Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

2. KINH TRÚ ĐỘ THỌ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu lá cây Trú Độ trên Tam Thập Tam thiên úa vàng thì lúc đó thiên chúng ở Tam Thập Tam thiên vui mừng hớn hở, cho rằng: “Lá cây Trú Độ chẳng bao lâu nữa sẽ rụng.” Rồi lá cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên đã rụng. Lúc đó, chư thiên ở Tam Thập Tam thiên vui mừng hớn hở, cho rằng: “Lá cây Trú Độ chẳng bao lâu sẽ mọc lại.” Rồi lá cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên đã mọc lại. Lúc đó, chư thiên ở Tam Thập Tam thiên vui mừng hớn hở, cho rằng: “Cây Trú Độ chẳng bao lâu sẽ kết ra mạng lưới.” Rồi lá cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên đã kết mạng lưới. Lúc đó, chư thiên ở Tam Thập Tam thiên vui mừng hớn hở, cho rằng: “Cây Trú Độ chẳng bao lâu sẽ nở nụ giống mỏ chim.” Rồi cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên đã nở nụ giống như mỏ chim. Lúc đó, chư thiên ở Tam Thập Tam thiên vui mừng hớn hở, cho rằng: “Cây Trú Độ chẳng bao lâu sẽ nở hoa như cái bát.” Rồi cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên đã nở hoa như cái bát. Lúc đó, chư thiên ở Tam Thập Tam thiên vui mừng hớn hở, cho rằng: “Cây Trú Độ chẳng bao lâu sẽ nở hoa tròn trịa.” Nếu cây Trú Độ đã nở hoa tròn trịa thì nó chiếu ra ánh sáng, màu sắc và tỏa ra mùi thơm trong chu vi một trăm do-diên. Lúc bấy giờ, vào tháng Tư mùa hạ, các vị Tam Thập Tam thiên vui đùa với nhau bằng năm thứ dục lạc với đầy đủ tất cả các đặc tính của chúng. Đó là các vị Tam Thập Tam thiên tập trung dưới cây Trú Độ mà hưởng thụ sự vui sướng.

Theo ý nghĩa như thế, vị Thánh đệ tử cũng vậy. Khi suy nghĩ đến việc xuất gia, lúc đó, vị Thánh đệ tử được gọi là lá úa vàng, cũng giống như lá cây Trú Độ ở cõi Tam Thập Tam thiên trở nên úa vàng.

Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; lúc đó, Thánh đệ tử được gọi là lá rụng, như lá cây Trú Độ ở cõi Tam Thập Tam thiên rụng xuống.

Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử ly dục, ly ác và pháp bất thiện, có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc, thành tựu an trú sơ thiền; lúc đó, Thánh đệ tử được gọi là sanh trở lại, cũng như lá cây Trú Độ ở cõi Tam Thập Tam thiên sanh trở lại.

Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử không còn giác và quán, nội tâm tịch tịnh, không giác không quán, định sanh hỷ lạc, thành tựu an trú nhị thiền; lúc đó, Thánh đệ tử được gọi là sanh mạng lưới, cũng như cây Trú Độ ở cõi Tam Thập Tam thiên sanh mạng lưới.

Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử ly hỷ dục, an trú xả, vô cầu, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc mà bậc Thánh gọi là xả niệm lạc, trụ không, thành tựu an trú tam thiền; lúc đó, Thánh đệ tử được gọi là nở nụ như mỏ chim, cũng như cây Trú Độ ở cõi Tam Thập Tam thiên nở nụ như mỏ chim. Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ và hỷ ưu cũng đã diệt, không khổ lạc, xả niệm thanh tịnh, thành tựu an trú tứ thiền; lúc đó, Thánh đệ tử được gọi là nở hoa như cái bát, như cây Trú Độ ở cõi Tam Thập Tam thiên nở hoa như cái bát. Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử các lậu đã tận, tâm giải thoát, tuệ giải thoát ngay trong hiện tại, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trú, biết một cách như thật rằng: “Sanh đã hết, Phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa”; lúc đó, Thánh đệ tử được gọi là hoa nở tròn trịa, cũng như cây Trú Độ ở cõi Tam Thập Tam thiên nở hoa tròn trịa. Đó là vị Tỳ-kheo lậu tận A-la-hán, được Tam Thập Tam thiên tập hội tại chánh điện Thiện Pháp hỏi han, khen ngợi rằng: “Vị Thánh đệ tử tôn quý đó, ở tại thôn ấp đó, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, các lậu đã hết, tâm giải thoát, tuệ giải thoát ngay trong hiện tại, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trú, biết một cách như thật rằng: ‘Sanh đã hết, Phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.’” Đó là các A-la-hán lậu tận cùng tập hội như Tam Thập Tam thiên cùng tập hội dưới cây Trú Độ vậy.

