Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở Câu-tát-la, du hành giữa nhân gian và có đại chúng Tỳ-kheo đi theo.
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang đi giữa đường, chợt thấy có đống cây lớn ở một nơi kia bỗng nhiên bừng cháy. Thế Tôn thấy rồi liền rẽ xuống bên đường, đi đến một cây khác trải ni-sư-đàn, kiết-già mà ngồi yên. Đức Thế Tôn ngồi rồi, bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy có thấy đằng kia có đống cây lớn bỗng nhiên bừng cháy không? Khi đó, các thầy Tỳ-kheo trả lời:
– Có thấy, bạch Thế Tôn!
Đức Thế Tôn lại bảo các thầy Tỳ-kheo:
– Các thầy nghĩ sao, với đống cây lớn phựt cháy bừng bừng đó, hoặc tới ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; và với người con gái của dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hay thợ thuyền đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa, chuỗi ngọc trang sức thân thể, hoặc tới ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm; việc nào sung sướng hơn?
Lúc ấy, các thầy Tỳ-kheo thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, với đống cây lớn đang phựt cháy bừng bừng, hoặc ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất khổ, bạch Thế Tôn! Với người con gái dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hay thợ thuyền đang độ tuổi cường thạnh, tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng hoa, chuỗi ngọc trang sức thân thể mà tới ôm, hoặc ngồi, hoặc nằm thì rất sung sướng, bạch Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo:
– Ta sẽ nói cho các thầy biết, không để cho các thầy học làm Sa-môn mà lại mất đạo Sa-môn. Các thầy nếu muốn thành tựu Phạm hạnh vô thượng thì thà ôm đống cây lớn đang phựt cháy bừng bừng, hoặc ngồi, hoặc nằm; việc ấy mặc dù vì thế mà phải chịu khổ, hoặc chết, nhưng không do đó mà khi thân hoại mạng chung phải thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới và không tinh tấn, sanh ra pháp ác, bất thiện, không phải là Phạm hạnh mà gọi là Phạm hạnh, không phải là Sa-môn mà gọi là Sa-môn, hoặc ôm người con gái dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ hay thợ thuyền đang độ tuổi cường thạnh, đã tắm gội, xông hương thơm, mặc y phục sạch sẽ, dùng tràng 18 KINH TRUNG A-HÀM hoa, chuỗi ngọc trang sức thân thể, hoặc ngồi, hoặc nằm; người ngu si kia vì thế mà vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp, khi thân hoại mạng chung thẳng đến nơi ác, sanh vào địa ngục. Do đó, các thầy hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa, và suy nghĩ như thế này: “Ta xuất gia học đạo không phải vô ích, không phải luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc vô cùng, được sanh vào các thiện xứ để được trường thọ, tiếp nhận áo chăn, đồ ăn uống, giường, nệm, thuốc thang của người tín thí, làm cho các thí chủ được phước đức lớn, quả báo lớn, quang minh lớn.” Các thầy nên học như vậy!
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:
– Các thầy nghĩ sao, như có lực sĩ lấy sợi dây thừng bằng lông cột siết cho đến bứt da, bứt da rồi bứt thịt, bứt thịt rồi bứt gân, bứt gân rồi bứt xương, bứt xương cho tới tủy mới thôi; hoặc theo người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ sự cúng thí, rờ rẫm thân thể, chi tiết và tay chân thì việc nào sung sướng hơn?
Lúc bấy giờ, các Tỳ-kheo thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem sợi dây thừng bằng lông cột siết cho đến bứt da, bứt da rồi bứt thịt, bứt thịt rồi bứt gân, bứt gân rồi bứt xương, bứt xương cho tới tủy mới thôi thì rất khổ, bạch Thế Tôn! Còn nếu theo người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để được cúng thí, rờ rẫm thân thể, chi tiết và tay chân thì rất sung sướng, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn bảo:
– Ta sẽ nói cho các thầy biết, không để các thầy học làm Sa-môn lại mất đạo Sa-môn. Các thầy nếu muốn thành tựu Phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem sợi dây thừng bằng lông cột siết cho đến bứt da, bứt da rồi bứt thịt, bứt thịt rồi bứt gân, bứt gân rồi bứt xương, bứt xương cho tới tủy mới thôi; việc ấy mặc dù do vậy mà các thầy thọ khổ, hoặc chết, nhưng không do đó mà khi thân hoại mạng chung đi thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới và không tinh tấn, sanh ra pháp ác, bất thiện, không phải Phạm hạnh xưng là Phạm hạnh, không phải Sa-môn xưng là Samôn, rồi theo người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ sự cúng thí, rờ rẫm thân thể, các chi tiết và tay chân; người ngu si ấy do đó vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp, khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Vì thế, các thầy hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa, hãy suy nghĩ thế này: “Ta xuất gia học đạo không vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc vô cùng, sanh vào các thiện xứ để được trường thọ, tiếp nhận áo chăn, đồ ẩm thực, giường, nệm, thuốc thang của người tín thí, khiến cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn.” Các thầy nên học như vậy!
