Viện Nghiên Cứu Phật Học

QUYỂN 43

1172. VÍ DỤ GIỎ RẮN ĐỘC[1]

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cù-sư-la, thuộc nước Câu-diệm-di.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ví như có bốn con rắn độc hung dữ, nọc độc cực mạnh và bị nhốt chung trong một cái giỏ. Bấy giờ, có một người thông minh, trí tuệ, chán khổ cầu vui, mong cầu sự sống, nhàm chán sự chết.

Lúc ấy, có một người khác nói với anh ta rằng: “Này anh! Hãy giữ cái giỏ nhốt rắn độc này, siêng năng lau chùi, tắm rửa, gần gũi chăm sóc, cho chúng ăn uống, ra vào đúng giờ. Nếu để bốn con rắn độc này thoát ra thì rất nguy hại, nó sẽ cắn anh chết hoặc gần như chết. Anh nên đề phòng!” Khi ấy, anh ta nghe nói thì hoảng sợ bỏ chạy.

Lại nghe người kia nói:[2] “Có năm kẻ oán, cầm dao đuổi theo, muốn giết hại anh. Anh hãy đề phòng!”

Trong lúc anh ta đang bỏ chạy vì sợ bốn con rắn độc và năm kẻ thù cầm dao rượt đuổi lại nghe người kia nói: “Này anh! Bên trong còn có sáu tên giặc đang rình rập, nếu có cơ hội, chúng sẽ giết anh. Anh hãy cẩn thận!”

Bấy giờ, anh ta vì sợ bốn con rắn độc, năm kẻ oán thù cầm dao, với sáu tên giặc bên trong, nên kinh hãi bỏ chạy vào trong một ngôi làng vắng. Tại đây, anh ta thấy một căn nhà trống mục nát sắp sập, trong nhà đó lại có những vật dụng hư xấu, đụng đến sẽ đổ vỡ, không có gì chắc thật.

Lại nghe người kia nói: “Này anh! Đây là thôn xóm vắng vẻ, sẽ có bọn cướp đến giết hại anh.”

Khi ấy, anh ta vì sợ bốn con rắn độc, năm kẻ thù cầm dao, sáu tên cướp bên trong và một bọn cướp trong thôn vắng, nên anh ta tiếp tục chạy. Chợt gặp một con sông lớn chắn ngang đường, sông sâu nước xiết. Anh ta cảm thấy bờ bên này có quá nhiều hiểm nguy, đáng sợ, còn bờ bên kia an ổn hân hoan và mát mẻ, không có cảnh đáng sợ nhưng lại không có cầu hay thuyền để qua được bờ kia. Anh ta suy nghĩ: “Ta hãy lấy cây và cỏ kết thành một chiếc bè, dùng tay chân làm mái chèo để qua bờ bên kia.” Thế là anh ta liền gom cây và cỏ bên bờ sông kết lại thành chiếc bè, dùng tay chân làm chèo vượt dòng để qua sông.

Như vậy, người này thoát khỏi bốn con rắn độc, năm kẻ thù cầm dao, sáu tên giặc ác bên trong và bọn giặc nơi thôn xóm vắng, vượt qua sông sâu, bỏ lại những sợ hãi ở bờ bên này, đến được bờ bên kia an ổn hân hoan.

Này các Tỳ-kheo! Ta nói ví dụ đó là để giải thích nghĩa này: Cái giỏ là dụ cho sắc thân bốn đại thô phù. Thân thể bốn đại này do tinh cha huyết mẹ tạo thành, được nuôi dưỡng bởi thức ăn tạp uế, được tắm rửa và che đậy bởi y phục. Đó đều là những pháp vô thường, mong manh, biến hoại. Bốn con rắn độc là dụ cho bốn đại đất, nước, gió, lửa. Nếu như địa đại xung đột thì có thể làm cho thân này chết, hoặc là gần như chết. Nếu nước, lửa, gió xung đột thì cũng lại như thế. Năm kẻ thù cầm dao rượt đuổi là dụ cho năm thủ uẩn. Sáu tên giặc ác bên trong là dụ cho sáu ái hỷ. Bọn cướp nơi thôn vắng là dụ cho sáu căn.

