Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 50

1342. TÔN GIẢ NA-CA-ĐẠT-ĐA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có Tôn giả Na-ca-đạt-đa[2] du hóa trong nhân gian tại nước Câutát-la và dừng nghỉ trong một khu rừng, nơi mà người tại gia và người xuất gia thường thân cận với nhau.[3]

Lúc đó, trong rừng ấy có vị thiên thần trú ngụ nghĩ rằng: “Đây chẳng phải pháp Tỳ-kheo, sống ở trong rừng, nơi mà người tại gia với người xuất gia thường xuyên qua lại với nhau. Nay ta phải dùng phương tiện để cảnh tỉnh thầy ấy.” Thiên thần liền nói kệ:

Tỳ-kheo sáng ra đi,
Chiều tối trở về rừng,
Đạo, tục gần gũi nhau,
Khổ, vui cùng chia sẻ,
Gần thế tục, buông lung,
Sẽ bị ma sai khiến.

Sau khi được thiên thần kia nhắc nhở như vậy như vậy, Tỳ-kheo Na-ca-đạtđa liền chuyên tâm tư duy như vậy như vậy, đoạn trừ được các phiền não, chứng đắc A-la-hán.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1342. 0369c28). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.362. 0491b26); S. 9.7 - I. 200.

[2] Na-ca-đạt-đa (那迦達多, Nāgadatta).

[3] Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.362. 0491b27): Ưa thích pháp thế gian, sáng sớm vào thôn xóm đến chiều tối mới trở về (好樂家法, 晨入聚落, 日暮乃還).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.