Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 47

1262. CHỒN HOANG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.

Bấy giờ, vào lúc cuối đêm, Thế Tôn nghe có tiếng chồn hoang kêu. Đến khi trời sáng, Thế Tôn trải tòa ngồi trước đại chúng và hỏi các Tỳ-kheo:

Cuối đêm hôm qua, các thầy có nghe tiếng chồn hoang kêu không?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

Kính bạch Thế Tôn! Chúng con có nghe.

Phật nói với các Tỳ-kheo:

Có một người mê muội nghĩ như vầy: “Mong sao ta sanh ra được thân tướng giống như vậy, có âm thanh giống như vậy.” Người si mê này mong cầu chỗ thọ sanh tương tự như vậy thì có gì mà không được? Vậy nên, này các Tỳ-kheo! Các thầy phải tinh cần nỗ lực tìm cách đoạn trừ các hữu,[2] chớ tạo phương tiện khiến tăng trưởng các hữu, cần phải học tập như vậy.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1262. 0346a08). Tham chiếu: S. 20.11 - II. 271.

[2] Nguyên tác: Chư hữu (諸有): Các hình thái tồn tại của các loài hữu tình.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.