Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
1. NGUỒN HÁN VĂN
Nguồn tư liệu gốc để dịch, dò bản và tham khảo dựa theo Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (ĐCT). Nguồn điện tử: http://cbeta.org/.
Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新脩大藏經), gọi tắt là bản Đại Chánh (大正) được hình thành dựa trên nguồn tham khảo chính là Cao Ly Đại tạng kinh (高麗大藏經). Trong quá trình xử lý văn bản, các nhà biên tập Nhật Bản tiêu biểu là Takakusu Junjirō (高楠順次郎, Cao Nam Thuận Thứ Lang) và các cộng sự đã sử dụng thêm các nguồn kinh điển có liên quan như: Tư Khê tạng (思溪藏) ở đời Nam Tống (南宋), viết tắt là bản Tống (宋本); Phổ Ninh tạng (普寧藏) ở đời Nguyên (元), viết tắt là bản Nguyên (元本) và Gia Hưng tạng (嘉興藏) ở đời Minh (明), viết tắt là bản Minh (明本). Khi cần chú thích về nội dung có liên quan đến ba bản này, bản Đại Chánh ghi nguồn tham khảo là Tống, Nguyên, Minh (宋, 元, 明).
Ngoài ra, bản Đại Chánh thỉnh thoảng còn tham khảo các nguồn kinh điển khác, nhằm bổ sung vào những chú thích liên quan đến nội dung. Ví dụ: Chánh Thương viện Thánh ngữ tạng bản (正倉院聖語藏本), viết tắt là bản Thánh (聖 本); Chánh Thương viện Thánh ngữ tạng bản biệt tả (正倉院聖語藏本別寫), viết tắt là Thánh Ất (聖乙); Cung nội tỉnh đồ thư Liêu bổn (宮內省圖書寮本), viết tắt là bản Cung (宮本); Đại Đức tự bản (大德寺本), viết tắt là bản Đức (德 本); Vạn Đức tự bản (萬德寺本), viết tắt là bản Vạn (万本); Thạch Sơn tự bản (石山寺本), viết tắt là bản Thạch (石本).
2. TÔN TRỌNG ÂM VẬN VÙNG MIỀN VÀ ĐẶC NGỮ CỦA MỘT SỐ DỊCH GIẢ
Ban Biên tập giữ nguyên âm vận và cách phiên âm do một số dịch giả có thẩm quyền sử dụng. Ví dụ: “Bản sư”, “chính niệm”, “chúng sinh”... đối với các dịch giả miền Bắc; “Bổn sư”, “chánh niệm”, “chúng sanh”... đối với các dịch giả miền Nam; Tỷ-kheo (đối với bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu), Tỳ-kheo (đối với bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ), Tỳ-khưu (đối với bản dịch của Thượng tọa Chánh Thân), Tỷ-khiêu (đối với các dịch giả miền Bắc); Niết-bàn (đối với các dịch giả Bắc truyền), Níp-bàn (đối với một số dịch giả Nam truyền).
3. CHUẨN HÓA QUY CÁCH VIẾT HOA, VIẾT THƯỜNG, PHIÊN ÂM
Ấn bản lần này vẫn giữ nguyên văn từ, văn khí, văn mạch của dịch giả, chỉ hiệu chỉnh chính tả, dấu chấm câu; đồng thời chuẩn hóa quy cách viết hoa, viết thường, in nghiêng, cách sử dụng số từ, cách chú thích từ nguyên, từ phiên âm, dịch nghĩa.
3.1. Thuật ngữ, giai vị, giới phẩm, địa vị, chức vụ
3.1.1. Các thuật ngữ, thành ngữ, phương ngữ, khái niệm, học thuyết
- Viết thường toàn bộ các thuật ngữ. Ví dụ: phiền não, nghiệp báo, tâm, tâm sở, năm uẩn, năm thủ uẩn, năm triền cái, mười phiền não, v.v...
- Viết thường các số từ đứng trước thuật ngữ Phật học. Ví dụ: nhị đế, tam độc, tứ sinh, tứ niệm xứ, ngũ uẩn, ngũ căn, lục căn, lục độ, thất bảo, thất giác chi, bát công đức thủy, bát Thánh đạo, cửu thiền, thập pháp giới, v.v...
- Viết hoa chữ đầu của một học thuyết. Ví dụ: luận thuyết “Vô nhân luận”, thuyết “Luân hồi tịnh hóa”, v.v...
