Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 50

1361. HÂN HOAN[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo du hóa trong nhân gian tại nước Câu-tát-la và dừng nghỉ trong một khu rừng bên cạnh dòng sông.

Lúc đó, có hai vợ chồng dẫn nhau qua sông, đứng bên bờ sông, đàn hát đùa giỡn, rồi nói kệ:

Thương nhớ và phóng đãng,
Tiêu dao giữa rừng xanh,
Nước chảy, chảy lại trong,
Tiếng đàn rất hòa mỹ.
Trời xuân thỏa dạo chơi,
Khoái lạc còn gì hơn?

Tỳ-kheo ấy suy nghĩ: “Hai người kia còn có thể nói kệ, lẽ nào ta không thể nói kệ đáp lại?”, liền nói kệ:

Thọ trì giới thanh tịnh,
Thương mến Đẳng Chánh Giác,
Tắm gội Ba giải thoát,
Khéo dùng, rất thanh lương,
Nhập đạo đủ trang nghiêm,
Vui thích nào hơn đây?

Sau khi nói kệ này xong, vị Tỳ-kheo ấy đứng im lặng.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1361. 0373a23).

[2] Tam giải thoát (三解脫). Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.030. 0282c07) là 3 cửa giải thoát gồm: Không, Vô tướng và Vô tác (三解脫門: 空, 無相, 無作).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.