Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 45
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành Vương Xá.
Bấy giờ, Thế Tôn an cư mùa mưa cùng với năm trăm Tỳ-kheo đều là bậc A-la-hán các lậu đã hết, việc cần làm đã làm xong, đã đặt các gánh nặng xuống, đã được lợi mình, dứt sạch các hữu kiết sử, đạt được chánh trí, tâm đã giải thoát hoàn toàn,[2] chỉ trừ một vị Tỳ-kheo đó là Tôn giả A-nan, nhưng đã được Thế Tôn thọ ký trong đời hiện tại sẽ chứng đắc quả vị A-la-hán.[3]
Bấy giờ, vào ngày rằm, sau thời thọ trai mỗi nửa tháng,[4] Thế Tôn trải tòa ngồi trước đại chúng và nói với các Tỳ-kheo:
Như Lai là Bà-la-môn đã được Bát-niết-bàn, thọ thân này là thân cuối, là vị lương y bậc nhất nhổ những gai nhọn. Như Lai là Bà-la-môn đã được Bátniết-bàn, thọ thân này là thân cuối, là vị lương y tối thượng khéo nhổ những gai nhọn. Các thầy là con Như Lai, sanh từ miệng Như Lai, từ pháp hóa sanh, nhận được gia tài Pháp bảo. Như Lai mong được tự tứ,[5][6] chớ để thân, miệng, ý của Như Lai có điều gì đáng hiềm trách.
Lúc ấy, Tôn-giả Xá-lợi-phất ở giữa đại chúng đứng dậy, sửa lại y phục, chắp tay lễ Phật và bạch:
Kính bạch Thế Tôn! Thế Tôn vừa nói rằng: “Như Lai là Bà-la-môn đã được Bát-niết-bàn, thọ thân này là thân cuối, là lương y tối thượng khéo nhổ những gai nhọn. Các thầy là con Như Lai, sanh từ miệng Như Lai, từ pháp hóa sanh, nhận được gia tài Pháp bảo. Như Lai mong được tự tứ, chớ để thân, miệng, ý của Như Lai có điều đáng hiềm trách.” Thế nhưng chúng con không thấy thân, miệng, ý của Thế Tôn có điều gì đáng hiềm trách. Vì sao như vậy? Bởi vì Thế Tôn có thể điều phục được những người không thể điều phục, giúp những người chưa được tịch tĩnh có được tịch tĩnh, những người chưa an định có được an định, những người chưa Bát-niết-bàn đạt được Bát-niết-bàn. Như Lai đã thấu rõ chân lý, Như Lai giảng nói chân lý, Như Lai hướng về chân lý, rồi sau đó hàng đệ tử thành tựu và đi theo chân lý, tôn kính chân lý, vâng lãnh lời dạy của vị Thầy dẫn đường, thực hành theo đúng lời dạy của Người, hân hoan hướng về thiện pháp chân chánh. Đối với Thế Tôn, con không thấy có hành vi nào của thân, miệng, ý đáng bị hiềm trách. Nay con đối trước Thế Tôn, ngưỡng mong Thế Tôn chỉ bày các tội được thấy, được nghe, được nghi, hoặc nơi thân, miệng, ý của con có điều gì đáng hiềm trách?
Đức Phật nói với Xá-lợi-phất:
Như Lai không thấy thầy có các tội được thấy, được nghe, được nghi, hoặc nơi thân, miệng, ý có điều gì đáng hiềm trách. Vì sao như vậy? Vì thầy là người trì giới, đa văn, ít muốn biết đủ, tu hạnh viễn ly, siêng năng tinh tấn, chánh niệm tỉnh giác, có trí tuệ nhạy bén, trí tuệ thông suốt, trí tuệ giải thoát, trí tuệ viễn ly, trí tuệ rộng lớn, trí tuệ sâu xa, trí tuệ không ai bằng, đã thành tựu trí tuệ chân thật; lại khéo mở bày, dạy bảo, khích lệ khiến được hoan hỷ,[7] cũng thường khen ngợi những ai biết mở bày, dạy bảo, khích lệ khiến được hoan hỷ, luôn vì chúng sanh mà thuyết pháp, chưa từng biết mỏi mệt.
