Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 47

1249. MƯỜI MỘT PHÁP CHĂN BÒ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu người chăn bò thành tựu mười một pháp này thì không bao giờ nuôi lớn đàn bò, cũng không thể bảo vệ được đàn bò của mình, khiến chúng được an ổn. Là mười một pháp nào? Đó là, người chăn bò không phân biệt được màu sắc của chúng, không biết tướng của chúng, không biết trừ khử ruồi nhặng, không biết chăm sóc vết thương, không biết tùy thời xông khói, không biết chọn đường đi, không biết chọn chỗ nghỉ, không biết chỗ qua sông, không biết chỗ cho ăn, vắt cạn kiệt sữa, không biết chăm sóc con đầu đàn. Nếu hội đủ mười một pháp này thì không thể bảo vệ và nuôi lớn đàn bò.

Cũng vậy, nếu Tỳ-kheo thành tựu mười một pháp này thì chính mình không được an lạc, cũng không thể giúp người khác an lạc. Là mười một pháp nào? Đó là Tỳ-kheo không biết rõ về sắc, không hiểu rõ về tướng, không biết trừ khử ruồi nhặng, không biết chăm sóc vết thương, không biết tùy thời xông khói, không biết chọn đường đi, không biết chọn chỗ nghỉ, không biết chỗ qua sông, không biết chỗ cho ăn, vắt cạn kiệt sữa, hoặc nếu có Thượng tọa trưởng lão đa văn, tu Phạm hạnh lâu, được Đại sư khen ngợi, lại không hướng đến các vị tu Phạm hạnh có trí tuệ để khen ngợi đức độ của vị ấy, khiến tất cả tôn kính, phụng sự, cúng dường.

Thế nào là không biết rõ về sắc? Đó là Tỳ-kheo không biết như thật tất cả các chủng loại sắc đều thuộc bốn đại và do bốn đại tạo thành. Như vậy gọi là không biết rõ về sắc.

Thế nào là không biết rõ về tướng? Đó là Tỳ-kheo không biết như thật nghiệp tướng của người ngu, nghiệp tướng của người trí. Như vậy gọi là không biết rõ về tướng.

Thế nào là không biết trừ khử ruồi nhặng? Đó là khi Tỳ-kheo có vọng tưởng tham dục[2] khởi lên thì lại chấp nhận, không xa lìa, không tỉnh giác, không trừ diệt. Khi vọng tưởng sân hận,[3] não hại20 khởi lên thì lại chấp nhận, không xa lìa, không tỉnh giác, không trừ diệt. Như vậy gọi là không như thật biết trừ khử ruồi nhặng.

Thế nào là không biết chăm sóc vết thương? Đó là Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc liền theo đó chấp giữ hình tướng mà không biết thủ hộ mắt, khiến các tham ưu ở thế gian và pháp xấu, bất thiện khởi lên, tâm theo đó sanh khởi lậu hoặc, không thể phòng hộ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như vậy gọi là không biết chăm sóc vết thương.

Thế nào là không biết tùy thời xông khói? Đó là Tỳ-kheo đối với những pháp đã được nghe, đã lãnh thọ nhưng không có khả năng giảng dạy, chỉ bày cho người khác. Như vậy gọi là không biết xông khói.

Thế nào là không biết chọn đường? Đó là Tỳ-kheo không biết như thật về Thánh đạo tám chi, không biết như thật về Giáo pháp và Giới luật của Như Lai. Như vậy gọi là không biết chọn đường.

Thế nào là không biết chọn chỗ dừng nghỉ? Đó là Tỳ-kheo đối với những pháp mà Như Lai đã liễu tri nhưng lại không đạt được sự hoan hỷ, sự hân hoan, sự thắng diệu, sự ích lợi xuất ly. Như vậy gọi là không biết chọn chỗ dừng nghỉ.

Thế nào là không biết chỗ để vượt qua sông? Đó là Tỳ-kheo không biết Kinh, Luật, Luận, không biết tùy thời đến thưa hỏi xin lãnh thọ giáo pháp như sau: “Thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội, thực hành những pháp nào là pháp thù thắng, không phải là pháp ác?” Đối với pháp ẩn mật thì không có khả năng khai mở. Đối với pháp hiển lộ thì không thể hỏi rộng. Đối với cú nghĩa sâu xa tự biết rõ mà không có khả năng chỉ bày truyền bá rộng rãi. Như vậy gọi là không biết chỗ để vượt qua sông.

Thế nào là không biết chọn chỗ thả bò? Đó là Tỳ-kheo không biết như thật về bốn niệm xứ và pháp luật của Thánh hiền. Như vậy gọi là không biết chọn chỗ để thả bò.

Thế nào là vắt cạn kiệt sữa? Đó là Tỳ-kheo được hàng Sát-lợi, Bà-la-môn hay gia chủ cúng dường nhiều y phục, thức ăn nước uống, giường nằm, thuốc thang và những vật dụng trong đời sống mà vị ấy không biết thọ dụng vừa đủ. Như vậy gọi là vắt cạn kiệt sữa.

Thế nào là đối với các Thượng tọa, Đại đức trưởng lão đa văn... (cho đến) không hướng đến các vị tu Phạm hạnh có trí tuệ để khen ngợi đức độ của vị ấy, khiến tất cả tôn kính, phụng sự, cúng dường để được an vui. Đó là Tỳ-kheo không tán dương bậc Thượng tọa kia... (cho đến) khiến các bậc trí tuệ Phạm hạnh đi đến chỗ vị ấy, đem thân, miệng, ý nghiệp tôn kính, phụng sự. Như vậy gọi là không hướng đến những bậc Thượng tọa trưởng lão đa văn... (cho đến) khiến tất cả tôn kính, phụng sự, cúng dường.

Người chăn bò kia nếu thành tựu mười một pháp này thì mới có thể nuôi lớn đàn bò, bảo vệ đàn bò khiến chúng được an ổn. Những gì là mười một pháp? Đó là biết sắc, biết tướng, (nói đầy đủ như trên... cho đến) biết chăm sóc con đầu đàn, tùy thời chăm sóc khiến chúng được an ổn. Đó gọi là người chăn bò có đủ mười một pháp, khiến cho đàn bò ngày càng tăng trưởng và biết bảo vệ khiến chúng được an ổn. Cũng vậy, Tỳ-kheo thành tựu mười một pháp này thì tự mình được an lạc, cũng có thể làm cho người khác được an lạc. Những gì là mười một pháp? Đó là biết sắc, biết tướng... (nói đầy đủ như trên). Đó gọi là Tỳ-kheo thành tựu mười một điều này thì tự mình an lạc và giúp cho người khác được an lạc.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1249. 0342c11). Tham chiếu: Phóng ngưu kinh 放牛經 (T.02. 0123. 0546a13); Tăng. 增 (T.02. 0125.49.1. 0794a07); Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.2. 0074a23); M. 33, Mahāgopālaka Sutta (Ðại kinh người chăn bò); A. 11.17 - V. 347.

[2] Nguyên tác: Dục giác (欲覺), cách viết khác của “tham dục tưởng” (貪欲想).

[3] Nguyên tác: Sân khuể giác (瞋恚覺), cách viết khác của “sân tưởng” (瞋想).  20 Nguyên tác: Hại giác (害覺), cách viết khác của “não tưởng” (惱想).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.