Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 50
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Khi ấy, có con trai của một ưu-bà-di thọ trì tám trai giới nhưng lại phạm giới nên bị quỷ thần bắt giữ.
Lúc ấy, ưu-bà-di liền nói kệ:
Ngày mười bốn, ngày rằm,
Và mồng tám mỗi tháng,
Cả ngày lễ đặc biệt,
Tám giới, khéo định tâm.
Thọ trì trai giới ấy,
Không bị quỷ bắt giữ,
Tôi xưa hỏi mấy lần,
Bấy giờ, quỷ kia liền nói kệ:
Thế Tôn nói như vậy.
Bấy giờ, quỷ kia liền nói kệ:
Ngày mười bốn, ngày rằm,
Và mồng tám mỗi tháng,
Cả ngày lễ đặc biệt,
Tu tám giới, định tâm.
Trai giới, sống thanh tịnh,
Giới đức khéo giữ gìn,
Không bị quỷ bỡn cợt,
Lành thay, nghe từ Phật,
Bà nay nói rằng thả,
Ta sẽ thả con bà.
Có các nghiệp trì trệ,
Nhiễm ô, tu khổ hạnh,
Phạm hạnh không thanh tịnh,
Trọn không được quả lớn.
Ví như nhổ cỏ may,
Nắm lỏng thì hại tay,
Sa-môn làm việc xấu,
Sẽ đọa địa ngục ngay.
Ví như nhổ cỏ may,
Nắm chặt không hại tay,
Sa-môn khéo nhiếp trì,
Đạt đến Bát-niết-bàn.
Khi ấy, quỷ thần kia liền thả con trai của ưu-bà-di ấy ra. Bà liền nói kệ dạy con:
Nay con nghe mẹ nói,
Lời của quỷ thần kia,
Nếu có nghiệp trì trệ,
Nhiễm ô, tu khổ hạnh,
Phạm hạnh không thanh tịnh,
Thì không được quả lớn.
Ví như nhổ cỏ may,
Nắm lỏng thì hại tay,
Sa-môn khởi uế nhiễm,
Sẽ đọa địa ngục ngay.
Như nắm chặt cỏ may,
Thì không hại bàn tay,
Sa-môn khéo hộ trì,
Chóng đắc Bát-niết-bàn.
Khi ấy, con trai của ưu-bà-di được khai ngộ như thế xong, liền cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, với niềm tin chân chánh, rời bỏ gia đình, xuất gia học đạo. Nhưng một hôm tâm không an lạc, thầy trở về nhà. Người mẹ từ xa nhìn thấy con mình, liền nói kệ:
Lánh đời mà xuất gia,
Sao lại trở về làng?
Nhà cháy cứu tiền của,
Sao lại ném vào lửa?
Vị Tỳ-kheo con của ưu-bà-di kia nói kệ đáp:
Nghĩ khi mẹ qua đời,
Sống chết không được gặp,
Nên trở về thăm lại,
Sao thấy con, mẹ buồn?
Người mẹ nói kệ đáp:
Bỏ dục mà xuất gia,
Trở lại muốn thụ hưởng,
Thế nên mẹ lo sợ,
Con bị ma lung lạc.
Sau khi ưu-bà-di đã cảnh tỉnh con mình bằng những lời như vậy, người con ấy quay lại chỗ thanh vắng, tinh cần tư duy, đoạn dứt tất cả trói buộc của phiền não, chứng đắc quả vị A-la-hán.
Chú thích:
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1325. 0364a08). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.324. 0482a16); S. 10.5 - I. 208.
[2] Nguyên tác: Thần thông thụy ứng nguyệt (神通瑞應月, pāṭihāriyapakka), cũng gọi là “thần biến nguyệt” (神變月), “thần túc nguyệt” (神足月). Pāṭihāriya nghĩa là thần biến; pakkha có nghĩa là nửa tháng, vừa có nghĩa là dự hội. S. 1.5 - I. 209: Pāṭihāriyapakkhañca (cả ngày lễ đặc biệt), HT. Thích Minh Châu dịch. Cú ngữ này được giải thích rất đa dạng. Theo Đại Đường Tây Vức ký 大唐西域記 (T.51. 2087.08. 0918b12) gọi là “đại thần biến nguyệt” (大神變月), rơi vào ngày 30 tháng 12, so với lịch Trung Hoa, đó là ngày 15 tháng Giêng (每歲至如來大神變月滿之日, 出示眾 (即印度十二月三
十日, 當此正月十五日也)). Tục Cao Tăng truyện 續高僧傳 (T.50. 2060.04. 0451a06) cũng khẳng định điều tương tự. Ngoài ra, Sn. v. 404, Dhammikasuttavaṇṇanā (Chú giải Kinh Dhammika) giải thích rằng: Pāṭihāriyapakkhañcāti ettha pana vassūpanāyikāya purimabhāge āsāḷhamāso, antovassaṃ tayo māsā, kattikamāsoti ime pañcamāsā ‘‘pāṭihāriyapakkho’’ti vuccanti (Hơn nữa ở đây, vào thời điểm trước mùa mưa ở tháng Sáu (āsāḷha), từ tháng mùa mưa đó đến tháng Mười (kattika), 5 tháng đó gọi là “pāṭihāriyapakkha”).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.