Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 46
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc có bà nội, người mà vua rất mực kính trọng bỗng nhiên qua đời. Sau khi đưa bà ra ngoài thành làm lễ hỏa táng và cúng dường xá-lợi xong, với áo quần xốc xếch, đầu tóc rối bù, nhà vua đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.
Khi ấy, Thế Tôn hỏi vua:
Đại vương từ đâu đến đây với áo quần xốc xếch, đầu tóc rối bù vậy?
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Con đã không còn bà nội nữa, một người mà con rất mực kính trọng nhưng bà đã qua đời và bỏ lại con. Con đã đưa bà ra ngoài thành để hỏa táng và cúng dường xong rồi liền đến bên Thế Tôn.
Đức Phật hỏi Vua Ba-tư-nặc:
Đại vương kính trọng và thương tiếc bà nội lắm phải không?
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Con rất kính trọng, thương tiếc. Bạch Thế Tôn! Nếu có thể đem tất cả voi, ngựa, bảy báu khắp trong nước, cho đến ngai vàng bố thí cho mọi người để cứu sống được bà nội thì con sẽ bố thí hết. Thế nhưng con đã không thể cứu được bà nội nữa, kẻ sống người chết vĩnh viễn xa lìa, khiến buồn khổ, tiếc thương không thể tự vượt qua. Con từng nghe Thế Tôn nói: “Tất cả chúng sanh, tất cả côn trùng, tất cả quỷ thần có sanh ra thì đều có chết đi, cuối cùng cũng phải kết thúc, không có ai sanh ra mà không chết.” Hôm nay con mới nhận thấy lời Thế Tôn nói rất đúng.
Đức Phật nói với Vua Ba-tư-nặc :
Đại vương! Đúng vậy, đúng vậy, tất cả chúng sanh, tất cả côn trùng, tất cả quỷ thần có sanh ra thì đều có chết đi, cuối cùng cũng phải kết thúc, không có ai sanh ra mà không chết.
Phật lại nói:
Đại vương! Dù thuộc dòng tộc cao quý Bà-la-môn, Sát-lợi hay trưởng giả, hễ có sanh ra thì đều có chết đi, không ai là không chết. Dù là Đại vương Sát-lợi ở ngôi vị quán đảnh, cai trị bốn châu thiên hạ, được sức tự tại, hàng phục các nước thù địch, nhưng rồi cuối cùng không ai là không chết. Lại nữa, Đại vương! Dù sanh ở cõi trời Trường Thọ, làm vua thiên cung, tự do khoái lạc thì cuối cùng cũng phải chết.
Lại nữa, Đại vương! Tỳ-kheo A-la-hán các lậu đã hết, việc cần làm đã làm xong, đã đặt các gánh nặng xuống, đã được lợi mình, dứt sạch các hữu kiết sử, đạt được chánh trí, tâm được giải thoát hoàn toàn[2] thì cuối cùng cũng từ bỏ thân mạng mà vào Niết-bàn.
Lại nữa, hàng Độc giác[3] điều phục hoàn toàn, tịch tịnh hoàn toàn, cũng phải từ bỏ thân mạng này để trở về Niết-bàn. Chư Phật, Thế Tôn đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, hơn tiếng rống sư tử, rồi cũng phải từ bỏ thân mạng mà vào Bát-niết-bàn. Do đó, Đại vương nên biết! Tất cả chúng sanh, tất cả côn trùng, tất cả quỷ thần, có sanh ra thì có chết đi, cuối cùng cũng phải kết thúc, không ai là không chết.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Tất cả loài chúng sanh,
Có thân đều sẽ chết,
Mỗi người tùy theo nghiệp,
Nhận quả thiện hoặc ác.
Tạo ác rơi địa ngục,
Làm lành sanh cõi trời,
Tu tập đạo thắng diệu,
Lậu tận Bát-niết-bàn.
Như Lai và Độc giác,
Thanh văn đệ tử Phật,
Đều phải bỏ thân mạng,
Huống gì hàng phàm phu.
Đức Phật nói kinh này xong, Vua Ba-tư-nặc nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi ra về.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1227. 0335b09). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.54. 0392a26); Tăng. 增 (T.02. 0125.26.7. 0638a02); S. 3.22 - I. 96.
[2] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).
[3] Nguyên tác: Duyên giác (緣覺, Paccekabuddha), chỉ cho bậc Độc giác.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.