Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 44

1181. RUỘNG PHƯỚC THANH TỊNH[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa trong nhân gian ở nước Câu-tát-la rồi đến làng Phù-lê, ngụ trong vườn Am-la của Bà-la-môn Thiên Tác.[2] Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-ma[3] đang làm thị giả cho Phật.

Khi đó, Thế Tôn bị đau lưng nên bảo Tôn giả Ưu-ba-ma:

Thầy cất y bát xong, hãy đến nhà của Bà-la-môn Thiên Tác.

Lúc này, Bà-la-môn Thiên Tác đang ở trong nhà, sai người chải đầu và chỉnh sửa râu tóc cho ông, chợt nhìn thấy Tôn giả Ưu-ba-ma đang đứng ngoài cửa, ông liền dùng kệ hỏi:

Vì sao cạo râu tóc,
Thân mặc áo cà-sa,[4]
Đang đứng ngoài cửa đó,
Muốn xin gì nơi ta?

Tôn giả Ưu-ba-ma nói kệ đáp:

Đấng Thiện Thệ, La-hán,
Bị trúng gió, đau lưng,[5]
Ông có nước an lạc,
Chữa cho Mâu-ni chăng?

Khi ấy, Bà-la-môn Thiên Tác đem ra một bát đầy tô lạc, một bình dầu, một bình đường phèn, rồi bảo người làm xách bình nước nóng đi theo Tôn giả Ưuba-ma đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, Tôn giả lấy dầu xoa lên thân Thế Tôn, dùng nước nóng lau rửa, rồi khuấy tô lạc và đường phèn để Thế Tôn uống, Thế Tôn liền khỏe lại, không còn đau lưng.

Sáng hôm sau, Bà-la-môn Thiên Tác dậy thật sớm, đi đến chỗ Phật, lạy sát chân Ngài, ngồi sang một bên rồi dùng kệ hỏi:

Sao gọi Bà-la-môn?
Thí gì được quả lớn?
Thí nào là đúng thời?
Đâu là ruộng phước sạch?

Thế Tôn nói kệ đáp:

Nếu được Túc mạng trí,
Thấy cõi trời, cõi ác,[6]
Sạch hết các hữu lậu,
Bậc Mâu-ni Tam minh.
Khéo biết tâm giải thoát,
Giải thoát tất cả tham,
Mới gọi Bà-la-môn,
Thí vị này, phước lớn,
Thí đây thí đúng thời,
Là ruộng phước đáng gieo.

Khi ấy, Bà-la-môn Thiên Tác nghe Phật nói xong, hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ rồi ra về.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1181. 0319b15). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.95. 0407b12); S. 7.13 - I. 174.

[2] Thiên Tác (天作, Devahita).

[3] Ưu-ba-ma (優波摩, Upavāṇa).

[4] Nguyên tác: Tăng-ca-lê (僧迦梨, Saṅghāṭi), cũng gọi là Tăng-già-lê (僧伽梨).

[5] Nguyên tác: Hoạn bối phong tật (患背風疾). S. 7.13 - I. 174: vātehābādhiko / vātehābādhito (bị cảm mạo).

[6] Nguyên tác: Kiến thiên định thú sinh (見天定趣生, saggāpāyañca passati).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.