Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 47

1258. TRỐNG A-NĂNG-HA[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại trụ xứ của các Tiên nhân, trong vườn Lộc Uyển, nước Ba-la-nại.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

Thời quá khứ có một người tên là Đà-xá-la-ha.[2] Ông ta có một cái trống tên là A-năng-ha,[3] âm thanh rất hay, rất trầm hùng, tiếng vang đến bốn mươi dặm. Nhưng cái trống kia đã cũ nên mặt trống nhiều chỗ bị rách, bị thủng. Bấy giờ, người thợ bịt trống lột da bò để bưng mặt trống lại. Tuy được bưng lại bằng lớp da mới nhưng tiếng trống không còn cao, không còn hay, không còn trầm hùng nữa. Sau một thời gian, cái trống lại bị hư mục, từng mảng da lớn rớt xuống, chỉ còn một đống gỗ mục.

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ cũng như thế. Nhờ tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ nên đối với những kinh điển sâu xa, vi diệu mà Như Lai đã nói, khó thấy, khó hiểu, không thể suy lường, vi diệu, ẩn mật, kiên định, được người trí nhận biết thì những Tỳ-kheo kia đều nhanh chóng lãnh thọ đầy đủ. Khi nghe Như Lai giảng thuyết thì các Tỳ-kheo kia hoan hỷ, cung kính thực hành nên đạt được lợi ích giải thoát.

Đời sau sẽ có những Tỳ-kheo không tu thân, không tu giới, không tu tâm, không tu tuệ. Đối với kinh điển mà Như Lai đã nói, sâu xa, vi diệu, là pháp duyên khởi, tùy thuận, liên hệ đến tánh Không,[4] những Tỳ-kheo ấy nghe mà không nhanh chóng lãnh thọ và giữ gìn, không thích đến để thọ nhận. Khi nghe Như Lai giảng thuyết thì họ không hoan hỷ, không kính cẩn tu tập, nhưng đối với những sách luận khác của thế gian, văn từ trau chuốt, tạp cú thế tục họ lại chuyên tâm lãnh thọ, nghe những lời nói ấy, hoan hỷ, kính cẩn học tập theo dù không được lợi ích giải thoát. Đối với Tỳ-kheo ấy, những điều được Như Lai thuyết giảng sâu xa, vi diệu, là pháp duyên khởi, tùy thuận, liên hệ đến tánh Không sẽ bị tiêu diệt. Cũng như cái trống kia đã cũ mục, rách nát, chỉ còn lại đống gỗ.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Phải siêng năng tinh tấn tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ; đối với những bài kinh Như Lai đã giảng thuyết sâu xa, vi diệu, là pháp duyên khởi, tùy thuận, liên hệ đến tánh Không, hãy nhanh chóng thọ trì, lãnh thọ tất cả. Khi nghe những lời Như Lai đã nói hãy nên hoan hỷ, kính cẩn tu tập để được lợi ích giải thoát.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1258. 0345b01). Tham chiếu: S. 20.7 - II. 266.

[2] Đà-xá-la-ha (陀舍羅訶, Dasārahā).

[3] A-năng-ha (阿能訶, Āṇaka).

[4] Không tương ưng (空相應). S. 20.7 -  II. 266: Suññatappaṭisaṃyuttā (Có liên hệ đối với Không tánh).

 

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.