Đức Phật dạy như vậy, các vị Tỳ-kheo kia nghe những lời Phật thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.

3. KINH THÀNH DỤ Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật đến nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: – Như vương thành ở biên giới có bảy việc đầy đủ và bốn thứ lương thực sung túc, dễ tìm, không khó; do đó, vương thành không bị ngoại địch đánh phá, ngoại trừ bên trong tự phá hoại. Những gì là bảy việc mà vương thành có đầy đủ? Là vương thành ở biên giới xây cất những vọng gác, đắp đất cho chắc, không thể phá vỡ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ nhất của vương thành. Lại nữa, như vương thành ở biên giới có đào hào, vét ao cho thật sâu rộng, sửa sang để có thể nương tựa, làm cho bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ hai của vương thành. Lại nữa, như dọn dẹp những con đường nối liền xung quanh vương thành ở biên giới cho bằng phẳng, rộng rãi, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ ba của vương thành. Lại nữa, như biên thành của vua tập trung bốn quân chủng: Tượng quân, mã quân, xa quân, bộ quân, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ tư của vương thành. Lại nữa, như vương thành ở biên giới chuẩn bị binh khí, cung, tên, mâu, kích, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ năm của vương thành

Lại nữa, như vương thành ở biên giới lập vị đại tướng trấn thủ sáng suốt, thao lược, cơ trí, tháo vác, dũng mãnh, cương nghị, giỏi mưu chước, người hiền lành thì cho vào, kẻ không lương thiện thì cấm, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ sáu của vương thành. Lại nữa, như vương thành ở biên giới xây đắp tường cao cho thật kiên cố, trét bùn, tô đất, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là việc đầy đủ thứ bảy của vương thành. Bốn thứ lương thực sung túc, dễ tìm, không khó là gì? Là vương thành ở biên giới có sẵn, có chuẩn bị nước, cỏ, củi, gỗ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ nhất sung túc, dễ tìm, không khó ở vương thành. Lại nữa, như vương thành ở biên giới thu nạp nhiều lúa gạo và chứa cất lúa mạch, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ hai sung túc, dễ tìm, không khó ở vương thành. Lại nữa, như vương thành ở biên giới chứa nhiều niêm đậu, đại đậu, tiểu đậu, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ ba sung túc, dễ tìm, không khó ở vương thành. Lại nữa, như vương thành ở biên giới cất chứa bơ, dầu, mật, mía, đường, cá, muối, thịt khô, tất cả đều đầy đủ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Đó là loại lương thực thứ tư sung túc, dễ tìm, không khó ở vương thành. Như vậy, vương thành đầy đủ bảy việc, bốn thứ lương thực sung túc, dễ tìm, không khó nên không bị ngoại địch đánh phá, chỉ trừ bên trong tự phá hoại. Cũng vậy, nếu Thánh đệ tử cũng được bảy thiện pháp và bốn tăng thượng tâm dễ được, không khó thì vị Thánh đệ tử không bị Ma vương lung lạc, cũng không theo pháp ác, bất thiện, không bị nhiễm phiền não, không còn thọ sanh trở lại. Bảy thiện pháp mà Thánh đệ tử có được là gì? Là Thánh đệ tử có lòng tin kiên cố sâu xa đối với Như Lai, tín căn đã vững, trọn không theo Sa-môn, Phạm chí ngoại đạo, cũng như Thiên ma, Phạm thiên và hàng thế gian khác. Đó là Thánh đệ tử được thiện pháp thứ nhất.

