Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 47
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật du hóa trong nhân gian ở nước Câu-tát-la[3] rồi đến ở trong rừng Nhất-xa-năng-già-la,[4] thuộc làng Nhất-xa-năng-già-la.
Lúc ấy, Tôn giả Na-đề-ca24 cũng ở trong làng Nhất-xa-năng-già-la.
Bấy giờ, những Sa-môn, Bà-la-môn ở trong làng Nhất-xa-năng-già-la nghe tin Sa-môn Cù-đàm đang du hóa trong nhân gian ở nước Câu-tát-la rồi đến ở trong rừng Nhất-xa-năng-già-la, thuộc làng Nhất-xa-năng-già-la. Nghe rồi, mỗi người đều sửa soạn một khay thức ăn rồi đi đến chỗ Thế Tôn, đứng ở ngoài cửa và tự nghĩ: “Ta sẽ cúng dường Thế Tôn trước, ta sẽ cúng dường Thiện Thệ trước.” Nghĩ xong, mỗi người tự cao giọng lớn tiếng xướng lên như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn nghe trong rừng có nhiều người nói lớn tiếng liền hỏi Tôn giả Na-đề-ca:
Do nhân gì, duyên gì mà ở trong rừng có nhiều người nói lớn tiếng như vậy?
Tôn giả Na-đề-ca bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Đó là do các Sát-lợi, Bà-la-môn, gia chủ ở trong làng Nhất-xa-năng-già-la nghe tin Thế Tôn ở trong rừng này nên mỗi người sửa soạn một khay thức ăn đem đến, để trong vườn rừng, rồi mỗi người tự xướng lên: “Ta sẽ cúng dường đức Thế Tôn trước, ta sẽ cúng dường đức Thiện Thệ trước.” Vì vậy nên có nhiều người nói lớn tiếng ở trong rừng này. Cúi xin Thế Tôn hãy nhận thức ăn của họ!
Phật bảo Na-đề-ca:
Chớ dâng lợi dưỡng cho Ta, Ta không cầu lợi dưỡng. Chớ xưng tụng Ta, Ta không cầu xưng tụng.
Này Na-đề-ca! Nếu có người nào đối với Như Lai mà dễ dàng đạt được sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, giác ngộ hoàn toàn như vậy thì đối với những kẻ kia sẽ khởi sanh lợi lạc, vật thực, tham cầu.
Này Na-đề-ca! Chỉ có Như Lai đối với những pháp tương tự như thế[5] đã đạt được sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, giác ngộ hoàn toàn; không cầu mà chứng đắc, không khổ nhọc mà chứng đắc thì tại sao phải khởi sanh lợi lạc, vật thực, tham cầu từ những người kia?
Này Na-đề-ca! Vì không đạt được sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, giác ngộ hoàn toàn đối với sắc và [các pháp] tương tự như thế, nên các thầy không đạt được sự an lạc không mong cầu, sự an lạc không khổ nhọc.
Này Na-đề-ca! Chư thiên đối với những pháp tương tự như thế cũng không đạt được sự an lạc do sự xuất ly, viễn ly, tịch diệt, giác ngộ hoàn toàn; không đạt được sự an lạc không mong cầu, sự an lạc không khổ nhọc. Chỉ có Như Lai đối với những pháp tương tự như thế đã đạt được sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, giác ngộ hoàn toàn; không cầu mà chứng đắc, không khổ nhọc mà chứng đắc thì tại sao phải khởi sanh lợi lạc, vật thực, tham cầu từ những người kia?
Na-đề-ca bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Nay con muốn nêu một ví dụ.
Phật bảo Na-đề-ca:
Nên biết đúng lúc!
