha Hóa Lạc. Khi Ta dạy pháp Phạm thế, nếu trong hàng đệ tử có người phụng hành đầy đủ pháp ấy, tu bốn Phạm thất, xả ly các dục thì người đó đến khi mạng chung được sanh lên trời Phạm thiên. Lúc đó, Ta nghĩ thế này: “Ta không nên cùng với các đệ tử sanh chung một nơi vào đời sau. Nay Ta hãy tu thêm tăng thượng từ. Sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh lên trời Hoảng Dục.” Sau đó, Ta lại tu thêm tăng thượng từ, sau khi tu tăng thượng từ, mạng chung được sanh lên trời Hoảng Dục. Thời ấy, Ta và các đệ tử học đạo không hư uổng, được quả báo lớn. Thời ấy, Ta thân hành đạo này vì lợi ích cho mình và lợi ích kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, vì trời và người mà tìm cầu nghĩa và sự lợi ích, tìm sự an ổn và khoái lạc. Lúc bấy giờ, Ta nói pháp chưa đến chỗ rốt ráo, không rốt ráo bạch tịnh, không rốt ráo Phạm hạnh. Vì không rốt ráo Phạm hạnh nên bấy giờ Ta không xa lìa được sanh, lão, bệnh, tử, than khóc, buồn rầu, cũng chưa thể thoát được tất cả khổ não.

Này các thầy Tỳ-kheo, nay Ta là bậc Xuất Thế, là Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, là bậc Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhơn Sư, gọi là Phật, là đấng Chúng Hựu.

Nay Ta đã làm lợi ích cho chính mình, cũng làm lợi ích cho kẻ khác, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, vì trời và người mà tìm nghĩa và sự lợi ích, tìm sự an ổn, khoái lạc. Nay Ta thuyết pháp đã đạt đến chỗ rốt ráo, rốt ráo bạch tịnh, rốt ráo Phạm hạnh. Do rốt ráo Phạm hạnh, Ta nay đã lìa khỏi sanh, lão, bệnh, tử, khóc than, buồn rầu. Nay Ta đã được giải thoát mọi khổ não.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo ấy sau khi nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.