Ví như thái tử của Chuyển Luân Thánh Vương được nhận lễ Quán đảnh, tuy chưa làm lễ Quán đảnh nhưng đã ở trong nghi pháp Quán đảnh rồi thì phải theo như pháp của vua cha, những gì vua cha đã triển chuyển thì thái tử cũng theo đó mà triển chuyển. Nay thầy cũng như thế, là trưởng tử của Như Lai, được nhận lễ Quán đảnh, tuy chưa làm lễ Quán đảnh nhưng đã ở vào nghi pháp quán đảnh, cho nên đối với pháp luân mà Như Lai đã chuyển thì thầy cũng y theo đó mà chuyển, được tự tại, dứt sạch các lậu hoặc, được tâm giải thoát hoàn toàn. Cũng vậy, này Xá-lợi-phất! Đối với thầy, Như Lai không thấy có các tội được thấy, được nghe, được nghi, hoặc nơi thân, miệng, ý có điều gì đáng hiềm trách.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
Bạch Thế Tôn! Con không có các tội được thấy, được nghe, được nghi, và nơi thân, miệng, ý cũng không có điều gì đáng hiềm trách, vậy năm trăm Tỳkheo này cũng không có các tội được thấy, được nghe, được nghi và nơi thân, miệng, ý cũng không có điều gì đáng hiềm trách chăng?
Phật nói với Xá-lợi-phất:
Đối với năm trăm Tỳ-kheo này Như Lai cũng không thấy có tội, nghe có tội và nghi có tội, hoặc nơi thân, miệng, ý có điều gì đáng hiềm trách cả. Vì sao như vậy? Vì năm trăm Tỳ-kheo này đều là bậc A-la-hán, các lậu đã hết, việc cần làm đã làm xong, đã đặt các gánh nặng xuống, đã được lợi mình, dứt sạch các hữu kiết sử, đạt được chánh trí, tâm được giải thoát hoàn toàn, chỉ trừ một vị Tỳ-kheo là Tôn giả A-nan, nhưng Như Lai đã thọ ký A-nan trong đời hiện tại sẽ chứng đắc quả vị A-la-hán. Thế nên, đối với năm trăm Tỳ-kheo này Như Lai không thấy ai có các tội được thấy, được nghe, được nghi, hoặc thân, miệng, ý có điều gì đáng hiềm trách cả.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Năm trăm Tỳ-kheo này đã không có các tội được thấy, được nghe, được nghi, và thân, miệng, ý cũng không có điều gì đáng hiềm trách. Như vậy, trong đây có bao nhiêu Tỳ-kheo được Tam minh? Có bao nhiêu Tỳ-kheo được Câu giải thoát? Có bao nhiêu Tỳ-kheo được Tuệ giải thoát?
Đức Phật bảo:
Trong năm trăm Tỳ-kheo này, có chín mươi Tỳ-kheo đã được Tam minh, chín mươi Tỳ-kheo đã được Câu giải thoát, những người còn lại được Tuệ giải thoát. Này Xá-lợi-phất! Những Tỳ-kheo này đã không còn dao động, không ai là lớp vỏ bên ngoài mà đều là lớp lõi cứng chắc.
Khi ấy, Tôn giả Bà-kỳ-xá ở giữa hội chúng khởi nghĩ: “Ta sẽ đến trước Thế Tôn và đại chúng để nói kệ khen ngợi.” Nghĩ vậy rồi, Tôn giả liền đứng dậy sửa lại y phục, quỳ gối phải đảnh lễ Phật và chắp tay thưa:
Kính bạch Thế Tôn ! Con có điều muốn nói. Kính bạch Thiện Thệ! Con có điều muốn nói.
Đức Phật bảo Tôn giả Bà-kỳ-xá:
Thầy hãy nói tùy ý mình!
Bấy giờ, Bà-kỳ-xá liền nói kệ:
Vào ngày rằm thanh tịnh,
Đại chúng năm trăm người,
Đã dứt mọi kiết sử,
Bậc Đại Tiên sạch lậu.
Thanh tịnh cùng thân cận,
Thanh tịnh rộng giải thoát,
Không còn thọ các hữu,
Sanh tử đã chấm dứt.
Việc cần làm đã làm,
Được sạch mọi lậu hoặc,
Năm triền cái đã trừ,
Nhổ tận gốc gai ái.
Như sư tử, không sợ,
Lìa tất cả hữu dư,
Dừng oán kết, các hữu,
Vượt qua cõi hữu dư,
Các oán địch hữu lậu,
Đều đã bị vùi lấp.
