Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 49

1303. THIÊN TỬ NGUYỆT TỰ TẠI[16]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trời gần về sáng, có thiên tử Nguyệt Tự Tại[17] dung sắc tuyệt đẹp đi đến chỗ đức Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Ánh sáng trên thân thiên tử chiếu sáng khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Khi ấy vị thiên tử kia dùng kệ hỏi Phật:

Họ sẽ đạt cứu cánh,
Như muỗi nương theo cỏ,[18]
Nếu giữ được chánh niệm,
Nhất tâm, khéo chánh định.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Họ sẽ đến bờ kia,
Như cá phá rách lưới,
An trú trong thiền định,
Tâm thường được hỷ lạc.

Bấy giờ, thiên tử Nguyệt Tự Tại kia nghe lời Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ, liền cúi lạy sát chân Ngài rồi biến mất. ***

 

Chú thích:


[16] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1303. 0358b02). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.302. 0476c28); S. 2.11 - I. 51.

[17] Nguyệt Tự Tại thiên tử (月自在天子, Candimasa devaputta).

[18] Như văn y tùng thảo (如蚊依從草). Tham chiếu: S. 2.11 - I. 51: Kacche vāmakase magā (Như thú, vùng không muỗi), HT. Thích Minh Châu dịch. Ở đây, kaccha có nghĩa là khu rừng, đầm lầy và cũng có nghĩa là cỏ dài. Makasa nghĩa là con muỗi. Maga là con nai, con linh dương. Tỳ-kheo Sujato dịch từ nguyên tác Pāli: Như con nai ở trong đầm không có muỗi (Like deer in a mosquito-free marsh). Đại ý cú ngữ này trong bản kinh Tương ưng bộ chỉ cho sự tự do, còn ở bản Hán mang ý nghĩa như là sự tất định.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.