Này các Tỳ-kheo![3] Hãy quán sát sáu căn là pháp vô thường biến hoại, những yếu tố duy trì nhãn căn cũng là pháp vô thường, giả dối. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn cũng giống như vậy. Bọn cướp nơi xóm vắng là dụ cho sáu trần. Mắt bị sắc đẹp hoặc xấu làm hại; tai đối với tiếng, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc, ý đối với pháp hoặc vừa ý hoặc không vừa ý làm hại. Dòng nước chảy xiết dụ cho bốn lưu là dục lưu,[4] hữu lưu,[5] kiến lưu[6] và vô minh lưu.[7] Con sông dụ cho ba ái là dục ái, sắc ái và vô sắc ái.[8] Bờ bên này nhiều nỗi sợ hãi là dụ cho thân này. Bờ bên kia an ổn hân hoan là dụ cho Vô dư Niết-bàn.[9] Chiếc bè là dụ cho tám chi Thánh đạo. Tay chân làm phương tiện vượt dòng bơi qua sông là dụ cho tinh tấn dũng mãnh đến bờ kia. Trụ xứ của Bà-la-môn là dụ cho Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác.

Như vậy, này các Tỳ-kheo! Đại sư đã từ bi an ủi đệ tử. Những điều cần làm Như Lai đã làm xong, nay các thầy cũng phải nên làm những điều cần làm. Hãy đến những nơi thanh vắng, hoặc nơi cội cây hay trong phòng xá thanh tịnh, trải cỏ làm tòa, hoặc chỗ đất trống hay chốn gò mả, ngồi yên buông bỏ, tinh tấn thiền định, chớ có buông lung mà về sau hối hận! Đây là giáo pháp mà Như Lai đã truyền dạy.

Đức Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.

 

Chú thích:

[1] Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.1172. 0313b14). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.31.6. 0669c02); S. 35.238 - IV. 172.

[2] Nguyên tác không có 4 chữ: Nhân phục ngữ ngôn (人復語言). Bản dịch bổ sung do căn cứ vào đoạn kinh sau để văn mạch liền lạc.

[3] Nguyên tác: Thiện nam tử (善男子). Trong ngữ cảnh này, dịch giả chọn từ “Tỳ-kheo” phù hợp hơn.

[4] Dục lưu (欲流, kāmaogha) còn gọi là “dục bạo lưu.” Những “tư hoặc” như tham, sân... trói buộc khiến chúng sanh trôi lăn trong Dục giới nên gọi là “dục lưu.”

[5] Hữu lưu (有流, bhavogha) còn gọi là “hữu bạo lưu.” “Hữu” nghĩa là nhân quả không mất; “lưu” là trôi mãi không dừng. Đó là những phiền não trong Sắc giới và Vô Sắc giới, bao hàm “kiến hoặc” và “vô minh hoặc.”

[6] Kiến lưu (見流, diṭṭhogha). Do “kiến hoặc” mà lưu chuyển trong ba cõi không thể thoát ra nên gọi là “kiến lưu.”

[7] Vô minh lưu (無明流, avijjogha). Vô minh là thứ phiền não khiến chúng sanh trôi lăn trong biển sanh tử không cùng tận.

[8] Dục ái, sắc ái và vô sắc ái (欲愛, 色愛, 無色愛): Tham đắm 5 dục, gọi là dục ái. Tham đắm cõi Sắc từ trời Phạm Chúng đến trời Sắc Cứu Cánh gọi là Sắc ái. Tham đắm cõi Vô Sắc gọi là vô sắc ái.

[9] Vô dư Niết-bàn (無餘涅槃). Tăng. 增 (T.02. 0125.16.2. 0579a17) định nghĩa: Thế nào gọi là cảnh giới Vô dư Niết-bàn? Đó là, vị Tỳ-kheo dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, tự thân tác chứng rồi tự an trú và biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Đó gọi là cảnh giới Vô dư Niết-bàn

(云何名為無餘涅槃界? 於是, 比丘盡有漏成無漏, 意解脫, 智慧解脫自身作證而自遊戲: 生死已

盡, 梵行已立, 更不受有, 如實知之, 是謂為無餘涅槃界). Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.031. 0288c06) bổ sung: Thân ngũ uẩn của bậc Thánh trong đời hiện tại được đoạn trừ, lại không tiếp tục thọ thân nữa nên gọi là Vô dư Niết-bàn (聖人今世所受五眾盡, 更不復受, 是名無餘涅槃). A. 7.55 - IV. 70 gọi là Niết-bàn không còn chấp thủ (Anupādāparinibbāna, 無取著般涅槃).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.