3.1.2. Các khái niệm, thuật ngữ từ tiếng nước ngoài: Viết thường và in nghiêng toàn bộ các thành tố. Ví dụ: tâm (citta), ý (mana), thức (viññāṇa), giới (sīla), định (samādhi), tuệ (paññā), v.v...
3.1.3. Các nhân danh, địa danh và tên tổ chức tiếng nước ngoài đều viết đứng. Ví dụ: Uất-đà-di (欝陀夷, Udāyi), động Thất Diệp (Sattapaṇṇaguhā), Thượng Tọa bộ (Theravāda), v.v...
3.1.4. Các thuật ngữ phiên âm từ tiếng nước ngoài: Viết thường toàn bộ các thành tố và giữa chúng có gạch nối. Ví dụ: na-do-tha, do-tuần, yết-ma, thiền-na, đàn-việt, đàn-tín, kiết-già, v.v...
3.1.5. Các danh từ riêng vừa phiên âm vừa dịch nghĩa: Viết hoa thành tố đầu và giữa chúng có gạch nối. Ví dụ: Ni-kiền tử, Xá-lợi tử, v.v...
3.1.6. Các từ chỉ quả vị đặc biệt, giai vị, địa vị, chức vụ, học vị: Viết hoa thành tố đầu. Ví dụ: Chánh đẳng giác, Nhất lai, Tôn giả, Hiền giả, Thiền sư, Pháp sư, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Sư cô, Trụ trì, Giáo sư, v.v... Nếu các từ được phiên âm từ tiếng nước ngoài thì giữa các thành tố có gạch nối. Ví dụ: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Vô dư Niết-bàn, v.v...
3.1.7. Đại từ chỉ đức Phật, Bồ-tát như Ta, Người, Ngài được viết hoa. Ví dụ: “Này các Tỷ-kheo, Ta nhắc các ông rằng...”
3.1.8. Viết hoa các đức hiệu của Phật. Ví dụ: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ,...
3.2. Danh từ riêng
3.2.1. Nhân danh, địa danh: Viết hoa toàn bộ các thành tố nhân danh, địa danh, địa vực, địa dư, địa chính trị, phương vị. Các từ chỉ loại hình địa danh thì viết thường. Ví dụ: Đại sư Trí Quang, thành phố Lạc Dương, vùng đất Giao Châu, châu Âu, miền Tây Nam, hướng Đông Bắc, phía Bắc.
3.2.2. Nhân danh, địa danh và tên một số cây, loài hoa, chim quý đặc biệt được phiên âm từ tiếng nước ngoài: Viết hoa thành tố đầu và giữa chúng có gạch nối. Ví dụ: Phật Thích-ca, Bồ-tát Di-lặc, Đại Ca-diếp, Tôn giả A-nan, thành Xá-vệ, nước Ma-kiệt-đà, cội Bồ-đề, Sa-la song thọ, hoa Mạn-thùsa, chim Ca-lăng-tần-già,...
3.2.3. Nhân danh, địa danh do phiên âm hoặc dịch nghĩa được đặt trong dấu ngoặc đơn ngay sau nhân danh, địa danh có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài. Ví dụ: Khi đêm đã gần mãn, Pañcasikha (Ngũ Kế) thuộc gandhabba (cànthát-bà) đến thăm đức Phật tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).
3.2.4. Các danh từ phiên âm bị tỉnh lược “tiếp đầu ngữ” được viết lại chuẩn mực để không bị phản nghĩa hoặc sai nghĩa (ngoại trừ làm thuận vần trong thi kệ). Ví dụ: “Di-đà” sửa thành “A-di-đà”.
3.3. Mạo từ tôn xưng
Viết thường các mạo từ tôn xưng như “đức”, “bậc”, “đấng”, thường đứng trước hồng danh Phật và Bồ-tát. Ví dụ: đức Phật, đức Thế Tôn, đấng Toàn Giác, bậc Chánh Ðẳng Giác, bậc Vượt Bờ, bậc Chiến Thắng, bậc Thiện Thệ, bậc Đã Thấy Đã Biết.