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:
– Các thầy nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem con dao đã mài giũa sắc bén chặt đứt ngang đùi; hay là theo người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ sự lễ bái của tín thí, cung kính, đón rước; điều nào sung sướng hơn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo thưa rằng: – Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem con dao đã mài giũa sắc bén chặt đứt ngang đùi thì rất khổ, bạch Thế Tôn; còn theo người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để nhận sự lễ bái của tín thí, cung kính, đón rước thì rất sung sướng, bạch Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo rằng:
– Ta sẽ nói cho các thầy biết, không để các thầy học làm Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các thầy nếu muốn thành tựu Phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem dao bén đã mài giũa chặt đứt ngang đùi; việc ấy dù do đó mà chịu sự đau khổ, hoặc chết, nhưng không vì đó mà khi thân hoại mạng chung đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới không tinh tấn, sanh ra pháp ác, bất thiện, chẳng phải Phạm hạnh xưng Phạm hạnh, chẳng phải Samôn xưng là Sa-môn, rồi theo người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền mà thọ sự lễ bái, cung kính, tiếp đón của tín thí; người ngu si kia vì thế vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Do đó, các thầy nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa; nên nghĩ thế này: “Ta xuất gia học đạo không vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ, tiếp nhận áo chăn, đồ ăn uống, giường, nệm, thuốc thang của người cúng thí, khiến cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn.” Các thầy nên học như vậy!
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:
– Các thầy nghĩ sao, hoặc có lực sĩ đem lá đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi quấn quanh thân thể; hoặc theo người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để nhận y phục của người tín thí; cái nào sung sướng hơn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem lá đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi quấn quanh thân thể thì rất khổ, bạch Thế Tôn! Nếu theo người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để nhận lãnh y phục của tín thí thì sung sướng hơn, bạch Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo rằng:
– Ta sẽ nói cho các thầy biết, không để các thầy học làm Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các thầy nếu muốn thành tựu Phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem lá đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi quấn quanh thân thể; dù việc đó vì thế sẽ chịu sự khổ, hoặc chết, nhưng không do vậy mà khi thân hoại mạng chung phải thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới không tinh tấn, sanh ra pháp ác, bất thiện, chẳng phải Phạm hạnh xưng là Phạm hạnh, để rồi theo người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền mà thọ lãnh y phục của tín thí; người ngu kia vì thế vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác pháp, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Do đó, các thầy hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa; nên nghĩ thế này: “Ta xuất gia học đạo không vô ích, không luống công, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ, nhận lãnh áo chăn, đồ ăn uống, giường, nệm, thuốc thang của tín thí, khiến cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn.” Các thầy nên học như vậy!
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:
– Các thầy nghĩ sao, hoặc có lực sĩ đem kềm sắt nóng kéo cho hả miệng ra rồi lấy viên sắt đốt cháy hừng hực quăng vào trong miệng, viên sắt cháy đó đốt cháy môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi, đốt lợi rồi đốt cổ, đốt cổ rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt bao tử và ruột, đốt bao tử và ruột rồi đốt xuống dưới; hoặc theo dòng người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để lãnh thọ đồ ăn, vô lượng mùi vị của tín thí; việc nào sung sướng hơn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo thưa rằng:
– Bạch đức Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem kềm sắt nóng kéo cho hả miệng ra rồi lấy viên sắt đã đốt cháy hừng hực bỏ vào miệng, viên sắt nóng ấy đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi, đốt lợi rồi đốt cổ, đốt cổ rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt bao tử và ruột, đốt bao tử và ruột rồi đốt xuống dưới thì rất khổ; còn nếu theo theo dòng người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để lãnh thọ đồ ăn, vô lượng mùi vị của tín thí thì sung sướng hơn, bạch Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo rằng:
– Ta sẽ nói cho các thầy biết, không để các thầy học làm Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các thầy nếu muốn thành tựu Phạm hạnh vô thượng thì thà để lực sĩ đem kềm sắt nóng kéo cho hả miệng ra rồi đem viên sắt đã đốt cháy hừng hực quăng vào trong miệng, viên sắt nóng ấy đốt môi, đốt môi rồi đốt lưỡi, đốt lưỡi rồi đốt lợi, đốt lợi rồi đốt cổ, đốt cổ rồi đốt tim, đốt tim rồi đốt bao tử và đốt ruột, đốt bao tử và đốt ruột rồi đốt xuống dưới; điều ấy nhân đó mà phải chịu đau khổ, hoặc chết, nhưng không vì thế mà khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới không tinh tấn, sanh ra pháp ác, bất thiện, chẳng phải Phạm hạnh xưng là Phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn, theo người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để nhận lãnh sự cúng thí thực phẩm, vô lượng mùi vị; người ngu si đó vì thế mà vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, chịu quả báo ác pháp, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Vì thế các thầy nên quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa; nên nghĩ thế này: “Ta xuất gia học đạo không vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc cùng cực, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ, nhận lãnh áo chăn, đồ ăn uống, giường, nệm, thuốc thang của tín thí, khiến cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn.” Các thầy nên học như vậy!
