Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 49
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trời gần về sáng, có thiên tử Xích Mã[27] cùng với năm trăm quyến thuộc, dung sắc tuyệt đẹp đi đến chỗ đức Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Ánh sáng trên thân thiên tử chiếu sáng khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, thiên tử Xích Mã bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Có người nào có thể đi đến chỗ tận cùng của thế giới, đến chỗ không sanh, không già, không chết chăng?
Phật nói với Xích Mã:
Không có người nào có thể đi đến chỗ tận cùng của thế giới, đến chỗ không sanh, không già, không chết được!
Thiên tử Xích Mã bạch Phật:
Kỳ diệu thay! Thế Tôn khéo nói nghĩa này! Đúng như những gì Thế Tôn đã nói: “Không có người nào có thể đi đến chỗ tận cùng của thế giới, đến chỗ không sanh, không già, không chết được.” Vì sao như vậy? Bạch Thế Tôn! Con nhớ lại kiếp trước, khi con từng làm Tiên nhân ngoại đạo tên là Xích Mã, tu chứng thần thông, lìa các ái dục. Lúc đó, con suy nghĩ: “Ta có thần túc nhanh chóng như vậy, giống như người lực sĩ dùng mũi tên nhọn trong khoảnh khắc bắn xuyên qua bóng cây đa-la; lại có thể leo lên đỉnh núi Tu-di này đến núi Tu-di kia, chân bước từ biển Đông đến biển Tây.” Lúc ấy con tự nghĩ: “Ta đạt được thần lực nhanh chóng như vậy, nay ta có thể đi đến chỗ tận cùng của thế giới được chăng?” Nghĩ vậy rồi con liền khởi hành, chỉ trừ khi ăn, nghỉ, đại tiểu tiện, giảm bớt ngủ nghỉ, con đi mãi đến một trăm năm, cho tới khi lâm chung mà rốt cuộc không thể đi đến chỗ tột cùng của thế giới, đến nơi không sanh, không già, không chết.
Phật bảo Xích Mã:
Nay Ta chỉ đem cái thân một tầm để nói về thế giới, về sự tập khởi của thế giới, về sự diệt tận của thế giới, về con đường đưa đến sự diệt tận của thế giới. Này thiên tử Xích Mã! Thế giới là gì? Đó là năm thủ uẩn. Là năm loại nào? Chính là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Đó gọi là thế giới.
Thế nào là sự tập khởi của sắc? Chính là khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham rồi đắm trước nơi này, nơi kia, đó là sự tập khởi của thế giới.
Thế nào là sự diệt tận thế giới? Nghĩa là khát ái dẫn đến sự hiện hữu ở tương lai, đi cùng với hỷ và tham rồi đắm trước nơi này, nơi kia đã được trừ sạch hoàn toàn, đã xả ly, đã nhổ bỏ, đã diệt sạch, ly dục, tịch diệt, vắng lặng, ngưng nghỉ, đó là sự diệt tận thế giới.
Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận thế giới? Là Thánh đạo tám chi, gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, đó là con đường đưa đến sự diệt tận thế giới.
Này Xích Mã! Đây là khổ của thế giới nên biết, đây là khổ của thế giới nên đoạn. Đây là sự tập khởi của thế giới nên biết, đây là sự tập khởi của thế giới nên đoạn. Đây là sự diệt tận của thế giới nên biết, đây là sự diệt tận của thế giới nên chứng. Đây là con đường đưa đến sự diệt tận thế giới nên biết, đây là con đường đưa đến sự diệt tận thế giới nên tu. Này Xích Mã, nếu Tỳ-kheo nào đối với khổ của thế giới đã biết, đã đoạn; đối với sự tập khởi của thế giới đã biết, đã đoạn; đối với sự diệt tận của thế giới đã biết, đã chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của thế giới đã biết, đã tu thì này Xích Mã, đó gọi là đạt đến chỗ tận cùng của thế giới, vượt qua khỏi biển ái của thế gian.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng kệ để nói lại nghĩa này:
Chưa có ai đi xa,
Đến tận cùng thế giới,
Chưa tận cùng thế giới,
Trọn không dứt hết khổ.
Vì thế bậc Mâu-ni,
Biết tận cùng thế giới,
Khéo rõ biên thế giới,
Các Phạm hạnh đã lập.
Người liễu ngộ bình đẳng,
Tận cùng thế giới kia,
Gọi là hạnh Hiền thánh,
Vượt qua bờ thế gian.
Bấy giờ, thiên tử Xích Mã nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, liền đảnh lễ sát chân Ngài rồi biến mất.
Chú thích:
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.