Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 46
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc một mình ở nơi yên vắng, thiền định tư duy rồi khởi lên suy nghĩ: “Thế nào là tự yêu quý mình,[2] thế nào là không tự yêu quý mình?” Vua lại tự nghĩ: “Nếu người nào thân làm việc ác, miệng nói lời ác và ý nghĩ điều ác, nên biết những người này không tự yêu quý mình. Nếu người nào thân làm việc lành, miệng nói lời lành và ý nghĩ điều lành, nên biết những người này tự yêu quý mình.”
Thế rồi vua xả thiền, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên và thưa:
Kính bạch Thế Tôn! Con một mình ở nơi yên vắng, thiền định tư duy rồi khởi lên suy nghĩ: “Thế nào là tự yêu quý mình, thế nào là không tự yêu quý mình?” Con lại tự nghĩ: “Nếu người nào thân làm việc ác, miệng nói lời ác và ý nghĩ điều ác, nên biết những người này không tự yêu quý mình. Nếu người nào thân làm việc lành, miệng nói lời lành và ý nghĩ điều lành, nên biết những người này tự yêu quý mình.”
Phật nói với Vua Ba-tư-nặc:
Đúng vậy, Đại vương! Đúng vậy, Đại vương! Nếu người nào thân làm việc ác, miệng nói lời ác và ý nghĩ điều ác, nên biết những người này không tự yêu quý mình. Những kẻ đó tuy tự nói thương yêu và quý trọng bản thân nhưng thật ra họ chẳng tự yêu quý mình. Vì sao như thế? Vì không có người bạn xấu nào, sở dĩ họ làm điều ác vì họ không yêu quý người không đáng được yêu quý, không yêu thương người không đáng được yêu thương nên mới làm như thế. Hạng người vì mình mà tự làm ác, đó là những hạng người không tự yêu quý mình.
Lại nữa, Đại vương! Nếu người nào thân làm việc lành, miệng nói lời lành và ý nghĩ điều lành, nên biết những người này luôn tự yêu quý mình. Những người này tuy cho rằng không thương yêu và quý trọng bản thân nhưng thật ra những người đó luôn tự yêu quý mình. Vì sao như thế? Vì không có hành động nào của người bạn lành có thể sánh với người bạn lành như vì yêu quý nên thể hiện sự yêu quý, vì thương yêu nên thể hiện sự thương yêu, cũng giống như thể hiện sự yêu quý và thương yêu đối với bản thân mình. Đó gọi là những hạng người luôn tự yêu quý mình.
Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:
Người quý trọng bản thân,
Thì không nên làm ác,
Trọn không gieo nhân ác,
Để mình được an lạc.
Người quý trọng bản thân,
Trọn không làm điều ác,
Biết gieo những nghiệp thiện,
Nên mình được an lạc.
Thương quý trọng thân mình,
Khéo hộ mà tự hộ,
Như vua giỏi giữ nước,
Canh phòng ngoài biên cương.
Thương quý trọng thân mình,
Thì khéo giữ kho báu,
Như vua khéo giữ nước,
Phòng thủ trong nội thành.
Như vậy, kho báu mình,
Không mảy may khiếm khuyết,
Nếu phút chốc lơ là,
Thì phải sa đường ác.
Đức Phật nói kinh này xong, Vua Ba-tư-nặc nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi ra về.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1228. 0335c17). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.55. 0392c04); S. 3.4 - I. 71.
[2] Nguyên tác: Tự niệm (自念). Tự (自) chỉ cho tự mình, bản thân mình (自己, attā); niệm (念): Lân mẫn, yêu quý (愛憐, piya). Tham chiếu: S. 3.4 - I. 71: Kesaṃ nu kho piyo attā (Ðối với những ai tự ngã là thân ái), HT. Thích Minh Châu dịch.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.