Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 46

1239. SỞ NGUYỆN VÀ KHÔNG BUÔNG LUNG[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc ngồi một mình ở nơi yên vắng, tư duy và suy nghĩ như vầy: “Có một pháp nào mà được tu tập và tu tập thuần thục thì trong hiện tại được sở nguyện đầy đủ, ở đời sau cũng được sở nguyện đầy đủ không?” Suy nghĩ như vậy rồi, vua liền đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

Kính bạch Thế Tôn! Con ngồi một mình ở nơi yên vắng tự suy nghĩ: “Có một pháp nào mà được tu tập và tu tập thuần thục thì trong hiện tại được sở nguyện đầy đủ, ở đời sau cũng được sở nguyện đầy đủ không?” Phật bảo Vua Ba-tư-nặc:

Đúng vậy, Đại vương! Đúng vậy, Đại vương! Có một pháp mà được tu tập và tu tập thuần thục thì trong hiện tại được sở nguyện đầy đủ, ở đời sau cũng được sở nguyện đầy đủ. Đó là pháp lành không buông lung. Pháp lành không buông lung này mà được tu tập, tu tập thuần thục thì trong đời hiện tại được sở nguyện đầy đủ, ở đời sau cũng được sở nguyện đầy đủ.

Này Đại vương! Ví như mọi công việc ruộng đồng[2] trên thế gian thì hết thảy chúng đều phải nương trên đất để thực hiện. Pháp lành không buông lung cũng lại như vậy. Tu tập và tu tập thuần thục pháp lành này thì trong hiện tại được sở nguyện đầy đủ, đời sau cũng được sở nguyện đầy đủ, sở nguyện cả đời này và đời sau đều được đầy đủ.

Như sức mạnh của không buông lung,[3] cũng vậy, hạt giống, gốc rễ vững chắc, các loài đi trên đất liền hay dưới nước, sư tử, nhà cửa... (cũng nói như vậy).

Thế nên, Đại vương! Hãy trụ vào không buông lung, nên nương vào không buông lung. Sau khi trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung thì phu nhân sẽ suy nghĩ: “Đại vương đã trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung, nay ta cũng nên như vậy, trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung.” Phu nhân đã thực hành như vậy thì đại thần, thái tử, dũng tướng cũng thực hành theo như vậy. Thấy vậy, dân chúng trong nước cũng sẽ nghĩ: “Đại vương đã trụ vào không buông lung, phu nhân, đại thần, thái tử, dũng tướng đã trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung, chúng ta cũng thực hành như vậy. Nên trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung.”

Và này Đại vương! Nếu người nào trụ vào không buông lung, nương vào không buông lung thì có khả năng tự bảo hộ. Phu nhân, thể nữ cũng có thể tự bảo hộ và kho tàng của báu sẽ tăng lên thật nhiều.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Ca ngợi không buông lung,
Chê bai sự buông lung,
Đế-thích không buông lung,
Làm vua trời Đao-lợi.
Ca ngợi không buông lung,
Chê bai sự buông lung,
Đầy đủ không buông lung,
Tóm thâu cả hai nghĩa.
Hiện tại được lợi ích,
Đời vị lai cũng vậy,
Gọi là bậc tỏ ngộ,
Với trí tuệ thâm sâu.

Đức Phật nói kinh này xong, Vua Ba-tư-nặc nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1239. 0339b13). Tham chiếu: Dụ kinh 喻經 (T.01. 0026.141. 0647b18); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0101.66. 0396b08); S. 3.17 - I. 195; S. 45.141-148 - V. 44-5..

[2] Nguyên tác: Thô nghiệp (麁業): Việc của nhà nông (農業).

[3] Nguyên tác: Như lực (如力). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.35.4. 0699b11): Thế nào là nhất lực? Đó là sức mạnh của không phóng dật (云何為一力? 所謂無放逸力).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.