Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 49
Một thời, đức Phật ngụ bên sườn núi Tỳ-phú-la, thuộc thành Vương Xá.
Có sáu thiên tử trước kia vốn là tu sĩ ngoại đạo. Vị thứ nhất tên là A-tỳphù,[29] thứ hai là Tăng Thượng A-tỳ-phù,[30] thứ ba là Năng-cầu,[31] thứ tư là Tỳlam-bà,[32] thứ năm là A-câu-tra[33] và thứ sáu là Ca-lam cùng đi đến chỗ Phật.
Thiên tử A-tỳ-phù nói kệ:
Tỳ-kheo tâm chuyên nhất,
Thường tu hạnh yểm ly,
Đầu đêm và cuối đêm,
Tư duy khéo nhiếp phục,
Thấy, nghe những lời kia,
Không rơi vào địa ngục.
Thiên tử Tăng Thượng A-tỳ-phù lại nói kệ:
Nhàm chán chỗ tối tăm,
Tâm thường tự nhiếp hộ,
Thường xa lìa thế gian,
Pháp ngôn ngữ tranh luận.
Theo Đại sư Như Lai,
Lãnh thọ pháp Sa-môn,
Khéo nhiếp hộ thế gian,
Không gây tạo điều ác.
Thiên tử Năng-cầu lại nói kệ:
Dù đánh, chém, sát hại,
Hay cúng dường Ca-diếp,
Không thấy đó là tội,
Cũng không thấy là phước.
Thiên tử Tỳ-lam-bà lại nói kệ:
Ta nói Ni-kiền kia,
Ngoại đạo Nhã-đề tử,[34]
Xuất gia tu học đạo,
Thường thực hành khổ hạnh.
Đối đồ chúng đại sư,
Xa lìa lời nói dối,
Ta nói người như vậy,
Không xa bậc La-hán.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Con dã can gầy ốm,
Thường đi cùng sư tử,
Trọn vẫn nhỏ, yếu gầy,
Không thể thành sư tử.
Chúng đại sư Ni-kiền,
Hư vọng tự xưng tán,
Là ác tâm, nói dối,
Cách xa bậc La-hán.
Bấy giờ, Thiên ma Ba-tuần dựa vào thiên tử A-câu-tra nói kệ:
Tinh cần trừ ngu tối,
Thường giữ gìn viễn ly,
Đắm nhiễm sắc vi diệu,
Yêu thích cõi Phạm thiên,
Ta giáo hóa chúng này,
Khiến được sanh Phạm thiên.
Khi ấy, Thế Tôn suy nghĩ: “Thiên tử A-câu-tra đã nói bài kệ này là do nhờ sức Thiên ma Ba-tuần chứ không phải tự tâm thiên tử A-câu-tra nói:
Tinh cần trừ ngu tối,
Thường giữ gìn viễn ly,
Đắm nhiễm sắc vi diệu,
Yêu thích cõi Phạm thiên,
Ta giáo hóa chúng này,
Khiến được sanh Phạm thiên.
Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:
Phàm những gì có sắc,
Ở đây hoặc nơi kia,
Hay ở trong hư không,
Ánh sáng chiếu khác nhau.
Nên biết tất cả chúng,
Đều bị ma trói buộc,
Như thả câu gắn mồi,
Câu cá đang bơi lượn.
Khi ấy, các thiên tử kia đều nghĩ rằng: “Hôm nay thiên tử A-câu-tra nói kệ mà Sa-môn Cù-đàm nói đó là Ma nói. Vì sao Sa-môn Cù-đàm nói như vậy?” Bấy giờ, Thế Tôn biết những ý nghĩ trong tâm các thiên tử nên bảo rằng:
– Nay thiên tử A-câu-tra nói kệ, nhưng chẳng phải tự tâm thiên tử ấy nói mà là do sức của Ma Ba-tuần dựa vào nên mới nói như vầy:
Tinh cần trừ ngu tối,
Thường giữ gìn viễn ly,
Đắm nhiễm sắc vi diệu,
Yêu thích cõi Phạm thiên,
Ta giáo hóa chúng này,
Khiến được sanh Phạm thiên.
Thế nên Ta nói kệ:
Phàm những gì có sắc,
Ở đây hoặc nơi kia,
Hay ở trong hư không,
Ánh sáng chiếu khác nhau.
Nên biết tất cả chúng,
Đều bị ma trói buộc,
Như thả câu gắn mồi,
Câu cá đang bơi lượn.
Khi ấy các thiên tử lại suy nghĩ: “Kỳ lạ thay! Sa-môn Cù-đàm có thần lực, oai đức lớn mới thấy được Thiên ma Ba-tuần, còn chúng ta thì không thể thấy. Chúng ta mỗi người hãy làm kệ tán thán Sa-môn Cù-đàm.” Các vị thiên tử suy nghĩ rồi liền nói kệ:
Nên đoạn trừ tất cả,
Tưởng tham ái, hữu thân,
Khiến người khéo hộ trì,
Trừ tất cả vọng ngữ.
Nếu muốn đoạn dục ái,
Nên cúng dường Đại sư,
Đoạn dứt ba hữu ái,[35]
Phá trừ lời vọng hư,
Đã đoạn được kiến tham,
Nên cúng dường Đại sư.
Ngọn núi Tỳ-phú-la,
Bậc nhất thành Vương Xá,
Tuyết Sơn hơn các núi,
Kim Sí vua loài chim.
Tám phương và trên, dưới,
Tất cả cõi chúng sanh,
Ở trong hàng trời, người,
Đẳng Chánh Giác tối thượng.
Sau khi các thiên tử nói kệ khen ngợi Phật và nghe lời Phật dạy rồi, hoan hỷ và tùy hỷ, liền cúi lạy sát chân Ngài rồi biến mất.
[28] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1308. 0359b22). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.307.0 477c24); S. 2.30 - I. 65.
[29] A-tỳ-phù ( 阿毗浮, Asama).
[30] Tăng Thượng A-tỳ-phù (增上阿毗浮, Sahali).
[31] Năng-cầu (能求, Nīka).
[32] Tỳ-lam-bà (毘藍婆, Vetambarī, Vegabbarī).
[33] A-câu-tra (阿俱吒, Ākoṭaka).
[34] Ni-kiền Nhã-đề tử (尼乾若提子, Nigaṇṭha Nātaputta): Giáo chủ của Kỳ-na giáo, một trong lục sư ngoại đạo của Ấn Độ.
[35] Tam hữu ái (三有愛) gồm dục ái (欲愛), sắc ái (色愛) và vô sắc ái (無色愛).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.