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem giường sắt hay đồng đốt cháy hừng hực rồi cưỡng bức người kia phải nằm ngồi trên đó; hoặc là theo các người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh giường chõng và ngọa cụ của tín thí; việc nào sung sướng hơn?
Lúc đó, các Tỳ-kheo thưa:
– Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem giường sắt hay đồng đốt cháy hừng hực rồi cưỡng bức người kia phải nằm ngồi trên đó thì rất khổ, bạch Thế Tôn; còn nếu theo các người dòng Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh giường chõng và ngọa cụ của tín thí thì sung sướng hơn, bạch Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo rằng:
– Ta sẽ nói cho các thầy biết, không để cho các thầy học làm Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Nếu các thầy muốn thành tựu Phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem giường đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi cưỡng bức phải nằm ngồi trên đó; việc đó dù vì thế mà chịu sự khổ sở, hoặc chết, nhưng không vì thế mà sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới không tinh tấn, sanh ra pháp ác, bất thiện, chẳng phải Phạm hạnh xưng là Phạm hạnh, chẳng phải Sa-môn xưng là Sa-môn, rồi theo những người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để thọ lãnh ngọa cụ, giường chõng của tín thí; người ngu si đó vì thế vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Vì thế, các thầy hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa; nên nghĩ thế này: “Ta xuất gia học đạo không vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc vô cùng, sanh đến các thiện xứ, được trường thọ, nhận lãnh áo chăn, đồ ăn uống, giường, nệm, thuốc thang của tín thí, khiến cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả bảo lớn, được quang minh lớn.” Các thầy nên học như vậy!
Đức Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo rằng:
– Các thầy nghĩ sao, nếu có lực sĩ đem nồi đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi tóm một người xóc ngược lên và quăng vào trong nồi; hoặc là theo người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để nhận lãnh phòng xá tô trét bùn đất, cửa nẻo kín đáo, chắc chắn, lò sưởi của tín thí; việc nào sung sướng hơn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, nếu có lực sĩ đem nồi lớn bằng đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi bắt một người xóc ngược lên và ném vào nồi thì quá khổ sở, bạch Thế Tôn; còn nếu theo những người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để nhận lãnh phòng xá tô trét bùn đất, cửa nẻo kín đáo, chắc chắn, lò sưởi của tín thí thì sung sướng hơn, bạch Thế Tôn!
Đức Thế Tôn bảo rằng:
– Ta sẽ nói cho các thầy biết, không để các thầy học làm Sa-môn mà mất đạo Sa-môn. Các thầy nếu muốn thành tựu Phạm hạnh vô thượng thì thà để cho lực sĩ đem nồi lớn bằng đồng hay sắt đốt cháy hừng hực rồi bắt một người xóc ngược lên quăng vào trong nồi; mặc dù vì thế mà chịu đau khổ, hoặc chết, nhưng không do vậy mà sau khi thân hoại mạng chung lại thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Nếu người ngu si phạm giới không tinh tấn, sanh ra pháp ác, bất thiện, chẳng phải Phạm hạnh xưng là Phạm hạnh, không phải Sa-môn xưng là Sa-môn, theo người Sát-lợi, Phạm chí, cư sĩ, thợ thuyền để nhận lãnh phòng xá tô trét bùn đất, cửa nẻo kín đáo, chắc chắn, lò sưởi của tín thí; người ngu si đó vì thế mà vĩnh viễn không thiện, không nghĩa, thọ quả báo ác, sau khi thân hoại mạng chung thẳng đến ác xứ hay sanh vào địa ngục. Vì thế các thầy hãy quán sát nghĩa này, quán sát nghĩa kia, quán sát cả hai nghĩa nên nghĩ thế này: “Ta xuất gia học đạo không vô ích, không luống không, mà có quả, có báo, có sự an lạc vô cùng, sanh đến các thiện xứ để được trường thọ, nhận lãnh áo chăn, đồ ăn uống, giường, nệm, thuốc thang của tín thí, khiến cho các thí chủ được phước đức lớn, được quả báo lớn, được quang minh lớn.” Các thầy nên học như thế!
Khi đức Phật dạy bài pháp này xong, sáu mươi vị Tỳ-kheo dứt sạch các lậu, giải thoát kiết sử; sáu mươi Tỳ-kheo xả giới, hoàn tục. Sao vậy? Vì sự giáo huấn của đức Thế Tôn rất sâu, rất khó; sự học đạo lại còn sâu, còn khó hơn.
Đức Phật dạy như thế, các vị Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.