Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 50

1333. XẢ BỎ BỤI TRẦN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la và trú tại một khu rừng, buổi trưa nghỉ ngơi, tâm khởi ý tưởng bất thiện, chạy theo niệm tham xấu ác.

Lúc đó, có vị thiên thần trú ngụ trong rừng ấy nghĩ rằng: “Đây chẳng phải là pháp của Tỳ-kheo, sống ở trong rừng, buổi trưa nghỉ ngơi, tâm khởi ý tưởng bất thiện, chạy theo niệm tham xấu ác. Nay ta nên đến khai ngộ cho vị ấy.” Thế rồi, thiên thần liền nói bài kệ:

Tâm ông muốn viễn ly,
Trú ngụ nơi rừng vắng,
Mà phóng theo ngoại duyên,
Rong ruổi theo loạn tưởng.
Điều phục tâm thích đời,
Thường ưa tâm giải thoát,
Buông bỏ tâm không vui,
Trụ nơi tâm an lạc.
Tâm tư không chánh niệm,
Chớ dính ngã, ngã sở,
Như để bụi dính đầu,
Dính rồi rất khó phủi,
Chớ để nhiễm dục lạc,
Tâm dục bị vẩn đục.
Xua đàn voi chạy nhanh,
Rung thân khiến bụi rơi,
Tỳ-kheo đối tự thân,
Chánh niệm trừ trần cấu.
Trần cấu là tham dục,
Chẳng phải bụi thế gian,
Người trí tuệ sáng suốt,
Phải ngộ trần cấu kia,
Ở Pháp, Luật Như Lai,
Giữ tâm không buông lung.
Trần cấu là sân hận,
Chẳng phải bụi thế gian,
Người trí tuệ sáng suốt,
Phải ngộ trần cấu này,
Ở Pháp, Luật Như Lai,
Giữ tâm chớ buông lung.
Trần cấu là ngu si,
Chẳng phải bụi thế gian,
Người trí tuệ sáng suốt,
Nên xả trần cấu này,
Ở Pháp, Luật Như Lai,
Giữ tâm không buông lung.

Bấy giờ, thiên thần ấy nói kệ này rồi, Tỳ-kheo kia nghe xong, chuyên tâm tư duy, đoạn những phiền não, đắc A-la-hán. ***

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1333. 0368a12). Tham chiếu: .02. 0100.353. 0490a03); S. 9.1 - I. 197.

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.