Lại nữa, Thánh đệ tử thường thực hành xấu hổ, điều đáng xấu hổ biết xấu hổ, ghét pháp bất thiện và phiền não ô uế là thứ khiến thọ nhận các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là thiện pháp thứ hai mà Thánh đệ tử có được. Lại nữa, Thánh đệ tử thường thực hành hổ thẹn, điều đáng hổ thẹn biết hổ thẹn, ghét pháp bất thiện và phiền não ô uế là thứ khiến thọ nhận các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là thiện pháp thứ ba mà Thánh đệ tử có được. Lại nữa, Thánh đệ tử thường thực hành tinh tấn, đoạn trừ ác, bất thiện, tu các thiện pháp, luôn tự khởi ý, chuyên nhất kiên cố, làm các gốc thiện, không bỏ phương tiện. Đó là thiện pháp thứ tư mà Thánh đệ tử có được. Lại nữa, Thánh đệ tử học rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự học rộng các pháp tốt ở khoảng đầu, tốt ở khoảng giữa, tốt ở khoảng cuối, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện Phạm hạnh; học rộng, nghe nhiều các pháp như vậy, luyện tập đến cả ngàn lần, ý chăm chú những điều tư duy, quán sát đến chỗ thấy rõ hiểu sâu. Đó là thiện pháp thứ năm mà Thánh đệ tử có được. Lại nữa, Thánh đệ tử thường thực hành niệm, thành tựu chánh niệm, những điều đã từng học tập từ lâu, đã từng nghe từ lâu, nhớ luôn không quên. Đó là thiện pháp thứ sáu mà Thánh đệ tử có được.

Lại nữa, Thánh đệ tử tu hành trí tuệ, quán sát sự hưng suy của các pháp. Do có trí như vậy, có thánh huệ, có sự thấu hiểu, phân biệt rõ ràng mà vị ấy diệt tận hoàn toàn sự khổ. Đó là thiện pháp thứ bảy mà Thánh đệ tử có được. Những gì là bốn tăng thượng tâm dễ được, không khó mà Thánh đệ tử đạt đến? Là Thánh đệ tử ly dục, ly ác và pháp bất thiện, có giác, có quán, ly sanh hỷ lạc, thành tựu an trú sơ thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ nhất dễ được, không khó mà Thánh đệ tử đạt đến. Lại nữa, Thánh đệ tử đã dứt giác và quán, nội tĩnh nhất tâm, không giác, không quán, định sanh hỷ lạc, thành tựu an trú nhị thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ hai dễ được, không khó mà Thánh đệ tử đạt đến. Lại nữa, Thánh đệ tử ly hỷ dục, thành tựu xả, vô cầu, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc, trú không, thành tựu an trú tam thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ ba dễ được, không khó mà Thánh đệ tử đạt đến. Lại nữa, Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ và hỷ ưu cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, thành tựu an trú tứ thiền. Đó là tăng thượng tâm thứ tư dễ được, không khó mà Thánh đệ tử đạt đến. Như vậy, Thánh đệ tử được bảy thiện pháp, đạt đến bốn tâm tăng thượng dễ được, không khó, không bị Ma vương lung lạc, cũng chẳng theo pháp ác, bất thiện, không bị nhiễm phiền não, không còn thọ sanh trở lại. Như vương thành ở biên giới xây cất vọng gác, đắp đất cho chắc, không thể phá vỡ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng như vậy, Thánh đệ tử có lòng tin kiên cố sâu xa đối với Như Lai, tín căn đã lập, trọn không theo Sa-môn, Phạm chí ngoại đạo, cũng như Thiên ma, Phạm thiên và các hạng thế gian khác. Đó là Thánh đệ tử có vọng gác tín tâm để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp.

