Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

QUYỂN 46

1233. BỐ THÍ RỒI HỐI TIẾC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, nước Xá-vệ có trưởng giả Ma-ha-nam, không có con cháu, vừa mới qua đời. Do không có con và người thân thuộc nên Vua Ba-tư-nặc đem tài sản của ông ta sung vào ngân khố triều đình. Nhiều ngày, Vua Ba-tư-nặc phải đến kiểm đếm tài sản khiến thân thể dính đầy bụi bẩn, rồi vua đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn hỏi Vua Ba-tư-nặc:

  • Đại vương từ đâu đến mà thân thể dính đầy bụi bẩn và trông có vẻ mệt nhọc như vậy?

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

  • Kính bạch Thế Tôn! Trưởng giả Ma-ha-nam tại nước này vừa qua đời, để lại rất nhiều tài sản nhưng không có con kế thừa nên tất cả đều sung vào ngân khố của triều đình. Con phải đích thân đến các kho trông coi lo liệu nên bụi bặm dính vào người, rất là mệt nhọc, và từ nhà kho ấy con đến đây.

Phật hỏi Vua Ba-tư-nặc:

  • Trưởng giả Ma-ha-nam kia giàu có nhiều của lắm sao?

Vua đáp:

  • Bạch Thế Tôn! Ông ta rất giàu, tiền của rất nhiều, tiền vàng và vật báu có đến trăm ngàn ức, huống gì những thứ khác. Kính bạch Thế Tôn! Lúc sanh tiền ông Ma-ha-nam ăn uống rất kham khổ, mặc thô sơ... (nói đầy đủ như bài kinh trên).

Phật bảo Vua Ba-tư-nặc:

  • Ở đời quá khứ, ông Ma-ha-nam kia gặp bậc Độc giác Đa-ca-la-thi-khí[2] và có cúng dường một bữa ăn, nhưng không có lòng tin thanh tịnh, không cung kính cúng dường, không tự tay cúng dường, sau khi cúng rồi lại hối tiếc, nói rằng: “Lẽ ra cơm này ta nên cho những tôi tớ của mình, sao lại phải đem cho Sa-môn!” Nhờ phước bố thí này mà ông ta bảy lần được sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba và bảy lần sanh vào nước Xá-vệ này thuộc dòng họ tối thắng, tiền của giàu có bậc nhất. Nhưng vì khi cúng dường vị Độc giác kia với lòng tin không thanh tịnh, không cung kính cúng dường, không tự tay cúng dường, sau khi cúng dường rồi lại hối tiếc nên dù được sanh vào nhà giàu sang, nhưng phải thọ dụng quần áo thô xấu, ăn uống khổ cực, giường nằm, nhà cửa, xe cộ đều cũ kỹ, hư hỏng. Từ khi chào đời đến lúc lâm chung, ông ta chưa từng nếm qua sắc, thanh, hương, vị, xúc tốt đẹp để thỏa mãn bản thân.

Lại nữa, Đại vương! Trước kia trưởng giả Ma-ha-nam đã giết người anh khác mẹ của mình để chiếm lấy tài sản. Vì tội này nên trải qua trăm ngàn năm phải đọa vào địa ngục, do tội báo ấy còn sót lại nên bảy lần thọ thân vào nước Xá-vệ đều không có con cái, tài sản thì bị sung vào ngân khố triều đình. Này Đại vương! Nay trưởng giả Ma-ha-nam qua đời, phước báo bố thí ở quá khứ đã hết, đời này ông ta lại keo kiệt, tham lam, làm tán thất tài sản. Do nhân tạo tội ác nên sau khi lâm chung ở đây, ông ta sẽ đọa vào địa ngục, chịu nhiều khổ não.

Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

  • Kính bạch Thế Tôn! Trưởng giả Ma-ha-nam sau khi lâm chung sẽ đọa vào địa ngục chịu nhiều khổ đau ư?

Phật đáp:

  • Đúng vậy, Đại vương! Đã đọa vào địa ngục.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc nghĩ đến Ma-ha-nam mà rơi lệ, rồi lấy áo lau nước mắt và nói kệ:

Bao của báu, bạc vàng,
Ngựa, voi thật nghiêm trang,
Tôi tớ trẻ hầu hạ,
Nhà cửa, ruộng bạt ngàn,
Nhưng rồi đều bỏ lại,
Thần thức một mình đi.
Một khi phước phần hết,
Vĩnh viễn bỏ thân hình,
Kẻ kia có những gì?
Đem theo được những chi?
Những gì không bỏ lại,
Như hình bóng cùng đi?

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:

Chỉ có nghiệp tội, phước,
Mà người đã tạo ra,
Chính họ sở hữu nó,
Giữ chặt lúc lìa xa,
Sống chết chưa từng bỏ,
Như bóng hình theo ta.
Như người thiếu tư lương,
Gặp nạn khổ dặm trường,
Người không tu công đức,
Thọ đường khổ tai ương.
Như người nhiều tư lương,
Được an lạc dặm trường,
Người tu đức thuần hậu,
Khéo hướng cõi thanh lương.
Như người dạo chơi xa,
Lâu năm về an ổn,
Họ hàng và thân hữu,
Tụ tập đón mừng vui.
Người khéo tu công đức,
Chết đây sanh nơi khác,
Thân quyến của người kia,
Gặp gỡ tâm hoan hỷ.
Thế nên phải tu phước,
Tích lũy phước dài lâu,
Phước đức hay vì người,
Kiến lập vui đời khác.
Phước đức được trời khen,
Vì cùng tu chánh hạnh,
Hiện đời người không chê,
Lâm chung sanh thiên giới.

Đức Phật nói kinh này xong, Vua Ba-tư-nặc nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1233. 0337b24). Tham chiếu: Biệt Tạp. .02. 0100.60. 0394a23); S. 3.20 - I. 205.

[2] Đa-ca-la-thi-khí Bích-chi Phật (多迦羅尸棄辟支佛, Tagarasikkhi Pacceka Buddha).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.