Tam tạng Thánh điển PGVN 21 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 05 »
TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
QUYỂN 44
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Am-la, thuộc nước Di-hy-la.2
Bấy giờ, có thiếu phụ Bà-la-môn tên Bà-tứ-tra[2] có sáu người con bỗng nhiên lần lượt qua đời. Vì quá nhớ thương con nên bà phát điên, xõa tóc, lõa hình, chạy cùng đường và đến trong vườn Am-la.
Khi ấy, Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô lượng đại chúng vây quanh. Từ xa, thiếu phụ Bà-la-môn trông thấy Thế Tôn chợt choàng tỉnh, sanh lòng xấu hổ, che lại thân mình, khép nép ngồi xuống.
Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
– Hãy lấy chiếc y Uất-đa-la-tăng của thầy đem cho Bà-tứ-tra kia khoác vào để nghe pháp!
Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, đưa y cho bà khoác vào. Bấy giờ, thiếu phụ Bà-la-môn khoác y rồi đến trước Phật, cúi đầu lễ Phật rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn vì bà ta mà thuyết pháp, mở bày, dạy bảo, khích lệ, khiến cho hoan hỷ[3] xong, giống như thường pháp của chư Phật, Thế Tôn thuyết pháp theo thứ lớp,... (cho đến) tín tâm thanh tịnh, tự thọ Tam quy. Sau khi nghe Phật thuyết pháp, bà ta hoan hỷ và tùy hỷ, đảnh lễ Phật rồi ra về.
Sau đó, đứa con thứ bảy của ưu-bà-di Bà-tứ-tra bỗng nhiên qua đời, nhưng lần này bà không còn khóc than, buồn rầu, khổ não. Bấy giờ, chồng bà nói kệ với bà ấy:
Những đứa con trước chết,
Nhớ thương sanh đau buồn,
Ngày đêm không ăn uống,
Cho đến phát loạn cuồng,
Nay chôn đứa thứ bảy,
Sao lại không đau buồn?
Bà nói kệ đáp:
Con cháu có cả ngàn,
Nhân duyên hòa hợp sanh,
Luôn trôi về quá khứ,
Tôi và ông cũng thế.
Con cháu và dòng họ,
Số ấy không hạn lượng,
Nơi mỗi chỗ thọ sanh,
Tàn sát ăn nuốt nhau.
Biết cốt lõi đời sống,
Sanh buồn khổ làm gì,
Tôi đã biết ra khỏi,
Sự sống chết, còn mất,
Không còn sanh buồn khổ,
Vì vào Chánh pháp Phật.
Người chồng dùng kệ khen:
Tôi chưa nghe pháp này,
Nay mới nghe bà nói,
Nghe pháp này ở đâu,
Mà dứt khổ thương con?
Bà nói kệ đáp:
Hôm nay, đấng Chánh Giác,
Ở nước Di-hy-la,
Trong vườn cây Am-la,
Bậc Lìa tất cả khổ.
Diễn nói tất cả khổ,
Khổ tập, khổ tịch diệt,
Đường Thánh gồm tám chi,
An ổn đến Niết-bàn.
Đó là Thầy của tôi,
Rất mến pháp của Ngài,
Nhờ hiểu được Chánh pháp,
Tôi hết khổ nhớ con.
Người chồng lại nói kệ:
Nay tôi cũng sẽ đến,
Vườn Am-la, Di-hy,
Đức Thế Tôn cũng sẽ
Dạy tôi bỏ ưu phiền.
Bà nói kệ đáp lại:
Nên biết Đẳng Chánh Giác,
Thân sắc vàng mềm mại,
Điều phục người khó điều,
Đưa người qua bể khổ.
Bấy giờ, Bà-la-môn liền vội vã lên xe ngựa đến vườn Am-la thuộc nước Di-hy-la. Ông vừa thấy Phật, liền tăng thêm lòng kính tin, ngưỡng mộ, liền đến trước Đại sư.
Khi ấy, Thế Tôn[4] nói kệ khai mở pháp nhãn cho ông, nói về khổ, tập, diệt, đạo, hướng đến Niết-bàn. Ông ấy liền thấy pháp, thành tựu giác ngộ,[5] rồi thông hiểu pháp, thỉnh cầu xuất gia. Được Thế Tôn cho xuất gia rồi, ông một mình ở chỗ thanh vắng, tư duy thiền định cho đến đắc A-la-hán.
