Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

7. KINH THẾ GIAN PHƯỚC

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa Câu-xá-di, ở tại vườn Cù-xá-la. Bấy giờ vào lúc xế trưa, Tôn giả Ma-ha Châu-na từ chỗ nghỉ đứng dậy, đến trước Phật, đến rồi đảnh lễ, lui ngồi một bên và thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn, Ngài có thể giảng giải cho con về phước thế gian chăng? Đức Thế Tôn bảo rằng:

– Có thể được, Châu-na! Có bảy loại phước thế gian, có phước lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy?

Này Châu-na, có tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi cúng thí phòng xá, nhà gác cho chúng Tỳ-kheo. Châu-na, đó là loại phước thế gian thứ nhất có phước lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

Lại nữa, Châu-na, có tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi cúng thí giường, tòa, thảm lông, chiếu lông, nệm da, ngọa cụ trong các phòng xá. Châu-na, đó là loại phước thế gian thứ hai có phước lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

Lại nữa, Châu-na, có tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi cúng thí y phục cho chúng Tăng. Châu-na, đó là loại phước thế gian thứ ba có phước lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

Lại nữa, Châu-na, có tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi cúng thí cháo sáng; cơm trưa cho chúng Tăng ở trong phòng xá; lại cung cấp người làm vườn để sai khiến; hoặc khi gió mưa, tuyết lạnh, đích thân đến vườn cúng dường thêm. Các Tỳ-kheo ăn xong, không lo gió mưa, tuyết lạnh thấm ướt y phục để ngày đêm yên ổn tu tập thiền định.

Châu-na, đó là bảy loại phước thế gian có phước lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Châu-na, nếu tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi thì hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước ấy vẫn thường sanh, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng.

Châu-na, ví như nước sông Hằng-già từ nguồn chảy ra, tuôn vào đại hải, ở vào khoảng giữa càng lúc càng sâu, càng lúc càng rộng. Cũng vậy, Châu-na, nếu tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi đó đã tạo được bảy loại phước thế gian này rồi thì hoặc đi, hoặc đến, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc ngủ, hoặc thức, hoặc ngày, hoặc đêm, phước ấy thường sanh trưởng, càng lúc càng thêm, càng lúc càng rộng.

Bấy giờ, Tôn giả Ma-ha Châu-na từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối phải sát đất, quỳ xuống chắp tay, bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn, Ngài có thể chỉ dạy cho con về phước đức xuất thế gian được chăng?

Đức Thế Tôn bảo rằng:

– Có thể được, Châu-na! Lại có bảy loại phước xuất thế gian có phước lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Những gì là bảy?

Châu-na, có tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi nghe đức Như Lai, hoặc đệ tử của đức Như Lai du hóa ở xứ nào đó, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ nhất có phước lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn.

Lại nữa, Châu-na, có tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi nghe đức Như Lai hay đệ tử đức Như Lai muốn từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, trong lòng rất phấn khởi. Châu-na, đó là loại phước xuất thế gian thứ hai có phước lớn, có danh dự lớn, có quả báo lớn, có công đức lớn.

Lại nữa, Châu-na, có tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi nghe đức Như Lai hay đệ tử của đức Như Lai đã từ nơi kia đến đây, nghe rồi vui vẻ, lòng rất phấn khởi, với tâm thanh tịnh đích thân tới thăm viếng; lễ kính; cúng dường; cúng dường xong thọ pháp ba tự quy đối với Phật, Pháp và đại chúng Tỳ-kheo; và thọ giới cấm.

Châu-na, đó là bảy loại phước xuất thế gian có phước lớn, có quả báo lớn, có danh dự lớn, có công đức lớn. Châu-na, nếu tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi đã tạo được bảy loại phước thế gian và lại có bảy loại phước xuất thế gian này thì phước của người kia không thể tính được là có bao nhiêu phước, có bao nhiêu kết quả của phước, có bao nhiêu phước báu, chỉ có thể nói là không thể hạn lượng và không thể biết được số lượng phước đức.

Châu-na, ví như từ châu Diêm-phù-đề, có năm con sông: Một là Hằng-già, hai là Diêu-vưu-na, ba là Xá-lao-phù, bốn là A-di-la-bà-đề và năm là Ma-xí chảy vào biển lớn, ở khoảng giữa của chúng, không thể tính được số nước là bao nhiêu thăng, hộc, chỉ có thể tính là số nước nhiều không thể hạn lượng, không thể tính được.

Cũng vậy, Châu-na, nếu tín nam hay tín nữ con nhà dòng dõi đã tạo được bảy phước thế gian, và lại có bảy loại phước xuất thế gian thì phước của người đó không thể tính được là có bao nhiêu phước, bao nhiêu phước quả, bao nhiêu phước báu mà chỉ có thể tính là phước ấy nhiều không thể hạn lượng, không thể tính được.

Lúc đó, đức Thế Tôn nói bài tụng rằng:
             Con sông Hằng-già,                 Trong sạch dễ qua,
             Biển nhiều của quý,                  Là vua các sông.
             Cũng như nước sông,              Người đời kính phụng,
             Các sông chảy về,                    Đều vào biển lớn.
             Cũng vậy, người nào,               Cúng áo, thực phẩm,
             Giường chõng, nệm, chăn,      Và những tọa cụ,
             Phước báu không lường,         Đưa đến cõi lành,
             Cũng như nước sông,              Tuôn về biển lớn.

Đức Phật dạy như thế, Tôn giả Ma-ha Châu-na và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

 

 

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.