Như vương thành ở biên giới đào hào, vét ao thật sâu rộng, sửa sang để có thể nương tựa, làm cho bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng như vậy, Thánh đệ tử thực hành xấu hổ, điều đáng xấu hổ biết xấu hổ, ghét pháp bất thiện và phiền não ô uế là thứ khiến thọ nhận các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là Thánh đệ tử có hồ ao xấu hổ, trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp. Như vương thành ở biên giới dọn dẹp những con đường liền chung quanh cho bằng phẳng, rộng rãi, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng như vậy, Thánh đệ tử thường thực hành hổ thẹn, điều đáng hổ thẹn biết hổ thẹn, ghét pháp bất thiện và phiền não ô uế là thứ khiến thọ nhận các ác báo, tạo gốc rễ sanh tử. Đó là Thánh đệ tử có con đường bằng phẳng hổ thẹn, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp. Như vương thành ở biên giới tập trung bốn quân chủng: Tượng quân, mã quân, xa quân, bộ quân, để bên trong được yên ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng như vậy, Thánh đệ tử thường thực hành tinh tấn, đoạn trừ ác, bất thiện, tu các thiện pháp, luôn tự khởi ý, chuyên nhất, kiên cố, làm các gốc rễ thiện, không bỏ phương tiện. Đó là Thánh đệ tử có quân lực tinh tấn, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp. Như vương thành ở biên giới chuẩn bị binh khí, cung, tên, mâu, kích, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng như vậy, Thánh đệ tử học rộng, nghe nhiều, ghi nhớ không quên, tích lũy sự nghe rộng các pháp tốt ở khoảng đầu, tốt ở khoảng giữa, tốt ở khoảng cuối, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện Phạm hạnh; học rộng, nghe nhiều các pháp như thế, luyện tập đến cả ngàn lần, ý chăm chú những điều tư duy, quán sát đến chỗ thấy rõ hiểu sâu. Đó là Thánh đệ tử có binh khí đa văn, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp. Như vương thành ở biên giới lập vị đại tướng trấn thủ sáng suốt, thao lược, cơ trí, tháo vác, dũng mãnh, cương nghị, giỏi mưu chước, người hiền thì cho vào, kẻ không lương thiện thì cấm, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng như vậy, Thánh đệ tử thường thực hành niệm, thành tựu chánh niệm, những gì đã từng học tập từ lâu, đã từng nghe từ lâu, nhớ luôn không quên. Đó là Thánh đệ tử có đại tướng trấn thủ, để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp. Như vương thành ở biên giới xây đắp tường cao cho thật kiên cố, trét bùn, tô đất, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch bên ngoài. Cũng như vậy, Thánh đệ tử tu hành trí tuệ quán pháp hưng suy, do có Thánh tuệ như vậy có sự thấu hiểu, phân biệt rõ ràng mà hoàn toàn diệt tận khổ. Đó là Thánh đệ tử có bức tường trí tuệ để trừ ác và bất thiện, tu các thiện pháp. Như vương thành ở biên giới có chuẩn bị sẵn nước, cỏ, củi, gỗ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch ở bên ngoài. Cũng như vậy, Thánh đệ tử ly dục, ly ác và pháp bất thiện, có giác có quán, ly sanh hỷ lạc, thành tựu an trú sơ thiền, lạc trụ, không thiếu thốn, an ổn, khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn.

Như vương thành ở biên giới chứa nhiều niêm đậu, đại đậu và tiểu đậu, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch ở bên ngoài. Cũng như vậy, Thánh đệ tử ly hỷ dục, thành tựu xả, vô cầu, chánh niệm, chánh trí, thân cảm giác lạc mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc, trụ không, thành tựu an trú tam thiền, lạc trụ, không thiếu thốn, an ổn, khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn. Như vương thành ở biên giới chứa cất bơ, dầu, mật, mía, đường, cá, muối, thịt khô, tất cả đều đầy đủ, để bên trong được an ổn và chế ngự oán địch ở bên ngoài. Cũng như vậy, Thánh đệ tử diệt lạc diệt khổ, hỷ ưu cũng đã diệt, không khổ lạc, xả niệm thanh tịnh, thành tựu an trú tứ thiền, lạc trụ, không thiếu thốn, an ổn, khoái lạc, tự mình đi đến Niết-bàn. Đức Phật dạy như vậy, các thầy Tỳ-kheo ấy sau khi nghe Phật thuyết xong, hoan hỷ phụng hành.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.