Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 44
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật du hóa trong nhân gian ở nước Câu-tát-la và nghỉ đêm trong rừng Sa-la.
Bấy giờ, có vị Bà-la-môn cùng năm trăm thiếu niên Bà-la-môn sống bên cạnh khu rừng. Bà-la-môn ấy thường khen ngợi và mong muốn được gặp Thế Tôn: “Khi nào Thế Tôn du hành đến khu rừng này, nhân đó ta sẽ được gặp Ngài để hỏi những điều còn nghi. Không biết Ngài có thời gian để giải đáp cho ta không?”
Khi ấy, có người đệ tử thiếu niên của Bà-la-môn ấy vào rừng kiếm củi, từ xa trông thấy Thế Tôn ngồi bên cội cây, dung nghi đoan chánh, các căn vắng lặng, tâm thể định tĩnh, thân như núi vàng, hào quang chiếu diệu, liền nghĩ: “Thầy mình thường khen ngợi và mong ước được gặp Ngài Cù-đàm để hỏi những điều còn nghi ngờ. Nay Sa-môn Cù-đàm lại đang ở trong rừng này, ta phải chạy nhanh về báo cho thầy ta biết.” Người đệ tử liền ôm bó củi chạy nhanh về, bỏ củi xuống rồi vội vàng đến thưa với thầy mình:
– Thưa thầy! Lâu nay thầy thường khen ngợi, kính ngưỡng và mong muốn Sa-môn Cù-đàm đến rừng này để được gặp và hỏi những điều còn nghi ngờ. Nay Sa-môn Cù-đàm đã đến rừng này, xin thầy biết đã đúng lúc.
Khi ấy, Bà-la-môn vội vã đến chỗ Phật, sau khi thăm hỏi xong, ngồi sang một bên và nói kệ:
Một mình vào chốn nguy,
Trong rừng rậm thâm u,
Đứng vững không lay động,
Khéo tu pháp chánh cần.
Không ca múa âm nhạc,
Im lặng ở chỗ vắng,
Tôi chưa từng thấy ai,
Một mình vui rừng sâu.
Muốn tìm ở thế gian,
Đấng Tự Tại tăng thượng,
Là trời Ba Mươi Ba,
Tự tại vui cõi trời,
Cớ sao vào rừng sâu,
Khổ hạnh tự hư hao?
Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu còn nhiều mong cầu,
Mê đắm nơi các cõi,
Tất cả chúng đều là,
Cội gốc của ngu si.
Những mong cầu như thế,
Ta đã bỏ từ lâu,
Không mong cầu, dối lừa,
Tất cả không tiếp xúc.
Đối với tất cả pháp,
Chỉ quán chiếu thanh tịnh,
Được vô thượng Bồ-đề,
Thiền định tu chánh lạc.
Bà-la-môn nói kệ:
Nay con kính lễ Ngài,
Đấng Mâu-ni tịch tịnh,
Vua Thiền định vi diệu,
Bậc Đại giác vô biên.
Như Lai cứu trời, người,
Vòi vọi như núi vàng,
Giải thoát khỏi rừng rậm,
Ở rừng, không đắm trước.
Đã nhổ sạch gai nhọn,
Thanh tịnh không dấu vết,
Thượng thủ hàng luận sư,
Biện tài hơn tất cả,
Sư tử trong loài người,
Rống chấn động rừng sâu.
Hiển bày khổ Thánh đế,
Tập, diệt, tám Thánh đạo,
Dứt hết các khổ tụ,
Thanh tịnh không cấu uế.
Giải thoát tất cả khổ,
Cứu khổ cho chúng sanh,
Muốn chúng sanh an lạc,
Nên diễn nói Chánh pháp.
Bậc đã sạch ân ái,
Xa lìa khỏi lưới dục,
Dứt trừ hết tất cả,
Trói buộc của hữu ái.
Như hoa sen trong nước,
Không dính bẩn bùn nhơ,
Như mặt trời giữa không,
Trong sáng, không mây che.
Con hôm nay may mắn,
Đến rừng Câu-tát-la,
Được gặp đấng Đại sư,
Bậc Thầy Lưỡng Túc Tôn.
Đại Tinh Tấn trong rừng,
Người độ sanh bậc nhất,
Điều Ngự Sư trên hết,
Kính lễ đấng Vô Úy.
Khi ấy, Bà-la-môn nói kệ khen ngợi Phật xong, nghe lời Phật dạy, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi ra về.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1183. 0319c27). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.97. 0408a10); S. 7.18 - I. 180.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.