Thế Tôn thọ ký rằng: “Vào đêm thứ ba, ông ấy sẽ đắc Ba minh.” Sau khi Bà-la-môn chứng đắc Ba minh, đức Thế Tôn liền nói:
Thầy hãy sai người đánh xe mang xe về nhà và nói cho ưu-bà-di Bà-tứtra biết để bà ấy phát khởi lòng tùy hỷ, rằng: “Bà-la-môn đến gặp Thế Tôn, đã khởi lòng tin thanh tịnh, kính thờ làm Thầy, được Thế Tôn thuyết pháp và khai mở pháp nhãn, thấy được Thánh đế về khổ, Thánh đế về nguyên nhân của khổ, Thánh đế về khổ diệt và tám chi Thánh đạo, an ổn thẳng đến Niết-bàn, thành tựu giác ngộ. Sau khi hiểu pháp, ông xin Phật xuất gia và Thế Tôn đã thọ ký vào đêm thứ ba ông ấy chứng đắc Ba minh.”
Khi đó, người đánh xe vâng lời căn dặn, nhanh chóng trở về nhà.
Ưu-bà-di Bà-tứ-tra từ xa trông thấy người đánh xe đi xe không trở về, liền hỏi:
Ông chủ có gặp được Phật không? Phật có thuyết pháp, khai thị pháp nhãn cho ông ấy thấy Thánh đế không?
Người đánh xe đáp:
Thưa, ông chủ đã gặp Thế Tôn, được lòng tin thanh tịnh và kính thờ Phật làm Thầy, lại được Thế Tôn khai mở pháp nhãn, dạy bốn Thánh đế, nên đã thành tựu giác ngộ. Sau khi thấu rõ pháp, ông chủ xin xuất gia và chuyên tinh tư duy thiền định. Thế Tôn đã thọ ký vào đêm thứ ba ông chủ đắc Ba minh.
Bà vợ nghe xong, trong lòng tùy hỷ, nói với người đánh xe:
Thưởng cho ông chiếc xe ngựa này và một ngàn đồng tiền vàng, vì ông đã báo tin rằng: “Bà-la-môn Túc-xá-đế đã chứng Ba minh”, khiến lòng ta hoan hỷ.
Người đánh xe đáp:
Nay con đâu cần xe ngựa và tiền vàng làm gì? Xin gửi lại xe ngựa và tiền vàng cho bà. Nay con sẽ đi theo ông chủ xin xuất gia.
Ưu-bà-di nói:
Ý cậu đã quyết thì hãy mau trở lại để theo ông chủ xuất gia, không bao lâu chắc cũng đầy đủ Ba minh như ông chủ.
Người đánh xe thưa:
Đúng vậy, thưa bà! Ông chủ đã xuất gia, con cũng muốn như thế.
Ưu-bà-di nói:
Ông chủ đã xuất gia, cậu cũng xuất gia theo, chắc không bao lâu ta cũng sẽ đi xuất gia. Giống như con rồng chúa nương hư không bay đi thì những rồng con là rồng bé trai, rồng bé gái cũng đều bay theo. Ta cũng như thế, sẽ ôm bát, đắp y, sống đời giản dị.
Người đánh xe thưa:
Nếu ý nguyện của bà như vậy, ắt sẽ thành tựu. Không bao lâu nữa sẽ thấy bà cạo tóc, mặc áo hoại sắc, ít muốn biết đủ, đắp y, ôm bát đi đến từng nhà khất thực. Bà sẽ được đoạn trừ ái dục, xa lìa sự trói buộc của tham và dứt hết các phiền não đối với ấm, giới, nhập.
Như vậy, ông Bà-la-môn, người đánh xe, bà ưu-bà-di Bà-tứ-tra và cô con gái là Tôn-đà-bàn-lê đều xuất gia, rồi họ đều vượt thoát khổ đau.
[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1178. 0317b22). Tham chiếu: Biệt Tạp. 别雜 (T.02. 0100.92. 0405b03); Thīg. 136, Vāseṭṭhītherīgāthā (Kệ ngôn của Trưởng lão Ni Vāseṭṭhī). 2 Di-hy-la (彌絺羅, Mithilā).
[2] Bà-tứ-tra (婆四吒, Vāseṭṭhī).
[3] Nguyên tác: Thị, giáo, chiếu, hỷ (示, 教, 照, 喜). Xem chú thích 24, kinh số 92, quyển 4, tr. 105; Tạp. 雜 (T.02. 0099.92. 0023c18).
[4] Nguyên tác: Đại sư (大師).
[5] Nguyên tác: Thành vô gián đẳng (成無間等). Xem chú thích 60, kinh số 23, quyển 1, tr. 21; Tạp. 雜 (T.02. 0099.23. 0005b03).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.