3.4. Tựa kinh và tựa tác phẩm
3.4.1. Tựa kinh trong một bộ: Viết hoa chữ đầu và in nghiêng. Ví dụ: Kinh căn bản pháp môn, Kinh du hành.
3.4.2. Tác phẩm: Viết hoa chữ đầu và danh từ riêng, đồng thời in nghiêng. Ví dụ: Kinh Trường bộ, Kinh Dược Sư, Kinh A-di-đà, Luận Duy thức tam thập tụng, Đức Phật và Phật pháp, An Nam chí lược.
3.4.3. Tác phẩm tiếng nước ngoài: Viết hoa các thực từ (danh từ, tính từ, động từ) và viết thường các hư từ (mạo từ, giới từ, liên từ). Ví dụ: The Buddha and His Teachings, Buddhist Psychological Ethics (A Translation of the Dhammasaṅgaṇī).
4. CÁCH VIẾT CHỮ VÀ SỐ TRONG VĂN BẢN
4.1. Viết bằng chữ các số trong chánh văn. Ví dụ: Tám thắng xứ, mười ba già-nạn, một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo.
4.2. Viết bằng số ở cước chú và trong các bài dẫn luận. Ví dụ: Có 15 pháp, tức là 5 căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ) được thanh tịnh theo 3 cách.
4.3. Áp dụng số Ả-rập đối với ngày, tháng, năm sinh, năm mất của người và giữa ngày, tháng, năm có gạch nối ngắn. Ví dụ: Ngày 15-4-1963.
4.4. Ghi đầy đủ các con số chỉ năm sinh và năm mất của người. Ví dụ: Bồ-tát Thích Quảng Đức (1897-1963).
4.5. Tỉnh lược phần trùng lặp đầu đối với các con số chỉ khoảng thời gian trong cùng một thế kỷ hay thiên niên kỷ. Ví dụ: Không viết 1930-1932 mà viết 1930-32.
4.6. Tỉnh lược số kệ, số trang (trong cước chú)
- Các kệ từ 108-115 được viết 108-15.
- Trang 254-256 được viết là 254-56.
- M. I. 276-278 được viết là M. I. 276-78.
5. CÁCH CHÚ THÍCH
5.1. Chú thích theo ấn bản Pāli của PTS
5.1.1. Tên tập + số tập + số trang.
- S. I. 70 (Saṃyutta Nikāya, tập I, trang 70).
- Sn. 140 (Suttanipāta, trang 140).
- J. I. 389 (Jātaka, tập I, trang 389).
- Vin. II. 287 (Vinaya, tập II, trang 287).
- Vbh. 351 (Vibhaṅga, trang 351).
- Kv. 401 (Kathāvatthu, trang 401).
- DA. I. 41-2 (Dīgha Nikāya Aṭṭhakathā, tập I, trang 41 đến 42).
5.1.2. Tên tập + số kệ
- Dh. v. 10 (Dhammapada, kệ số 10).
- Sn. v. 600 (Suttanipāta, kệ số 600).
- Thag. v. 1196 (Theragāthā, kệ số 1196).
5.1.3. Tên tập + số chương + số mục + số kệ
- Thag. 15.2-689 (Theragāthā, chương XV, mục 2, kệ số 689).
5.1.4. Tên tập + nhóm + số thứ tự kinh + đoạn
- S. 56.25: 1 (Saṃyutta Nikāya, Tương ưng 56, kinh 25, đoạn 1).
5.1.5. Tên tập + số chương + số kinh - số tập + số trang
- A. 8.21 - IV. 208 (Aṅguttara Nikāya, chương 8, kinh số 21; tập IV, trang 208).
- S. 35.71-73 - IV. 43-4 (Saṃyutta Nikāya, Tương ưng 35, từ kinh 71 đến 73; tập IV, từ trang 43 đến trang 44).
5.2. Chú thích theo ấn bản tiếng Anh
Tất cả bản kinh, luật, luận bằng tiếng Anh được ghi trong Thánh điển Phật giáo Thượng Tọa bộ đều do PTS xuất bản. Các thông tin về người dịch, nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản, tham khảo ở phần Phụ lục.
- GS. II. 42 nghĩa là The Book of the Gradual Sayings, vol. II, p. 42.
- PC. 338, n. 1 nghĩa là Points of Controversy (A Translation of the Kathāvatthu), p. 338, note 1.
5.3. Chú thích tên bài kinh kết hợp với tên tập kinh cùng với (chương) + phẩm và số hiệu của bài kinh
Kinh tham ái (It. I. I. §1) nghĩa là Kinh tham ái này nằm trong Kinh Phật thuyết như vậy, chương I, phẩm I, kinh số 1.
