Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 44

1179. MẤT BÒ[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại tinh xá Đại Lâm, thuộc nước Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ, có vị Bà-la-môn tên là Tinh Tấn Bà-la-đậu-bà-giá,[2] sáng sớm đi mua bò, nhưng chưa kịp trả tiền[3] thì đã bị mất bò ngay hôm đó, sáu ngày sau vẫn chưa tìm thấy.

Khi ấy, Bà-la-môn đi tìm bò, lần hồi đến tinh xá Đại Lâm. Từ xa, thấy Thế Tôn ngồi bên cội cây, dung nghi đĩnh đạc, các căn thanh tịnh, tâm thể vắng lặng, thành tựu chỉ quán, toàn thân sắc vàng, hào quang chiếu diệu.

Thấy như vậy rồi, ông liền đến trước Phật rồi dùng kệ hỏi:

Vì sao không mong cầu,
Lặng lẽ ở nơi đây,
Một mình nơi chỗ vắng,
Mà tâm được an lạc?

Thế Tôn nói kệ đáp:

Đối với sự được mất,
Tâm Ta không tán loạn,
Bà-la-môn nên biết,
Chớ nói ông giống Ta,
Tâm mưu tính được mất,
Tâm ấy không tự tại.

Ông Bà-la-môn lại nói kệ:

Chỗ Phạm chí tối thắng,
Như Tỳ-kheo đã nói,
Nay tôi sẽ tự nói
Lời chân thật, lắng nghe.
Sa-môn quyết không như
Người mất bò buổi sáng,
Sáu ngày tìm không được,
Thế nên sống an lạc.
Sa-môn quyết không như
Người gieo trồng ruộng mè,
Lo sợ bị cỏ phủ,
Thế nên sống an lạc.
Sa-môn quyết không như
Người gieo lúa, thiếu nước,
Sợ lúa khô chết héo,
Thế nên sống an lạc.
Sa-môn quyết không như
Quả phụ có bảy người,
Đều nuôi con côi cút,
Thế nên sống an lạc.
Sa-môn quyết không có
Bảy đứa con đáng chán,
Phóng túng nợ nần nhiều,
Thế nên sống an lạc.
Sa-môn quyết không có
Chủ nợ đứng ngay cửa,
Tìm đòi của vay mượn,
Thế nên sống an lạc.
Sa-môn quyết không có
Đồ nằm dày bảy lớp,
Lo lắng bắt rận rệp,
Thế nên sống an lạc.
Sa-môn quyết không có
Vợ mắt đỏ, tóc vàng,[4]
Ngày đêm nghe tiếng xấu,
Thế nên sống an lạc.
Sa-môn quyết không có
Kho rỗng, đàn chuột giỡn,
Thường lo lắng, gầy ốm,
Thế nên sống an lạc.

Thế Tôn nói kệ đáp:

Nay Ta quyết không như
Kẻ mất bò sáng sớm,
Sáu ngày tìm không ra,
Thế nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không như
Người gieo trồng ruộng mè,
Thường sợ bị cỏ phủ,
Thế nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không như
Người làm ruộng thiếu nước,
Sợ cây lúa chết khô,
Thế nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không như
Quả phụ có bảy người,
Nuôi dưỡng con côi cút,
Thế nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không có
Bảy đứa con đáng chán,
Phóng túng, nợ nần nhiều,
Thế nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không có
Chủ nợ giữ trước cửa,
Tìm đòi của vay mượn,
Thế nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không có
Đồ nằm dày bảy lớp,
Lo lắng bắt rận rệp,
Thế nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không có
Vợ mắt đỏ, tóc vàng,
Ngày đêm nghe tiếng ác,
Thế nên sống an lạc.
Nay Ta quyết không có
Kho rỗng, đàn chuột giỡn,
Thường lo lắng, gầy ốm,
Thế nên sống an lạc.
Không xả niệm, không niệm,
Chúng sanh sống an lạc,
Đoạn dục, lìa ân ái,
Mà được sống an lạc.

Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp, mở bày, chỉ dạy, khích lệ giúp Bà-la-môn Tinh Tấn Bà-la-đậu-bà-giá được hoan hỷ.[5] Rồi theo pháp thường của chư Phật, Ngài thuyết pháp tuần tự về bố thí, trì giới,... (cho đến) ở trong Chánh pháp được tâm vô úy. Bà-la-môn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay bạch Phật:

Nay con có được xuất gia trở thành Tỳ-kheo, tu Phạm hạnh ở trong Giáo pháp và Giới luật này không?

Phật bảo Bà-la-môn:

Nay ông có thể ở trong Giáo pháp và Giới luật này xuất gia, thọ Cụ túc giới, tu các Phạm hạnh,... (cho đến) chứng quả A-la-hán, tâm giải thoát hoàn toàn.[6]

Bấy giờ, Bà-la-môn Tinh Tấn Bà-la-đậu-bà-giá đã chứng quả A-la-hán, tự biết được an lạc, giải thoát, liền nói kệ:

Nay ta thật an lạc,
Ở trong pháp Đại tiên,
Được niềm vui lìa dục,
Không uổng công thấy Phật.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1179. 0318b12). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.93. 0406a26); S. 7.10 - I. 170.

[2] Nguyên tác: Tỳ-lê-da Bà-la-đậu-bà-giá (毘梨耶婆羅豆婆遮). Căn cứ vào phần cuối kinh, tên của vị

Bà-la-môn này được gọi là “Tinh Tấn Bà-la-đậu-bà-giá” (精進婆羅豆婆遮). Ở đây, chữ “Tinh Tấn” (精進) tương đương Pāli là Viriya và được phần đầu kinh phiên âm là “Tỳ-lê-da” (毘梨耶). Còn chữ “Bàla-đậu-bà-giá” (婆羅豆婆遮) vốn được phiên âm từ Bhāradvāja.

[3] Vị thường kỳ mại (未償其價): Chưa thanh toán khoản tiền mua bò (還沒有付清牛的款項).

[4] Nguyên tác: Xích nhãn hoàng phát phụ (赤眼黃髮婦), chỉ cho thiếu phụ luống tuổi (黃髮) và đã có chồng (黃臉婆). Ở đây, “xích nhãn” (赤眼) có lẽ được dịch từ piṅgalā, vừa có nghĩa là mắt đỏ, vừa có nghĩa là mặt rỗ hoặc tàn nhang. Theo S. 7.10 - I. 170, cú ngữ này có nguyên tác: piṅgalā tilakāhatā, được HT. Thích Minh Châu dịch là “vợ đen, mặt rỗ.”

[5] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).

[6] Nguyên tác: Thiện giải thoát (善解脫, suvimutta). Xem chú thích 54, kinh số 22, quyển 1, tr. 19; Tạp. 雜 (T.02. 0099.22. 0004c20).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.