Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 48

1288. PHÂN BIỆT BỐ THÍ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trời gần về sáng, có vị thiên tử dung sắc tuyệt đẹp đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Ánh sáng trên thân thiên tử tỏa chiếu khắp rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Lúc đó, thiên tử này nói kệ:

Tâm thường sanh bỏn xẻn,
Không biết hành bố thí,
Người trí biết cầu phước,
Mới thường hay cúng dường.

Thế Tôn nói kệ đáp:

Sợ hãi nên chẳng thí,
Chính vì không bố thí,
Nên càng sợ đói khát,
Từ sợ sanh xan tham.
Đời này và đời khác,
Thường si mê, sợ đói,
Chết không mang gì theo,
Một mình không tư lương.
Người nghèo biết bố thí,
Người giàu lại khó cho,
Khó cho mà cho được,
Đó gọi bố thí khó.
Người kém trí không biết,
Tuệ biết điều khó biết,
Đúng pháp nuôi vợ con,
Của ít, tịnh tâm thí.
Hội thí trăm ngàn vật,
Phước lợi được do đây,
So với pháp thí trước,
Bằng một phần mười sáu.
Đánh, trói, hại chúng sanh,
Để được các tài vật,
Đem thí cầu dân an,
Bố thí này chuốc tội.
So với thí bình đẳng,
Cân lường nào sánh được,
Làm đúng, chẳng làm sai,
Tài vật này đem thí,
Khó cho mà cho được,
Là thí của bậc Hiền,
Ở đâu cũng có phước,
Lâm chung sanh cõi trời.

Lúc đó, thiên tử kia lại nói kệ:

Từ lâu vốn biết Phật,
Đã được Bát-niết-bàn,
Mọi sợ hãi không còn,
Dứt ân ái thế gian.

Bấy giờ, thiên tử kia nghe Phật nói xong, hoan hỷ và tùy hỷ, lạy sát chân Phật rồi biến mất.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1288. 0354c20). Tham chiếu: .02. 0100.286. 0473b23); S. 1.32 - I. 18.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.