Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Quyển 46
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:
Kính bạch Thế Tôn! Ở nước Xá-vệ này, trưởng giả Ma-ha-nam[2] là người giàu có, tài sản rất nhiều, kho chứa vàng ròng có đến trăm ngàn ức, huống gì những của cải khác. Bạch Thế Tôn! Tuy giàu có như vậy, thế nhưng trưởng giả Ma-ha-nam chỉ ăn cơm tấm, canh đậu, gừng thối, mặc áo vải thô, mang giày da một mặt, đi xe cũ, ọp ẹp với mái che bằng lá. Con chưa từng nghe ông ta cúng dường, bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn, hay cung cấp giúp đỡ những người nghèo khổ, hoặc những người lỡ đường thiếu thốn và kẻ ăn xin. Khi ăn, ông ta đóng cửa lại để các Sa-môn, Bà-la-môn hay những người bần cùng, những người lỡ đường hoặc người ăn xin không trông thấy.
Phật bảo Vua Ba-tư-nặc:
Đại vương, gia chủ này không phải người chân chánh, tuy được nhiều tiền tài, của báu mà bản thân không dám thọ dụng, cũng không biết phụng dưỡng cha mẹ, không cung cấp cho vợ con và họ hàng thân thuộc, không đoái nghĩ đến những người giúp việc, hoặc giúp đỡ bạn bè quen biết, không biết tùy thời cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn để gieo trồng vào ruộng phước thù thắng, mong hướng đến chỗ tốt đẹp hưởng thụ an lạc lâu dài, đời sau sanh về cõi trời. Thế nên, dù được tiền của hơn người mà không biết cách tiêu dùng rộng rãi để đạt được lợi ích lớn.
Đại vương! Ví như nước được tích tụ trong ao hồ ở giữa đồng hoang mà không có người sử dụng để uống ăn, tắm rửa thì nước trong đầm cũng bị nắng nóng làm khô cạn. Cũng vậy, kẻ bất thiện tuy được tiền của hơn người,... (cho đến) không sử dụng rộng rãi để đạt được lợi ích lớn thì cũng giống như hồ nước kia.
Đại vương! Như có người thiện nam được nhiều tiền tài, của báu, hân hoan thọ dụng, lại còn biết phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho vợ con và họ hàng thân thuộc, luôn đoái nghĩ đến những người giúp việc tôi tớ, giúp đỡ những người quen biết, thường xuyên cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn để gieo trồng ruộng phước thù thắng, mong hướng đến chỗ tốt đẹp, đời sau sanh lên cõi trời. Người này đã được nhiều tiền tài của báu, lại biết cách sử dụng rộng rãi nên được lợi lớn gấp bội.
Đại vương! Cũng như bên cạnh thành ấp, làng xóm có hồ nước trong sạch mát mẻ, cây cối che mát nên mọi người đều thích đến lấy nước để dùng, loài cầm thú cũng muốn đến đây uống nước. Cũng vậy, người thiện nam kia có được nhiều tiền bạc, của báu, bản thân hân hoan thọ dụng, lại còn phụng dưỡng cha mẹ... (cho đến) gieo trồng ruộng phước thù thắng nên đạt được lợi lạc rộng lớn.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Hồ nước nơi hoang dã,
Dù trong mát, sạch sẽ,
Nhưng không người sử dụng,
Nước kia cũng cạn khô.
Cũng vậy tiền, vật quý,
Mà người xấu có được,
Chính họ không dám dùng,
Cũng không thương giúp ai,
Luống khổ nhọc tích góp,
Chứa rồi tự tiêu tan.
Người trí được tiền tài,
Tự thọ dụng thỏa thích,
Bố thí làm công đức,
Giúp đỡ cho người thân,
Tùy chỗ cần cung cấp,
Như trâu chúa dẫn đàn.
Bố thí và thọ dụng,
Đều không mất phước lợi,
Thuận lý mà mạng chung,
Sanh thiên hưởng phước lạc.
Đức Phật nói kinh này xong, Vua Ba-tư-nặc nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1232. 0337a14). Tham chiếu: Biệt Tạp. .02. 0100.59. 0393c12); Tăng. 增 (T.02. 0125.23.4. 0612c01); S. 3.19 - I. 201.
[2] Ma-ha-nam (摩訶男). Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.60. 0394a24) cũng ghi là Ma-ha-nam. Tuy nhiên, Tăng. 增 (T.02. 0125.23.4. 0612c02) lại ghi là “Đề-bà” (婆提). S. 3.19 - I. 201 thì không xác định tên gọi.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.