Giống như Chuyển Luân Vương,
Bảo bọc các quyến thuộc,
Tâm từ rộng giáo hóa,
Mọi loài đều kính vâng.
Hay hàng phục ma oán,
Là Đạo sư vô thượng,
Tâm kính tín phụng thờ,
Ba minh, già, chết diệt.
Làm chân tử của pháp,
Không lo lắng, dao động,
Nhổ sạch gai phiền não,
Lễ Dòng Họ Mặt Trời.[8]
Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1212. 0330a04). Tham chiếu: Thỉnh thỉnh kinh 請請經 (T.01. 0026.121. 0610a08); Thọ tân tuế kinh 受新歲經 (T.01. 0061. 0858a11); Tân tuế kinh 新歲經 (T.01. 0062. 0859a25); Giải hạ kinh 解夏經 (T.01. 0063. 0861b10); Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.228. 0457a29); Tăng. 增 (T.02. 0125.32.5. 0676b28); S. 8.7 - I. 190.
[2] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).
[3] Nguyên tác: Vô tri chứng (無知證). Vô tri (無知) chỉ cho “Vô tri căn” (無知根, Aññātāvindriyaṃ), là căn của bậc Vô học, còn gọi là “Tri dĩ căn” (知已根). Thành tựu căn của bậc Vô học tức chứng quả A-la-hán. Xem chú thích 2, kinh số 642, quyển 26, tr. 755; Tạp. 雜 (T.02. 0099.642. 0182a14).
[4] Nguyên tác: Nguyệt thực thọ thời (月食受時). Cú ngữ này còn xuất hiện trong Tạp. 雜 (T.02. 0099.604. 0165b11). Theo Phân tích giới Tỳ-kheo (Pācittiyapāḷi Bhikkhu), Phần vật thực (Bhojanavaggo), Điều học thứ hai, trong những bữa ăn do thí chủ hiến cúng thì có loại bữa ăn vào mỗi nửa tháng, gọi là pakkhikabhatta, thường được Hán dịch là “bán nguyệt thực, nguyệt phần thực, thập ngũ nhật thực” (半月食, 月分食, 十五日食) Luật ghi: Anāpatti samaye, dve tayo ekato bhuñjanti, piṇḍāya caritvā ekato sannipatitvā bhuñjanti, niccabhattaṃ, salākabhattaṃ, pakkhikaṃ, uposathikaṃ, pāṭipadikaṃ, pañca bhojanāni ṭhapetvā sabbattha anāpatti, ummattakassa, ādikammikassāti (Khi có duyên cớ, 2 hoặc 3 vị thọ thực chung, sau khi đi khất thực tụ hội chung lại (một chỗ) rồi thọ thực, trong bữa ăn thường kỳ, trong bữa ăn (phân phối) theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào ngày Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng, (thọ dụng) tất cả (các thức khác) thì không phạm tội trừ ra 5 loại vật thực, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội), Tỳ-khưu Indacanda dịch. Ngoài ra, trong Thanh tịnh đạo (Vism. 2.3); Tứ phần luật 四分律 (T.22. 1428.28. 0758c01); Giải thoát đạo luận 解脫道論 (T.32. 1648.2. 0406a22) cũng đề cập về các loại bữa ăn này.
[5] Nguyên tác: Hoài thọ (懷受): Mong được chỉ bày, mong được tự tứ. Tự tứ (自恣, pavāraṇā). Nam Hải ký quy nội pháp truyện 南海寄歸內法傳 (T.54. 2125.02. 0217b20) giải thích: Đó là nghi thức kết thúc mùa an cư trong năm, ngày đó gọi cho đủ chính là tùy ý, tức là nhờ người khác tùy theo
[6] việc (thấy, nghe, nghi) mà chỉ bày tội lỗi để trừ bỏ sai lầm. Cựu dịch là “tự tứ”, tức là dịch theo
nghĩa vậy (凡夏罷歲終之時, 此日應名隨意, 即是隨他於三事之中任意舉發說罪除愆之義. 舊云自恣者, 是義翻也).
[7] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
[8] Nhật Chủng Dận (日種胤, Ādiccabandhu): Dòng Họ Mặt Trời, ở đây chỉ cho đức Phật.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.