Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 47

1246. LUYỆN VÀNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại trú xứ của người thợ kim hoàn trong thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Cũng như người thợ luyện vàng, gom quặng vàng gồm lẫn đất cát bỏ vào máng rồi đãi, sau đó dùng nước đãi những tạp chất, đá cứng, đá vụn theo nước trôi đi, nhưng vẫn còn cát thô bám chặt. Lại dùng nước đãi tiếp, để những hạt cát thô ấy theo nước trôi đi thì mới còn lại vàng sa khoáng, nhưng vẫn còn cát mịn và đất đen bám dính. Lại dùng nước đãi thêm nữa để những hạt cát mịn và đất đen theo nước trôi đi, khi ấy mới còn lại vàng thô thuần tịnh không tạp, nhưng vẫn còn cáu bợn rất nhỏ tương tự như vàng. Sau đó, người thợ vàng lại đem nó bỏ vào lò, dùng ống thổi lửa cho mạnh nấu tan chảy thành chất lỏng, loại bỏ hết cáu bợn, nhưng vàng thô vẫn chưa nhẹ, chưa mềm, chưa phát ánh sáng, gấp lại, kéo ra còn bị gãy. Người thợ luyện vàng hoặc người học trò học nghề luyện vàng lại phải bỏ vào lò, dùng ống thổi lửa cho mạnh, nấu chảy tinh luyện nhiều lần, lật qua trở lại sau đó vàng ròng mới nhẹ mềm, trở thành bóng loáng, gấp, kéo không bị đứt, có thể tùy ý làm đủ loại đồ trang sức như trâm, dây chuyền, nhẫn, xuyến.

Tỳ-kheo tu tập tiến đến tịnh tâm cũng giống như vậy, dần dần đoạn trừ những phiền não thô xấu đang quấn chặt, những nghiệp ác, bất thiện, những tà kiến xấu xa... dần dần khiến chúng bị diệt trừ, giống như muốn được vàng thô thì phải loại bỏ lớp đá cuội đất sét.

Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập tiến đến tịnh tâm phải đoạn trừ tiếp những cáu bẩn thô trọng như dục tầm, sân tầm và hại tầm.[2] Cũng như vàng sa khoáng đã được loại bỏ cát sạn thô cứng.

Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập tiến đến tịnh tâm phải tiếp tục loại bỏ những cáu bẩn vi tế, đó là những suy tưởng về thân tộc, suy tưởng về loài người, suy tưởng về sanh thiên, phải tư duy để diệt trừ chúng, cũng như vàng thô kia được loại bỏ bụi bẩn, cát mịn, đất đen.

Lại nữa, Tỳ-kheo tu tập tiến đến tịnh tâm, khi có tưởng niệm về thiện pháp[3] cũng phải tư duy trừ diệt để tâm được thanh tịnh. Cũng như vàng thô được loại bỏ đi những cáu bẩn có màu như vàng ròng, để trở thành thuần tịnh.

Lại nữa, Tỳ-kheo có sự dụng công và giữ gìn[4] đối với các tam-muội, cũng giống như ao nước có bờ giữ chung quanh. Còn có pháp để giữ gìn thì chưa được tịch tĩnh, thắng diệu, chưa được sự an lạc của khinh an và diệt trừ các hữu lậu. Như thầy trò thợ vàng đãi lọc vàng thô loại bỏ những cáu bẩn, nhưng chưa nhẹ, chưa mềm, chưa trở thành bóng loáng, cuốn vào kéo ra còn bị gãy, nên không thể làm đồ trang sức theo ý muốn được.

Lại nữa, Tỳ-kheo khi đã chứng đắc các tam-muội, không còn có sự dụng công giữ gìn, đạt được tịch tĩnh thắng diệu, được con đường dẫn đến an lạc của khinh an, chuyên tâm nhất ý, diệt tận các hữu lậu. Như thầy trò thợ vàng luyện lọc vàng ròng cho đến khi trở nên nhẹ, mềm, bóng loáng, có thể cuốn vào kéo ra tùy theo ý muốn.

Lại nữa, Tỳ-kheo lìa các giác và quán, (cho đến) chứng đắc Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, chánh định như vậy thuần nhất thanh tịnh, lìa các phiền não, nhu nhuyến, chân thật, bất động. Đối với bốn định ở cõi Vô Sắc[5] mà mong cầu chứng đắc thì hết thảy đều được chứng đắc. Như thợ vàng, luyện lọc vàng ròng đến mức nhẹ, mềm, bóng loáng, không gãy, muốn làm các món trang sức tùy theo ý muốn. Cũng vậy, Tỳ-kheo chứng nhập tam-muội chánh thọ... (cho đến) đối với bốn định ở cõi Vô Sắc thì đều có thể tác chứng được.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1246. 0341b25). Tham chiếu: S. 46.33 - V. 92; A. 3.101 - I. 253; A. 5.23 - III. 16.

[2] Nguyên tác: Tham giác (貪覺), sân giác (瞋覺) hại giác (害覺). Đây gọi là 3 bất thiện tầm, 3 tư duy tầm cầu bất thiện, gồm có tham muốn, thù hận và ý nghĩ ác hại.

[3] Nguyên tác: Hữu thiện pháp giác (有善法覺). Giác (覺) chỉ cho suy tầm (vitakka), là sự suy tầm về thiện pháp mà ở đây chính là 3 thiện tầm (kusalavitakka). Gồm: (i) Xuất ly tầm (nekkhammavitakka): Sự suy nghĩ ly dục, sự suy nghĩ không dính mắc, không tham muốn. (ii) Vô sân tầm (abyāpādavitakka): Sự suy nghĩ không phiền muộn, sự suy nghĩ với tâm từ. (iii) Bất hại tầm (avihiṃsāvitakka): Sự suy nghĩ không mưu hại người, sự suy nghĩ liên hệ tâm bi. A. 6.108 - III. 446.

[4] Nguyên tác: Hữu hành sở trì (有行所持): Có sự dụng công và giữ gìn. Tham chiếu: A. 9.37 - IV. 426: Sasaṅkhāraniggayhavāritagato (do hữu hành nhiếp phục), HT. Thích Minh Châu dịch.

[5] Nguyên tác: Bỉ bỉ nhập xứ (彼彼入處), chỉ cho 4 định ở cõi Vô Sắc, như Không vô biên xứ (空無邊處), Thức vô biên xứ (識無邊處), Vô sở hữu xứ (無所有處) và Phi tưởng phi phi tưởng xứ (非想非非想處).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.