Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 46

1226. BỐN VIỆC KHÔNG NÊN XEM THƯỜNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hành trong nhân gian ở nước Câu-tát-la rồi đến ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc nghe tin Thế Tôn du hành trong nhân gian ở nước

Câu-tát-la rồi đến ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ, vua liền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

Kính bạch Thế Tôn! Con nghe nói Thế Tôn tự tuyên bố đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.[2] Mọi người loan truyền như vậy, không phải hư vọng hoặc nói quá lời chăng? Hay đây đúng là lời mà đức Thế Tôn đã nói?[3] Nói có đúng với pháp và thứ lớp của giáo pháp chăng?[4] Ngài không bị tha nhân và các hạng người gây tổn hại[5] nhân việc đó mà chất vấn để rồi sanh ra chán ghét và bị coi thường chăng?

Đức Phật bảo nhà vua:

Đại vương! Những lời họ nói đó là đúng sự thật, chẳng phải hư vọng. Nói như vậy là nói đúng như lời mà đức Như Lai đã nói, nói đúng với pháp và thứ lớp của giáo pháp, không bị tha nhân và các hạng người gây tổn hại, nhân việc đó mà chất vấn để rồi sanh ra chán ghét và bị coi thường. Vì sao như vậy? Này Đại vương! Vì nay Như Lai thật sự đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

Tuy Thế Tôn nói như vậy nhưng con vẫn chưa tin. Vì sao như vậy? Vì ở trong đây có nhiều vị Sa-môn, Bà-la-môn tôn túc, trọng vọng, như là Phúlan-na Ca-diếp,[6] Mạt-ca-lợi Cù-xá-lê tử,[7] San-xà-da Tỳ-la-chi tử,[8] A-kỳ-đa Chỉ-xá-khâm-bà-la,[9] Ca-la-câu-đà Ca-chiên-diên,[10] Ni-kiền-đà Nhã-đề tử, thế nhưng các vị đó không tự cho rằng họ đã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, trong khi Thế Tôn tuổi còn trẻ, xuất gia chưa bao lâu, vì sao tự mình dám nói đã chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác?

Phật bảo nhà vua:

Đại vương! Có bốn trường hợp tuy nhỏ nhưng không nên xem thường. Là bốn trường hợp nào? Đó là vương tử dòng Sát-lợi tuy tuổi nhỏ nhưng không nên xem thường. Rắn[11] con tuy còn nhỏ nhưng không nên xem thường. Đốm lửa tuy nhỏ nhưng không nên xem thường. Tỳ-kheo tuổi tuy nhỏ nhưng không nên xem thường.

Bấy giờ đức Phật liền nói kệ:

Đủ hình tướng Sát-lợi,
Dòng quý tộc thanh danh,
Tuy tuổi còn ấu thơ,
Người trí chớ khinh thường.
Người ấy sẽ làm vua,
Nhớ lại mà sanh oán,
Thế nên chớ khinh thường,
Phải tỏ lòng cung kính.
Người khéo tự phòng hộ,
Tự hộ như hộ mạng,
Dùng bình đẳng tự hộ,
Bình đẳng là hộ mạng.
Nơi xóm làng hoang vắng,
Nếu gặp phải rắn con,
Chớ cho rằng rắn nhỏ,
Mà sanh lòng xem thường.
Rắn nhỏ nhiều màu sắc,
Cũng nên để rắn yên,
Bất kỳ ai khinh rắn,
Đều bị độc hại thân.
Thế nên người tự hộ,
Khéo giữ kỹ thân mình,
Vì để tự hộ mình,
Mà bảo hộ kẻ kia.
Ngọn lửa khi đốt cháy,
Nhỏ nhưng thiêu hủy lớn,
Ngọn nến cũng thiêu rụi,
Mọi thứ nếu đủ cỏ,
Lửa nhỏ sẽ lớn dần,
Cháy xóm làng, thành ấp.
Cho nên để tự hộ,
Giữ lửa như giữ mình,
Vì để tự hộ mình,
Mà bảo hộ vật kia.
Bị lửa dữ thiêu đốt,
Thì trăm cỏ cháy rụi,
Tuy tắt vẫn không tàn,
Thận trọng lửa lại sanh.
Nếu khinh chê Tỳ-kheo,
Người giữ lửa tịnh giới,
Thì đốt mình, con cháu,
Tai nạn kéo trăm đời,
Như đốt cây đa-la,
Không bao giờ sanh lại.
Cho nên phải tự hộ,
Giống như hộ mạng mình,
Vì khéo tự hộ mình,
Thì như hộ người kia.
Với người tướng Sát-lợi,
Rắn con và lửa nhỏ,
Hay Tỳ-kheo tịnh giới,
Đều không nên coi thường.
Cho nên phải tự hộ,
Giống như hộ mạng mình,
Vì khéo tự hộ mình,
Thì như hộ người kia.

Đức Phật nói kinh này xong, Vua Ba-tư-nặc nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ đảnh lễ Phật rồi ra về.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1226. 0334c13). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.53. 0391c02); S. 3.1 - I. 68.

[2] Nguyên tác: A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề (阿耨多羅三藐三菩提, Anuttara sammāsambodhi).

[3] Như thuyết thuyết (如說說). Cú ngữ này tương tự kinh số 106; Tạp. 雜 (T.02. 0099.106. 0032c29): Như Như Lai thuyết (如如來說).

[4] Nguyên tác: Tùy thuận pháp (隨順法, dhammānudhammappaṭipanna). Xem chú thích 68, kinh số 27, quyển 1, tr. 24; Tạp. 雜 (T.02. 0099.27. 0005c20).

[5] Nguyên tác: Tổn đồng pháp giả (損同法者): Những hạng loại gây tổn hại. Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.91. 0023b26): Thế nào gọi là niềm tin đầy đủ? Nghĩa là người thiện nam đối với đức Như

Lai có lòng tin tưởng, tôn kính, xây dựng gốc rễ niềm tin vững chắc, không bị chư thiên, Ma vương, Phạm thiên cùng các hạng loại khác trong thế gian phá hoại (何等為信具足? 謂善男子於如來所, 得信敬心, 建立信本, 非諸天, 魔梵及餘世人同法所壞).

[6] Phú-lan-na Ca-diếp (富蘭那迦葉, Purāṇa Kassapa).

[7] Mạt-ca-lợi Cù-xá-lê tử (末迦利瞿舍梨子, Makkhali Gosāla).

[8] San-xà-da Tỳ-la-chi tử (刪闍耶毗羅胝子, Sañjaya Belaṭṭhiputta).

[9] A-kỳ-đa Chỉ-xá-khâm-bà-la (阿耆多枳舍欽婆羅, Ajita Kesakambala).

[10] Ca-la-câu-đà Ca-chiên-diên (迦羅拘陀迦栴延, Kakudha Kaccāyana).

[11] Nguyên tác: Long (龍). Theo S. 3.1 - I. 68: Urago, tương tự như chữ nāga. Đoạn kệ ở sau xác nhận rằng đó là con rắn nhỏ (小蛇).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.