Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 45
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc[2] ở tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, trong ngự viên nước Xá-vệ.[3]
Sáng sớm, Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thọ thực xong, Tỳ-kheo-ni ấy trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, lấy tọa cụ vắt lên vai rồi vào rừng An-đà, đến bên gốc cây ngồi thiền buổi trưa.
Khi ấy, Ma Ba-tuần khởi nghĩ: “Hôm nay, Sa-môn Cù-đàm ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc ở tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, trong ngự viên nước Xá-vệ. Sáng sớm, Tỳ-kheo-ni ấy đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thọ thực xong, Tỳ-kheo-ni trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, lấy tọa cụ vắt lên vai rồi vào rừng An-đà, đến bên gốc cây ngồi thiền buổi trưa. Bây giờ, ta nên đến đó để gây chướng ngại.” Thế rồi, Ma Ba-tuần liền biến thành một thanh niên dung mạo đoan chánh đến chỗ Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc và nói kệ:
Cây Sa-la hoa đẹp,
Ngồi nghỉ bên cây này,
Một mình không bè bạn,
Không sợ người ác sao?
Khi ấy, Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc suy nghĩ: “Đây là người nào mà muốn làm ta sợ hãi? Là người hay phi nhân? Hay là kẻ gian tà?” Sau khi suy nghĩ như vậy, cô biết rõ đây chính là Ác ma Ba-tuần muốn nhiễu loạn, liền dùng kệ đáp lại:
Cho dù có trăm ngàn,
Đều là kẻ gian tà,
Như Ác ma các ngươi,
Đến đây nhiễu loạn ta,
Cũng không động mảy tóc,
Ta chẳng sợ các ngươi.
Ma Ba-tuần lại nói kệ:
Tôi sẽ vào bụng cô,
Ở ngay trong nội tạng,
Hoặc giữa hai chân mày,
Cô sẽ không thấy tôi.
Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc dùng kệ đáp:
Tâm tôi có sức lớn,
Khéo tu tập thần thông,
Đã giải thoát buộc ràng,
Chẳng sợ Ác ma ngươi.
Tôi đã sạch ba cấu,
Cội gốc của sợ hãi,
Trụ vào chỗ an ổn,
Không sợ các quân ma.
Với tất cả ái hỷ,
Xa lìa mọi tối tăm,
Đã tác chứng tịch diệt,
An trụ sạch các lậu,
Biết ngươi là Ác ma,
Hãy biến khỏi nơi này.
Khi ấy, Ma Ba-tuần suy nghĩ: “Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc đã biết tâm mình” nên trong lòng lo lắng, buồn rầu rồi lập tức biến mất. ***
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1201. 0326c13). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.217. 0454b11); S. 5.5 - I. 131.
[2] Nguyên tác: Ưu-bát-la Sắc Tỳ-kheo-ni (優鉢羅色比丘尼, Uppalavaṇṇā Bhikkhunī), tên riêng của vị Tỳ-kheo-ni vừa được phiên âm Ưu-bát-la (優鉢羅, Uppala) vừa dịch nghĩa Sắc (色, Vaṇṇa), kinh văn Hán tạng thường dịch Liên Hoa Sắc.
[3] Xá-vệ quốc vương viên Tỳ-kheo-ni chúng trung (舍衛國王園比丘尼眾中). Xem chú thích 3, kinh số 1198, quyển 45, tr. 1332.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.