Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 47
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Có pháp đốt cháy và pháp không đốt cháy. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ kỹ! Như Lai sẽ giảng nói cho các thầy.
Thế nào là pháp đốt cháy? Nếu người nam hay người nữ nào phạm giới, hành pháp xấu ác, bất thiện, thân làm các việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác thì về sau người ấy sẽ bị bệnh tật khốn khổ, nằm liệt trên giường, chịu nhiều đau đớn. Bấy giờ, tất cả những việc làm ác trước kia người ấy đều nhớ lại hết. Giống như ngọn núi lớn che khuất ánh mặt trời phía Tây.[2] Cũng vậy, chúng sanh trước kia thân, miệng, ý nghiệp đã tạo những việc xấu ác và các pháp bất thiện, đến lúc lâm chung thì tất cả việc ác ấy đều hiện ra. Lúc này tâm sanh hối hận, than rằng: “Than ôi! Trước kia ta không biết tu thiện, chỉ làm việc ác, nên sẽ đọa vào đường dữ, chịu nhiều khổ đau.” Sau khi nhớ lại rồi, tâm bị đốt cháy, tâm sanh hối hận. Khi tâm sanh hối hận nên lâm chung với tâm bất thiện, đời sau tâm bất thiện lại tiếp tục sanh. Đó gọi là pháp đốt cháy.
Thế nào gọi là pháp không đốt cháy? Nếu người nam hay người nữ nào thọ trì tịnh giới, tu pháp chân thật, thân thành tựu nghiệp thiện, miệng thành tựu nghiệp thiện, ý thành tựu nghiệp thiện, khi lâm chung tuy thân gặp phải khổ nạn, nằm liệt trên giường bệnh, thân thể chịu nhiều đau đớn, nhưng tâm người ấy nhớ lại pháp thiện trước kia đã tu, thân, miệng và ý đã thành tựu thiện hạnh. Bấy giờ, nhờ duyên theo những pháp thiện, người ấy nghĩ rằng: “Thân, miệng và ý của ta đã làm các việc thiện, không làm các điều ác, nhất định sẽ sanh về cõi lành, không đọa vào đường ác.” Nghĩ như vậy rồi, tâm người kia không hối hận. Do tâm không hối hận nên lâm chung với thiện tâm, qua đời sau tâm thiện vẫn tiếp tục sanh. Đó gọi là pháp không đốt cháy.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Đã gieo nghiệp đốt cháy,
Thường sống trong phi pháp,
Rồi tạo bao nghiệp ác,
Nhất định đọa địa ngục.
Đẳng Hoạt và Hắc Thằng,
Chúng Hợp, hai Khiếu Hô,
Thiêu Nhiên, Cực Thiêu Nhiên,
Đại địa ngục Vô Trạch.
Tám địa ngục lớn ấy,
Thống khổ khó vượt qua,
Bao nhiêu thứ ác nghiệp,
Mỗi thứ mười sáu chỗ.
Bốn bên mở bốn cửa,
Khoảng giữa lượng bằng nhau,
Xung quanh toàn vách sắt,
Bốn cửa cũng bằng sắt.
Đất bằng sắt cháy đỏ,
Ngọn lửa lan khắp nơi,
Ngang dọc trăm do tuần,
Hừng hực không đoạn dứt.
Điều phục người làm ác,
Trừng trị kẻ cang cường,
Mãi chịu những cực hình,
Khổ này khó thấy được.
Người thấy sanh sợ hãi,
Run sợ, lông dựng đứng,
Khi đọa địa ngục này,
Đầu chúc xuống, chân trên.
Đối các bậc Hiền thánh,
Tâm nhu hòa chánh trực,
Người tu hành Phạm hạnh,
Tâm khinh khi, trái đạo,
Và sát hại chúng sanh,
Đọa địa ngục nóng này.
Thân quằn quại trong lửa,
Giống như cá bị nướng,
Đau đớn, khóc kêu la,
Như tiếng đàn voi chiến,
Lửa lớn tự nhiên sanh,
Là do nghiệp của chúng.
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt dựa theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1244. 0341a06). Tham chiếu: Si tuệ địa kinh 癡慧地經 (T.01. 0026.199. 0759a19).
[2] Nguyên tác: Thí như đại sơn nhật tây ảnh phú (譬如大山日西影覆). Tham chiếu: Si tuệ địa kinh 癡慧地經 (T.01. 0026.199. 0759b28): Du như bổ thời, nhật hạ cao sơn, ảnh huyền hướng tại địa (猶如晡時, 日下高山, 影懸向在地).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.