Kinh châu báu (Sn. II. §1) nghĩa là Kinh châu báu này nằm trong Kinh tập, phẩm II, kinh số 1.
Kinh Bāhiya (Ud. I. §10) nghĩa là Kinh Bāhiya này nằm trong Kinh Phật tự thuyết, phẩm I, kinh số 10.
5.4. Chú thích tên kinh: Kết hợp ấn bản Pāli và tiếng Việt
- D. 22, Mahāsatipaṭṭhāna Sutta (Kinh đại niệm xứ). Nghĩa là Trường bộ, kinh số 22, tên kinh trong tiếng Pāli là Mahāsatipaṭṭhāna Sutta, tên tiếng Việt là “Kinh đại niệm xứ.”
- D. I. 113, Soṇadaṇḍa Sutta (Kinh Chủng Đức). Nghĩa là Trường bộ, tập I, trang 113, Kinh Soṇadaṇḍa Sutta bằng tiếng Pāli và Kinh Chủng Đức bằng tiếng Việt.
5.5. Trật tự của chú thích trong kinh có nguồn gốc Pāli
Pāli (viết tắt là P.), Sanskrit (viết tắt là S.), Hán (viết tắt là H.), Anh (viết tắt là E.). Ví dụ: Quang Âm thiên (P. Ābhassara, S. Ābhāsvara, H. 光音天, E. The Radian gods).
Bốn bộ A-hàm còn có nhiều kinh tương đương với các kinh Pāli nên trong các chú thích của dịch giả đều chú Pāli và chữ Hán trong ngoặc đơn nhưng không ghi P. Trong một số trường hợp cần sử dụng từ Sanskrit, dịch giả viết S.
5.6. Chú thích theo Hán văn
5.6.1. Tên kinh biệt dịch được nêu ra trước
- Phạm võng lục thập nhị kiến kinh 梵網六十二見經 (T.01. 0021. 0264a20). Nghĩa là kinh này thuộc ĐCT, tập 01; 0021 là số hiệu của kinh biệt dịch trên; trang 0264, cột a, dòng thứ 20.
- Phật thuyết Nguyệt dụ kinh 佛說月喻經 (T.02. 0121. 0544b12). Nghĩa là kinh này thuộc ĐCT, tập 02; 0121 là số hiệu của kinh biệt dịch trên; trang 0544, cột b, dòng thứ 12.
5.6.2. Tên kinh trong bộ được nêu ra trước. Phần lớn áp dụng cho bộ Trường A-hàm kinh và Trung A-hàm kinh.
- Phạm động kinh 梵動經 (T.01. 0001.21. 0088b12). Nghĩa là kinh này thuộc ĐCT, tập 01; 0001 là số hiệu của bộ Trường A-hàm kinh, 21 là số thứ tự của kinh trong bộ Trường A-hàm kinh; trang 0088, cột b, dòng thứ 12.
- Cầu pháp kinh 求法經 (T.01. 0026.88. 0569c23). Nghĩa là kinh này thuộc ĐCT, tập 01; 0026 là số hiệu của bộ Trung A-hàm kinh, 88 là số thứ tự của kinh trong bộ Trung A-hàm kinh; trang 0569, cột c, dòng thứ 23.
5.6.3. Tên bộ kinh được nêu ra trước. Phần lớn áp dụng cho các bộ Tạp A-hàm, Biệt dịch Tạp A-hàm, Tăng nhất A-hàm, vì nội dung kinh chỉ đề cập đến số thứ tự, không có tựa đề kinh.
- Tạp. 雜 (T.02. 0099.1136. 0299c06). Nghĩa là kinh này thuộc ĐCT, tập 02; 0099 là số hiệu của bộ Tạp A-hàm kinh, 1136 là số thứ tự của kinh trong bộ Tạp A-hàm kinh; trang 0299, cột c, dòng thứ 06. - Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.111. 0414a18). Nghĩa là kinh này thuộc ĐCT, tập 02; 0100 là số hiệu của bộ Biệt dịch Tạp A-hàm kinh, 111 là số thứ tự của kinh trong bộ Biệt dịch Tạp A-hàm kinh; trang 0414, cột a, dòng thứ 18.
5.6.4. Tên kinh và phẩm được nêu ra trước. Phần lớn áp dụng cho các bộ kinh có nhiều phẩm như Pháp cú kinh hoặc các bộ kinh Đại thừa.