Na-đề-ca bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Ví như khi trời mưa thì nước sẽ thuận dòng chảy xuống. Vậy nên, Thế Tôn dừng chân ở nơi nào thì các hàng Sát-lợi, Bà-la-môn hay gia chủ kia đều đến đó cung kính cúng dường, vì Thế Tôn giới đức thanh tịnh, chánh kiến chân trực. Cho nên, nay con thưa như vậy, cúi xin Thế Tôn thương xót nhận lời mời của họ.
Phật bảo Na-đề-ca:
Chớ dâng lợi dưỡng cho Ta, vì Ta không mong cầu lợi... (cho đến) thì tại sao phải khởi sanh lợi lạc, vật thực, tham cầu từ những người kia?
Này Na-đề-ca! Ta thấy có Tỳ-kheo sau khi thọ dụng thức ăn ngon thì nằm ngửa bụng mà thở gấp, thở dài. Thấy như vậy rồi, Ta tự nghĩ vị trưởng lão này không đạt được sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, giác ngộ hoàn toàn, sự an lạc không mong cầu, sự an lạc không khổ nhọc.
Lại nữa, Na-đề-ca! Ta thấy ở đây có hai Tỳ-kheo sau khi thọ dụng thức ăn ngon nên đầy bụng, thở dốc, ưỡn người mà đi. Ta tự nghĩ, những trưởng lão kia không đạt được sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, giác ngộ hoàn toàn, sự an lạc không mong cầu, sự an lạc không khổ nhọc.
Này Na-đề-ca! Ta thấy nhiều Tỳ-kheo sau khi thọ dụng thức ăn ngon, lại đi từ vườn này đến vườn kia, từ phòng này đến phòng kia, từ người này đến người kia, từ đám đông này đến đám đông kia. Thấy vậy rồi, Ta tự nghĩ, những trưởng lão kia như vậy không thể đạt được sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, giác ngộ hoàn toàn. Chỉ có Ta mới đạt được sự an lạc do xuất ly, viễn ly, tịch diệt, giác ngộ hoàn toàn, sự an lạc không mong cầu, sự an lạc không khổ nhọc.
Lại nữa, này Na-đề-ca! Một thời, Ta đi trên đường và thấy có Tỳ-kheo đi ở trước rất xa, lại cũng có Tỳ-kheo từ phía sau đi đến nhưng cũng cách rất xa. Bấy giờ Ta nhàn tĩnh vô vi, không bị phiền hà ngay cả việc đại tiểu tiện. Vì sao như vậy? Do vì ăn uống, tham đắm mùi vị nên mới có việc đại tiểu tiện, đó là nương tựa.
Quán sát sự sanh diệt của năm thủ uẩn mà sống yểm ly, đó là nương tựa.
Đối với sáu xúc nhập xứ cũng quán sát sự tập khởi, sự hoại diệt mà sống yểm ly, đó là nương tựa.
Đối với niềm vui của đám đông hội tụ, siêng năng tụ tập nhóm họp mà chán ghét sự viễn ly, đó là nương tựa.
Ưa thích tu tập viễn ly, siêng năng nơi viễn ly mà chán ghét đám đông tụ hội, đó là nương tựa.
Thế nên, này Na-đề-ca! Nên học tập như thế này. Đối với năm thủ uẩn, hãy quán sát sự sanh diệt, đối với lục xúc nhập xứ, phải quán sát tập khởi và diệt tận, ưa thích viễn ly, tinh cần viễn ly, nên học tập như vậy.
Đức Phật nói kinh này xong, Tôn giả Na-đề-ca nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1250. 0343b07). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02.
[2] .1251. 0344a08); A. 5.30 - III. 30; A. 6.42 - III. 341; A. 8.68 - IV. 307.
[3] Câu-tát-la (拘薩羅, Kosala).
[4] Nhất-xa-năng-già-la (一奢能伽羅, Icchānaṅgala). 24 Na-đề-ca (那提伽, Nāgita).
[5] Nguyên tác: Thử tượng loại (此像類), chỉ cho những pháp như lợi lạc, vật thực, tham cầu.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.