Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 44

1184. TẮM BẰNG CHÁNH PHÁP[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa trong nhân gian ở nước Câu-tát-la và nghỉ đêm bên bờ sông Tôn-đà-lợi.[2]

Bấy giờ, Thế Tôn mới cạo tóc. Vào lúc cuối đêm, Ngài lấy y trùm đầu rồi ngồi kiết-già, giữ thân ngay thẳng, thiền định tư duy, buộc niệm trước mặt.

Khi ấy, bên sông Tôn-đà-lợi có một Bà-la-môn đang sống. Vào lúc cuối đêm, Bà-la-môn thức dậy đem những thức ăn cúng tế còn dư đi đến bờ sông, muốn tìm Bà-la-môn có đức độ lớn để cúng dường.

Lúc đó, Thế Tôn nghe bước chân Bà-la-môn đi bên bờ sông liền lên tiếng đằng hắng rồi lấy chiếc y trùm đầu xuống. Bà-la-môn thấy Phật liền nghĩ thầm: “Đây là Sa-môn đầu trọc, không phải Bà-la-môn.” Ông ta định đem thức ăn trở về, nhưng lại nghĩ: “Đâu chỉ Sa-môn mới cạo trọc đầu, trong hàng Bà-la-môn cũng có người cạo đầu. Ta nên đến đó để hỏi xuất thân của ông ấy.” Bà-la-môn liền đi đến chỗ Thế Tôn hỏi rằng:

Ngài thuộc dòng tộc nào?

Thế Tôn nói kệ đáp:

Ông chớ hỏi dòng họ,
Chỉ nên hỏi việc làm,
Dùi cây làm mồi lửa,
Cũng có thể sanh lửa,
Trong dòng họ hạ tiện,
Sanh Mâu-ni kiên cường.
Trí tuệ, biết tàm quý,
Tinh tấn, khéo điều phục,
Hào quang bao trùm khắp,
Tu Phạm hạnh thanh tịnh,
Nay chính là đúng thời,
Nên cúng thức ăn dư.

Bà-la-môn nói kệ:

Hôm nay con may mắn,
Muốn cúng dường cầu phước,
Gặp được đấng Đại sĩ,
Tôn quý nhất ba đời,
Nếu không được gặp Phật,
Thời đã cúng người khác.

Bấy giờ, Bà-la-môn ở bên sông Tôn-đà-lợi thay đổi niềm tin, liền đem thức ăn dư ấy dâng cúng Thế Tôn. Thế Tôn không nhận vì nhân nói bài kệ mà được vị Bà-la-môn này cúng dường. (Do nói kệ mà được thức ăn đã nói đầy đủ ở trên).[3]

Bà-la-môn bạch Phật:

Bạch Thế Tôn! Bây giờ, con phải đem thức ăn dư này để đâu?

Phật đáp:

Ta không thấy chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, Sa-môn, Bà-la-môn, thiên thần hay người đời nào ăn thức ăn này vào mà thân thể được an ổn. Ông hãy đem thức ăn này bỏ vào trong nước không có trùng hoặc chỗ đất ít cỏ mọc.

Khi ấy, Bà-la-môn liền đem thức ăn này bỏ vào trong nước không có trùng, nước liền bốc khói sôi lên thành tiếng xèo xèo. Ví như đem viên sắt nóng bỏ vào trong nước lạnh, nước liền bốc khói phát ra tiếng xèo xèo. Thức ăn đó cũng như thế, bỏ vào nước không có trùng, nước liền bốc khói sôi lên thành tiếng xèo xèo. Bà-la-môn kinh hãi, toàn thân sởn gai ốc, cho là có tai họa, vội vàng chạy lên bờ gom củi khô cúng dường đền thờ lửa để dứt sự tai quái kia. Thế Tôn thấy ông ta gom củi khô cúng dường đền thờ lửa để cầu dứt sự tai quái ấy, liền nói kệ:

Bà-la-môn thờ lửa,
Đốt cháy cây cỏ khô,
Chớ cho đó thanh tịnh,
Trừ được các họa tai.
Cúng như vậy là sai,
Lại nghĩ rằng sáng suốt,
Tạo nhân duyên như thế,
Ngoại đạo cho là tịnh.
Ông hãy bỏ lửa củi,
Đốt lên ngọn lửa lòng,
Thường tu không buông lung,
Siêng hành pháp cúng dường.
Khởi tịnh tín khắp nơi,
Rộng bày hội bố thí,
Tâm ý là bó củi,
Sân si là khói đen,
Nói dối là bụi nhơ,
Miệng lưỡi là thìa gỗ.
Lòng dạ, nơi giữ lửa,
Lửa dục thường đốt thiêu,
Phải khéo tự điều phục,
Xứng danh người dập lửa.
Chánh tín là sông lớn,
Tịnh giới, bè qua sông,
Dòng nước lắng trong sạch,
Được người trí ngợi khen.
Người thiện lương nơi đời,
Nên tắm rửa trong đó,
Vào nước không ướt mình,
An ổn qua bờ kia.
Chánh pháp là ao sâu,[4]
Phước đức là bến nước,[5][6]
Nước trong sạch đầy tràn,
Được người trí tán thán.
Người thiện lương ở đời,
Nên tắm rửa trong đó,
Vào nước không ướt mình,
An ổn qua bờ kia.
Chân đế khéo điều ngự,
Nhiếp hộ tu Phạm hạnh,
Từ bi là khổ hạnh,
Tâm chân thật thanh tịnh,
Dùng Chánh pháp tắm rửa,
Được người trí khen ngợi.

Bấy giờ, Bà-la-môn sống bên sông Tôn-đà-lợi nghe lời Phật dạy xong, hoan hỷ và tùy hỷ rồi trở lại đường cũ mà đi.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1184. 0320b21). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.99. 0408c27); S. 7.9 - I. 167.

[2] Nguyên tác: Tôn-đà-lợi (孫陀利, Sundarikā).

[3] Xem Tạp. 雜 (T.02. 0099.1157. 0308a03).

[4] Nguyên tác: Thâm uyên (深淵). S. 7.9 - I. 358: Rahada (ao, hồ).

[5] Nguyên tác: Phước đức vi hạ tế (福德為下濟). Tế (濟) dùng theo nghĩa dừng nghỉ (停止). S. 7.9 - I. 358: Sīlatittho (Giới là bến nước tắm), HT. Thích Minh Châu dịch.

[6] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1185. 0321a24). Tham chiếu: Thủy Tịnh Phạm chí kinh 水淨梵志經 (T.01. 0026.93. 0575a19); Tăng. 增 (T.02. 0125.13.5. 0573c01); Phạm chí Kế Thủy Tịnh kinh 梵志計水淨經 (T.01. 0051. 0843c16); M. 7. Vatthūpama Sutta (Kinh ví dụ tấm vải).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.