- Pháp cú kinh “Nê-hoàn phẩm” 法句經泥洹品 (T.04. 0210.36. 0573a23). Nghĩa là kinh này thuộc ĐCT, tập 04, 0210 là số hiệu của Pháp cú kinh, “Nê-hoàn phẩm” thứ 36, trang 0573, cột a, dòng thứ 23.
5.6.5. Tên bộ luận được nêu ra trước. Phần lớn áp dụng cho các bộ luận.
- A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 阿毘達磨集異門足論 (T.26. 1536.12. 0416a22). Nghĩa là bộ luận này thuộc ĐCT, tập 26; 1536 là số hiệu của A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận, phẩm thứ 12; trang 0416, cột a, dòng thứ 22.
5.6.6. Chú thích hai kinh liên tiếp và chi tiết hóa số dòng
- Tăng. 增 (T.02. 0125.11.7-8. 0566c22-0567a04). Nghĩa là kinh này thuộc ĐCT, tập 02; 0125 là số hiệu của Tăng nhất A-hàm kinh, 11 là số thứ tự của “Bất đãi phẩm”, số 7-8 là kinh số 7 và kinh số 8; 0566c22-0567a04 tức là từ trang 0566, cột c, dòng 22 đến trang 0567, cột a, dòng 4.
- Tạp. 雜 (T.02. 0099.9-10. 0002a02-12). Nghĩa là kinh này thuộc ĐCT, tập 02; 0099 là số hiệu của bộ Tạp A-hàm kinh, 9-10 là kinh số 9 và kinh số 10; 0002a02-12 tức là trang 0002, cột a, từ dòng 2 đến dòng 12.
5.6.7. Tác phẩm khác
- Ly 離 (N.15. 0006.28.1. 0354a05). Nghĩa là kinh này thuộc Hán dịch Nam truyền Đại tạng kinh 漢譯南傳大藏經, tập 15; 0006 là số hiệu của Tương ưng bộ kinh 相應部經, 28.1 là nhóm 28 và kinh số 1; 0354a05 tức là trang 0345, cột a, dòng thứ 05.
- Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích 四分律名義標釋 (X.44. 744.5. 0442a02). Nghĩa là tập này trong Vạn tục tạng 卍續藏, tập 44; 744 là số hiệu của Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích, 5 là quyển 5; 0442a02 tức là trang 0442, cột a, dòng 02.
- Hoa Vũ tập 華雨集 (Y.28. 0028.4. 0101a06). Nghĩa là tập này trong Ấn Thuận Pháp sư Phật học trước tác tập 印順法師佛學著作集, tập 28; 0028 là số hiệu của Hoa Vũ tập, 4 là phần 4; 0101a06 tức là trang 0101, cột a, dòng 06.
6. CÁCH ĐỌC THỂ KỆ
Trong bộ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, các đoạn kinh theo thể kệ, thơ được trình bày và đọc theo hàng ngang.
Ví dụ:
Tâm kia không nghĩ ác, ⇒ Và thân, miệng thế gian,
Năm dục đều hư dối, ⇒ Chánh trí, chánh nhiếp niệm,
Không tập cận các khổ, ⇒ Và hòa hợp phi nghĩa.
7. NHUẬN SẮC VÀ HIỆU CHỈNH
Bộ phận dò Thánh tạng nhuận sắc và bổ túc thêm một số từ, ngữ, đoạn vào chánh văn do đánh máy thiếu hoặc nhầm. Các từ, ngữ, đoạn được bổ túc cũng dựa theo cách dụng ngữ của chính dịch giả trong dịch phẩm.
Một số từ, đoạn được dịch giả thêm vào cho rõ ý nghĩa trước đây được đặt trong ngoặc đơn, nay Ban Biên tập thống nhất đặt chúng trong ngoặc vuông [ ] để phân biệt giữa kinh văn gốc và các từ, đoạn được thêm vào sau này.
Tuy đã cẩn trọng nhưng không sao tránh khỏi sai sót, kính mong các bậc thức giả hoan hỷ rộng lượng chỉ giáo, góp phần cho sự hoàn thiện TTTĐPGVN.
Mọi sự góp ý, xin gởi về địa chỉ email của Viện: vncphvn@gmail.com.
Trân trọng cảm ơn.
BAN BIÊN TẬP
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.